Trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, chất lượng giáo dục được quyết định bởi 6 yếu tố: chương trình giáo dục và hệ thống sách giáo khoa; đội ngũ giảng viên và phương pháp giảng dạy; cơ sở trường lớp, trang thiết bị dạy học; chất lượng đầu vào của học sinh ở mỗi lớp học, bậc học...
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh VOV
Về vấn đề chất lượng đầu ra, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nêu rõ, chất lượng được định nghĩa là sự phù hợp của phẩm chất đối tượng đó với yêu cầu sử dụng. Chất lượng giáo dục phù hợp với chất lượng con người tốt nghiệp bậc phổ thông phải cần những năng lực gì, đáp ứng nhu cầu để làm nghề. Còn nếu có bằng mà không hành nghề được bằng tấm bằng đó thì đó là sự lãng phí rất lớn. Trong năm học này, Bộ đặt yêu cầu với bên giáo dục nghề nghiệp là “nói không với đào tạo không đáp ứng yêu cầu xã hội” chính là để giải quyết vấn đề đó. Ngành Giáo dục cũng đang nỗ lực để chấm dứt tình trạng lãng phí này.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng thừa nhận thực tế rằng chất lượng giáo dục nói chung ở những vùng khó khăn và những vùng không khó khăn là không thể bằng nhau. Đây là đặc điểm lịch sử. Ở những vùng khó khăn, cái gốc chính là đời sống. Trong năm học này, Bộ quyết tâm trong vấn đề thiết kế chính sách, sẽ rút ngắn sự chênh lệch trước hết về giáo dục và thông tin. Vùng khó khăn cũng sẽ đảm bảo được chuẩn tối thiểu.
Đại biểu Nguyễn Văn Quynh (Quảng Ninh) đặt vấn đề với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng ngành giáo dục có nên theo hướng xây dựng một cơ chế cho dân và doanh nghiệp xây dựng trên diện tích đất được quy hoạch làm trường và theo mẫu phòng học do Bộ Giáo dục-Đào tạo quy định, sau đó chúng ta sẽ thuê lại các cơ sở này để làm trường học như thế người dân sẽ chăm lo bảo vệ cơ sở vật chất của chính họ. Làm được việc này nghĩa là chúng ta đã thực hiện được xã hội hoá trong việc xây dựng cơ sở vật chất cho ngành giáo dục.
Về vấn đề này, Bộ trưởng hoan nghênh sáng kiến không dùng tiền ngân sách, khuyến khích tư nhân bỏ tiền xây trường để nhà nước thuê lại. Như vậy Nhà nước đỡ được tiền đầu tư một lần, còn chi phí để trả tiền thuê cũng không bằng việc bỏ tiền xây dựng, bởi Nhà nước không có vốn. Bộ trưởng ghi nhận sáng kiến và cho biết sẽ bàn sâu thêm và giao cho Vụ Kế hoạch tài chính để thảo luận phương án này. Ở nhiều nước khác cũng làm như vậy.
Đại biểu Bùi Văn Duôi (Hoà Bình) nêu câu hỏi, trong chương trình kiên cố hoá trường lớp học, Bộ đang chỉ đạo tính theo bình quân phòng học, từ 90 triệu lên 110 triệu đồng/phòng học, tuy nhiên chúng tôi đề nghị cấp khoản kinh phí này theo phương án được duyệt bởi ở miền núi, có những khu vực “khuân được 1 bao cát lên núi phải bằng cả tấn cát ở dưới xuôi”.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Văn Duôi, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng đồng tình quan điểm điều kiện ở các địa phương miền núi và miền xuôi là rất khác nhau. Đối với đồng bằng và vùng ven biển, chi phí xây dựng trường học là khác nhau. Từ năm nay, trong dự án kiên cố hoá trường lớp học giai đoạn 2 (2007-2012), Bộ chủ trương chọn phương án căn cứ vào nhu cầu của địa phương theo tỷ lệ nhất định và giao kinh phí của Nhà nước cho địa phương. UBND, HĐND và ngành Giáo dục có trách nhiệm sử dụng kinh phí đó cho hiệu quả, ngành Xây dựng thiết kế cho phù hợp địa phương. Vấn đề nhà mẫu không còn phù hợp nữa. Trách nhiệm của Hội đồng Nhân dân phải giám sát công tác này.
Liên quan đến câu chuyện một Hiệu phó ở trường Trần Phú (quận 10, thành phố Hồ Chí Minh) đã đưa 4 học sinh lớp 9 đến Bộ Chỉ huy quân sự, ở đó các em bị đánh đập mà không có ai giám hộ. Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) nêu câu hỏi, trước sự việc này, Bộ Giáo dục-Đào tạo đã có quy chế hướng dẫn nhà trường về cách thức đối xử, quản lý học sinh trong thời gian học tập ở nhà trường chưa vì sự việc này không phải là lần đầu tiên? Trả lời câu hỏi trên, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng mỗi nhà trường đều có quy chế hoạt động của mình, trong đó có cả trách nhiệm của giáo viên. Về khái quát, tất cả các trường phổ thông trách nhiệm và nghĩa vụ của giáo viên đều đã rõ. Vì vậy việc vi phạm ở quận 10 là không thể quy cho lý do quy chế không rõ ràng. Đó là do cách quản lý.
Ngày 17/11 và thứ hai (19/11), thứ tự các Bộ trưởng tiếp tục trả lời chất vấn như sau: Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Chính phủ sẽ trả lời kết thúc phiên chất vấn.
Theo VOV