* Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra sôi nổi, đi thẳng vào vấn đề
Sau 3 ngày làm việc khẩn trương, dân chủ, trí tuệ, chiều 14-7, kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa V đã bế mạc.
Sau khi thư ký kỳ họp thông qua báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ, kỳ họp tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn các giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa và Trưởng ban Quản lý Các Khu công nghiệp...
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Chi phát biểu tại buổi làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa V – Ảnh: Nguyên Lưu |
HẠ TẦNG GIAO THÔNG CÒN NHIỀU VƯỚNG MẮC
Trong phiên chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Đỗ Trí Sơn đã đăng đàn đầu tiên trả lời về những tồn tại của tuyến đường gom, đường dân sinh hai bên đoạn QL1A mới qua xã Hòa Thành và ở các nút giao thông khác. Việc này Ban quản lý các dự án 18 đã chấp thuận thi công đường gom phía Bắc (mố A1), chỉ còn đường hoàn trả vào Công ty CNNTS Phú Yên chưa được triển khai xây dựng, với lý do hạng mục phát sinh này chưa được Bộ GTVT phê duyệt. Sở GTVT đã báo cáo vấn đề này với Bộ GTVT và Bộ đã có văn bản số 3665/BGTVT xử lý dứt điểm các tồn tại thi công 3 tiểu dự án, một số hạng mục sử dụng vốn dư, dự án khôi phục 5 cầu QL1A giai đoạn II-3, yêu cầu Ban QLCDA18 chỉ đạo tư vấn và nhà thầu hoàn thiện các hạng mục còn lại trước ngày 23-10-2006. Riêng ý kiến về đường gom từ nút giao thông ĐT645 đến cống chui dân sinh, Ban QLCDA18 không chấp thuận, với lý do nhà tài trợ không đồng ý. Sở GTVT đề nghị địa phương đưa tuyến đường này vào chương trình phát triển giao thông nông thôn năm 2007.
Giải trình các câu hỏi chất vấn của các đại biểu Ngô Đình Quốc, Đào Tấn Hoàng, Phạm Thị Thùy Lê về việc khắc phục tai nạn giao thông ở điểm giao giữa đường 1 Tháng 4 với đường sắt, về tu sửa, nâng cấp xã lộ 20 và hai bên ta-luy cầu Minh Đức, về nâng cấp ĐT643…, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đỗ Trí Sơn cho biết: Ngày 16-6-2006, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã có văn bản trả lời UBND tỉnh Phú Yên và đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh, bổ sung dự án cho phép nâng cấp phòng vệ từ loại hình phòng vệ bằng tín hiệu cảnh báo tự động sang phòng vệ băng rào chắn có người gác đối với đường ngang tại Km 1195+400 giữa đường sắt và đường 1 Tháng 4. Hiện nay, tỉnh đã đăng ký đầu tư tuyến ĐT643 (nay chuyển thành ĐT650) vào dự án giao thông nông thôn từ nguồn vốn WB3, dự kiến sẽ đầu tư vào năm 2007. Dự án nâng cấp tuyến xã lộ 20 thi công một phần còn dở dang do nhà thầu không đủ năng lực tài chính. Sở đã làm việc với Ban Điều hành dự án cầu Đà Rằng có biện pháp hỗ trợ cho nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ thi công. Trong tháng 7-2006, Ban điều hành sẽ trực tiếp vào khắc phục toàn tuyến và đến tháng 8-2006 sẽ bàn giao, trong đó có phần tồn tại của cầu Minh Đức.
THỦ TỤC ĐẦU TƯ CÒN RƯỜM RÀ
Phần chất vấn và trả lời chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Hiến sôi động hẳn lên. Các đại biểu đã nêu những vấn đề nỏng bỏng như thủ tục đầu tư rườm rà qua nhiều “cửa”; tiến độ xây dựng các công trình chậm, kém chất lượng; chưa cân đối vốn đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản…
HĐND TỈNH THÔNG QUA 7 NGHỊ QUYẾT 1. Nghị quyết về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng năm 2006. 2. Nghị quyết về thực hiện dự toán thu, chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2006. 3. Nghị quyết về ban hành khung mức thu phí sử dụng cảng cá, mức thu phí thư viện trên địa bàn tỉnh. 4. Nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2006 – 2010) 5. Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2006 – 2010 của tỉnh Phú Yên. 6. Nghị quyết về giải quyết việc làm, đào tạo nghề, giảm nghèo, xóa nhà ở tạm cho hộ nghèo giai đoạn 2006 – 2010. 7. Nghị quyết về tập trung chỉ đạo thực hiện dự án “Hạ tầng đô thị
Đại biểu Bá Thanh Kia chất vấn: “Từ năm 1999 – 2000 huyện Sơn Hòa có xây dựng đề án hồ chứa nước Tân Hiên, sau đó chuyển cho Sở NN và PTNT làm chủ đầu tư, nhưng vì sao đến nay vẫn chưa thấy đưa vào kế hoạch xây dựng công trình này?”. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chi Hiến cho biết, Trong tháng 4-2006, làm việc với đoàn công tác về vốn ODA của Chính phủ, UBND tỉnh có công văn số 42/UB đề xuất dự án: Cơ sở hạ tầng nông thôn nhằm cải thiện sinh kế bền vững miền Trung, trong đó có công trình hồ Tân Hiên. Hiện nay, dự án này đang được Bộ NN và PTNT trình Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện.
Các đại biểu Ngô Đình Quốc, Trần Văn Đồng và nhiều đại biểu khác tập trung ý kiến vì sao kế hoạch xây dựng hồ Mỹ Lâm (xã Hòa Thịnh), quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng đầm nuôi tôm sông Bàn Thạch và một số công trình khác… vẫn nằm trên “giấy”; việc công trình xây dựng có vốn của dân và dân trực tiếp giám sát thi công thì đảm bảo chất lượng, còn các công trình nhà nước đầu tư không có giám sát của dân thì xây dựng kéo dài, không đảm bảo chất lượng và giá đầu tư “đội” lên cao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Hiến cho rằng: Nguồn thu của địa phương chỉ chi khoảng 45% cho đầu tư phát triển, do vậy vốn đầu tư công trình ở tỉnh ta chủ yếu tranh thủ vốn Trung ương. Chính vì thế nhiều công trình đầu tư chậm và các công trình mà đại biểu nêu phải chờ nguồn vốn đầu tư của Trung ương. Thủ tục các dự án triển khai trong 6 tháng đầu năm thừa nhận là chậm, vì mỗi cơ quan có chức năng, nhiệm vụ riêng và mỗi “cửa” riêng, nên sự phối hợp triển khai chưa chặt chẽ, chưa tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư…
Trên bàn chủ tọa, Chủ tịch HĐND tỉnh Đinh Thanh Đồng cũng bức xúc: “Sở Kế hoạch - Đầu tư còn bao nhiêu khó khăn cần tháo gỡ trong việc thực hiện thu hút đầu tư; vì sao đến nay vẫn chưa cải tiến thủ tục đầu tư; giữa các ngành còn đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau trong giải quyết hồ sơ của nhà đầu tư, ví dụ như hồ sơ về xâu dựng Bệnh viên Chợ Rẫy tại Phú Yên? Và còn nhiều vấn đề tồn tại khác trong đầu tư xây dựng cơ bản, nếu không sớm khắc phục sẽ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư phát triển kinh tế – xã hội và gây mất lòng tin trong dân”.
“CẦN THU HÚT ĐẦU TƯ VÀ GIẢI QUYẾT QUY HOẠCH “TREO” Ở KCN HÒA HIỆP”
Đại biểu Bá Thanh Kia lại có ý kiến ! Vì sao đến nay nhiều hạng mục công trình ở Khu công nghiệp Hòa Hiệp chưa được thanh quyết toán, đánh giá hiệu quả đầu tư của KCN Hòa Hiệp trong thời gian qua và việc giải quyết lao động, mức lương có đảm bảo đời sống công nhân? Trưởng ban Quản lý các KCN Bùi Trọng Bình trả lời: Hiện có 12/33 hạng mục xây dựng ở KCN Hòa Hiệp chưa quyết toán là do tổ chức bộ máy, năng lực cán bộ còn nhiều hạn chế; trong quá trình đầu tư xây dựng phải thay đổi điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi của dự án; quá trình lập dự án chưa có kinh nghiệm, chưa tính hết khả năng do phải bổ sung của Nhà nước về định mức lập dự toán; hiện vẫn còn 11/12 hạng mục chưa quyết toán, đã đầu tư nhưng chưa hoàn chỉnh theo hồ sơ phê duyệt. Về hiệu quả đầu tư, đến nay đã có 17 dự án đăng ký đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 13 dự án hoạt động, chỉ tính riêng năm 2005, các doanh nghiệp xuất khẩu đạt 45,2 triệu USD, nộp ngân sách 10,5 tỉ đồng, và 6 tháng đầu năm 2006 xuất khẩu 23,4 triệu USD, nộp ngân sách 5 tỉ đồng. Các doanh nghiệp giải quyết từ 3.500 – 4.000 lao động/năm, với mức lương bình quân 769.000 đồng/người/tháng.
Đại biểu Bá Thanh Kia: "Vì sao đến nay vẫn chưa đầu tư xây dựng hồ chứa nước Tân Hiên, huyện Sơn Hòa?”
Đại biểu Hồ Văn Phước hỏi về thu hút đầu tư chững lại, việc gây rối của đội bốc xếp làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự trong KCN Hòa Hiệp. Đại biểu Ngô Đình Quốc hỏi về hạn chế của hệ thống xử lý nước thải ở KCN Hoà Hiệp. Các đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Nguyễn Thanh Tra hỏi về những tồn tại trong giải phóng mặt bằng xây dựng nghĩa trang và đầu tư, đền bù, quy hoạch “treo” ở KCN Hòa Hiệp 2 Trưởng ban Quản lý các KCN Bùi Trọng Bình thừa nhận. Thu hút dự án chậm do công tác xúc tiến đầu tư còn quá thụ động vì không có kinh phí, thêm vào đó hoạt động dịch vụ, hạ tầng trong khu vực chưa phát triển, đường vào KCN Hòa Hiệp nối QL1A chưa đầu tư… Về hệ thống nước thải đã được đầu tư hoàn chỉnh và đảm bảo vệ sinh môi trường. Về đất nghĩa trang ở KCN đã giao 5ha cho UBND huyện Đông Hòa làm chủ đầu tư xây dựng trong thời gian tới. Ở KCN Hòa Hiệp 2 đã thống nhất quy hoạch “định hướng” 138ha, trong thời gian tới, BQL sẽ hướng dẫn cho bà con về những quy định cụ thể trong xây dựng nhà ở, sửa chữa nhà, xây dựng công trình… trong vùng quy hoạch.
Chủ tịch HĐND tỉnh Đinh Thanh Đồng đề nghị: UBND tỉnh cần tiếp tục hoàn thành việc thanh tra KCN Hoà Hiệp để có xử lý kịp thời; kiểm tra, kiện toàn lại bộ máy Ban quản lý các KCN; xử lý dứt điểm quy hoạch “treo” ở KCN Hòa Hiệp 2, không để dây dưa, kéo dài làm ảnh hưởng lớn đến đời sống dân cư ở đây.
CÓ GIẢI PHÁP HUY ĐỘNG VỐN QUỸ ĐẤT VÀ CHI TRẢ NHUẬN BÚT THEO NGHỊ ĐỊNH 61/CP
Đại biểu Đào Tấn Hoàng: “Bao giờ tu sửa, nâng cấp xã lộ 20?”
Về ý kiến của nhiều đại biểu HĐND tỉnh quan tâm đến các giải pháp thực hiện thu tiền sử dụng đất năm 2006, hóa giá nhà ở tập thể, giải quyết cơ sở vật chất trạm thu phí Đà Rằng… Giám đốc Sở Tài chính Đỗ Duy Vinh báo cáo bằng văn bản cho biết: Theo kế hoạch năm 2006 huy động nguồn thu tiền sử dụng đất vào ngân sách là 120 tỷ đồng, trong đó cấp tỉnh 80 tỉ đồng, cấp huyện 40 tỉ đồng, nhưng đến nay ngân sách chỉ mới thu được 39,847 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 33%. Mức độ thu đạt thấp là do thị trường bất động sản đóng băng, sức mua kém. Trước tình hình này, Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất tỉnh và Hội đồng đấu giá các huyện, thành phố đã có cố gắng tổ chức nhiều cuộc bán đấu giá, tổ chức lập phương án giao đất không qua đấu giá cho cán bộ công chức. Tuy nhiên kết quả đạt được còn khiêm tốn. Sở sẽ thường xuyên xem xét nghiên cứu kỹ vấn đề thị trường bất động sản để tham mưu cho UBND tỉnh về cơ chế giá cho phù hợp để tạo điều kiện cho công tác huy động vốn từ quỹ đất. Về hóa giá nhà ở của khu tập thể Trại giống xã Hòa An đã được giải quyết. Nếu nhân dân và UBND xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) có nhu cầu sử dụng cơ sở vật chất của trạm thu phí cầu Đà Rằng, thì UBND xã Bình Ngọc làm văn bản trình lên UBND TP Tuy Hòa và UBND tỉnh để có sự chỉ đạo các ngành có liên quan làm việc với TW để giải quyết.
Đại biểu Phạm Ngọc Phi nêu ý kiến: “Hiện nay, chế độ nhuận bút của các cơ quan thông tấn báo chí trong tỉnh rất thấp, riêng mỗi số Báo Phú Yên xuất bản được trả nhuận bút chỉ bằng một bài báo điều tra của các báo Trung ương! Nghị định 61/CP của Chính phủ quy định về chế độ chi trả nhuận bút đã có hiệu lực từ tháng 2-2002, và Báo Phú Yên đã xây dựng 6 đến 7 đề án trình UBND tỉnh chi trả nhuận bút theo NĐ61/CP, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện”. Giám đốc Sở Tài chính Đỗ Duy Vinh trả lời: Theo Nghị định 139 của Chính phủ về chi tiêu ngân sách Nhà nước thì việc chi nhuận bút được tính theo đầu dân số và được đưa vào Nghị quyết phân bổ ngân sách hàng năm của HĐND tỉnh. Nếu các cơ quan báo chí có nguồn thu riêng sẽ chi nhuận bút cao hơn. Bắt đầu từ ngày 1-1-2007 sẽ có thay đổi vì Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 151 về điều chỉnh mức chi thường xuyên ổn định từ năm 2007 – 2010, trong đó chi theo đầu dân số nhưng nâng mức chi nhuận bút theo NĐ 61/CP của Chính phủ.
Về vấn đề nhuận bút, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Chi đã khẳng định tại kỳ họp là sẽ chỉ đạo các ngành chức năng sớm thực hiện theo tinh thần NĐ 61/CP của Chính phủ, nhằm đảm bảo cho các cơ quan báo chí hoạt động có hiệu quả và chất lượng.
Đại biểu Ngô Đình Quốc: “Một số công trình xây dựng cơ bản không có giám sát của dân thường bị kém chất lượng, kéo dài...”.
Trong chiều qua, các đại biểu còn nghe trả lời chất vấn của Sở Nội vụ và UBND TP Tuy Hòa về các vấn đề liên quan đến phụ cấp sinh hoạt phí hàng tháng cho các hội người cao tuổi cấp xã, phường, thị trấn, xã đội phó, mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, chế độ thu hút bác sĩ về công tác tại xã; về kế hoạch triển khai nâng cấp đường Bà Triệu; vấn đề thu gom rác thải…
Tiếp theo phần thảo luận và chất vấn tại hội trường, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Chi đã phát biểu về 9 nhiệm vụ trọng tâm mà UBND tỉnh sẽ chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới. Đó là những vấn đề liên quan đến dự toán ngân sách năm 2006; công tác đầu tư xây dựng cơ bản; tổ chức tốt thu hút đầu tư để tăng tốc độ phát triển; triển khai tốt sản xuất nông nghiệp, thủy sản đạt và vượt kế hoạch năm 2006; thúc đẩy chương trình xóa đói giảm nghèo – xóa nhà tạm; tăng cường phòng chống tội phạm và an toàn giao thông; cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương Nhà nước, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chống tham nhũng tiêu cực…
Cuối chương trình nghị sự của kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đã thảo luận và lần lượt, biểu quyết thông qua nội dung 7 Nghị quyết quan trọng. Diễn văn bế mạc kỳ họp của Chủ tịch HĐND tỉnh Đinh Thanh Đồng đã nhấn mạnh: Sau 3 ngày làm việc tích cực, phát huy dân chủ và trách nhiệm, HĐND tỉnh khóa V đã hoàn thành các nội dung chương trình kỳ họp thứ 7. Thành công tốt đẹp của kỳ họp lần này là có sự đóng góp của đông đảo cử tri trong tỉnh, của đại biểu HĐND tỉnh, các cơ quan của HĐND và UBND tỉnh, UBMTTQVN tỉnh, các cấp, ngành; các đồng chí cách mạng lão thành, các cơ quan thông tin đại chúng và sự quan tâm chú ý của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
NGUYÊN LƯU – TRẦN QUỚI