Chính quyền cơ sở (bao gồm HĐND và UBND xã, phường, thị trấn), một bộ phận nòng cốt của hệ thống chính trị cơ sở bao gồm tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cơ sở, là cấp gần gũi nhất với dân, trực tiếp thực thi nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước ở cơ sở và tổ chức hướng dẫn thực hiện các công việc có tính tự quản của cộng đồng dân cư ở cơ sở. Năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở quyết định trực tiếp việc phát huy trên thực tế quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm sự ổn định và phát triển của mỗi cơ sở nói riêng và của đất nước nói chung. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cấp xã là gần gũi nhân dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được việc thì mọi công việc đều xong xuôi”…*
Chính quyền cơ sở mạnh sẽ giải quyết tốt hơn các vấn đề dân sinh ở địa phương – Ảnh: Minh họa
Có thể nói, bộ máy chính quyền cơ sở nói riêng, hệ thống chính trị cơ sở nói chung đóng vai trò rất quan trọng và trực tiếp trong việc đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, góp phần đắc lực phát triển kinh tế– xã hội, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Bên cạnh những ưu điểm, tiến bộ cơ bản đã đạt được, trước sự phát triển mới của đất nước, tổ chức và hoạt động của chính quyền cơ sở còn có những yếu kếm, hạn chế cần sớm được khắc phục. Đó là: Nội dung, phương thức hoạt động chưa phù hợp đặc điểm, tính chất của cấp cơ sở, xu hoá Nhà nước hoá các công việc có tính tự quản của cộng đồng ngày càng nặng nề. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân trong bộ máy chính quyền cơ sở chưa cụ thể. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND cấp cơ sở còn nhiều hạn chế, chưa thực quyền trong việc quyết định các nhiệm vụ kinh tế – xã hội, cũng như trong việc thực hiện chức năng giám sát hoạt động của bộ máy chính quyền, các đơn vị KT – XH, thực thi luật pháp, các văn bản pháp quy của các cơ quan Nhà nước cấp trên và thực hiện nghị quyết của HĐND cấp mình. Chất lượng đại biểu HĐND cấp xã còn non yếu về nhiều mặt, nặng về cơ cấu. Hoạt động quản lý điều hành hành chính của UBND vừa chưa thành thục trong việc thực thi pháp luật, vừa lúng túng trong việc phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân. Chính sách tuyển dụng, sử dụng, đào tạo bồi dưỡng và chế độ đãi ngộ đối với cán bộ cơ sở còn nhiều bất cập, lại không ổn định, thiếu nhất quán và chưa đồng bộ; chưa có chính sách thoả đáng để động viên, khuyến khích thu hút lực lượng cán bộ trẻ đã qua đào tạo chuyên môn cơ bản về làm việc ở cơ sở. Điều kiện, phương tiện làm việc của chính quyền cơ sở nhìn chung còn sơ sài, thiếu thốn…
Để nâng cao năng lực, hiệu lự, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền cơ sở, cần tập trung sức triển khai đồng bộ, dứt điểm những nội dung theo nghị quyết của Bộ Chính trị về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn; tổ chức thực hiện đầy đủ những nhiệm vụ của chính quyền cơ sở mà Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 đã quy định. Đồng thời, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở xã, mở rộng dân chủ trực tiếp ở cơ sở, tạo điều kiện tốt để nhân dân tham gia quản lý xã hội và nâng cao tính chủ động của chính quyền cơ sở…
Muốn vậy, phải thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu. Một là, cần xác định rõ chức năng của chính quyền cơ sở theo hướng phân biệt cụ thể hai chức năng: chức năng quản lý hành chính Nhà nước trên địa bàn (chức năng công quyền) và chức năng thực hiện các nhiệm vụ có tính tự quản của cộng đồng dân cư ở cơ sở (chức năng tự quản). Hai là, phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm là cơ quan đại biểu, đại diện của HĐND cơ sở, bảo đảm cho HĐND có thực quyền quyết định những nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và giám sát việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của UBND. Việc bầu cử đại biểu HĐND thật sự coi trọng tiêu chuẩn, chất lượng, giảm đại biểu là cán bộ thuộc cơ quan hành pháp, tăng đại biểu là người trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh, bỏ phiếu tín nhiệm đối với UBND và chủ tịch UBND. Ba là, nâng cao năng lực của UBND trong quản lý điều hành hành chính và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội ở cơ sở. Kết hợp tốt giữa chế độ làm việc tập thể của UBND với chế độ trách nhiệm cá nhân của chủ tịch và mỗi thành viên của UBND, tăng cường và làm rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của chủ tịch UBND. Kiện toàn bộ máy giúp việc UBND theo hướng tinh gọn, ổn định, linh hoạt, không cứng nhắc về số lượng mà tuỳ thuộc vào quy mô và điều kiện của mỗi loại hình cơ sở, nhưng phải kiên trì, kiên quyết bảo đảm chất lượng đội ngũ cán bộ trong bộ máy. Chuyên nghiệp hoá các chức danh chuyên môn theo ba khối công việc: kinh tế – ngân sách, văn hoá – xã hội, nội chính. Bốn là, đổi mới chính sách cán bộ cơ sở trên các mặt chuẩn bị nguồn cán bộ, tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng và chế độ đãi ngộ. Cần phân biệt hai loại cán bộ cơ sở: cán bộ lãnh đạo, quản lý do bầu cử và cán bộ chuyên môn nghiệp vụ. Cần định rõ tiêu chuẩn cụ thể cho mỗi chức danh, có chính sách, chế độ phù hợp đặc điểm, tính chất của mỗi loại cán bộ. Nghiên cứu áp dụng chế độ tiền lương đối với một số chức danh cán bộ chủ chốt và chức danh cán bộ chuyên môn nghiệp vụ ở cấp cơ sở để thu hút, khuyến khích cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản chuyên môn nghiệp vụ về công tác và an tâm lâu dài ở cơ sở. Năm là, đổi mới cơ chế quản lý tài chính – ngân sách cấp xã theo hướng tăng quyền chủ động và trách nhiệm của cơ sở trong quản lý, điều hành ngân sách, trong việc chi phụ cấp, sinh hoạt phí cho các đối tượng cán bộ cấp xã, cấp thôn; hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho việc xây dựng trụ sở và hiện đại hóa phương tiện làm việc của chính quyền cơ sở.
* Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, trang 371
NGUYỄN KHẮC BỘ