Vấn đề thu hút và trọng dụng nhân tài, nhất là những người ngoài Đảng, được nêu ra ở Đại hội X và được rất nhiều đại biểu cũng như dư luận quan tâm. Báo Phú Yên đã phỏng vấn đồng chí Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uûy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
* Ông nhìn nhận vấn đề thu hút nhân tài cho đất nước trong giai đoạn hiện nay thế nào?
Ông Phạm Thế Duyệt
- Tôi nghĩ có một số vấn đề cần thiết cho việc thu hút nhân tài hiện nay.
Một là cần phải có chính sách thu hút tất cả mọi người không kể trong hay ngoài Đảng. Ai có tài năng, có đức độ, có nhiệt tâm với xây dựng đất nước đều phải trọng dụng để sắp xếp, bố trí họ gánh vác những công việc của đất nước, chứ đừng cho rằng chỉ có đảng viên mới làm được những việc đó. Nếu cứ phân biệt như vậy thì chúng ta sẽ làm mất đi đáng kể nguồn nhân tài kể cả trong và ngoài nước. Nhưng những người đó, tôi muốn nói lại là phải nhiệt tâm với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt
Thứ hai là phải có chính sách đãi ngộ thật đúng đắn với tài năng. Nhân tài là nguyên khí quốc gia mà lại hưởng lương thấp, điều kiện đối xử và các thứ khác mình thiếu tôn trọng thì không được. Cho nên chính sách đãi ngộ phải được tính toán đúng mức cả về vật chất lẫn tinh thần cho những người tài năng.
Thứ ba là phải biết khơi gợi truyền thống yêu nước của dân tộc. Hoàn cảnh lịch sử nước ta có thể tạo ra những đặc điểm lịch sử khác nhau của người này người kia. Nhưng bây giờ, theo tôi, ta không nên nghĩ nhiều đến quá khứ, miễn là người ta biết làm gì với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để đưa đất nước đi lên trong thời đại hôm nay, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới thì nên tìm cách bố trí.
Còn một điểm nữa tôi cũng cần nói là đừng nên nghĩ chỉ đảng viên mới làm những chức vụ to, nhiều bộ nhiều ngành có thể bố trí những người ngoài Đảng vào chức bộ trưởng, thứ trưởng, miễn là người ta đủ tiêu chuẩn, được dân thừa nhận họ là những người nhiệt tâm, đủ tài, đủ đức. Đừng cứng nhắc nghĩ chỉ trong Đảng mới là làm ông lớn. Nếu giải quyết được quan điểm ấy, chắc chắn là nhiều người sẽ phấn khởi, người ta sẽ hăng hái, tự nguyện gánh vác đất nước, tất nhiên là phải dưới sự lãnh đạo của Đảng.
* Xin ông cho biết vai trò của người đảng viên trong việc phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt là vấn đề đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân.
- Việc đó thì Mặt trận hoàn toàn ủng hộ. Quan điểm mới của Trung ương trình Đại hội X là lúc này đừng nên nghĩ là đảng viên thì không được làm kinh tế tư nhân, trong đó có cả kinh tế tư bản. Tuy nhiên, người đảng viên làm kinh tế phải khác những anh em khác ở chỗ: phải thật gương mẫu, thực hiện tốt Điều lệ và quy định của Đảng; phải thực sự là người làm giàu nhưng là làm giàu trên tinh thần phải có tâm huyết, gắn bó với quần chúng nhân dân. Tôi nói thẳng là những người làm kinh tế tư nhân tôi ủng hộ, nhưng trước hết phải là người tham gia công việc lao động, lao động thật sự chứ không phải đóng vai ông chủ rồi thoát ly hẳn đời sống của nhân dân. Tôi nghĩ đảng viên làm kinh tế như thế thì quá tốt đi chứ!
* Theo ông, để những người được dân tín nhiệm là đủ tài, đủ đức, đủ nhiệt tâm xây dựng đất nước vào những vị trí quan trọng thì cơ chế là như thế nào? Những người không phải là đảng viên nhưng họ muốn ứng cử vào những chức vụ quan trọng thì cơ chế hiện nay phải thay đổi những gì?
- Nếu việc bổ nhiệm cán bộ là để phát huy tất cả mọi nguồn nhân lực, nhân tài thì những quy định và luật pháp mà có những rào cản đối với việc này cần phải sửa đổi cho hợp lý. Ví dụ thế này: Bộ Văn hóa – Thông tin, Bộ Giáo dục – Đào tạo có thể có nhiều anh em ngoài Đảng mà đủ tâm huyết, đủ tài, người ta có thể làm bộ trưởng, thứ trưởng. Tất nhiên, xin được nhắc lại lần nữa là tất cả đều phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Người ta làm tốt những điều mà Đảng hướng dẫn, Đảng quy định thì mình nên khuyến khích người ta.
NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG (thực hiện)