Bên lề Đại hội Đảng X, ngày 21-4, Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã dành cho báo chí một cuộc phỏng vấn về nhiều vấn đề.
* Thưa Phó Thủ tướng, trong vụ PMU18 vừa rồi cho thấy Bộ trưởng, hoặc là Chủ tịch UBND tỉnh, nếu năng lực không đảm bảo hay có vấn đề gì đó thì việc cách chức tỏ ra khá nhiêu khê. Ý kiến của ông về vấn đề này?
- Ở nhiều nước, tỉnh trưởng là do Thủ tướng chỉ định, nếu có trục trặc gì thì Thủ tướng điều đi. Nhưng ở ta thì Chủ tịch tỉnh do HĐND bầu; đứng về mặt Đảng là do cơ chế các ban của Đảng đề xuất, Chủ tịch tỉnh là do Bộ Chính trị quản lý. Cơ chế của ta khác, do hoàn cảnh lịch sử, do Đảng ta là Đảng lãnh đạo. Vận hành như thế đã thấy có những bất hợp lý, đã có ý định sửa chữa rồi nhưng chưa đi đến đồng thuận được nên hiện nay vẫn phải vận hành như vậy.
Phó Thủ tướng Vũ Khoan trả lời phỏng vấn - Ảnh: Q.K
* Có phải việc lãnh đạo song trùng như vậy dẫn đến việc chịu trách nhiệm của người lãnh đạo bị giảm sút hay không?
- Đúng là như vậy. Người mà anh điều hành nhưng anh lại không quyết định từ khâu chọn lựa đến khâu thay đổi, khâu kỷ luật . Đó chính là sự trùng chéo, cần phải sửa. Tư tưởng lần này là cần phải sửa.
* Ta thường nói Đảng lãnh đạo, còn Nhà nước quản lý, nhưng chúng ta lại chưa có những cơ chế rõ ràng, cụ thể?
- Đây là một khiếm khuyết được đặt ra tại Đại hội này và đề nghị khóa tới phải sửa chữa, phải có quy chế cụ thể. Hiện nay, vấn đề này mới có những nét đại cương. Đảng lãnh đạo về đường lối, về cán bộ, về tư tưởng, về tổ chức chỉ là những quy định chung chung thôi (cười), còn vận hành như thế nào thì không cụ thể.
* Đó là bởi vì chưa có quy chế?
- Không, quy chế thì chúng ta có, nhưng chưa hợp lý lắm, phải sửa. Nói không có cơ chế là không phải. Đấy, như tôi nói ví dụ trường hợp chủ tịch tỉnh thì cũng đã có quy chế đấy, nhưng không hợp lý nên cần phải làm lại.
* Vậy theo Phó Thủ tướng, Đảng nên lãnh đạo những gì?
- Quan điểm của tôi là: Trước nhất, Đảng lãnh đạo về đường lối, chủ trương, định hướng. Ví dụ, Đảng lãnh đạo phát triển kinh tế nhiều thành phần. Đó là sau khi tổng kết tình hình đổi mới, Đảng quyết định như thế. Vậy thì cụ thể xử lý khâu doanh nghiệp thế nào thì phải do chính quyền chứ: cho phép, không cho phép, hoạt động trong khuôn khổ luật pháp như thế nào… Nếu phân biệt về mặt chủ trương đường lối là như thế, thể chế hóa chính quyền. Dần dần thì cũng đã có những tách bạch cụ thể, ví dụ như là Đảng đưa ra chủ trương thế này, rồi Quốc hội thông qua luật, trong quá trình thông qua luật thì thông qua các đảng viên trong Quốc hội và đóng góp ý kiến thôi, chứ quyền quyết định là của Quốc hội, Bộ Chính trị không can thiệp nữa. Bộ Chính trị chỉ định hướng. Điều này khác với khóa VIII đấy, khóa IX là đã cải tiến việc này rồi. Nhưng tương lai cần phải phát huy hơn nữa quyền của cơ quan dân cử để thể chế hóa cho bên Nhà nước làm. Hay ở cấp tỉnh thì Tỉnh ủy không nên can thiệp hoặc thông qua cái dự án này cho ai, do ai làm, làm thế nào mà phải do UBND tỉnh chịu trách nhiệm. Tôi nghĩ UBND tỉnh cũng không nên trình sang Tỉnh ủy những việc này làm gì. Tỉnh ủy chỉ nên nói là : Tỉnh ta với những tiềm năng thế này nên phát triển cái này, cái kia là đủ; còn việc phát triển cái này cái kia đó như thế nào thì phải do UBND quyết định. Nhưng mà hiện nay chuyện này chưa phân biệt rõ.
* Phó Thủ tướng nghĩ thế nào về trường hợp một đảng viên tự ứng cử vào Ban Chấp hành TW Đảng khóa X?
- Cái đó là cái tốt chứ sao, tốt lắm, tôi ủng hộ. Tôi cho là cần phát huy và quy chế ứng cử thì cũng đang được thông qua.
* Với cơ chế làm việc như hiện nay là Thủ tướng quyết định toàn bộ thì Phó Thủ tướng có gặp khó khăn gì không trong công tác điều hành Chính phủ?
- Tất nhiên là cũng có, nhưng nhìn chung là cũng giải quyết được, không đến nỗi phải khó khăn lắm đâu. Nhưng nếu có những thay đổi thì sẽ rộng tay hơn, cơ động linh hoạt hơn.
NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG thực hiện