“Miền Nam yêu quý ở trong trái tim tôi” - Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, lãnh tụ của Đảng và dân tộc ta đã nói như vậy.
Năm 1962, đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam lần đầu ra thăm miền Bắc có chuyển đến Bác món quà của đồng bào và chiến sĩ miền Nam tặng Bác. Bác nhận lấy và bỗng bồi hồi xúc động đưa bàn tay lên ngực mình, nói: Bác chẳng có gì tặng lại cả, chỉ có cái này…
Bác chỉ có một trái tim với tất cả tình cảm thiêng liêng dành trọn cho Tổ quốc Việt Nam, cho đồng bào miền Nam. Bác theo dõi từng bước đi của cách mạng miền Nam, “mừng thấy miền Nam thắng lớn” và đau nỗi đau của các cụ già, các chị phụ nữ, em bé miền Nam đang sống dưới chế độ bạo tàn của Mỹ - ngụy. Bác nói với các nhà báo quốc tế: “Có thể nói rằng, ở miền Nam, mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng, và nếu gộp những nỗi đau khổ của riêng mỗi người, mỗi gia đình lại, thì đó chính là nỗi đau của tôi”.
Chỉ có vài tuần, sau ngày Bác tuyên bố thành lập nước Việt Nam độc lập; thực dân Pháp đã quay lại hòng cướp nước ta một lần nữa. Việc đầu tiên chúng làm là chia cắt đất nước ta, thành lập chính quyền tay sai ở miền Nam. Là người đứng đầu Nhà nước, Bác dõng dạc tuyên bố: “Miền Nam là ruột thịt, là xương máu của chúng ta, đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.
Niềm tin mãnh liệt đó của Bác trở thành quyết tâm sắt đá của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Tháng 5/1963, Quốc hội quyết định tặng Bác Huân chương Sao vàng - huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta. Bác phát biểu: “Gần 20 năm trường, hết đấu tranh chống thực dân Pháp lại đấu tranh chống Mỹ - Diệm, đồng bào miền Nam thật là những người con anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng. Miền Nam thật xứng đáng với danh hiệu Thành đồng Tổ quốc và xứng đáng được tặng huân chương cao quý nhất. Vì những lẽ đó, tôi xin Quốc hội đồng ý thế này: Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình, thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi huân chương cao quý…”.
Những năm tháng miền Nam chiến đấu chống Mỹ và bè lũ tay sai, Bác yêu cầu Bộ Chính trị tổ chức để Bác vào thăm đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Thấy Bác tuổi cao, sức khỏe không còn như trước, các đồng chí hứa sẽ cố gắng cùng toàn dân đánh thắng giặc rồi mời Bác vào thăm. Bác nói: “Tôi muốn vào là vào lúc này, chứ thắng rồi mới vào thì còn nói làm gì”.
Đêm đêm, Bác tập đi bộ và thường xuyên hỏi việc chuẩn bị cho Bác vào Nam thế nào. Các đồng chí trong Bộ Chính trị đành phải trả lời thật với Bác: Đường sá khó khăn, vất vả quá. E sức Bác không đi được. Bác nói: Các chú đi được thì tôi đi được, chưa chắc tôi thua các chú đâu.
Càng về những năm tháng cuối đời, Bác biết là nguyện vọng vào miền Nam của mình không thực hiện được. Có lần, Bác bùi ngùi nói với đồng chí Vũ Kỳ - người thư ký thân cận: Vậy là mình đi đến nơi nhưng chưa về đến chốn.
Kể lại chuyện này, đồng chí Vũ Kỳ giải thích ý Bác như sau: Bác nói mình đi đến nơi tức là đã tìm được con đường cách mạng đúng đắn để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc nhưng chưa về đến chốn là chưa vào được miền Nam thăm đồng bào, đồng chí, thăm nơi yên nghỉ cuối cùng của đấng sinh thành (cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ Bác mất tại Cao Lãnh, Đồng Tháp và cụ Hoàng Thị Loan, thân mẫu Bác mất ở Huế).
Những ngày bệnh Bác trở nặng, lúc tỉnh lại, câu hỏi đầu tiên của Bác là: miền Nam hôm nay thắng ở đâu? Những giờ phút cuối cùng, Bác mở mắt trìu mến nhìn các đồng chí trong Bộ Chính trị đứng quanh Người. Bỗng Bác nhìn thấy đồng chí Bí thư Trung ương Cục Miền Nam (tức đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng bí thư Đảng ta sau này) đang đứng ở phía sau, Bác ra hiệu gọi anh đến gần. Bác không nói được nhưng ánh mắt Bác nói lên tình cảm thiêng liêng: Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi.
BẰNG TÍN