Chủ Nhật, 29/09/2024 02:23 SA
Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về tôn trọng nhân quyền
Thứ Sáu, 30/11/2007 15:30 CH

Giám đốc điều hành Cục trại giam New Zealand Beri Mathiuts: Tôi nghĩ, Việt Nam đã tôn trọng tốt quyền cơ bản của các phạm nhân theo chuẩn quốc tế mà LHQ đã đặt ra. Đó cũng là những mục tiêu chung mà New Zealand đang thực hiện.

071130--tham-xuong-may.jpg

Các đại biểu quốc tế thăm xưởng học may của phạm nhân nữ trại giam Hoàng Tiến

TRẠI GIAM LÀ “NƠI RIÊNG BIỆT CHỨ KHÔNG PHẢII LÀ TÁCH BIỆT”

Trong khuôn khổ Hội nghị cán bộ trại giam khu vực châu Á- Thái Bình Dương lần thứ 27 đang diễn ra tại Hà Nội, ngày 28/11, hơn 100 đại biểu của 25 nước và khu vực tham dự đã thăm trại giam Phú Sơn.

Chuyến thăm đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với các đại biểu. Nhiều người cho rằng, Việt Nam dù điều kiện còn nhiều khó khăn, chưa xây dựng được hệ thống trại giam hiện đại như một số nước, nhưng đã khẳng định được trại giam là “nơi riêng biệt chứ không phải là tách biệt”.

Theo các đại biểu, thực tế các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, sinh hoạt trong trại mà họ được tận mắt chứng kiến tại trại giam Phú Sơn 4 sẽ làm cho phạm nhân không cảm thấy mình bị xã hội mặc cảm xa lánh, từ đó yên tâm cải tạo sớm hoàn lương để trở về với xã hội bên ngoài.

Chính sách nhân đạo của Việt Nam đối với những người lầm lỗi, được thể hiện qua những thành quả của biện pháp quản lý và giáo dục họ trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Phạm nhân Nguyễn Thị Hương ở trại giam Phú Sơn 4 cho biết: “Dù vi phạm pháp luật, nhưng vào đây, chúng tôi đều được cán bộ quản giáo đối xử như những người thân đã mắc sai lầm và giúp chúng tôi sửa chữa những sai lầm đó. Bởi vậy, vào đây chúng tôi đã dần xoá bỏ được mặc cảm”.

Nhận biết, phạm nhân vào trại rất khát khao tình cảm gia đình, hướng về gia đình để nuôi dưỡng niềm tin và hy vọng, Nhà nước đã đưa ra quy định mỗi tháng phạm nhân được nhận quà và gặp gia đình một lần, nếu cải tạo tiến bộ trại còn tạo điều kiện cho gặp vợ hoặc chồng 24 hoặc 48 giờ ở một nơi gọi là “buồng hạnh phúc”.

Phạm tội buôn bán ma tuý với án 12 năm, phạm nhân Nguyễn Thị Minh, ở trại Hoàng Tiến lại có hoàn cảnh gia đình tương đối đặc biệt: vợ chồng đã ly hôn, bố mẹ đã già… Cuộc sống tinh thần ở trại giam của phạm nhân chủ yếu nhờ sự giúp đỡ của các phạm nhân trong trại và sự quan tâm của ban giám thị. “Khi ở ngoài xã hội, tôi là người sống tự do, không có nghề nghiệp, phạm tội. Vào đây, có sự định hướng của các cán bộ quản giáo, giúp tôi định hướng cuộc sống của mình tốt hơn. Cán bộ quản giáo, y tá thường xuyên quan tâm đến sức khoẻ mỗi lúc chị em ốm đau, Chúng tôi ở đây sống xa gia đình, cách ly với xã hội nên tình cảm của cán bộ khiến chúng tôi rất cảm động. Chúng tôi thấy cán bộ ở đây như những người thân thấy mình lầm lỗi đã tận tâm hướng mình có những bước đi vững vàng, an tâm hơn”. Phạm Nhân Nguyễn Thị Minh nói.

Ba tháng một lần các trại còn mở hội nghị gia đình phạm nhân, thông báo cho gia đình biết về kết quả cải tạo của con em họ, tổ chức các Hội thi “tiếng hát tình đời”, các lớp học xoá mù cho những phạm nhân chưa biết chữ… Đó là tính ưu việt của chế độ Nhà nước Việt Nam được các đại biểu tham dự hội nghị đánh giá cao.

VIỆT NAM ĐÃ ĐÁP ỨNG ĐẦY ĐỦ TIÊU CHUẨN VỀ TÔN TRỌNG NHÂN QUYỀN

Ông Beri Mathiuts, Giám đốc điều hành Cục trại giamNew Zealand: Tôi nghĩ rằng Việt Nam đã tôn trọng tốt quyền cơ bản của các phạm nhân. Tôi muốn nói đến những tiêu chuẩn quốc tế mà LHQ đã đặt ra và tôi thấy Việt Nam đã đáp ứng được các tiêu chuẩn đó. Đó cũng là những mục tiêu chung mà New Zealand đang thực hiện.

Tôi rất chú ý đến xưởng học nghề của các phạm nhân. Tôi thấy họ làm việc rất hăng say, thành thạo công việc. Tôi cũng xem xét kỹ lưỡng các sản phẩm họ làm ra, đặc biệt là các sản phẩm dệt may, trông thật đẹp và cẩn thận. Tôi thấy rằng rõ ràng họ đã được học tập, đào tạo tốt. Tôi tin rằng sau khi rời nhà tù, họ có thể có một nghề tốt để kiếm sống cho bản thân và gia đình. Đây là điểm rất khác so với New Zeland vì chúng tôi chưa thực sự chú trọng đến công tác giáo dục, các phạm nhân sống tách biệt hơn chứ không sống cộng đồng như thế này.

Ông Timoti, đại biểu Singapore: Tôi thấy các phòng giam được thiết kế khá đồng bộ, đầy đủ, đáp ứng những tiêu chuẩn về tôn trọng nhân quyền, tôn trọng những nhu cầu cơ bản của các phạm nhân. Tôi cũng thấy rằng các bữa ăn với thực đơn khá phong phú, đủ chất dinh dưỡng đảm bảo sức khoẻ cho các phạm nhân. Cách bố trí tại trại giam là rất tốt và rất khác với Singapore. Bởi các bạn có không gian, diện tích rộng rãi hơn nhiều, với cây cối, hồ nước, các cây cầu bắc tới thư viện chẳng hạn khiến khung cảnh rất nên thơ, yên bình, và chắc chắn sẽ làm cho các phạm nhân cảm thấy thư giãn, thoải mái hơn.

Tôi cho rằng việc cho phép phạm nhân gọi điện về gia đình cũng như được gặp người thân trong 24 h khi phạm nhân cải tạo tốt là những ý tưởng rất tốt. Các nước Châu Á chúng ta thường có định hướng sống cộng đồng, sống gia đình, vì vậy, gia đình đóng vai trò quan trọng giúp các phạm nhân hối cải và vững tin hơn. Do đó, việc đưa gia đình tham gia vào hỗ trợ cho quá trình cải tạo là một cách thức nhân đạo và hiệu quả.

Dato Zunkifi Oma Phó Cục trưởng Cục trại giam thuộc Bộ nội vụ Malaysia: Điều kiện ở trại giam Việt Nam đạt tiêu chuẩn rất cao. Vấn đề nhân quyền, tôi nghĩ rằng Việt Nam có văn hoá riêng của mình. Tôi nghĩ rằng Việt Nam đã tạo những điều kiện rất tốt để các phạm nhân có thể cải tạo và trở về tái hoà nhập cộng đồng, trở thành những công dân tốt. Các phạm nhân tuân thủ kỷ luật rất tốt, họ rất có thiện chí cải tạo.

Các hoạt động ngoại khoá dành cho các phạm nhân được tổ chức một cách sôi nổi. Chúng tôi học được cách thức của Việt Nam trong việc dạy nghề cho phạm nhân, thu hút phạm nhân thích thú với công việc và từ đó cải tạo tốt hơn. Phạm nhân được chơi thể thao, được đọc sách, được học cách trồng trọt… Tôi thấy các trại giam của Việt Nam đã đem lại cơ hội cho mọi phạm nhân, đựơc học, được thay đổi một cuộc đời mới lương thiện hơn.

Tôi cũng ấn tượng với cách Việt Nam đưa gia đình tham gia cùng công việc cải tạo phạm nhân. Thông qua việc được gọi điện về nhà cho gia đình, được thăm gặp và thậm chí được gặp trong 24 tiếng và 48 tiếng giúp các phạm nhân quyết tâm cải tạo tốt. Gia đình trong văn hoá các nước Châu Á chúng ta rất quan trọng vì thế gia đình đóng vai trò hỗ trợ đắc lực cho công tác cải tạo phạm nhân. Các phạm nhân cảm thấy rằng gia đình và những người xung quanh không lãng quên, không bỏ rơi họ mà ngược lại quan tâm và mong muốn họ trở thành người tốt.

Việc Việt Nam đặc xá trả tự do trước hạn cho nhiều phạm nhân, cho thấy tác động rất tốt của các trại giam Việt Nam trong việc cải tạo phạm nhân. Chính phủ Việt Nam luôn để cho các phạm nhân có cơ hội để sửa chữa lỗi lầm của họ và trở thành người công dân tốt. Việc đặc xá cho phạm nhân này còn tạo động lực thúc đẩy cho các phạm nhân khác cố gắng cải tạo tốt để có cơ hội đựơc đặc xá.

071130--Jens.jpg

Ông Jens Tolstrup

Jens Tolstrup, Giám đốc điều hành Cơ quan quản lý trại giam khu vực phía Bắc Australia: Tôi nghĩ các cơ quan quản lý trại giam của Việt Nam đã cố gắng, nỗ lực rất nhiều để đảm bảo luôn tôn trọng các quyền cơ bản của các phạm nhân.

Các nhà tù của Việt Nam thật ấn tượng. Tôi đã đi thăm nhiều nhà tù trên khắp thế giới Châu Phi, Liên Xô cũ, Châu Á... các nhà trại giam của Việt Nam được bố trí rất tốt, nằm giữa một khung cảnh thoáng đãng, làm con người ta thư thái, kỷ luật cũng được các phạm nhân tuân thủ đầy đủ.

Tôi nghĩ các phạm nhân cần có được điều kiện, cơ hội để cải tạo, sửa chữa lỗi lầm của họ, cũng như cần được cung cấp những kỹ năng, học nghề cần thiết cho cuộc sống lương thiện sau khi ra tù. Đó là những điều cần thiết đảm bảo cho các phạm nhân cải tạo tốt và tái hòa nhập với cộng đồng. Và tôi nghĩ rằng tất cả những điều này đang được làm tốt tại Việt Nam.

Việt Nam đã làm được một việc rất tốt về mối quan hệ giữa cán bộ và phạm nhân. Việc cán bộ trại giam và các phạm nhân cùng tham gia chơi đá bóng là điều tuyệt vời. Điều này phản ánh mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa các cán bộ ở đây với các phạm nhân. Gần gũi phạm nhân cũng là 1 cách để có thể hiểu, quản lý phạm nhân tốt hơn, nhưng trên hết đó là chính sách nhân đạo, cách đối xử đầy tình người của các cán bộ trại giam ở Việt Nam.

Được đi thăm những trại giam như ở Việt Nam giúp chúng tôi nhìn lại chính mình và tự lên kế hoạch cải thiện hoạt động của trại giam ở đất nước chúng tôi tốt hơn. Tôi học được ở Việt Nam cách bố trí không gian đẹp đẽ, thoángg đãng, cũng như cách các cán bộ trại giam của Việt Nam đối xử đầy tình người, thân thiết với các phạm nhân.

071130--Francis.jpg

Ông Francis Hasoma

Ông Francis Hasoma, Solomon: Tôi muốn nhấn mạnh rằng các nhà tù mà tôi đi thăm ở Việt Nam được bố trí, quản lý rất tốt. Các phạm nhân tuân thủ kỷ luật tốt. Các phòng giam gọn gàng, sạch sẽ. Môi trường không khí ở đây thật tuyệt vời, thoáng đãng, yên bình. Những ngôi nhà cũng rất đẹp đẽ. Ở đất nước tôi, chúng tôi không có được những cơ sở hạ tầng tốt như vậy.

Chúng tôi thấy rằng chương trình giáo dục, cải tạo và tái hòa nhập cộng đồng của phạm nhân, Việt Nam làm rất tốt. Sự hợp tác giữa cán bộ và phạm nhân khiến chúng tôi ngưỡng mộ, các cán bộ cùng phạm nhân tham gia 1 đội bóng, cách giáo dục nhân văn này giúp khích lệ tinh thần cho các phạm nhân rất nhiều.

Điều nổi bật ở Việt Nam và nhiều nước châu Á khác chính là ở sự hợp tác giữa con người với con người, cách họ tôn trọng và phát huy các giá trị Châu Á.

Trưởng đoàn Thái Lan: Tôi nghĩ rằng chính nước Mỹ mới không tôn trọng nhân quyền. Hãy nhìn cách họ đối xử với các tù nhân ở Guantanamo. Nước Mỹ là nước duy nhất không thông qua Công ước bảo vệ quyền trẻ em. Họ thường nói những nước khác không tôn trọng nhân quyền, nhưng đừng nghe họ.

Tôi thấy nổi bật là Việt Nam đã thực hiện tốt việc đưa trại giam trở thành một ngôi nhà chung. Đúng như văn hoá phương Đông, Việt Nam chú trọng nhiều vào việc giáo dục, dạy dỗ các phạm nhân, tạo điều kiện ăn ở tốt cho họ hơn là chỉ chăm chăm chú ý đến việc giam giữ họ, ngăn không cho họ trốn trại với những điều kiện giam giữ hà khắc. Việt Nam tạo một không khí cộng đồng trong các phòng giam, để họ chung sống với nhau như một gia đình, đùm bọc, hỗ trợ, dạy dỗ lẫn nhau để cùng phấn đấu cải tạo tốt. Và trong khi ở các nước phương Tây, Mỹ, tù nhân thường sợ sệt các cán bộ, thì ở Việt nam, tôi thấy quan hệ giữa các cán bộ với phạm nhân rất gần gũi, thân thiết, họ cùng đi dạo cùng các phạm nhân, chơi thể thao, trò chuyện với các phạm nhân.

James Ryan, Australia: Tôi từng đến thăm nhiều nhà tù trên thế giới và thấy rằng đa số các nhà tù đều trông rất nặng nề, nhưng ở đây thì không. Ở đây, có trồng rất nhiều cây cối, không khí thoáng đãng, tạo nên một không gian sống rất yên bình. Và thực sự vào thăm các phòng giam, người ta có cảm giác như vào một ngôi nhà chung. Có nhiều chỗ để các phạm nhân chơi thể thao và điều đó thực sự là tốt.

Việc cho phép phạm nhân gọi điện thoại về nhà và được gặp người thân trong vòng 24 giờ đồng hồ tại phòng giam gọi là “buồng hạnh phúc” là ý tưởng vô cùng tuyệt vời. Được gặp gia đình là một cách rất tốt để tăng quyết tâm cải tạo tốt cho phạm nhân và giúp họ cảm thấy yên lòng hơn. Ở đất nước tôi, ý tưởng này đang được triển khai ở một số nhà tù chứ cũng chưa mở rộng được ở tất cả.

Tổng giám đốc Văn phòng trại giam thuộc Bộ Tư pháp Hàn Quốc Seong Shin Seung: Tôi thấy các điều kiện trong các trại giam của Việt nam rất tuyệt vời, sạch sẽ, vệ sinh. Tôi rất quan tâm đến mô hình phòng hạnh phúc 24 giờ giúp các phạm nhân cải tạo tốt có thể được gặp các thành viên trong gia đình. Đây là một mô hình nhân văn và có hiệu quả cao trong việc khuyến khích phạm nhân cải tạo tốt.

Theo VOV

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek