Chiều qua, 16-6, Thủ tướng Phan Văn Khải là người cuối cùng đăng đàn để trả lời chất vấn của Quốc hội. Thủ tướng cho biết ông đã nhận được 14 câu hỏi chất vấn. “Tuy nhiên, phần lớn các câu hỏi nhằm các vấn đề cụ thể, thuộc chức năng của các Bộ, tôi đã chuyển cho các Bộ trưởng trả lời. Có lẽ các đại biểu chưa thoả mãn với trả lời của các thành viên Chính phủ. Nhưng tôi đề nghị việc chất vấn và trả lời chất vấn không nên giới hạn trong các buổi họp Quốc hội, mà nên làm thường xuyên hơn, bằng nhiều hình thức hơn ở mọi lúc, mọi nơi để đáp ứng kịp thời với các vấn đề trong cuộc sống”.
“ĐÂY CÓ THỂ LÀ LẦN CUỐI CÙNG TÔI PHÁT BIỂU TRƯỚC QUỐC HỘI”
Chính vậy, Thủ tướng Phan Văn Khải cho biết ông sẽ không trả lời chất vấn, mà chỉ trình bày những vấn đề chung, “không chỉ xuất phát từ tình hình hiện nay mà cả từ trải nghiệm cá nhân trong 15 năm năm làm công tác điều hành Chính phủ (từ khi làm Phó Thủ tướng)”. Thủ tướng nói thêm đây có thể là lần cuối cùng ông phát biểu trước Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An: “Sự phối kết giữa các bộ để tham mưu cho Chính phủ là khâu yếu nhất” Gần 3 ngày qua, QH đã chất vấn 13 vị Bộ trưởng và Thủ tướng phát biểu. Nhìn chung, tinh thần các phiên chất vấn khá thẳng thắn và sôi nổi. Các ĐB thể hiện tinh thần trách nhiệm với cử tri, đất nước, đặt ra các câu hỏi mà dư luận đang quan tâm. Qua chất vấn và trả lời, nhiều vấn đề đã được làm rõ. Đề nghị các ĐB cũng như Bộ trưởng nên nghiên cứu kỹ các vấn đề để nâng cao hơn nữa chất lượng chất vấn và trả lời. Chúng ta cũng cần tăng cường chất vấn vào thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội còn tại kỳ họp này chỉ nêu những vấn đề lớn, vấn đề chung (…) Qua chất vấn và trả lời chất vấn thấy có một số vấn đề cần lưu ý: thường những vấn đề nổi cộm nảy sinh thường tập trung ở công tác cán bộ, bộ máy, tập trung ở hai chữ Đức - Tài; công tác tham mưu của Bộ ngành cho chính phủ. Sự phối kết giữa các Bộ để tham mưu cho Chính phủ là khâu yếu nhất. Đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành khắc phục các sự việc theo các giải pháp đã nêu, không ngừng hoàn thiện bộ máy lập pháp, hành pháp tư pháp.
Bên cạnh việc nhắc đến một cách xúc động những thành tựu của đất nước trong mấy năm qua có sự góp sức của bản thân mình, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhắc nhiều đến những cái chưa tốt, chưa được. Ông cho biết đã nhận thức rất rõ những yếu kém của bộ máy công quyền. Bộ máy hành chính thiếu chuyên nghiệp, chưa phân định rõ chức năng hành chính và thực hành pháp luật. “Tôi hết sức day dứt trước tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, đục khoét của công diễn ra có phần tệ hại hơn mấy năm qua. Trước những việc như vậy, có phần trách nhiệm của các Bộ, có trách nhiệm của Chính phủ, của cá nhân tôi là người đứng đầu. Tôi xin nhận lỗi, nhận trách nhiệm trước nhân dân” – Thủ tướng nói.
Cuối cùng, Thủ tướng Phan Văn Khải tâm sự: “Tôi mong đồng chí kế nhiệm sẽ rút ra được bài học từ những cái được và những cái yếu kém của tôi. Tôi cũng xin phép Quốc hội cho tôi được nghỉ trong thời gian sắp tới. Khi nhận chức nhiệm kỳ 2, tôi đã tâm niệm sẽ học tập các bậc đàn anh để tận tâm, tận sức cống hiến cho đất nước. Nay tuổi đã cao, nhân ĐH Đảng khóa X tôi đã xin phép thôi tiếp tục ý nguyện đó, xin được từ nhiệm sớm một năm so với nhiệm kỳ. Tôi luôn ghi nhớ sự lãnh đạo của Đảng, Bộ Chính trị, Ban bí thư; sự trợ giúp của tất cả các thành viên Chính phủ... Trong những kết quả của tôi đã đạt được, có sự chung sức của tất cả mọi người, của mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước”.
VIỆT
Trước khi Thủ tướng Phan Văn Khải phát biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy đã trả lời chất vấn của Quốc hội.
Trả lời câu hỏi của một vị đại biểu về việc Việt Nam có nạn rửa tiền không, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói rằng do khuôn khổ pháp lý và biện pháp phòng ngừa còn nhiều kẽ hở nên có thể khẳng định ở nước ta cũng có hiện tượng rửa tiền. Ông cũng cũng cho biết thêm là chúng ta chưa có luật phòng và chống rửa tiền, chỉ có một vài điều luật qui định trong Luật Hình sự.
Trả lời câu hỏi về hoạt động ngân hàng hiện nay, ông Lê Đức Thúy khẳng định là các ngân hàng thương mại cổ phần đã được trích lập đủ và thừa cho nên năng lực của họ đủ. Trong khi đó, ngân hàng nhà nước cho vay nhiều, bảo trợ nhiều dự án cho nên khoản trích lập rủi ro chưa đủ. Về biện pháp: tăng vốn, tăng trích khoản dự phòng rủi ro. Trong vòng 3 năm nữa thì sẽ đủ quỹ dự phòng rủi ro. Về tình hình thất thoát kinh doanh ngoại tệ ở ngân hàng, Thống đốc Lê Đức Thuý khẳng định hoạt động ngân hàng có nhiều rủi ro... Dù đầu tư ngoại tệ có thất thoát, có lãng phí, có cán bộ hư hỏng nhưng chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận chứ không ảnh hưởng đến vốn, đến khả năng thanh toán của ngân hàng.
BỨC XÚC CHUYỆN NHÀ ĐẤT
Trong buổi sáng 16-6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Mai Ái Trực đã giải đáp những thắc mắc của các đại biểu Quốc hội.
Trả lời thắc mắc về việc đến nay chưa cấp xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn cả nước, Bộ trưởng Mai Ái Trực nói: “Đây là khuyết điểm của chúng tôi. Thời gian tới sẽ cố gắng làm tốt hơn”. Theo Bộ trưởng Trực, nguyên nhân của việc trì trệ này là do cơ chế chính sách, tổ chức bộ máy còn yếu kém, có khi phát sinh tiêu cực...
Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Mai Ái Trực trả lời chất vấn - Ảnh: N.Đ.N |
Về vấn đề về giá đất để bồi thường, Bộ trưởng cho biết: “Chúng tôi đã sửa đổi: giá đất bồi thường theo mục đích sử dụng tại thời điểm chuyển nhượng. Việc này được nhân dân hưởng ứng. Trong Luật đất đai và điều 36 nghị định 181 quy định rõ phạm vi bồi thường, đã bao quát hết các dự án đã triển khai, chỉ có dự án nhỏ lẻ mới theo thỏa thuận, trường hợp thoả thuận không nhiều lắm. Thực tế có xu hướng giao đất làm dự án nhỏ lẻ để xây dựng khu dân cư mà hạ tầng đường sá lại do nhà nước làm. Đây là một lệch lạc và chúng tôi đã kịp thời uốn nắn. Một số nơi vẫn làm chưa đúng việc đền bù đất, một số nơi có hiện tượng ép dân. Về vấn đề các dự án giá đền bù trước khi có quy định mới: Đền bù lúc nào thì giá đất theo quy định lúc đó, nhưng nếu đền bù chậm trễ do lỗi của cơ quan đền bù thì phải đền bù theo giá hiện tại.
Trả lời câu hỏi của ĐB Trần Luân Kim của Phú Yên: Bộ đã có những chuẩn bị thế nào để không có những hậu quả khốc liệt như cơn bão số 1 (bão Chanchu) gây ra, Bộ trưởng Trực thẳng thắn: “Chúng ta không thể nói không biết để trốn tránh trách nhiệm. Những người có trách nhiệm phải biết thì không biết là có tội”. Bộ sai chỗ nào? Công tác khí tượng thuỷ văn do Bộ phản lý toàn diện. Tôi chịu trách nhiệm hết về việc này. Chúng tôi đã xử lý và báo cáo QH, có hướng xử lý, tự hứa là sẽ khắc phục, ít nhất là có dự báo dài hơn 24 tiếng.
CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG CỦA NHÀ NƯỚC CHẤT LƯỢNG KÉM, NUÔI TÔM BẤP BÊNH, DO ĐÂU?
Trả lời chất vấn về chất lượng các công trình xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân nói: Vì tâm lý tiền của mình phải giữ, phải xót nên người dân quản lý chặt hơn. Công trình xây dựng của nhà nước chất lượng kém hơn là có thật, ban quản lý giữ tiền, không nghĩ là tiền của mình nên việc quản lý không chặt chẽ. Lại còn nguyên nhân nữa: khả năng quản lý của ban quản lý yếu kém, nhất là các công trình tái định cư. Làm sao khắc phục chất lượng công trình? Các văn bản quy phạm đã từng bước được hoàn thiện, đi vào đúng bản chất và quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong xây dựng. Trước hết, hỏng thì đền. Rút tiền túi đền thì xót, lần sau làm thì sẽ phải tốt hơn. Các công trình bây giờ đã được mua bảo hiểm rất nhiều. Và trên thực tế việc bỏ tiền ra đền và làm lại là rất nhiều.
Còn Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc, khi trả lời về tình trạng nuôi tôm bấp bênh hiện nay đã nói: “Về nghề nuôi tôm, những bấp bênh xảy ra do bà con ta đua nhau nuôi theo phong trào mà chưa theo qui hoạch, chưa chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất cũng như kiến thức khoa học kỹ thuật. Về mặt nhà nước, những hướng dẫn chưa đầy đủ, hỗ trợ chưa kịp thời cả về đầu vào, đầu ra, kỹ thuật... cũng góp phần vào việc này”
KHƯƠNG NGUYÊN (tổng hợp)