Người cao tuổi (NCT) là tài sản vô giá của xã hội trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực tài trí và kinh nghiệm. Phần lớn các nguyên thủ quốc gia, các nhà sáng chế phát minh, các nhà quản lý kinh tế lỗi lạc, tài năng đều chín muồi ở lứa tuổi 50 trở lên như: Paplôp, Anhxtanh, VictoHuyGo, Hải Thượng Lãn Ông… đều đạt những kỳ tích vào lứa tuổi đã cao.
Lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của nước ta đã ghi nhận nhiều quyết định sáng suốt và công lao đóng góp to lớn của các bô lão. Cuối thế kỷ XI, Lý Thường Kiệt đã 85 tuổi còn kiên quyết yêu cầu triều đình được đi đánh giặc ngoại xâm. Hội nghị Diên Hồng lịch sử vào năm 1285 ghi lại một dấu son trong lịch sử về ý chí kiên cường bất khuất, giữ vững độc lập tự do của nhân dân ta, mà tiếng nói quyết định của các bô lão là tiêu biểu cho ý chí kiên cường đó.
|
Người cao tuổi luôn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ - Ảnh: Chí Thạnh |
NCT Việt Nam là lớp người được sự lãnh đạo của Đảng đã đem bầu nhiệt huyết của mình xả thân cho sự nghiệp cách mạng; là lớp người đi đầu khai phá con đường đổi mới, góp phần không nhỏ tạo ra những thành tựu quan trọng của đất nước. Họ kiên định lý tưởng độc lập tự do và CNXH, tận tụy trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, có tiềm năng rất đáng trân trọng về tư duy cách mạng, về trí thức, kinh nghiệm, kỹ năng lao động và nghiệp vụ. Cuộc đời và sự nghiệp của họ gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Nhiều người đã đổ xương máu để bảo vệ chế độ này. Họ hiểu sâu sắc về quá khứ cũng như hiện tại và có tầm nhìn về tương lai. Họ chính là những nhân chứng lịch sử và rất nhiều người đã trực tiếp góp phần làm nên lịch sử. Đó là những bậc lão thành cách mạng và khoa học, những đảng viên kiên trung bất khuất, những Bà mẹ Việt Nam anh hùng; những anh hùng, chiến sĩ thi đua, những tướng lĩnh và sĩ quan cao cấp trong các lực lượng vũ trang, những người đã cống hiến trí tuệ, tuổi thanh xuân cho đất nước để thực hiện được chân lý của Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
NCT Việt Nam là nguồn lực nội sinh vô cùng quý giá của dân tộc. Trước đây, trong những năm chiến tranh ác liệt, họ đã nêu gương sáng trên mọi lĩnh vực. Ngày nay, họ tiếp tục nêu gương sáng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. NCT nêu gương sáng tích cực xóa đói giảm nghèo, làm giàu hợp pháp góp phần đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, nhất là CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn. NCT nêu gương sáng xây dựng con người, xây dựng gia đình hiếu học, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Qua phong trào có thể thấy rằng NCT ở nông thôn đang tích cực tham gia sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và làm nghề tiểu, thủ công nghiệp. Có nhiều mô hình và cách làm hay đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực như NCT làm trang trại, trồng rừng, nuôi tôm, thả cá, mở trại chăn nuôi, đánh bắt hải sản, làm ngành nghề truyền thống… thực sự góp phần xóa đói, giảm nghèo cho chính bản thân mình, cho gia đình mình và họ hàng, làng xóm. Nhiều thầy giáo khi về hưu vẫn tham gia dạy học ở các lớp bổ túc văn hóa, học thêm, xóa mù chữ, mở các lớp học tình thương cho trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật không có điều kiện đến trường. Nhiều NCT là cán bộ khoa học kỹ thuật đã về hưu nhưng vẫn tham gia các công trình nghiên cứu, tham gia giảng dạy ở các trường, tham gia chuyển giao công nghệ trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp… Ngoài ra, NCT sống trong cộng đồng còn tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể nhân dân ở cơ sở, là yếu tố quan trọng góp phần ổn định xã hội, giáo dục thế hệ trẻ, duy trì truyền thống tốt đẹp của dân tộc và gia đình. Thực tế đó đã cho thấy NCT không phải là gánh nặng cho xã hội mà là một nguồn nội lực quý giá cho sự phát triển của đất nước, đúng như xác nhận của hầu hết các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận: “Việc nhà, việc phường, xã, việc nước đều rất cần có NCT”.
TÔ PHƯƠNG