Thứ Ba, 08/10/2024 03:33 SA
Công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc ta như non cao, biển rộng (*)
Thứ Hai, 19/05/2014 08:09 SA

Với niềm tự hào và lòng biết ơn vô hạn, hôm nay tại Nhà thờ Bác Hồ, xã Sơn Định (Sơn Hòa), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh cùng Đảng bộ và nhân dân huyện Sơn Hòa thành kính tổ chức Lễ kỷ niệm 124 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2014) - Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam; lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam; người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam; chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc; người tổ chức, giáo dục và rèn luyện Đảng ta; Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước, hiếu học ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, vùng đất giàu ý chí cách mạng; được nuôi dưỡng bởi những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử, sớm tiếp thu tinh thần yêu nước thương dân, đấu tranh bất khuất của những bậc tiền bối. Chứng kiến cảnh khổ nhục, lầm than, cơ cực của người dân mất nước và sự thất bại của các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược do các sĩ phu đương thời khởi xướng, đã thôi thúc người thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết chí ra đi tìm đường cứu nước.

 

Tháng 6/1911, rời bến cảng Nhà Rồng, với bàn tay lao động và ý chí cứu nước mãnh liệt, sau gần 10 năm bôn ba nhiều nước trên thế giới, hòa mình vào cuộc sống của những người cần lao, Người làm bồi tàu, phụ bếp, rửa chén, quét tuyết, đốt lò, làm thợ ảnh và tham gia vào các phong trào đấu tranh chống áp bức, bóc lột, phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế ở nhiều nước. Người đã nhận thức vấn đề giải phóng dân tộc và giải phóng con người là nhu cầu cấp thiết không chỉ của Việt Nam mà của tất cả các dân tộc thuộc địa và nhân dân bị áp bức trên toàn thế giới. Người ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga, tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, nhận thức đúng xu thế phát triển của thời đại và đi tới khẳng định: “Muốn giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

 

Cách mạng muốn thành công phải có Đảng dẫn đường, tháng 6/1925, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc). Trước sự phát triển của phong trào cách mạng trong nước, đến năm 1929 các tổ chức cộng sản đầu tiên ra đời ở Việt Nam. Ngày 3/2/1930, được sự ủy nhiệm của Quốc tế Cộng sản, Người đã chủ trì hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đánh dấu bước ngoặt lịch sử của cách mạng nước ta, chấm dứt tình trạng khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước. Bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc. Người đã đặt nền móng cho lý luận cách mạng Việt Nam trong thời đại mới, xác lập Cương lĩnh đầu tiên của Đảng, xác định con đường của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc, tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Đó là đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử nước ta và trào lưu tiến hóa chung của nhân loại, đóng góp quan trọng trong việc mở ra giai đoạn phát triển mới của phong trào cách mạng vô sản, phong trào giải phóng dân tộc các nước thuộc địa, phụ thuộc ở châu Á và trên thế giới.

 

Từ năm 1930 đến năm 1940, Người hoạt động ở nước ngoài đồng thời theo dõi sát phong trào cách mạng nước ta và có những định hướng đúng đắn cho Ban chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1941, Người về nước triệu tập Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VIII quyết định đường lối đánh Pháp, đuổi Nhật; thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh), tổ chức lực lượng vũ trang giải phóng, xây dựng căn cứ địa, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa từng phần và chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tuyên bố thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; tổ chức Tổng tuyển cử tự do trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ của Việt Nam. Quốc hội khóa I đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cùng với Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam phá tan âm mưu của các thế lực thù địch, giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng.

 

Ngày 19/12/1946, Người kêu gọi cả nước đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, bảo vệ và phát triển những thành quả của Cách mạng Tháng Tám. Tại Đại hội lần thứ 2 của Đảng năm 1951, Người được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta đã giành được thắng lợi to lớn, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954) lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

 

Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân cả nước thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là: tiến hành cách mạng XHCN và xây dựng CNXH ở miền Bắc, đồng thời đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.

 

Giữa lúc cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân ta ở cả hai miền Nam Bắc đang ở giai đoạn quyết định thì ngày 2/9/1969 Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, hưởng thọ 79 tuổi. Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Lễ truy điệu Hồ Chủ tịch ngày 9/9/1969 nêu rõ: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.

 

Công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc ta như non cao, biển rộng, Người đã gắn bó và hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân cho đến hơi thở cuối cùng. Cuộc đời hoạt động sôi nổi, phong phú, hết lòng vì Đảng, vì dân của Người đã để lại cho dân tộc ta một di sản tinh thần vô giá. Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi soi đường cho chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau, dẫn dắt dân tộc ta tiến đến tương lai tươi sáng. Người là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, viết nên những trang sử vẻ vang nhất của Tổ quốc ta, đưa sự nghiệp cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận thiên tài của cách mạng Việt Nam. Người đã nêu một tấm gương sáng trong việc tiếp thu và vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin trên tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo. Người đã nắm bắt sâu sắc bản chất cách mạng và khoa học, vận dụng một cách sáng tạo học thuyết Mác-Lênin vào hoàn cảnh nước ta một cách hết sức thông minh và bản lĩnh, phù hợp với hoàn cảnh thực tế nước ta; đồng thời Người đã kế thừa, phát huy chủ nghĩa yêu nước, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa của nhân loại. Ngày nay, những luận điểm của Người trở thành đặc trưng, mục tiêu, động lực... để xây dựng CNXH ở nước ta vẫn còn nguyên giá trị và được Đảng ta vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp đổi mới. Người cũng đã để lại cho chúng ta di sản tinh thần vô giá, đó là tư tưởng và tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực, cao đẹp, kết tinh những giá trị truyền thống của dân tộc, của nhân loại và thời đại. Cả cuộc đời và sự nghiệp của Người là tấm gương sáng ngời cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nguyện phấn đấu suốt đời học tập và làm theo.

 

Tư tưởng và phẩm chất đạo đức tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tinh thần yêu nước nồng nàn, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, toàn tâm, toàn ý cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Điều đó được thể hiện cô đọng trong câu nói của Người: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Đó là lý tưởng, là mục tiêu chiến đấu trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.

 

Chúng ta hôm nay vô cùng vinh dự, tự hào được sống trong thời đại Hồ Chí Minh, vì vậy phải ra sức học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người, đó là nhu cầu khách quan trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; là niềm vinh dự và tự hào đối với mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi con người Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta càng quán triệt sâu sắc những vấn đề mà Bác Hồ kính yêu đã luôn chú tâm thực hiện và răn dạy, trong đó, kiên định độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, thực hiện chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; không ngừng xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh “là đạo đức, là văn minh” luôn xứng đáng với vai trò lãnh đạo và niềm tin của nhân dân, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền, càng phải chú trọng nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, thấm nhuần yêu cầu cốt lỗi “Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân”. Chúng ta thấm thía nỗi trăn trở, lo lắng của Người trước lúc đi xa: “Trước hết nói về Đảng,... Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo dức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

 

Từ sau giải phóng, nhất là sau ngày tái lập tỉnh Phú Yên 1/7/1989, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên ra sức khôi phục sau chiến tranh, xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Tốc độ tăng trưởng trong nhiều năm qua đạt trên 10%/năm, kết cấu hạ tầng quan trọng ngày càng được xây dựng đàng hoàng hơn, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Văn hóa - xã hội nhiều mặt phát triển, quốc phòng an ninh ngày càng được tăng cường và củng cố, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, bộ mặt đô thị và nông thôn ngày càng đổi mới, khởi sắc hơn. Hệ thống chính trị được kiện toàn, đến nay 100% thôn, buôn, khu phố, trường học, trạm y tế trên địa bàn tỉnh có chi bộ Đảng; nội bộ đoàn kết, giữ vững vai trò lãnh đạo và được nhân dân tin tưởng.

 

Kỷ niệm 124 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để chúng ta thành kính tưởng nhớ Người, cùng nhau ôn lại thân thế và sự nghiệp của Người, nguyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Trong niềm phấn khởi, tin tưởng trước những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Yên tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn thử thách, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng và phát triển quê hương Phú Yên ngày càng văn minh, giàu đẹp; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15.

 

(*) Tựa đề do tòa soạn đặt

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek