Thứ Ba, 01/10/2024 02:20 SA
Kỷ niệm 136 năm ngày sinh V.I.Lê-nin (22-4-1870 – 22-4-2006):
Những lời dạy của V.I.Lênin về việc rèn luyện cán bộ, đảng viên
Thứ Sáu, 21/04/2006 15:15 CH

Năm nay chúng ta kỷ niệm 136 năm Ngày sinh của V.I.Lê-nin – Người thầy vĩ đại của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc và nhân loại tiến bộ - Người đã trực tiếp lãnh đạo, tổ chức giai cấp công nhân, nhân dân lao động Nga làm cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới – cách mạng XHCN Tháng Mười năm 1917 thắng lợi.

 

060421-Lenin_na_tribune.jpgSau Cách mạng tháng Mười, khi Đảng Cộng sản đã trở thành Đảng cầm quyền V.I.Lê-nin đặc biệt quan tâm đến vấn đề rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, củng cố chính quyền Xô Viết, xây dựng nhà nước XHCN thực sự trong sạch, vững mạnh thực hiện chức năng quản lý và tổ chức xây dựng xã hội mới. Người yêu cầu cần phải xây dựng hệ thống tổ chức Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, xây dựng các cơ quan trong bộ máy Nhà nước vững mạnh, hoạt động thực sự hiệu quả với một cơ chế rõ ràng. Đồng thời, V.I.Lê-nin đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự gương mẫu “Sống trong lòng quần chúng. Biết tâm trạng quần chúng. Biết tất cả. Hiểu quần chúng. Biết đến với quần chúng. Giành được lòng tin tuyệt đối của quần chúng” (1). V.I.Lê-nin chỉ rõ, trong xây dựng nhà nước phải kiên quyết đấu tranh “không khoan nhượng” với tệ quan liêu, tham nhũng; kiên quyết “chống hiện tượng không dứt khoát, không rành mạch về nhiệm vụ được giao cho mỗi người, và chống tình trạng hoàn toàn vô trách nhiệm do hiện tượng đó gây ra” (2). Bởi theo Người: “Hiện tượng thiếu trách nhiệm, lấy cớ là lãnh đạo tập thể, đó là một tác hại nguy hiểm nhất”(3), tạo kẽ hở cho kẻ xấu “buông câu trong đám nước đục”.

 

V.I.Lê-nin viết: “Giai cấp công nhân không thể làm tròn vai trò cách mạng toàn thế giới của mình nếu không tiến hành một cuộc đấu tranh quyết liệt chống thái độ phản bội, thái độ bạc nhược, thái độ bợ đỡ đối với chủ nghĩa cơ hội” (4). V.I.Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích Nga đã đấu tranh gay gắt với chủ nghĩa cơ hội quốc tế cả về tư tưởng và tổ chức. Người đã vạch rõ nguồn gốc của chủ nghĩa cơ hội chính là tầng lớp công nhân “có đặc quyền” bị tư sản hóa, được hưởng những mẫu nhỏ trong lợi nhuận của bọn tư bản, dẫn đến xa rời những tình cảm cách mạng của quần chúng lao động đang bị phá sản và nghèo khổ. Chủ nghĩa cơ hội là sự liên minh giữa một bộ phận công nhân với giai cấp tư sản, là người bạn đồng hành của giai cấp tư sản để chống lại giai cấp vô sản.

 

Trong các nước xã hội chủ nghĩa, ở Liên Xô và Đông Âu trước đây, mặc dù các Đảng Cộng sản đã giữ được vai trò độc tôn lãnh đạo cách mạng, nhưng ở một số nước cũng đã xuất hiện những tư tưởng cơ hội với các biểu hiện khác nhau, nhưng tựu trung được chia làm 2 loại: chủ nghĩa cơ hội tầm thường và chủ nghĩa cơ hội chính trị.

 

Chủ nghĩa cơ hội tầm thường không gắn với những sai lầm trong nhận thức lý luận, nhưng lại biểu hiện khá phong phú trong cuộc sống hằng ngày. Nó được xuất hiện dưới các dạng chủ nghĩa thực dụng, thói xu nịnh luồn cúi, bon chen để mong tìm kiếm những lợi ích cá nhân. Kẻ cơ hội loại này sẵn sàng bán cả danh dự, lương tâm để đạt mục đích mong muốn, và do đó chúng có thể đổi trắng thay đen, nói xấu người khác, tìm mọi cách để đề cao mình, tạo bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng.

 

Những người cộng sản khi đã sa vào chủ nghĩa cơ hội tầm thường thì họ tự đánh mất vai trò tiền phong của người đảng viên, làm tổn hao đến uy tín chung của Đảng trong nhân dân. Từ người cơ hội tầm thường, người ta sẽ trở thành người cơ hội chính trị và dễ trở thành kẻ phản bội sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, phản bội chủ nghĩa Mác-Lênin một cách rất nhanh chóng. Trong thời kỳ hòa bình và xây dựng CNXH, chủ nghĩa cơ hội tầm thường xuất hiện khá phổ biến và có nguy cơ lan rộng nếu các đảng đó không thường xuyên đấu tranh phê bình, củng cố phẩm chất chính trị của đội ngũ đảng viên.

 

Chủ nghĩa cơ hội chính trị thường được rào chắn một cách kín đáo hơn, và trên thực tế đã xuất hiện với 2 dạng là chủ nghĩa xét lại và chủ nghĩa giáo điều.

 

Chủ nghĩa xét lại, đòi xem xét lại những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, phủ nhận ý nghĩa phổ biến của học thuyết này trong sự nghiệp xây dựng CNXH, chống lại cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản, không thừa nhận những quy luật cơ bản của cách mạng XHCN và xây dựng CNXH. Chủ nghĩa xét lại hiện đại đã gây nên tình trạng bè phái trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; nhiều đảng cộng sản đã phân ly thành các đảng nhỏ hơn, có xu hướng chính trị khác nhau; có đảng từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, v.v… Họ khuyến khích các đảng cộng sản và công nhân thực hiện sự thỏa hiệp với các chính quyền tư sản. Những quan điểm cách mạng và Mác-xit trước đây đều bị coi là lạc hậu, lỗi thời.

 

Còn chủ nghĩa giáo điều – một dạng khác của chủ nghĩa cơ hội chính trị – cũng gây tác hại không nhỏ cho phong trào cách mạng thế giới, nó hạn chế sự phát triển lý luận Mác-xit và quá trình áp dụng một cách sáng tạo lý luận đó vào điều kiện cụ thể của một quốc gia, dân tộc. Trên thực tế chủ nghĩa giáo điều thường xuất hiện ở những nước có nền kinh tế lạc hậu. Người ta đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin từng mẫu, từng đoạn, nhưng lại chủ quan cho rằng mình đã nắm được toàn bộ tinh thần của chủ nghĩa Mác-Lênin mà không cần học ai.

 

Những biểu hiện khác nhau của chủ nghĩa cơ hội chính trị đương nhiên đã gặp phải sự đấu tranh quyết liệt từ những người Mác-xit chân chính. Cuộc đấu tranh không khoan nhượng, thường xuyên chống các loại chủ nghĩa cơ hội là quy luật vận động của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Hơn lúc nào hết, chúng ta càng thấm thía lời dạy của V.I.Lê-nin: “Giữa hệ tư tưởng tư sản và hệ tư tưởng XHCN không có hệ tư tưởng trung gian nào, mọi sự xa rời hệ tư tưởng XHCN đều có nghĩa là sự tăng cường hệ tư tưởng tư sản” (5)

 

TÔ PHƯƠNG

_____________________________________________________

1. V.I.Lênin – Toàn tập – tập 44 – NXB Tiến bộ – M 1978 tr 608

2. V.I.Lênin – Toàn tập – tập 45 – NXB Tiến bộ – M 1978 tr 53

3. V.I.Lênin – Toàn tập – tập 39 – NXB Tiến bộ – M 1978 tr 181

4. V.I.Lênin – Toàn tập – tập 26 – NXB Tiến bộ – M 1976 tr 408

5. V.I.Lênin – Toàn tập – tập 6 – NXB Tiến bộ – M 1975 tr 50

- Tài liệu tham khảo: Tạp chí Quốc phòng toàn dân tháng 2-2004

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek