Chiều qua (16/11), Quốc hội bắt đầu chất vấn các thành viên Chính phủ. Theo kế hoạch, bộ trưởng các Bộ Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Giáo dục-Đào tạo, Y tế và Nội vụ sẽ đăng đàn để trả lời chất vấn về các vấn đề nóng như: tình trạng kẹt xe, tăng học phí, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ…
Đầu giờ chiều qua, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm đã mở đầu phiên chất vấn bằng báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước tập hợp từ 1.008 ý kiến của cử tri đã gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc. Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết, theo yêu cầu của cử tri cả nước, đề nghị bộ trưởng các bộ Y tế, Giáo dục, Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn, GTVT, phải trả lời chất vấn từ 230 ý kiến chất vấn của 107 đại biểu. Ngoài ra, còn có 17 ý kiến chất vấn trực tiếp Thủ tướng. Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu các bộ trưởng dành thời gian trả lời những việc đã hứa trước đây đã giải quyết, xử lý tới đâu, sau đó mới trả lời tiếp những câu chất vấn mới. Bình quân mỗi vị bộ trưởng có 100 phút trả lời chất vấn lẫn báo cáo tổng quát.
Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện nhân là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này. Phó Thủ tướng đề cập đến việc cân cặp gần đây có cặp cân nặng 4,8 kg và cho biết là “cặp nặng không phải là do SGK, mà là do các em mang theo dù, nước, truyện học sinh”. Đối với học sinh tiểu học SGK chỉ chiếm từ 1,2-1,6 kg. Về cơ sở vật chất, Phó Thủ tướng thừa nhận đây là khó khăn lâu dài mà ngành chưa thể khắc phục. Chi phí đầu tư từ 12-15% là quá nhỏ so với nhu cầu xây dựng trường lớp. “Chương trình đầu vào kém là do trước đây chạy theo thành tích. Có nơi nhiều em ngồi nhầm chỗ, nhầm lớp quá lâu nên dẫn đến khi khắc phục tình trạng này các em theo chương trình học không nổi, nên nghỉ học. Xin các thầy cô chịu cực 2-3 năm nữa để sau này học sinh lớp nào học lớp đó” – Phó Thủ tướng nói.
Trả lời ý kiến chất vấn của một số đại biểu về nội dung sách giáo khoa (SGK), chương trình giáo dục của Việt Nam quá cách biệt đối với các nước khác trên thế giới, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giải thích: SGK phổ thông “được một đội ngũ biên soạn sách có uy tính thực hiện”, việc chưa phù hợp có thể là do “80% các nhà biên soạn chưa trải qua thời gian dạy phổ thông nên có thể không cập nhật tình hình”. Phó Thủ tướng khẳng định: “Thật ra không có việc phải thay SGK hằng năm như các báo đã nêu thời gian gần đây. Đây là một nhận định sai vì chủ trương của Bộ là sách vẫn dùng lại bình thường. Cụ thể là học sinh học lớp 1 vẫn có thể sử dụng lại sách của năm trước. Không có chuyện thay sách hàng năm. Xin đính chính lại thông tin này”.
Về ý kiến chất vấn có bao nhiêu luận án tiến sĩ được áp dụng vào thực tế, Phó Thủ tướng thừa nhận là thời gian qua đã chưa làm chặt chẽ quy định về việc phải có nghiên cứu khoa học của bậc đào tạo tiến sĩ. Từng là một nghiên cứu sinh ở nước ngoài, Phó Thủ tướng thừa nhận là tiến sĩ nước ta không quan tâm đến nghiên cứu khoa học.”Xin nói với những ai chưa có ý định nghiên cứu khoa học thì đừng nên nghĩ đến việc làm tiến sĩ”, ông Nhân khuyên.
Trả lời câu hỏi liên quan giữa chất lượng giáo dục và cơ sở vật chất, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cái gốc của chất lượng giáo dục là chất lượng người thầy. Một khi trình độ người thầy tương đương nhau thì yếu tố vật chất mới quyết định chất lượng giáo dục.
Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm, những ai không giữ được đạo đức nghề nghiệp thì xin hãy ra khỏi ngành, đừng để làm xấu hình anh người thầy đối với xã hội. Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nhận lỗi về việc giáo viên được điều động lên địa bàn miền núi không được trở về công tác ở miền xuôi khi hết hạn phục vụ. Tuy nhiên, trách nhiệm này cũng một phần lỗi của địa phương và hứa sẽ có chỉ đạo huớng giải quyết cho những đối tượng này.
KHƯƠNG NGUYÊN (tổng hợp)