Ngày 18/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát biểu tại Lễ công bố Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Bộ Khoa học và Công nghệ - Ảnh: VOV |
Đây là ngày không chỉ nhằm tôn vinh các nhà hoa học và thành tựu khoa học công nghệ; tuyên truyền, phổ biến tri thức khoa học mà còn nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hòa về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam.
Ngày 18/5/1963, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nhiệm vụ của khoa học, kỹ thuật là cực kỳ quan trọng, cho nên mọi ngành, mọi người đều phải tham gia công tác khoa học, kỹ thuật, để nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất, để xây dựng Chủ nghĩa xã hội thắng lợi”.
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành kim chỉ nam cho khoa học và công nghệ Việt Nam trên suốt chặng đường bảo vệ và xây dựng đất nước hơn 50 năm qua. Ngày 18/6/2013, Quốc hội nước Việt Nam đã thông qua Luật Khoa học và Công nghệ, trong đó quy định lấy ngày 18/5 hàng năm là Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đóng góp của khoa học và công nghệ trên tất cả các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam trước đây, sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước ngày nay là rất to lớn.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành khoa học và công nghệ, đặc biệt là những hy sinh, cống hiến thầm lặng và lao động quên mình của các thế hệ nhà khoa học Việt Nam trên mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài, những người say mê, kiên trì theo đuổi các ước mơ, hoài bão nghiên cứu sáng tạo.
Thủ tướng cũng biểu dương các ngành, các cấp đã ủng hộ hỗ trợ lực lượng khoa học và công nghệ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó; nêu rõ, Việt Nam đang sống trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Quốc gia nào có năng lực cạnh tranh cao sẽ có nhiều cơ hội để vượt lên, phát triển nhanh và bền vững. Cạnh tranh giữa các quốc gia suy cho cùng là cạnh tranh nguồn vốn tri thức, thể hiện qua chất lượng nguồn nhân lực và trình độ khoa học và công nghệ.
Nghị quyết Trung ương 6, khóa XI của Đảng về phát triển khoa học và công nghệ đã nhấn mạnh phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Khoa học và công nghệ là đòn bẩy trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam sớm trở thành nước công nghiệp.
Để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hoạt động khoa học và công nghệ thời gian tới cần tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ, chú trọng thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ưu, tiên phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Bên cạnh đó, tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia; phát triển mạnh và hiệu quả khoa học xã hội và nhân văn, xây dựng và triển khai chương trình phát triển khoa học cơ bản trong một số lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như toàn học, vật lý, khoa học sự sống, khoa học biển.
Chú trọng phát triển các lĩnh vực khoa học và công nghệ có tính ứng dụng cao, một số lĩnh vực liên ngành giữa khoa học tự nhiên với khoa học kỹ thuật và công nghệ. Hình thành một số viện khoa học và công nghệ, đại học nghiên cứu theo mô hình tiên tiến trên thế giới.
Ngoài nguồn vốn ngân sách Nhà nước, cần huy động các nguồn lực xã hội, trước hết là nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp cho ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ. Thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ gắn với trách nhiệm sử dụng kết quả phục vụ cho nhu cầu của quốc gia, doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực và địa phương.
Đồng thời, khẩn trương ban hành và cụ thể hóa các chính sách trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ, quan tâm chăm lo tới các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ quốc gia đặc biệt quan trọng, nha khoa học trẻ tài năng. Có cơ chế, chính sách thiết thực và hiệu quả để thu hút các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia nước ngoài hợp tác tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học và công nghệ theo hướng phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ kỹ thuật, môi giới, chuyển giao, tư vấn, đánh giá và định giá công nghệ. Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghệ, chuyên gia công nghệ kết nối cung-cầu sản phẩm khoa học và công nghệ mới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ngành đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ theo hướng mở rộng hợp tác khoa học và công nghệ tầm quốc gia, hợp tác nghiên cứu chung với đối tác chiến lược, các nước tiên tiến; tăng cường hiệu quả hoạt động của mạng lưới đại diện khoa học công nghệ của Việt Nam tại các địa bàn trọng điểm có công nghệ nguồn, công nghệ cao...
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao Huân chương Độc lập hạng nhất cho Bộ Khoa học và Công nghệ.
Theo TTXVN/Vtetnam+