Sáng nay 24-4, các đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X làm việc tại Hội trường, nghe ông Nguyễn Phú Trọng thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội đọc giải trình tiếp thu ý kiến của các đại biểu về các văn kiện của Đại hội.
Bản giải trình nêu rõ: Từ chiều 18 đến hết ngày 20-4 Đại hội thảo luận về các Văn kiện, đã có 1553 lượt ý kiến phát biểu tại Đoàn và 29 ý kiến tại Hội trường. Không khí thảo luận rất sôi nổi, tranh luận, nội dung các ý kiến phong phú, thẳng thắn, hầu hết các ý kiến đều nhất trí cao với các báo cáo, cho rằng các báo cáo được chuẩn bị công phu, nội dung thể hiện tính chiến đấu, tính tổng kết cao, kết cấu hợp lý, văn phong sáng sủa, ngắn gọn, dễ hiểu.
Các đại biểu Đoàn Phú Yên bầu cử Ban chấp hành Trung ương X - Ảnh: Quốc Khương
Sau khi tổng hợp ý kiến của Đảng bộ các cấp, ý kiến của đảng viên, chất lượng các báo cáo được nâng lên rõ rệt, nhất là những nội dung lớn. Các ý kiến phát biểu tại Đại hội làm sáng tỏ, sâu sắc và bổ sung thêm nhiều nội dung quan trọng cả trên quan điểm chung và từng lĩnh vực cụ thể…
Đoàn Chủ tịch đề nghị Đại hội cho tiếp thu những ý kiến hợp lý, xác đáng để hoàn chỉnh các Văn kiện, đồng thời để chỉ đạo trong hoạt động thực tiễn, trước một số vấn đề khó còn có ý kiến khác nhau, xin cho ghi nhận để tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn sau Đại hội X.
Đoàn Chủ tịch đã trình bày một số vấn đề lớn để Đại hội xem xét. Có 16 vấn đề cần lấy ý kiến Đại hội gồm: Chủ đề đại hội; đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng và kết quả 20 năm đổi mới; về các nguy cơ; về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế thời kỳ 2006-2010; về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; về những vấn đề xã hội bức xúc; các thành phần kinh tế; về công nghiệp hóa-hiện đại hóa; về phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; đấu tranh phòng chống tham nhũng…
Vấn đề được đông đảo đại biểu và dư luận quan tâm tại Đại hội lần này là Đảng viên có được làm kinh tế tư nhân hay không. Các ý kiến nhất trí cao về vấn đề Đảng viên làm kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng, đảng viên làm kinh tế tư nhân nhưng phải gương mẫu chấp hành đường lối của Đảng, ý kiến khác cho rằng, chỉ cần chấp hành luật pháp như mọi công dân khác là đủ và nhấn mạnh, đảng viên phải đi đầu trong làm kinh tế tư nhân.
Một số ý kiến đồng ý để đảng viên làm kinh tế tư nhân nhưng phải có cơ chế kiểm tra, giám sát cụ thể để ngăn ngừa nguy cơ đảng viên thoái hóa, biến chất, sa vào pháp luật. Cần có qui định, giới hạn cụ thể để cho đảng viên làm kinh tế tư nhân và có sự giám sát của tổ chức Đảng đối với đảng viên làm kinh tế tư nhân. Những cán bộ đảng, chính quyền đương chức không được làm kinh tế tư nhân… Có ý kiến đề nghị cần làm rõ vấn đề lý luận của vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân, vì nhiều địa phương hiện rất lúng túng trong việc giải thích chủ trương này.
Đoàn Chủ tịch có ý kiến, đảng viên làm kinh tế tư nhân là một vấn đề cụ thể, rất hệ trọng, vì liên quan đến quan điểm, đường lối của đảng được đặt ra nhiều năm nay. Vấn đề này được đưa ra bàn luận tại nhiều Hội thảo khoa học. Riêng Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận qua 4 kỳ Hội nghị. Vấn đề này cũng được thảo luận tại Đại hội đảng các cấp, được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân và được đa số tán thành. Đó là một bước tiến quan trọng trong nhận thức của chúng ta sau hơn 20 năm đổi mới.
Tuy nhiên, đây là vấn đề nhạy cảm nên còn nhiều luồng ý kiến khác nhau là điều dễ hiểu. Sự lo ngại của một số đại biểu về sự tha hóa, biến chất là chính đáng. Chúng ta nhận thức rằng, trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, đất nước ta còn nghèo, phải tập trung phát triển nguồn lực sản xuất, làm ra nhiều của cải cho xã hội. Muốn thế, phải huy động mọi nguồn lực, khai thác mọi tiềm năng và phát huy sức mạnh tổng lực của toàn dân tộc, của mọi thành phần kinh tế, thực hiện khẩu hiệu, tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh.
Trong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa do Đảng cộng sản Việt
Về vấn đề chống tham nhũng, các ý kiến nêu rõ, đấu tranh chống tham nhũng là cuộc đấu tranh lâu dài, bền bỉ, trước hết phải có các biện pháp quyết liệt chống tham nhũng ở các cơ quan bảo vệ pháp luật, những cơ quan Nhà nước liên quan đến đầu tư, cấp phát vốn, chi tiêu ngân sách; phải xóa bỏ cơ chế xin-cho, nếu còn cơ chế này thì sẽ phát sinh tiêu cực. Cần có chính sách phân bổ kinh phí chung cho các địa phương. Việc điều tiết ngân sách như thế nào phải thống nhất, đồng thời giảm các thủ tục hành chính, phân cấp quản lý hợp lý. Các lĩnh vực xây dựng cơ bản phải chấn chỉnh từ khâu dự toán, thiết kế, thi công…
Đại hội X thể hiện quyết tâm của Đảng ta kiên quyết phòng chống tham nhũng, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức thật sự trong sạch, vững mạnh, tạo ra một thái độ mới, một bước chuyển mới trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống tệ nạn tham nhũng ở nước ta.
Sau giải trình của ông Nguyễn Phú Trọng, các đại biểu đã nghe ông Nguyễn Văn Yểu thay mặt Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả bầu cử Ban Chấp hành Trung ương khoá X. Theo kết quả bầu cử, Đại hội đã bầu được 160 uỷ viên chính thức và 21 uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X, thiếu 4 uỷ viên dự khuyết so với dự kiến ban đầu. Cuối cùng, Đại hội quyết định chỉ bầu 21 uỷ viên dự khuyết.
Vào cuối giờ buổi sáng nay, các đại biểu giới thiệu nhân sự về chức danh Tổng Bí thư khoá X trong số các uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X.
Buổi chiều, Đại hội nghỉ làm việc; Ban Chấp hành Trung ương khoá X họp hội nghị lần thứ nhất để bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
Theo VOV