Thứ Bảy, 30/11/2024 04:54 SA
Vui sao nước mắt lại trào
Thứ Hai, 01/05/2006 08:14 SA

Cái thước chỉ của thiếu tá Cao Nham trong buổi phát thanh tin tức chiến dịch Hồ Chí Minh, mùa xuân lịch sử năm 1975 di động trên bản đồ như chạy. Mới từ điểm khởi đầu tấn công giải phóng Buôn Ma Thuột 10-3, mà đã: 26-3 giải phóng Đà Nẵng, 1-4: thu hồi Phú Yên. Nhấp nháy ở Đồng Nai, rồi dừng chân hẳn tại điểm son Sài Gòn: xe tăng mang quốc huy Việt Nam dân chủ cộng hòa húc đổ cổng dinh Độc Lập, giang sơn thu về một mối, miền Nam hoàn toàn giải phóng.

 

060501-niemvui.jpg
Niềm vui ngày gặp mặt - Ảnh: Tư liệu
Cả nước cờ đỏ sao vàng tung bay phất phới. Phố phường, đồng ruộng nhân dân vỗ tay ăn mừng. Thế thắng như chẻ tre. Niềm mong ước của Bác Hồ được thực hiện: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một!”. Thật mà như đang mơ: Mỹ cút, ngụy nhào. Những người miền Nam chúng tôi ôm nhau “vui sao nước mắt lại trào”.

 

Trên quốc lộ 1, xe ô tô đủ cỡ của người đi phép, của cán bộ công an đi công tác, chạy thẳng, tăng bo tàu hỏa từ ga Vinh, chạy tung bụi. Xe Phơ Long, Hải Âu từ Nam ra, trên xe bộ đội đông nghẹt, lủng lẳng những con búp bê mắt xanh mở nhắm. Người xách nách mang, như hội. Vì vợ đẻ, mãi tháng 9-1975, tôi mới bố trí được cuộc về phép sau 21 năm dài tập kết.

 

Qua sông Bến Hải, ai cũng cố nhìn cầu Hiền Lương, dòng sông chia cắt, nhớ đến bộ phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”. Những cây xăng ESSO, dầu nhớt, đồn bốt cứ nối liền nhau chạy giật lùi. Đến Đà Nẵng phải nghỉ để đổi tiền. Cái gì cũng lạ lẫm, cái gì cũng khêu gợi trí tò mò.

 

Căn cứ Mỹ ở Phú Tài nằm phía bắc đèo Cù Mông ngổn ngang những thùng bộng, gạch tôn. Phú Yên quê tôi đây rồi! Xe dừng cho tôi xuống, để còn chạy tiếp vào điểm cuối Sài Gòn.

 

Tôi từ chân núi Mái Dự, qua đò Bình Bá, men theo bãi sông về nhà. Trước kia đoạn đường này trông xa vời vợi. Mà nay thoảng mấy bước chân. Khoảng cách không ngắn lại, mà do con người lớn lên, đi đó đi đây, tầm mắt mở rộng.

 

Làng quê trên bước chân của tôi. Người đi tập kết đã trở về thăm từ tháng 6, tháng 7, chỉ có tôi là về trễ. Bố tôi mất năm 1960, tôi biết được qua đường thư Thống Nhất. Mẹ tôi mất trận càn của Mỹ – ngụy tháng 6-1966, tôi mới biết được trước đây vài tháng. Thư anh Sáu tôi viết: “Mấy năm trời, mẹ mòn mỏi trông tin em ở phương trời xa lắc. Mỗi lần có đứa nào, con cháu, nói không nghe, bà thường bảo “Nồi đồng mất, nồi đất còn””. Bà ám chỉ tôi là nồi đồng. Đêm bà mất, nhà chỉ có anh Sáu tôi. Anh em khác đã chạy sơ tán trước đó lên Buôn Ma Thuột làm ăn, tránh khủng bố. Nhờ ông hàng xóm một đầu, anh Sáu tôi một đầu, khiêng mẹ tôi bước thấp bước cao dưới ánh pháo sáng súng giặc, nhì nhoằng ra chôn ở bãi tha ma cát trắng đầu làng.

 

Anh chị Sáu tôi thoát từ ấp chiến lược Gành Đỏ về, cất lại cái chòi nhỏ trên nền đất cũ, sống tàn tật, hy vọng mong manh, cảm thấy thừa thãi trên bàn cờ của thế trận. Tôi nằm nghe anh tôi kể mà không cầm được nước mắt.

 

Ông già Rìu, một đêm ra sông ngồi làm quận công, thì bỗng bị một bàn tay của tên lính Đại Hàn thuộc lữ đoàn Ngựa Trắng thít chặt cổ. Tụi Mỹ phục kích thì dễ nhận biết qua tiếng họ, mùi thuốc lá, thứ bọn Đại Hàn phục thì không hề lộ. Chuyến này chỉ có chết. May sao cho nó rờ đến bộ râu dài, thì nó buông tay. Ông thoát chết có lẽ vì bộ râu. Nhân chứng đang ngồi trước mặt tôi.

 

Bãi biển vịnh Xuân Đài, nơi ngày bé, chúng tôi thường ra đây ngụp lặn, giậm sò, bắt còng gió, nhìn ra hòn Yến xa xăm. Nơi ấy thuyền ghe đang đánh cá. Vùng biển sâu đầy sóng gió ấy không ngờ lại là mồ chôn người vô tội. Anh tôi kể: Bắt được du kích, người tình nghi là “Việt cộng”, chính quyền Mỹ – ngụy, cột bỏ bao bố chở ra thả xuống biển. Nhìn thấy những cái bao bố lạy như tế sao, mới hiểu thế nào là sự “văn minh, khai hóa” của chính thể Huê Kỳ.

 

Tôi mua vé lên Buôn Ma Thuột thăm anh em. Người anh thứ 8 của tôi, hỏi tôi nhiều về huyền thoại Bác Hồ. Tôi biết đó là vì sự kính trọng Bác mà thần thánh hóa Bác. Anh tôi kể như thật: “Nghe nói có lần đi họp về, cần vụ mời Bác ăn cơm. Bác bảo: “Nhà có khách, lấy thêm một cái bát, một đôi đũa nữa!”. Hỏi khách ở đâu. Bác bảo: “Khách trong tủ”. Người khách chính là tên mật vụ được Mỹ sai đi ám sát Bác. Nghe Bác nói thế tên mật vụ sợ quá, biết gặp phải “chơn mạng đế vương”. Từ tủ nó bước ra thú tội và nguyện làm lính bảo vệ Bác”.

 

Đất nước ta có lắm chuyện thần kỳ. Nhưng đó là chuyện thật sờ thấy, không tâm linh thần thánh hóa, hư cấu.

 

Mới đó mà đã 30 năm, chuyện dài nhiều tập “Vui sao nước mắt lại trào” kể đến bao giờ cho hết.

 

CAO PHI YẾN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek