Trong hai ngày 12 và 13-6, Quốc hội thảo luận các nội dung liên quan đến việc thực hiện qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Luật Đất đai.
Đại biểu Nguyễn Luân Kim (đoàn Phú Yên) phát biểu ý kiến thảo luận về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất - Ảnh: Nguyễn Đình Nam
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (đoàn Đắc Nông) đưa ra ý kiến về việc sử dụng ruộng đất sản xuất nông nghiệp sau khi Việt Nam gia nhập WTO, đó là việc chuyển đổi phương thức canh tác manh mún như hiện nay sang xây dựng các trang trại phù hợp với mục tiêu công nghiệp hoá-hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Thách thức lớn nhất khi đó là sự cạnh tranh khốc liệt của các hàng nông sản trong nước với hàng ngoại nhập… Vấn đề quan trọng trong việc chuyển đổi đất đai, theo đại biểu Nguyễn Lân Dũng, là việc chuyển đổi 70 triệu thửa ruộng riêng rẽ, nhỏ bé, manh mún thành những trang trại lớn và được đầu tư khoa học công nghệ; nông dân được hướng dẫn làm gì để đạt sản lượng cao nhất trên mảnh ruộng của mình.
Có đại biểu khẳng định hiện nay các huyện, thị xã hầu như không có cán bộ chuyên sâu về công tác này, nếu xuống đến cấp phường, xã thì chỉ có một cán bộ địa chính. Vì vậy việc tồn tại những yếu kém trong qui hoạch sử dụng đất là chuyện tất yếu.
Để làm tốt công tác qui hoạch đất và hạn chế những tiêu cực trong lĩnh vực này, có đại biểu đề nghị thời gian tới, Chính phủ cần có giải pháp chống chiếm dụng, tham nhũng đất đai. Tránh tình trạng chưa qui hoạch nhưng các cán bộ có chức, có quyền đã biết để chiếm dụng.
Trước đó, trong Báo cáo giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã nêu rõ bốn khuyết điểm lớn của công tác này. Một là, tiến độ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp còn chậm, thậm chí có nơi rất chậm, nhất là ở cấp huyện, cấp xã; việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không đúng quy định về quy trình, thủ tục, thẩm quyền. Đến nay vẫn còn 20% số đơn vị hành chính cấp huyện và 34% đơn vị hành chính cấp xã chưa lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Có tỉnh đến nay chưa có huyện nào lập và xét duyệt quy hoạch sử dụng đất. Hai là, chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn thấp. Quy hoạch sử dụng đất ở một số bộ, ngành, địa phương còn có nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, tính khả thi thấp, độ chênh lệch giữa dự báo trong quy hoạch, kế hoạch và thực hiện trong thực tế còn lớn. Do đó, tính định hướng, tính ổn định của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn hạn chế. Ba là, một số chỉ tiêu sử dụng đất được thực hiện không đúng kế hoạch, không ít trường hợp sử dụng đất không hiệu quả. Bốn là, hiệu lực của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn thấp, ý thức chấp hành quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa tốt. Công tác quản lý, triển khai, xử lý vi phạm về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn nhiều bất cập. Theo báo cáo của thanh tra chính phủ, tình trạng không tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đang diễn ra phổ biến. Từ 2000 đến 2005, thanh tra chính phủ đã phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi cho nhà nước hơn 6.500 ha đất, trả lại cho tập thể, cá nhân 3.414 ha đất.
Chiều qua, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe báo cáo giám sát và thảo luận về kết quả giám sát việc các cơ quan tố tụng cấp huyện thực hiện thẩm quyền mới theo qui định của Bộ luật tố tụng hình sự và Bộ luật tố tụng dân sự.
KHƯƠNG NGUYÊN (tổng hợp)