Trong đời sống chính trị, văn hóa, xã hội hiện nay, thật hiếm có con người nào được tôn vinh như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nói đến Bác Hồ, mọi người đều biết rằng, đó là một con người vĩ đại, có đạo đức trong sáng, suốt đời phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, cống hiến, hy sinh tất cả cho độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Tấn Việt và Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Lương Minh Sơn trao bằng khen cho các cá nhân xuất sắc trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Ảnh: T.BÍCH |
Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức mới, đạo đức cách mạng, đạo đức vĩ đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức là cái gốc của người cách mạng, do vậy phải chăm lo xây dựng và rèn luyện. Việc thi hành đạo đức của người cách mạng là những hành vi thể hiện sự thống nhất tư tưởng và hành động, hiệu quả trong thực tế và rèn luyện đạo đức suốt đời. Toàn bộ cuộc đời và hoạt động cách mạng của Bác Hồ là tấm gương tiêu biểu nhất về đạo đức cách mạng vì nước vì dân. Người đã cống hiến cả cuộc đời mưu cầu hạnh phúc cho dân. Ham muốn tột bậc của Người là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Điều có ý nghĩa sâu sắc đối với cán bộ, đảng viên trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hiện nay là sự gương mẫu. Bởi vì trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán hai chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước… Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã.
Gương mẫu về đạo đức là gương mẫu về hành động. Nói đi đôi với làm là những vấn đề cơ bản của đạo đức cách mạng, đạo đức cán bộ, đảng viên. Việc làm gương của đảng viên phải được thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh và điều có ý nghĩa đối với người đảng viên là tinh thần tự giác, tự nguyện.
Tháng 2/1967, trong một lần đến thăm tỉnh Hà Tây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với cán bộ của tỉnh và nêu rõ: “Đảng không bắt buộc ai vào Đảng cả. Vào thì có nhiệm vụ, có trách nhiệm của đảng viên, nếu sợ không phục vụ được nhân dân, phục vụ được cách mạng thì đừng vào hay là khoan hãy vào”. Là đảng viên thì phải gương mẫu chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Người đảng viên nói và làm theo nghị quyết của Đảng thể hiện ở việc phục tùng tuyệt đối sự phân công, điều động của Đảng và ra sức học tập, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Người đảng viên hoạt động, công tác đảng hoặc được Đảng phân công làm việc, công tác trong các tổ chức khác đều phải gương mẫu trong các sinh hoạt của tổ chức, hòa mình trong phong trào thi đua, nêu cao ý thức đảng viên; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở và nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện tự phê bình và phê bình nghiêm túc, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội về chính trị.
Gương mẫu cũng đòi hỏi người đảng viên phải biết hy sinh. Để chiến thắng nghèo nàn, bần cùng và lạc hậu đòi hỏi những sự hy sinh mới trên nhiều mặt. Đó là nhường thuận lợi cho đồng chí, nhận phần khó về mình trong công việc hàng ngày ở cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường học…, biết rằng việc đó tốn kém thời gian, công sức hơn, quyền lợi ít hơn. Hoặc tự nguyện nhận các công việc khó khăn ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, góp phần cùng cơ sở, đồng bào ở những nơi đó làm tốt các chủ trương, chính sách của Đảng trong điều kiện sinh hoạt vật chất, văn hóa, tinh thần còn nghèo, còn nhiều khó khăn đối với bản thân và gia đình mình. Hoặc người đảng viên nêu gương và vận động mọi người trong việc ủng hộ tiền của, công sức cho các nạn nhân chiến tranh, đồng bào vùng lũ lụt, nhường cơm, xẻ áo, xóa nhà dột nát, xóa đói giảm nghèo, thực hiện các cuộc vận động “lá lành đùm lá rách”, phát huy truyền thống, đạo lý “thương người như thể thương thân” mà Đảng, Nhà nước, các đoàn thể phát động.
Người đảng viên nếu chỉ gương mẫu, hy sinh riêng bản thân mình là chưa đủ mà cần xây dựng gia đình văn hóa. Gia đình đảng viên là một gia đình gương mẫu, mới tạo điều kiện tốt để đảng viên hoàn thành nhiệm vụ của mình. Bởi lẽ, gia đình đảng viên không gương mẫu trong việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì đảng viên ấy nói không ai nghe và như thế còn lãnh đạo sao được. Ví thử đảng viên làm công tác thuế vụ, mà gia đình trốn lậu thuế thì đi thu thuế sẽ gặp rất nhiều khó khăn… Một gia đình văn hóa có nhiều tiêu chí, biểu hiện ở nhiều mặt và đảng viên thật sự là tấm gương tiêu biểu thì có vai trò quyết định trong việc xây dựng gia đình gương mẫu. Người đảng viên muốn làm được trách nhiệm lãnh đạo của Đảng giao thì trước hết phải xây dựng cho mình một gia đình hạnh phúc, hòa thuận, tiến bộ. Nói tóm lại gia đình văn hóa tiêu biểu là một gia đình thực hiện tốt mọi chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm tốt các chức năng của gia đình. Xây dựng gia đình gương mẫu là quyền lợi và trách nhiệm của đảng viên đối với gia đình và đất nước. Sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở cửa hội nhập đang đặt ra những yêu cầu bức thiết đòi hỏi người đảng viên phải nâng cao trách nhiệm xây dựng gia đình mình, trở thành những gia đình gương mẫu, cùng với sự gương mẫu, hy sinh của bản thân.
Khi chuyển sang thực hiện cơ chế kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập, tệ quan liêu, tham nhũng phát triển, không ít cán bộ, đảng viên tha hóa về phẩm chất đạo đức, vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật do bản thân không gương mẫu, chưa xây dựng gia đình gương mẫu. Nhiều đảng viên kể cả một số là cán bộ, công chức ở cấp cao kém tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, không thật thà tự phê bình và phê bình, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, nói nhưng không làm, nói một đằng làm một nẻo đã bị pháp luật xử lý và kỷ luật Đảng. Những tệ nạn tham ô, lãng phí, mua quan, bán chức, chạy chức, chạy tội, tha hóa đạo đức… đã gây nên những bất bình trong nhân dân, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với Nhà nước, tổn hại quan hệ Đảng với nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực đến việc xây dựng đời sống đạo đức lành mạnh của cán bộ, đảng viên và xã hội, tác hại rất lớn đối với danh hiệu của người đảng viên và sự nghiệp của Đảng, của dân trong giai đoạn hiện nay.
Việc thấm nhuần tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải làm thiết thực, gắn liền quá trình phấn đấu rèn luyện lâu dài, bền bỉ của cán bộ, đảng viên và mỗi đảng viên cần nêu gương về đạo đức, tu dưỡng đạo đức cách mạng suốt đời. Cán bộ, đảng viên cần được học tập có hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là về đạo đức cách mạng, các nghị quyết của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao nhận thức tư tưởng, năng lực hoạt động thực tiễn. Trong sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp ủy cần thật sự mở rộng và phát huy dân chủ, nghiêm túc tự phê bình, phê bình, đề cao ý thức phòng, ngăn ngừa suy thoái về đạo đức, lối sống, khôn khéo vàquyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần Nghịquyết hội nghịTrung ương 4 (khóa XI) ̀ một số vấn đề trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng thật sự tự giác rèn luyện, gương mẫu trong mọi việc, gắn bó với dân và vì dân. Cấp ủy các cấp lấy chất lượng cuộc sống của quần chúng, nhân dân, tinh thần, thái độ của dân đối với Đảng, Nhà nước, với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức để đánh giá chất lượng sinh hoạt đảng, chất lượng, uy tín cán bộ, đảng viên. Đồng thời coi trọng nâng cao chất lượng và hiệu lực kiểm tra đảng viên và tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên. Có những chế tài cụ thể trong chống tham nhũng, lãng phí để khắc phục có hiệu quả sự thoái hóa, biến chất của đảng viên, nhất là đảng viên giữ các trọng trách ở các ngành, các cấp. Một khi kiểm tra phát hiện ra những yếu kém, thoải hóa biến chất, vi phạm pháp luật và Điều lệ Đảng của đảng viên, cán bộ, tổ chức đảng thì cần phải nhanh chóng xử lý và xử lý nghiêm minh, công bằng, đúng người, đúng tội.
Công tác thi đua khen thưởng đối với đảng viên cần biểu dương kịp thời những người hăng say công tác, có đạo đức, lối sống lành mạnh, gương mẫu, nêu cao danh hiệu đảng viên và xây dựng gia đình văn hóa, tạo ra khí thế phấn khởi, quyết tâm cao cho mọi đảng viên thực hiện các nhiệm vụ chính trị, quyết tâm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Đảng và Nhà nước cũng cần đề ra những chính sách mới chăm lo cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cả vật chất, văn hóa phù hợp với lao động, cống hiến của họ và sự phát triển kinh tế, văn hóa của đất nước.
TS PHẠM VĂN KHÁNH