Thứ Hai, 30/09/2024 18:42 CH
Kỷ niệm 31 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (30-4-1975 - 30-4-2006)
Cơn lốc tháng 4 năm 1975 từ sông Vàm Cỏ Đông
Chủ Nhật, 30/04/2006 09:06 SA

… Ngày 26-4-1975

Hôm nay chúng tôi tiếp tục hành quân với Trung đoàn Đồng Xoài anh hùng. Tháng 1-1975, đơn vị tham gia giải phóng tỉnh Phước Long. Ngày 11-3-1975 vừa lập công ở Dầu Tiếng, Chơn Thành (Thủ Dầu Một). Nay đơn vị nhận nhiệm vụ thọc sâu về hướng tây-nam để chận địch ở đường số 4 và đánh vào Sài Gòn.

 

Đồng Tháp mênh môngt ít tắp, không có cây cối lớn, toàn là dưng và cỏ, thỉnh thoảng mới có những khóm tràm, không đi đường có sẵn, đội hình hành quân như những mũi dao xé bưng mà đi. Dưng, cỏ lá cao quá đầu cũng phải rạp xuống thành những thảm dày cho bộ đội vượt lên.

 

Cán bộ, chiến sĩ đoàn Đồng Xoài sinh ra và lớn lên ở Miền Đông, dấu chân họ in khắp bưng biền Đồng Tháp Mười, gian khổ là chuyện bình thường. Hôm nay đi sang hướng này, mỗi người phải mang bốn ngày gạo, 5 ngày lương khô, thêm một cơ số đạn và vát một quả đạn pháo giúp pháo binh. Ngoài bộ quần áo mặc trong người, chiếc võng quấn ngang lưng, chiếc bồng trên lưng chỉ đựng gạo và đạn. Thà bỏ lại bớt áo quần chứ không ai để thiếu một viên đạn.

 

060430-song-Vam-Co-Dong.jpg
Vượt sông Vàm Cỏ Đông tiến về Sài Gòn - Ảnh: Tư Liệu

 

Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Chúng tôi theo sở chỉ huy nhẹ của Trung đoàn đi bằng xe bọc thép lên phía trước.

 

Tin thắng trận dồn dập dội về: Phía nam, sau khi giải phóng Thịnh Trị, Thủ Thừa (Kiến Tường), đơn vị bạn làm nhiệm vụ chốt chặn chia cắt chiến lược đã làm chủ lộ 4 nhiều đoàn. Phía trước, một đơn vị khác đã dọn xong căn cứ Hiệp Hòa (Long An). Toàn sư đoàn nao nức tiến nhập trận địa, nhưng phải tuyệt đối giữ bí mật.

Các đơn vị vừa hành quân vừa phổ biến Lời hiệu triệu chiến đấu của Đảng ủy và Bộ chỉ huy Mặt trận tây-nam Sài Gòn.

 

Trung đoàn Đồng Xoài tổ chức sở chỉ huy nhẹ cùng đi trước với tiểu đoàn 4 có xe bọc thép lội nước yểm trợ.

 

Tắc đường. Tắc đường nữa. Đồng bằng mênh mông, thế mà quân ta vẫn bị tắc đường. Bộ đội được lệnh tạm dừng lại để chờ các đơn vị phía trước nhổ xong mấy cứ điểm. Tiếng các loại súng phía trước nổ inh tai, khói lửa cuộn lên rất gần nhưng chẳng ai để ý.

 

Bộ đội được lệnh bỏ bớt lại quân trang và những trang bị cồng kềnh khác không cần thiết để mang thêm đạn và lương khô. Những đồn bót phía trước đã bị trung đoàn 1 và trung đoàn 3 dọn sạch. Sở chỉ huy của Sư đoàn 9 đã lên kịp tiểu đoàn mũi nhọn.

 

Trời vừa tối thì bộ đội và xe pháo rời khỏi những lũy tre của các làng Mỹ Thạnh, Mỹ Hào, Mỹ Hòa… Vượt qua những cứ điểm vừa bị quân ta đánh cách đây vài giờ, xác giặc cháy thui, mùi thuốc súng khét lẹt. Cánh đồng Trà Vinh, Bồng Nóc bát ngát sau những cơn mưa đầu mùa nước mới xâm xấp bờ ruộng thấp. Ếch nhái kêu ọt ẹt suốt đêm. Lúa Đồng Nai, lúa Sậu, lớp trổ, lớp đã ngậm đồng, hương thơm ngào ngạt.

 

Toàn mặt trận được lệnh: “Đánh địch má tiến. Dàn hàng ngang mà tiến!”. Trăng rằm mười sáu sáng vằng vặc. Đêm nay Trung đoàn Đồng Xoài vượt sông Càm Cỏ Đông. Các chiến sĩ quê ở Hà Nội, Vĩnh Phú, Hà Tây, Thanh Hóa, Nghệ An… vừa đến bờ sông đã reo lên: “Vàm Cỏ Đông! Vàm Cỏ Đông…”. Mọi người cụm bàn tay vục một vốc nước uống ừng ực ngon lành, không phải vì khác, mà để kỷ niệm về một dòng sông trìu mến!

 

Địch bắn pháo tọa độ chụp xuống quanh bến. Trận địa pháo của Trung đoàn ta 262 phía sau phản pháo lại, pháo địch câm tịt. Pháo sáng các đồn bót còn lại bắn lên liên hồi kêu cứu, vàng ệch như ma trơi.

 

Nhân dân các xã Lộc Giang, Lộc Tấn huyện Đức Hòa (Long An) phục vụ bộ đội vượt sông. Khu vực vượt sông có 7 bến, 5 bến dành riêng cho bộ binh, 2 bến cho xe tăng và pháo binh.

 

Trong chốc lát Đoàn 8 công binh đã bắt xong cầu phao. Bộ binh tiến theo xe tăng. Nhiều đơn vị đi thuyền gắn máy của nông dân, bến nào cũng có hàng trăm thuyền gỗ của bà con chờ sẵn. Mỗi chiếc thuyền, mỗi chuyến chở được từ 30-40 chục người. Bộ phận của chúng tôi vượt sông lúc 12 giờ đêm, nước thủy triều đang xuống, hai bên bờ ló lên những khóm le nước tràm và móp mà sông vẫn rộng khoảng 150 mét. Sông rộng, cầu phao nào cũng thiếu gần một nhịp ở hai đầu. Bà con và dân quân các xã phụ cận giúp bộ đội ghép ghe, lấy ván làm đà, làm vòng cầu bảo đảm cho xe tăng, xe kéo pháo vượt sông an toàn.

 

Bến cuối cùng bị nhiều quãng lầy, nhân dân dỡ cả mái nhà để chống lầy. Một cụ già bảo con cháu khiêng cả “cỗ hậu sự” (hòm dưỡng già) để giúp bộ đội chống lầy.

 

Cụ cười khà khà nói:

 

- Chiến thắng rồi, độc lập thống nhất rồi, lão còn sống lâu, chưa chết đâu mà các con cháu lo chuẩn bị cỗ hậu sự này còn sớm. Các con cứ phá ra làm ván chống lầy cho xe pháo Quân giải phóng hành quân kẻo muộn.

 

Đồng chí chỉ huy bến phà phải thưa với cụ mãi rằng đã đủ dụng cụ chống lầy rồi, cụ mới vui lòng bảo con cháu khiêng về.

 

Ngày 27-4-1975.

 

Gần sáng súng nổ dồn dập quá, pháo sáng soi rõ từng gốc cây ven đường. Khi tiếng súng thưa là tiếng loa thúc dục gọi địch đầu hàng. Tiếng ai lanh lảnh như tiếng cô Xuân dân quân xã Lộc Giang đêm qua làm liên lạc dẫn đường cho bộ đội.

 

Hôm nay hành quân cả ban ngày. Vừa đi vừa đánh địch. Cụm cứ điểm nào chống cự quyết liệt thì đánh để mà đi; Cụm cứ điểm nào nằm im thì giao cho lực lượng địa phương giải quyết sau. Bọn địch ở Lộc Thuận, Rạch Tràm ngoan cố chống cự. Trung đoàn trưởng Lê Tấn Cầm lệnh cho Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn 6 phối hợp với Tiểu đoàn 23 thiếc giáp xông lên đánh vổ mặt, chưa đầy 1 giờ đồng hồ nổ súng, bọn địch đã kéo cờ trắng đầu hàng. Pháo địch ở trận địa Gò Quao, Rạch Quẹo vừa bắn; trận địa pháo bên này sông Vàm Cỏ Đông của Sư đoàn 9 nã cấp tập làm cho nó câm họng.

 

Bộ đội mang đầy đủ gạo, lương khô, nhưng chưa có lúc nào được dừng lại để thổi cơm. Đi đến đâu bà con cũng đã thổi sẵn cơm nóng rồi, đơn vị đi qua là các mẹ, các chị trao tay mỗi người vài vắt, kèm theo một gói nilon thịt lợn nạc, tôm kho khô. Bộ đội gởi lại gạo, phải nói là vì quá nặng không hành quân nhanh được, bà con mới chịu nhận.

 

Tin chiến thắng Bình Long, Phước Tuy, Bà Rịa – Vũng Tàu, Biên Hòa dồn dập dội về.

 

Các đơn vị xe pháo và hậu cần chiến dịch từ phía sau cũng đã vượt sông Vàm Cỏ Đông theo kịp. Chúng tôi vận động trên lộ 6 và lộ 10, bên trái và bên phải đều có địch. Mặc nó, đã có các đơn vị bạn giải quyết. Nhiệm vụ của đơn vị thọc sâu là thần tốc vào Sài Gòn. Bài hát: “Tiến về Sài Gòn” là bài hát được mọi người hát suốt chiến dịch.

 

Đến xã An Ninh tôi gặp các đơn vị dân quốc của xã vừa phối hợp với bộ đội địa phương huyện Đức Huệ diệt xong bót Long Hòa. Họ khuâng vác nhiều vũ khí mỹ chiến lợi phẩm và dong giải đi hàng trăm tù binh. Bót Long Hòa xây dựng khác kiên cố, một đại đội địch chốt giữ thế mà một đại đội dân quân xã vây ép hai ngày, kết hợp với binh vận, toàn bộ quân địch phải đầu hàng. Hiện nay bọn địch ở bót An Mỹ, Lộc Vang đang bị dân quân vây đánh. Bà ocn đang rầm rộ kéo lên đấu tranh gọi chồng con về gia đình. Bót Mỹ Đoàn binh sĩ phản chiến giết bọn chỉ huy, mang vũ khí về nộp cho xã đội.

 

Ngày 28-4-1975.

 

Cuộc chiến đấu tao ngộ diễn ra trên cánh đồng Bầu Công. Khi tiểu đoàn 4 và tiểu đoàn 5 chiếm được rìa làng xã Tân Mỹ thì 2 tiểu đoàn địch ở 2 chi khu Bến Lâm và Bầu Công nống ra ngăn chặn. Đang ở đội hình hành tiến nhưng được sự giúp đỡ của lực lượng dân quân và nhân dân địa phương, các đơn vị vừa chia ra thành từng mũi nhỏ, luồn sâu đánh hiểm, vừa tạo thành thế bao vây diệt gọn. Trận đánh kéo dài hơn một giờ thì 2 tiểu đoàn địch đầu hàng. Nhân dân địa phương tràn ra cánh đồng đuổi bắt tù binh, thu vũ khí. Bọn tàn quân địch vứt quần áo, giầy mũ chạy tán loạn. Tiếng mõ, tiếng phèng la của nhân dân đuổi bắt bọn ác ôn hòa trong tiếng súng nổ dồn phía trước.

 

Tối bộ đội đến xã Đức Lộc nhân dân ở đây tràn ra hai bên đường đón tiếp bộ đội.

 

Mẹ Phạm thị Chăng là một trong những người mẹ tôi gặp đầu tiên ở xã này. Mẹ đã gần 70 tuổi, mẹ nắm tay từng người nói:

 

- Trời ơi, các con đã về, mẹ mong miết. Có đứa nào ốm đau gì không? Mong các con về giải phóng mà mẹ sắp ngút cả hơi.

 

Mẹ có 6 người con thì năm chị gái. Các anh con rể đều là cán bộ, chiến sĩ Quân giải phóng. Người con trai độc nhất là Lê Văn Phong 35 tuổi, mẹ phải tốn 500 ngàn đồng để lo lót mà vẫn bị bắn lính. Cuối cùng anh Phong phải tự thương vào mắt vào chân mới được thả về. Mẹ kể chuyện rằng, chiều nay bọn lính bộ binh sư đoàn 25 ngụy ra đây bị bộ đội ta đánh phải kéo cờ trắng đầu hàng. Đồng chí chỉ huy bộ đội giải phóng hạ lệnh cho đơn vị ngừng bắn, rồi anh tiến thẳng lên thiếu tá địch đang giơ tay lên trời. Nhưng nó trá hàng. Quân địch bắn chết đồng chí chỉ huy bộ đội giải phóng. Lập tức toàn đơn vị giải phóng nổ súng mãnh liệt tiêu diệt hết một tiểu đoàn địch có 5 xe bọc thép yểm trợ. Mẹ khóc:

 

- Đồng chí chỉ huy con nàh ai mà trẻ tuổi đẹp trai, chết rồi mà đôi môi vẫn hồng tươi. Bà con xã Đức Lộc khâm liệng chôn cất đồng chí chỉ huy bên cạnh mấy anh em quân giải phóng hy sinh trong đợt tổng tấn công hồi Tết Mậu Thân 1968.

 

Bữa cơm tối, mẹ nghẹn ngào không ăn được. Mẹ cứ ngồi nhìn chúng tôi ăn với cả tấm lòng thương mến. Mẹ để một chén cơm, một đôi đũa lên mâm khấn: “Thằng chỉ huy bộ đội giải phóng hy sinh hôm nay tên là gì má không biết, nhưng đã là bộ đội giải phóng là con của má, con nhớ về nhà má mà ăn cơm với anh em mày đây. Từ nay về sau con nhớ về luôn đây với má nghen con!”.

 

Mẹ nói rằng: Trong vườn nhà của mẹ cũng có mộ của 5 liệt sĩ hy sinh năm 1972, mẹ nhận đem về chôn cất chu đáo. Bên phải bàn thờ ông bà tổ tiên là bàn thờ của 5 liệt sĩ đã có 5 bát hương. Hôm nay mẹ để lên bàn thờ ấy một bát ly hương thứ 6.

 

Tôi hỏi:

 

- Thưa má, anh Lê Văn Phong đâu ạ!

 

- Nó xung phong đi làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu cho bộ đội giải phóng rồi. Các con tiến về Sài Gòn có gặp đứa nào hỏng một mắt phải là thằng Phong con của má đó.

 

Cả xã Đức Lập này người mẹ nào cũng là mẹ Phạm Thị Chăng cả.

 

Ngày 29-4-1975.

 

Rời sở chỉ huy sư đoàn, chúng tôi bám theo một đơn vị xe tăng đang tiến lên.

 

Ngày 30-4-1975

 

Đã qua một chặng đường gian khổ, vừa đi vừa đánh. Sáng nay chỉ còn cách Sài Gòn theo đường chim bay khoảng hơn 10 ki-lô-mét. Xe thiết giáp, xe tăng và bộ binh toàn mặt trận tây và tây-nam Sài Gòn dàn hàng ngang vừa vận động, vừa đánh địch giữa ban ngày. bộ binh, xe tăng, pháo binh, công binh phối hợp cùng dân quân du kích các xã ven đô từ ấp Tân Lập đánh xuống ngả ba Bà Quẹo, ngả tư Trung Chánh, lộ Đại Hàn đến Quốc lộ 1 (trại lính dù), từ Phú Lâm vào Chợ Lớn.

 

Vượt qua ngả tư Bảy Hiền, Tiểu đoàn 4 Trung đoàn Đồng Xoài mở một mũi thọc sâu xuống đường Trương Minh Giảng tới phủ tổng thống nguỵ. Lúc này đã gặp hàng chục xe tăng của quân giải phóng chở bộ binh từ phía đông, đông-bắc Sài Gòn có mặt tại phủ tổng thống ngụy. Lá cờ chiến thắng đã phất phớt tung bay trên nóc phủ tổng thống ngụy. Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng. Đường phố Sài Gòn chật ních người và cờ hoa. Bà con reo vui: “Quân giải phóng đã về! Quân giải phóng đã về”. Nhiều người còn tràn xuống đường, nhào đến ôm chầm lấy các chiến sĩ Quân giải phóng mừng vui và nước mắt chảy ràng rụa.

 

Nhật ký của nhà văn TÔ PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek