Chiều nay (15/6), sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc, ông Nguyễn Sinh Hùng - Bộ trưởng Bộ Tài Chính, đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Có 22 đại biểu gửi câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Chiều nay (15/6), Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An điều khiển phiên làm việc.
Đầu giờ làm việc chiều nay Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cho biết, có 22 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng về các vấn đề trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc quản lý và sử dụng vốn, hiệu quả chính sách cho nhập ô tô cũ; hiệu quả thí điểm khoán lương; tình trạng phình to bộ máy của bộ; trách nhiệm của Bộ Tài chính liên đới với Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý giá đất, tài sản…
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng: nếu đánh giá thật tối ưu, hiệu quả thì tôi vẫn thấy còn khuyết điểm
Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân (đoàn An Giang) quan tâm đến vấn đề “phình to” của Bộ Tài chính với các Cục, tổng cục, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước thì Bộ Tài chính sẽ có nhiều quyền lợi và quyền lực… Tuy nhiên, Bộ chưa thực sự thể hiện tinh thần trách nhiệm và cộng đồng trách nhiệm trên những hồ sơ nóng bỏng thuộc thẩm quyền của mình như luật định: quản lý giá đất, vấn đề đồng USD hoá…
Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng cho biết: “Chủ trương của Chính phủ là giảm đầu mối quản lý hành chính, thực hiện Bộ quản lý đa ngành. Chính vì thế, Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển về Bộ Tài chính Tổng cục Hải quan, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, Cục dự trữ quốc gia và Ban Vật giá Chính phủ. Tôi cho rằng, hiệu quả của việc chuyển gọn đầu mối đúng là đã làm cho chức năng, nhiệm của Bộ Tài chính lớn lên, nhưng trong một mặt trận tài chính giao cho một Bộ trưởng thay mặt Thủ tướng chính phủ phụ trách một lĩnh vực đa ngành, công việc mấy năm nay của những ngành này đều được tổ chức, củng cố, phát triển. Theo đánh giá của tôi thì các đơn vị này đều được phát triển một bước và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian qua”.
Trách nhiệm cộng đồng liên quan đến các lĩnh vực khác của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Đây là lĩnh vực rất rộng, liên quan đến nhiều ngành khác. Chúng tôi cố gắng làm tốt hai việc, tham gia xây dựng chính sách luật pháp và trình Quốc hội ngân sách để đảm bảo cho những lĩnh vực này. Rất nhiều buổi chất vấn, các vị Bộ trưởng đều nói rằng, liên quan đến tiền bạc còn phải bàn với Bộ Tài chính, thiếu là do thiếu tiền. Quả là lĩnh vực nào cũng còn thiếu, còn ít, nhưng chúng ta đã cố gắng tối đa việc cân đối đảm bảo thu, chi hợp lý. Còn nếu đánh giá thật tối ưu, hiệu quả thì tôi vẫn thấy còn khuyết điểm.
Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc bảo đảm vốn điều lệ cho hoạt động của Ngân hàng; cơ cấu tổ chức lại hệ thống ngân hàng thương mại; nghiên cứu những đề án liên quan đến quản lý tiền tệ… Đối với vấn đề USD hoá, tỷ lệ này thể hiện trong mức độ tiền gửi bằng USD so với tổng lượng thanh toán là 22% (cao hơn so với Trung Quốc và các nước trong khu vực) do đặc điểm nền kinh tế nước ta qui định”.
Đại biểu Nguyễn Đức Dũng (đoàn Kon Tum) rất bức xúc về việc áp thuế tuyệt đối đối với ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu. Đại biểu Nguyễn Đức Dũng cho rằng, những lý lẽ mà Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng đưa ra bảo vệ cho việc này trong phần trả lời bằng văn bản là chưa hợp lý, chưa chính xác và chưa có tính thuyết phục.
Ông Nguyễn Đức Dũng khẳng định, việc cho phép nhập khẩu các loại ô tô đã qua sử dụng là một chủ trương đúng, hợp lòng dân và được nhân dân ủng hộ song trong khi Nghị định chưa đến ngày hiệu lực là 1/5/2006 thì ngày 28/3/2006, Bộ Tài chính chủ trì tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 69 quy định việc áp thuế tuyệt đối đối với ô tô đã qua sử dụng. Rõ ràng việc áp thuế tuyệt đối là một rào cản cho việc thực hiện chủ trương hợp lòng dân nói trên. Thực tế đã chứng minh là 1 tháng rưỡi qua kể từ khi xe cũ được phép nhập khẩu vào Việt Nam, mới chỉ có khoảng hơn 10 xe được thông quan.
Theo ông Nguyễn Đức Dũng, thì với chính sách không ổn định, tiền hậu bất nhất như vậy thì những nhà nhập khẩu xe đã qua sử dụng sẽ không còn mặn mà với việc nhập khẩu ô tô nữa. Như vậy nhân dân sẽ không có cơ hội lựa chọn, không có tác nhân thúc ép buộc ô tô sản xuất trong nước giảm giá. Thị trường ô tô trong nước sẽ do các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước mặc sức độc quyền thao túng. Điều này cũng cắt nghĩa vì sao ô tô lắp ráp trong nước chất lượng thấp, chỉ bị đánh thuế theo bộ linh kiện, phụ tùng với thuế suất khoảng 20% mà lại có giá cao ngất ngưởng, gấp 2-3 lần giá ô tô ở nước ngoài. Đây rõ ràng là một biện pháp bảo bộ quyền lợi của một nhóm người thuộc các liên doanh sản xuất ô tô trong nước và tiếp tục hy sinh lợi ích của đại đa số nhân dân những người tiêu dùng Việt Nam.
Trả lời những thắc mắc của đại biểu Nguyễn Đức Dũng, Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng cho biết giá ôtô sản xuất trong nước đã hạ, và sắp tới sẽ phải hạ xuống nữa. Thuế tiêu thụ đặc biệt tăng 10% nhưng các nhà sản xuất xe buộc phải hạ giá từ 5-10%.
Ông Nguyễn Sinh Hùng cho rằng ôtô là một mặt hàng tiêu thụ đặc biệt liên quan đến cơ sở hạ tầng và số lượng người có nhu cầu xe ôtô không phải là số đông. Việc cho nhập xe đã qua sử dụng là do sức ép của nhu cầu hội nhập. Bộ trưởng đưa ra một ví dụ: Mercedes Benz 4.9 có giá sau thuế chỉ 65.000 USD như vậy là quá rẻ và một chính sách thì phải chờ một thời gian để thấy hiệu quả của chính sách.
Ông Nguyễn Sinh Hùng nói: “Chúng ta phải cẩn thận không thành bãi xe của Trung Quốc. Hiện tại, chúng ta đã có lộ trình giảm giá xe, cả sản xuất trong nước và nhập khẩu từ nay đến vài năm nữa theo hiệp định thương mại Việt Mỹ đã ký”.
Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng tiếp tục đưa ra ví dụ Lexus chạy 10.000 km giá ở Mỹ 48.000 USD doanh nghiệp nhập về khai 13.000, hải quan áp giá 34.000 USD là hợp lý hay không?- nếu công luận ép ngành hải quan quá thì sẽ thất thu!
Đề cập đến những sai phạm trong sử dụng xe công trong vụ án PMU 18 do Đại biểu Phạm Ngọc Thiện (Bạc Liêu) đưa ra, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng cho rằng xe ô tô đang thuộc diện quản lý của các ban dự án là không thuộc tài sản công, trong vụ PMU 18, 34 chiếc cho mượn đã được thu hồi về. Tuy nhiên, ông Nguyễn Sinh Hùng cũng nhận trách nhiệm liên quan ở chỗ Bộ Tài chính phát hiện ra nhưng không xử lý ngay mà vẫn tuân theo qui định hiện hành là chờ thực hiện xong dự án rồi mới xử lý.
Về các tiêu cực trong ngành hải quan, đại biểu Nguyễn Thị Hoài Thu (Tiền Giang) cho biết: “Khi tôi hỏi doanh nghiệp tại sao trả lương thấp cho công nhân? Giám đốc doanh nghiệp trả lời vì không bớt xén được ở đâu cả, chúng tôi phải đóng nhiều khoản tiêu cực phí quá, nhất là các khoản đóng cho hải quan”. Đại biểu Hoài Thu cũng đưa thông tin về ciệc chính bà đã gặp phải sự nhũng nhiễu của cán bộ hải. Bà Nguyễn Hoài Thu đặt vấn đề với ông Nguyễn Sinh Hùng: Vậy phải làm gì để bớt tiêu cực phí?
Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng trả lời: “Đã có một cuộc họp với lãnh đạo hải quan để tìm hiểu những tiêu cực trong ngành và tìm cách chấn chỉnh. Đến nay ngành hải quan đã có nhiều tiến bộ, được các doanh nghiệp công nhận. Các biện pháp đang áp dụng là tương đối triệt để và ngăn ngừa có tính hệ thống. Tuy nhiên, nói là hoàn toàn hết tiêu cực thì chưa.
Việc doanh nghiệp hối lộ cho Hải quan, nếu phát hiện được, không chỉ có cán bộ Hải quan mà cả doanh nghiệp cũng sẽ bị xử lý.
Trong phiên trả lời chất vấn chiều nay, Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng đã trả lời được 7 chất vấn còn lại sẽ được Bộ trưởng trả lời bằng văn bản.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Không nên vì một vài dự án không tốt mà phủ nhận hiệu quả của các dự án khác
Chất vấn Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, đại biểu Ngô Thị Minh (đoàn Quảng Ninh) đã hỏi Bộ trưởng về trách nhiệm của Bộ trưởng đối với một dự án duy trì thông tin trên biển cho ngư dân không được thực hiện.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, từ khi có chủ trương xây dựng dự án này, bộ đã khẩn trương triển khai các bước cần thiết và đã đạt được những hiệu quả nhất định, như việc ngay từ năm 1996, Nhật Bản đã giúp ta một hệ thống thông tin trên biển có hiệu quả. Nhưng sở dĩ chúng ta vẫn phải gánh chịu những hậu quả nặng nề từ bão, như cơn bão Chanchu vừa qua là do trang thiết bị cho ngư dân quá thiếu - chỉ có 50% tàu đánh bắt xa bờ có trang bị hệ thống thông tin liên lạc.
Đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn (đoàn Bắc Giang) nêu vấn đề các nước tài trợ đang phàn nàn việc giải ngân chậm. Vậy số đưa vào đầu tư, số tiền hao hụt do tham nhũng là bao nhiêu??
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng giải ngân của Ngân hàng Thế giới (WB), Nhật Bản được đánh giá tốt, chỉ có ADB là chậm. Các nhà tài trợ đã sang trực tiếp giám sát đều khẳng định việc sử dụng vốn ODA là có hiệu quả. Trong đó WB sang giám sát 6 tháng/lần. ADB cũng cho biết chưa phát hiện những tiêu cực như PMU18. Việc môi trường đầu tư sắp tới có bị ảnh hưởng bởi tham nhũng hay không phụ thuộc vào việc xử lý vụ PMU 18 và số liệu thất thoát và tham nhũng bao nhiêu thì đến giờ chưa xác định được.
Đề cập đến trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc quản lý, sử dụng vốn ODA, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng tất cả những động thái như quản lý, phân bổ, sử dụng, kiểm tra liên quan đến vốn ODA đều được thực hiện theo qui trình "song trùng" giữa nhà tài trợ và chính phủ. Bộ có nhiệm vụ tư vấn về các dự án ưu tiên.
Về việc lãng phí thất thoát của ODA, theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, đến bây giờ các nhà tài trợ đều đánh giá ODA có hiệu quả, Việt Nam là một trong những quốc gia thu hút ODA có hiệu quả. không nên vì một vài dự án không tốt mà phủ nhận hiệu quả của các dự án khác. Ví dụ như dự án cầu Mỹ Thuận, ban đầu có ý kiến nên dùng nguồn vốn này chỗ khác nhưng sau khi hoàn thành đã thấy việc xây dựng cầu này là đúng đắn, nếu sớm hơn thì hiệu quả kinh tế còn cao hơn.
Theo VOV