Trong giờ làm việc sáng nay (15/6), Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn 3 thành viên Chính phủ là Tổng Thanh tra Chính phủ Quách Lê Thanh; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc. Nhiều vấn đề nóng đang được dư luận quan tâm đã được các đại biểu nêu chất vấn thẳng thắn…
Sáng nay (15/6), Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ dưới sự điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An. Dự kiến trong ngày làm việc hôm nay, Quốc hội chất vấn 5 thành viên Chính phủ là: Tổng Thanh tra Chính phủ Quách Lê Thanh; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc; Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng và Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển.
Các vấn đề xung quanh vụ PMU18; trách nhiệm về vụ tiêu cực, tham nhũng xảy ra trong nội bộ ngành Thanh tra (vụ ông Lương Cao Khải nhận hối lộ); trách nhiệm, quá trình đề bạt bổ nhiệm nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Việt Tiến; bất cập trong công tác cán bộ, cải cách hành chính hiện nay; quản lý, phân bổ, sử dụng các nguồn vốn lớn, đặc biệt là nguồn vốn ODA; vụ Nguyễn Đức Chi và vụ Trường Anh ngữ quốc tế SITC; quản lý, mua sắm tài sản công; chủ trương nhập khẩu ô tô cũ; tình hình giá cả leo thang, những tác động khi gia nhập WTO… sẽ được các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Chiều qua, Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh và Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Đào Đình Bình.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cũng thông báo trong phiên làm việc chiều qua: Tính đến hết ngày 13/6, Quốc hội đã nhận được 216 câu hỏi của 84 đại biểu Quốc hội thuộc 78 đoàn.
Thành viên Chính phủ thứ ba trả lời chất vấn đầu giờ sáng nay là Tổng Thanh tra Chính phủ Quách Lê Thanh, nhận được 4 chất vấn của các đại biểu: Hoàng Văn Xim (đoàn Hà Tây), Nguyễn Xuân Thiết (đoàn Vĩnh Phúc), Nguyễn Xuân Hướng (đoàn Hà Tĩnh), Phan Trung Lý (đoàn Nghệ An). Ông Quách Lê Thanh đã trả lời bằng văn bản chuyển đến các đại biểu trên.
Thanh tra Chính phủ: Còn lúng túng trong xử lý vụ việc
Tại Hội trường, Tổng Thanh tra Chính phủ Quách Lê Thanh đã trực tiếp trả lời chất vấn của 9 đại biểu Quốc hội; những câu hỏi chất vấn khác của hai đại biểu còn lại sẽ được ông Quách Lê Thanh trả lời bằng văn bản.
Vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm nhất trong phần chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Quách Lê Thanh là những tiêu cực xảy ra trong ngành Thanh tra Chính phủ. Đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thanh Hoá) đặt vấn đề: Trong báo cáo của Chính phủ giải trình về việc xử lý khoản tiền do ông Lương Cao Khải (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo khối kinh tế tổng hợp-Vụ 2, thuộc Thanh tra Chính phủ) đưa cho ông Quách Lê Thanh có trích kết luận của cơ quan thẩm quyền là ông Quách Lê Thanh báo cáo sự việc này rõ ràng, minh bạch, chưa có cơ sở kết luận ông Quách Lê Thanh tham nhũng, nhận hối lộ. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều cử tri và nhiều đại biểu Quốc hội vẫn còn thắc mắc bởi nội dung giải trình này có những điểm chưa phù hợp với những thông tin mà báo chí đã nêu. Vì vậy, đại biểu Lê Thị Nga đề nghị ông Quách Lê Thanh giải trình thêm vấn đề này. Mặt khác, với tư cách là một cán bộ công tác lâu năm trong ngành pháp luật, nắm rõ các quy định của pháp luật về xử lý tội phạm, đại biểu Lê Thị Nga đề nghị ông Quách Lê Thanh cho biết cách xử lý vụ việc nêu trên đã tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự là tố giác tin báo về tội phạm phải chuyển ngay đến cơ quan điều tra chưa. Đây cũng là vấn đề mà đại biểu Nguyễn Xuân Hướng (đoàn Hà Tĩnh), Trần Viết Quốc (đoàn Quảng Trị) quan tâm.
Trả lời về vấn đề này, ông Quách Lê Thanh cho biết đã báo cáo việc ông Lương Cao Khải đưa tiền cho ông với ông Trương Vĩnh Trọng - Trưởng Ban Nội chính Trung ương. Và vì vụ án chưa khởi tố, vẫn đang trong quá trình củng cố chứng cứ để khởi tố bị can cần phải giữ bí mật nên ông đã gửi lại tiền nhờ ông Trương Vĩnh Trọng chuyển tới cơ quan điều tra.
Về trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ khi đã có 7 lần đến thanh tra Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) mà không phát hiện ra những sai phạm kéo dài ở cơ quan này, ông Quách Lê Thanh cho rằng trong 7 lần thanh tra Vietnam Airlines, có 4 lần thuộc trách nhiệm của lãnh đạo nhiệm kỳ trước. Trong 3 lần sau khi thanh tra Công ty Xăng dầu Hàng không đã phát hiện sai phạm đã chuyển cho cơ quan điều tra. Ông Quách Lê Thanh khẳng định, một số vụ việc mà Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó có việc mua động cơ máy bay, tài trợ chi phí cho cán bộ lãnh đạo Tổng công ty đi công tác nước ngoài quá định mức mà Thanh tra Chính phủ đanh tiến hành, sẽ được thanh tra khách quan và đúng mức, nếu phát hiện sai phạm sẽ có báo cáo và kiến nghị sau.
Đại biểu Trần Viết Quốc chất vấn về việc theo báo cáo của 6 đoàn thanh tra của ông Lương Cao Khải có báo cáo với lãnh đạo thanh tra Nhà nước về nội dung kết luận thanh tra và xin ý kiến chỉ đạo xử lý kinh tế, xử lý trách nhiệm đối với các sai phạm, vậy lý do gì mà lãnh đạo thanh tra chỉ đề nghị xử lý kinh tế mà không xử lý trách nhiệm đúng mức đối với những cá nhân tập thể của Hội đồng quản trị và Ban lãnh đạo Tổng công ty Dầu khí. Điều này có uẩn khúc gì không?
Trả lời về vấn đề này, ông Quách Lê Thanh đã nhận thiếu sót về mình và giải thích do mới về nhận nhiệm vụ được đúng 1 tháng nên chưa có kinh nghiệm, lần đầu tiên nhận vụ này nên còn có những lúng túng giữa xử lý hình sự và kinh tế.
Đại biểu Hoàng Thanh Phú (đoàn Thái Nguyên) nêu chất vấn cho rằng, nguyên nhân trực tiếp của những tiêu cực nảy sinh trong các cuộc thanh tra là do cách làm việc của các đoàn thanh tra. Thường là khi bắt đầu làm việc thì xới lên rất nhiều vấn đề theo chủ quan của mình và từ việc xới lên, đối tượng thanh tra phải gặp thanh tra để giải trình. Đại biểu nêu câu hỏi: “Có cơ chế gì để quản lý và giám sát các đoàn thanh tra và có nên thay đổi cách làm việc của đoàn thanh tra không?”.
Tổng Thanh tra Chính phủ Quách Lê Thanh cho biết, hiện đã có thay đổi trong quy trình thanh tra. Theo đó, trước khi cho đoàn thanh tra đơn vị nào đều cho khảo sát trước, sau khi khảo sát sẽ xây dựng kế hoạch thanh tra và nội dung các bước làm và thông qua lãnh đạo thanh tra phê duyệt, được thông báo đến đơn vị được thanh tra. Ngành Thanh tra cũng đã có quy định làm việc phải có chương trình, có hai thành viên, ghi chép đầy đủ, không được tiếp cận đến đối tượng được thanh tra…
Công tác cán bộ còn nhiều bất cập
Thành viên Chính phủ thứ tư trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung. Bộ trưởng Đỗ Quang Trung có 9 chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội và đã có trả lời bằng văn bản.
Tại Hội trường, Bộ trưởng Đỗ Quang Trung đã trả lời chất vấn trực tiếp 7 đại biểu và còn 10 đại biểu khác đăng ký chất vấn sẽ được Bộ trưởng Đỗ Quang Trung trả lời bằng văn bản.
Mở đầu chất vấn, đại biểu Lê Văn Cuông (đoàn Thanh Hoá) đặt câu hỏi về tệ nạn chạy chức, chạy quyền diễn ra thời gian qua và trách nhiệm của Bộ Nội vụ về vấn đề này. Bộ trưởng Đỗ Quang Trung thừa nhận có tệ nạn này, nhưng cần được xem xét ở những trường hợp cụ thể. Bộ Nội vụ cũng đã có những đề xuất, tham mưu cho Chính phủ có quyết định về việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Các hoạt động về đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đều được thực hiện theo quy trình dân chủ, tuân theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Tuy nhiên, công tác quản lý cán bộ cũng còn nhiều hạn chế, thiếu sót cần được khắc phục.
Các đại biểu Néang Kim Cheng (đoàn An Giang), Trần Luân Kim (đoàn Phú Yên) chất vấn về việc Bộ Nội vụ cần có những biện pháp đột phá gì để cải thiện tình hình thủ tục hành chính hiện nay, cũng như để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác cải cách hành chính.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Đỗ Quang Trung cho rằng lãnh đạo các cấp, các ngành, thủ trưởng các cơ quan hành chính cần nỗ lực nhiều hơn nữa cho việc kiện toàn, xây dựng bộ máy vững mạnh, trong sạch, thực sự là công bộc của nhân dân. Việc làm này cần được thực hiện tích cực, quyết liệt mới đáp ứng được yêu cầu và đây cũng là một trong những thách thức không nhỏ đối với công tác cán bộ hiện nay. Theo Bộ trưởng Đỗ Quang Trung, công tác cán bộ cần tập trung vào một số vấn đề trọng tâm như: Phải làm tốt công tác giáo dục cán bộ, công chức; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức. Công tác này phải được tiến hành thường xuyên, liên tục để có thể phát hiện được dấu hiệu vi phạm. Bên cạnh đó, vai trò và trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan hành chính trong việc quản lý, kiểm tra cán bộ, công chức cũng có vai trò rất quan trọng…
Các đại biểu Trịnh Thanh Vân (đoàn Hà Nội), Nguyễn Thị Việt Nhân (đoàn Kiên Giang), Đỗ Tiến Dũng (đoàn Quảng Ngãi) chất vấn về việc tại sao vẫn còn những tiêu cực nẩy sinh, tệ “mua quan, bán chức”; việc đề bạt, bổ nhiệm ông Nguyễn Việt Tiến vào chức vụ Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải; trách nhiệm của Bộ Nội vụ như thế nào về vấn đề này.
Bộ trưởng Đỗ Quang Trung cho biết: Về bổ nhiệm cán bộ hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã có các Quyết định 27 để cụ thể hoá Quyết định 49 về phân cấp và Quyết định 51 về quy trình cán bộ. Có thể nói đây là quy trình tương đối chặt chẽ, đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo, thống nhất công tác cán bộ; đảm bảo tính công khai, dân chủ tập thể. Bộ trưởng Đỗ Quang Trung cũng cho rằng, nguyên nhân của tình trạng còn có tiêu cực trong công tác cán bộ là các cấp có thẩm quyền trong việc đề bạt, bổ nhiệm có thể có những vi phạm về nguyên tắc; bản thân các cán bộ dự kiến được bổ nhiệm đó đã có những biểu hiện thoái hoá, biến chất mà chúng ta chưa phát hiện ra; cơ quan tham mưu cũng chưa phát hiện ra sai sót của cán bộ, công chức được xem xét bổ nhiệm. Để khắc phục tình hình này, Bộ trưởng Đỗ Quang Trung cho rằng cần xác định được trách nhiệm của cơ quan tham mưu; cụ thể hoá được tinh thần của các văn kiện của Đảng về công tác cán bộ. Bên cạnh đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục những tồn tại, yếu kém trong bộ máy hành chính hiện nay.
Về trách nhiệm của Bộ Nội vụ liên quan đến việc bổ nhiệm ông Nguyễn Việt Tiến làm Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải, Bộ trưởng Đỗ Quang Trung cho biết: Ông Nguyễn Việt Tiến được bổ nhiệm chức danh này vào năm 1998 theo quyết định 44 và quy định 76 của Bộ Chính trị. Việc đề nghị bổ nhiệm này là do lãnh đạo bộ Giao thông-Vận tải lúc đó làm quy trình và đề nghị bổ nhiệm. Với trách nhiệm của mình, Bộ Nội vụ (lúc đó là Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ) đã có văn bản yêu cầu lãnh đạo Bộ Giao thông-Vận tải kiểm tra xác minh, kết luận báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc có một đơn tố cáo những khuyết điểm của ông Nguyễn Việt Tiến. Sau đó, lãnh đạo, chi bộ Đảng của Bộ Giao thông-Vận tải đã tiến hành họp bàn và kiểm tra, xác minh những thông tin này và vẫn tiếp tục đề bạt ông Nguyễn Việt Tiến. Những việc này đều được tiến hành công khai, không có điều gì dấu diếm và đều đảm bảo các quy trình về xem xét, đề bạt cán bộ. Bộ trưởng Đỗ Quang Trung cũng thừa nhận đây là những sai sót trong việc đề bạt, bổ nhiệm ông Nguyễn Việt Tiến tại thời điểm năm 1998…
Cũng trong giờ làm việc sáng nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã trả lời chất vấn trực tiếp 7 đại biểu Quốc hội về các vấn đề như quản lý, phân bổ, sử dụng các nguồn vốn lớn, đặc biệt là nguồn vốn ODA…
Chiều nay, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường.
Theo VOV