Quang cảnh kỳ họp |
Theo
đánh giá chung của Chính phủ, tình hình kinh tế xã hội tháng 11 và 11 tháng qua
tiếp tục phát triển ổn định mặc dù liên tiếp đất nước phải đối phó với thiên
tai, dịch bệnh. 11 tháng qua, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 15 tỷ
USD, cao nhất từ trước tới nay; giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 520 nghìn
tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2006, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 43 tỷ
600 triệu USD... Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, trên cơ sở các chỉ tiêu kinh tế xã
hội 11 tháng qua thì khả năng cả năm nay đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8,5% là
rất gần.
Cùng
với việc tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư, Thủ
tướng chỉ đạo các bộ, ngành tập trung chỉ đạo quyết liệt để ổn định nền kinh tế
vĩ mô, trước hết là phải giữ ổn định tỷ giá lãi xuất, đảm bảo hệ thống các ngân
hàng hoạt động ổn định. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu sớm hình thành Ban giám sát
thị trường tài chính. Bộ Tài chính tăng cường giám sát chặt chẽ thị trường chứng
khoán phát triển theo hướng bền vững, nhất là thị trường OTC, đồng thời theo
dõi sát tình hình tài chính của các tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty 90-91.
Thủ
tướng phân tích rõ 2 nguyên nhân gốc rễ khiến giá cả tăng cao là do giá thế
giới tăng cao và thiên tai và dịch bệnh. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành thực
hiện quyết liệt các giải pháp, biện pháp bình ổn giá trên cơ sở nguyên tắc cơ
chế thị trường gắn với xây dựng chính sách hỗ trợ cho người nghèo và các ngành
sản xuất cần phải hỗ trợ. Các bộ liên quan tăng cường công tác tuyên truyền,
cung cấp đầy đủ thông tin cho doanh nghiệp và nhân dân biết rõ về nguyên nhân
tăng giá, giải pháp bình ổn giá của từng bộ ngành để cùng chia sẻ khó khăn với
nhà nước. Qua đó, người dân và doanh nghiệp ý thức thực hiện tiết kiệm năng
lượng, đổi mới quy trình sản xuất, giảm chi phí đầu vào. Các bộ, ngành và các
địa phương, đặc biệt là hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh
tập trung chỉ đạo điều hành thị trường không để xảy ra khan hiếm hàng hoá tiêu
dùng và các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, phân bón....trong dịp tết Nguyên
Đán.
Thủ
tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng quy
trình thống nhất điều hành các hồ, đập chứa nước; đánh giá, tổng kết và tính
toán lại cơ cấu câu trồng vật nuôi theo hướng phòng tránh được dịch bệnh để
phát triển sản xuất bền vững. Bộ Y tế rút kinh nghiệm công tác phòng chống dịch
bệnh vừa qua, tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống không để
dịch bệnh, nhất là dịch tiêu chảy cấp bùng phát. Về các giải pháp lâu dài sống
chung với mưa lũ ở các tỉnh miền Trung, Thủ tướng khẳng định, Bộ Xây dựng chủ
trì nghiên cứu, đề xuất quy hoạch lại khu vực này theo hướng sống chung với lũ
như ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trước những cảnh báo tác động đối với nước ta do
biến đổi khí hậu, Thủ tướng chính thức quyết định giao Bộ Tài nguyên và môi trường
khẩn trương xây dựng Chương trình quốc gia về vấn đề biến đổi khí hậu với sự
tham gia của các nhà khoa học và kêu gọi các tổ chức quốc tế cùng tham gia.
Cũng
trong phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận về Đề án sắp xếp doanh nghiệp
thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo tinh thần Nghị quyết trung ương 4. Thủ
tướng nêu rõ, sắp xếp lại doanh nghiệp quốc phòng, an ninh là rất cần thiết,
góp phần xây dựng lực lượng quân đội, công an chính quy, tinh nhuệ và từng bước
hiện đại. Đây cũng là biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh
nghiệp quốc phòng, an ninh, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng. Thủ tướng
lưu ý Bộ Quốc phòng và Công an phải có phương án cụ thể khi thực hiện, nhất là
trong giải quyết vấn đề lao động và quản lý sử dụng đất đai. Chính phủ cũng đã
thảo luận về Dự thảo Nghị định về bán, giao doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu
toàn bộ vốn điều lệ. Ý kiến của Thủ tướng là quá trình thực hiện phải thận
trọng, giải quyết tốt chính sách cho người lao động; ưu tiên phương án cổ phần
hoá, nếu cổ phần hoá không được mới tiến hành bán, giao hoặc giải thể doanh
nghiệp.
Theo VOV