Thứ Năm, 28/11/2024 22:53 CH
Bộ trưởng Nội vụ: "Tôi chưa bị ai chạy chức"
Thứ Năm, 15/06/2006 15:43 CH

Bộ trưởng Nội vụ Đỗ Quang Trung hai lần khẳng định trước QH: "Chưa có trường hợp nào chạy chức đối với bản thân tôi" khi các đại biểu QH liên tiếp chất vấn ông về trách nhiệm trước tình trạng chạy chức, chạy quyền tràn lan hiện nay.

"Quá trình bổ nhiệm cán bộ nào cũng đều công khai, dân chủ"

060615-trung.jpg

Bộ trưởng Đỗ Quang Trung: "Chưa có trường hợp nào chạy chức với bản thân tôi". Ảnh VNN

"Tôi phụ trách công tác cán bộ, công chức của Chính phủ, tôi chưa phát hiện và thấy một trường hợp chạy chức chạy quyền nào đối với bản thân tôi. Tôi xin khẳng định điều đó. Thế còn với từng trường hợp cụ thể thì phải điều tra, qua kết luận thì sẽ xử lý" - Bộ trưởng Đỗ Quang Trung phân trần khi đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hoá) hỏi: "Tệ nạn chạy chức chạy quyền lan tràn, Bộ trưởng biết không? Làm cách nào để ngăn chặn?"

Bộ trưởng Trung còn cho biết, ông đã đề xuất Chính phủ  xây dựng chương trình tổng thể cải cách hành chính 10 năm và đến nay, chúng ta đã đi được 5 năm, giai đoạn 1. Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng đã đề xuất để ban hành quyết định, văn bản về quy trình bổ nhiệm cán bộ trên tinh thần cụ thể hoá quyết định của Bộ Chính trị về bổ nhiệm, điều động và kỷ luật cán bộ.

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành những quy định phát huy dân chủ xã phường, phát huy dân chủ trách nhiệm Nhà nước và phát huy dân chủ trong cơ quan hành chính các cấp, góp phần ngăn chặn những tiêu cực trong bộ máy hành chính Nhà nước, trong đó có tiêu cực trong công tác cán bộ.

"Thực hiện tốt các quy trình đó thì sẽ hạn chế, tránh được tiêu cực trong công tác cán bộ" - ông Trung quả quyết.

Không yên tâm với "quy trình bổ nhiệm cán bộ" như bấy lâu vẫn làm, đại biểu Lê Kim Toàn (Bình Định) căn vặn: Quy trình đề bạt, bổ nhiệm đúng là rất chặt chẽ nhưng hiện tượng tiêu cực vẫn còn, như vụ PMU 18? Đề nghị Bộ trưởng cho biết quy trình bổ nhiệm cán bộ này đã phù hợp chưa, phải đổi mới thế nào? Bộ trưởng có quan tâm đến dư luận báo chí và dư luận xã hội để tham mưu cho Trung ương, Chính phủ về vấn đề này?

"Tôi rất quan tâm đến dư luận về vấn đề này, với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục suy nghĩ để làm tốt chức năng tham mưu, chức năng quản lý", Bộ trưởng Trung nói ngay.

Ông Trung cũng nhất mực khẳng định: Quá trình tiến hành xem xét bổ nhiệm một cán bộ nào, chúng ta đều làm đúng nguyên tắc tập thể, dân chủ, công khai, bàn bạc tập thể và quyết định theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Thế còn quy trình đó hiện nay có vấn đề gì không, cần xem xét tiếp không, tôi nghĩ văn kiện ĐH X, trong mục "đổi mới công tác cán bộ" có ghi rõ: tiếp tục cụ thể hoá, thể chế hoá nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý công tác cán bộ. Trong đó cũng nói rõ, các vị có thẩm quyền có trách nhiệm chỉ đạo công tác cán bộ. Một câu khác mà tôi cũng rất tâm đắc là "Có cơ chế để đảng viên nhân dân giám sát cán bộ và giám sát công tác cán bộ".

"Nhưng rõ ràng vẫn còn những thiếu sót, khuyết điểm, thậm chí có tiêu cực tham nhũng trong công tác cán bộ và chúng ta vẫn phải tiếp tục đổi mới" - ông Trung nói.

Cán bộ công chức xuống cấp đạo đức, Thủ trưởng các đơn vị phải chịu trách nhiệm

Thú nhận "chưa thể yên tâm" với cách trả lời về những giải pháp mà Bộ trưởng Đỗ Quang Trung gửi cho mình bằng văn bản, Đại biểu Neáng Kim Cheng (An Giang) tiếp tục chất vấn: "Thời gian qua chúng ta cũng có tổ chức thực hiện nhưng mà vấn đề trì trệ, bất cập, tiêu cực, tham ô tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức vẫn còn xảy ra. Tôi xin được được hỏi, Bộ trưởng có hình thành tư tưởng là đối với lực lượng cán bộ công nhân viên chức phải vun cho tốt, trị cho nghiêm bằng cách cải cách hành chính, cải cách tiền lương, tinh gọn bộ máy.. để đẩy lùi, ngăn chặn tệ nạn tiêu cực trong đội ngũ cán bộ công chức?".

"Đại biểu thấy chưa yên tâm về điều tôi trả lời, tôi xin chia sẻ ý kiến này" - Bộ trưởng Đỗ Quang Trung bày tỏ thái độ cảm thông, đồng thời thừa nhận: Đúng là rất nhiều vấn đề đặt ra đòi hỏi chúng ta, đặc biệt những người đứng đầu bộ máy hành chính các cấp, phải tập trung tâm sức hơn trong quản lý bộ máy quản lý của mình để công chức của chúng ta làm tốt.

"Nếu chúng ta không làm tốt, không làm quyết liệt về xây dựng bộ máy thì đây sẽ là một trong những thách thức lớn" - ông Trung cảnh báo.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Trần Luân Kim (Phú Yên) hỏi thêm Bộ trưởng Trung: Sự thiếu chuyên nghiệp của cán bộ, sự chậm trễ giải quyết các công việc có rất nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân vòi vĩnh, xin cho mà cho không cho dứt điểm, lai rai để vòi tiếp, làm ảnh hưởng công việc của dân và doanh nghiệp, gây bức xúc. Bộ Nội vụ và bản thân Bộ trưởng có biện pháp đột phá nào xử lý việc này không? Trách nhiệm chính trong vấn đề này ngoài Bộ Nội vụ ra còn có cơ quan nào khác?

Bộ trưởng Đỗ Quang Trung thừa nhận là về cải cách hành chính, chúng ta làm nhiều việc nhưng chậm so với yêu cầu.  

"Làm thế nào để quan hệ giữa cơ quan hành chính với dân tốt, có mấy biện pháp quan trọng, một là làm tốt giáo dục cán bộ, hai tăng cường kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ. Ai kiểm tra? Đích thân Thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước các cấp phải kiểm tra và chịu trách nhiệm với đội ngũ cán bộ công chức của mình. Bộ Nội vụ chỉ có trách nhiệm đề xuất, tham mưu, ban hành các văn bản" - Bộ trưởng Đỗ Quang Trung quy trách nhiệm.

Ông Trung cũng khẳng định luôn: Ngoài Bộ Nội vụ, Thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp cũng phải chịu trách nhiệm khi cán bộ, công chức sai phạm.

Dường như thấy Bộ trưởng quá nặng về ... lý thuyết, đại biểu Kim quyết tâm "truy" đến cùng: Cách làm Bộ trưởng nêu là cách làm bài bản, trừu tượng, quen thuộc nhưng kết quả không cao, tôi muốn hỏi giải pháp đột phá sắc bén đối với vấn đề này là gì?

"Đột phá ở đây chính là thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức và nếu thấy có dấu hiệu sai phạm thì tiến hành kiểm tra, thanh tra đột xuất" - Bộ trưởng Trung khẳng định, sau khi viện dẫn lý do không có nhiều thời gian để trình bày vấn đề này.

Đến đây, Chủ tịch QH Nguyễn Văn An cho rằng, đúng là đột phá khó thật nhưng vấn đề phức tạp thế này thì phải có các giải pháp đồng bộ. Đồng bộ nhiều giải pháp nhưng có giải pháp cơ bản, lâu dài, tức là công tác giáo dục đạo đức truyền thống của dân tộc cho cán bộ, công chức.

"Bất cứ cơ chế nào cũng do con người, nếu con người có đạo đức, tự trọng, biết liêm sỉ thì nó sẽ bớt (sai sót, tiêu cực - PV) đi rất nhiều. Cho nên, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức truyền thống, tự trọng liêm sỉ rất quan trọng" - ông nói.

"Nguyễn Việt Tiến chạy chức hay không, còn phải đợi kết luận điều tra"

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nhân (Kiên Giang) đề nghị Bộ trưởng Nội vụ giải trình về việc, Bộ có báo cáo về những sai phạm của Nguyễn Việt Tiến với cấp trên hay không? Khi cấp trên yêu cầu được biết vụ việc này, ông trả lời như thế nào?

"Báo cáo với QH là anh Nguyễn Việt Tiến được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải năm 1998, lúc đó đang thực hiện theo quyết định 44 và quyết định 76 của Bộ Chính trị".

Bộ trưởng Trung tiếp tục lý giải: Việc đề nghị bổ nhiệm anh Nguyễn Việt Tiến là do lãnh đạo Bộ GTVT lúc đó làm quy trình và đề nghị bổ nhiệm. Với trách nhiệm của mình, Bộ lúc đó là Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ, nhận một cái đơn tố cáo khuyết điểm anh Nguyễn Việt Tiến. Chúng tôi đã có văn bản yêu cầu Bộ GTVT kiểm tra, xác minh, kết luận báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bởi vì Bộ GTVT, tờ trình bổ nhiệm đó là trình lên cấp có thẩm quyền. Còn Bộ Nội vụ chúng tôi không phải là cấp xét duyệt những quyết định bổ nhiệm đó mà có trách nhiệm tham mưu, xem xét. Chính tôi đã ký công văn yêu cầu Bộ GTVT kiểm tra xem xét việc này.

Sau một thời gian, lãnh đạo Bộ này xem xét, kiểm tra những nội dung liên quan đến Nguyễn Việt Tiến lúc đó liên quan đến 5 nội dung mà tôi yêu cầu phải kiểm tra, xem xét. Thế nhưng từ chi bộ Đảng, nơi anh Tiến công tác cho đến cấp trên, đều xác nhận là tiếp tục đề nghị bổ nhiệm.

Tại cuộc họp Ban cán sự Chính phủ hai lần bàn việc này và toàn bộ việc đó đều trình lãnh đạo các cấp quyết định một cách đầy đủ.

"Theo giải thích của chúng tôi, việc chạy chức chạy quyyền có thực nhưng trong trả lời, Bộ trưởng nêu vấn đề không rõ. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, Nguyễn Việt Tiến có chạy chức chạy quyền không?" - Đại biểu Đỗ Tiến Dũng (Quảng Ngãi) muốn Bộ trưởng Trung làm rõ hơn vấn đề.

Bộ trưởng Đỗ Quang Trung một lần nữa khẳng định lại: Việc chạy chức, chạy quyền bản thân tôi chưa phát hiện thấy. Bộ Nội vụ  cũng không phải là cơ quan quyết định được nhân sự mà chỉ là tham mưu.

Về trường hợp Nguyễn Việt Tiến, các cơ quan pháp luật đang tiếp tục xem xét xử lý, chắc nay mai làm rõ được việc chạy chức, chạy quyền thì chúng ta sẽ xử lý.

Vẫn còn tới 10 đại biểu đăng ký được chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Quang Trung nhưng đã quá thời gian cho phép nên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An đề nghị các đại biểu và Bộ trưởng chất vấn và trả lời chất vấn bằng văn bản.

Ngay sau Bộ trưởng Đỗ Quang Trung, đến lượt Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Võ Hồng Phúc đăng đàn trả lời chất vấn.

Theo VNN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek