Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta mãi mãi là trang sử vàng chói lọi bởi bao kỳ tích và huyền thoại hào hùng đã góp phần làm nên chiến thắng. Trong đó, đường Hồ Chí Minh - con đường huyền thoại dẫn đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là một minh chứng hào hùng cho lòng yêu nước, ý chí quả cảm và quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thống nhất nước nhà của cả dân tộc Việt Nam.
Đoàn xe vận chuyển hàng hóa trên đường Hồ Chí Minh cho chiến dịch Tây Nguyên - Ảnh: T.LIỆU |
Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, trước âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ và chính sách đàn áp, khủng bố của chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm ở miền Nam đã lên đến đỉnh cao về mức độ khốc liệt và tính chất man rợ của chúng, đặt các lực lượng miền Nam và chính phủ miền Bắc trước một sự lựa chọn khắc nghiệt. Để kịp thời đối phó với tình hình và lãnh đạo toàn dân đấu tranh chống lại chế độ tay sai Mỹ Diệm, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam triệu tập hội nghị lần thứ 15 (13/1/1959) để bàn về cách mạng hai miền Nam - Bắc, tập trung giải phóng miền Nam, xây dựng và bảo vệ miền Bắc.
Ngay sau Hội nghị Trung ương 15, Tổng quân ủy Trung ương đã họp bàn về việc xây dựng lực lượng vũ trang miền Nam và tìm cách đưa một số bộ phận quân đội cùng với vũ khí, đạn, dược, vật tư… vào chi viện cho chiến trường miền Nam một cách bí mật, an toàn, tránh sự kiểm soát, phát hiện của kẻ thù. Ngày 19/5/1959 Tổng quân ủy Trung ương quyết định thành lập “Đoàn quân sự đặc biệt” (sau đó gọi là Đoàn 559) có nhiệm vụ mở đường xuyên dãy Trường Sơn vào Nam, nhằm xây dựng tuyến chi viện chiến lược, vận chuyển vật chất và binh lực từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam. Cũng chính từ đây - đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại được hình thành, là mạch máu giao thông quan trọng, góp phần quyết định vào sự thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trường Sơn xẻ dọc, rọc ngang
Xẻng tay mà viết nên trang sử vàng
Trường Sơn vượt núi băng sông
Xe đi trăm ngả,
chiến công bốn mùa
Trường Sơn đông nắng, tây mưa.
Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình.
(Tố Hữu)
Lúc đầu đường Hồ Chí Minh trên bộ là con đường mòn đi dọc phía đông dãy Trường Sơn, luồn lách qua hàng rào, đồn bốt và hứng chịu sự đánh phá ác liệt của Mỹ - ngụy.
Sau một thời gian “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” con đường ngày một nối dài, vượt xa với quy mô, phạm vi cả đông và tây của dãy Trường Sơn, xuyên qua 20 tỉnh thuộc 3 nước Đông Dương. Đường Hồ Chí Minh là khúc ruột nối các tuyến vận tải của hậu phương lớn miền Bắc, các tuyến vận tải của các chiến trường thuộc 3 nước Việt - Lào - Campuchia, đã tạo nên một hệ thống liên hoàn và vững chắc.
Nói đến Trường Sơn là nói đến sự hy sinh, gian khổ, đồng thời cũng là nói đến khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của người Việt Nam. Bất chấp sự hủy diệt của kẻ thù và những khó khăn, trở ngại của thời tiết, địa hình trong 16 năm (từ năm 1959 đến năm 1975). Đặc biệt từ sau năm 1964 đường Trường Sơn như một trận đồ bát quái vươn ra các chiến trường bằng mọi ngả. Các đơn vị bộ đội và thanh niên xung phong trên tuyến đường Hồ Chí Minh đã vượt qua muôn vàn gian lao, thử thách, dũng cảm, kiên cường chống trả cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc của Mỹ - ngụy. Thời gian này, chúng đã ném xuống đây hơn 3,5 triệu tấn bom đạn, nhiều hơn số lượng bom đạn Mỹ đã sử dụng trong đại chiến thế giới lần thứ hai. Nhưng bằng vũ khí thô sơ và lòng quả cảm, quân và dân ta đã bắn rơi 2.455 chiếc máy bay các loại. Địch cũng đã mở 5 chiến dịch tấn công binh chủng hợp thành gồm Mỹ - ngụy cùng hàng ngàn biệt kích, thám báo để đánh phá ta… Song với quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta luôn hướng về miền Nam ruột thịt, quân và dân ta đã lần lượt đánh tan các chiến dịch lớn, nhỏ của địch, tiêu diệt và bắt sống 18.470 tên. Đồng thời, quân và dân ta cùng với quân dân nước bạn Lào giải phóng đất đai, xây dựng cơ sở cách mạng ở 6 tỉnh Trung - Hạ Lào. Với trí, lực của hàng triệu khối óc, con tim, ta đã xây dựng được hơn 16.700km đường bộ, hơn 500km đường sông và 1.400km đường ống dẫn xăng dầu, 1.350km đường hữu tuyến dây liên lạc và thiết bị tiếp sức, tổ chức hành quân đi bộ và cơ động bằng cơ giới được 2 triệu quân vào chiến trường, vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam hơn 1 triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực…
Quân ta với lực lượng các xe pháo hùng hậu, ngày đêm hối hả nối đuôi nhau trên các ngả đường thần tốc, táo bạo, bí mật và bất ngờ nên đã quét sạch quân thù như thế chẻ tre, để tất cả cùng nhau “Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù… Tiến về Sài Gòn giải phóng miền Nam…”, làm nên cuộc toàn thắng lịch sử - giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào mùa xuân 1975 và hát vang khúc ca khải hoàn “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.
Đường Hồ Chí Minh là một sự sáng tạo độc đáo về chiến lược của Đảng ta trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, là con đường huyền thoại thống nhất Bắc - Nam, là con đường liên minh, đoàn kết và chiến đấu thắng lợi của 3 nước anh em Việt Nam - Lào - Campuchia, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh, đúng như bình luận của một nhà báo Pháp viết trên tờ Le Figaro (năm 1971) “Con đường Hồ Chí Minh trở thành câu chuyện thần thoại ở Đông Dương, chính con đường mòn này đã quyết định hòa bình hay chiến tranh. Quân đội mạnh nhất thế giới đã không làm gì được con đường này. Máy bay khổng lồ B52 đã ném bom xuống đường mòn Hồ Chí Minh để hủy diệt, nhưng nó vẫn tồn tại, là con rắn trăm đầu luôn mọc lại”.
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử trọng đại của nó trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là con đường giải phóng, “Con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó là con đường Nam - Bắc, thống nhất nước nhà, là con đường tương lai giàu có của Tổ quốc ta. Đó cũng là con đường đoàn kết của các dân tộc, của 3 nước Đông Dương” - như lưu bút của cố Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn trong sổ vàng truyền thống Bộ đội Trường Sơn. Với tầm nhìn chiến lược của một nhà quân sự lỗi lạc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ thấy được tầm quan trọng của con đường này đối với dân tộc ta để giải phóng miền Nam mà đây cũng là con đường đoàn kết của 3 dân tộc Đông Dương cùng đánh Mỹ: “Con đường Trường Sơn là con đường nối liền Nam - Bắc, con đường thống nhất đất nước, cũng là con đường của tình đoàn kết quốc tế mang sự ủng hộ và giúp đỡ hết lòng của nhân dân ta đối với nhân dân Lào anh em, nhân dân Campuchia anh em… Tiền đồ con đường Trường Sơn rất vẻ vang, khả năng của bộ đội Trường Sơn rất to lớn”. (Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Trích lời ghi trong sổ vàng truyền thống Bộ đội Trường Sơn vào năm 1973).
Ngày nay, tiếp nối truyền thống anh hùng năm xưa, đường Hồ Chí Minh trong thời đánh Mỹ đã được Đảng, Nhà nước tiếp tục đầu tư xây dựng để trở thành con đường chiến lược trong thời kỳ CNH-HĐH, góp phần xóa đói giảm nghèo, đưa miền núi xích lại gần với miền xuôi, bảo đảm an ninh quốc phòng. Nó càng có ý nghĩa to lớn hơn khi ngày 9/12/2013 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2383/QĐ/TT-TTg về việc xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt “Di tích lịch sử Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh”, đoạn qua các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế,Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước.
Tự hào về Trường Sơn, tự hào về con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại. Hy vọng, trong tương lai gần con đường mang tên Bác lại một lần nữa sẽ đưa đất nước tiến đến mạnh giàu.
NGUYỄN VĂN THANH