Vào ngày này cách đây 55 năm trước, nhân kỷ niệm 69 năm Ngày sinh Bác Hồ kính yêu, ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng quân ủy Trung ương chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (Đoàn 559) mở đường vận chuyển hàng quân sự chi viện cho miền Nam; tổ chức đưa đón cán bộ, bộ đội, chuyển công văn, tài liệu giữa hai miền Nam, Bắc theo dọc Trường Sơn.
Suốt 16 năm chiến đấu ác liệt, cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn thuộc các lực lượng: công binh, vận tải, pháo phòng không, bộ binh, giao liên, thông tin, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, lập nên những chiến công xuất sắc. Bằng sự cống hiến, hy sinh to lớn, Bộ đội Trường Sơn đã làm nên con đường huyền thoại, là một trong những nhân tố quyết định đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.
Cùng với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, 2 năm sau, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cũng đã quyết định mở đường Hồ Chí Minh trên biển, mở ra con đường huyền thoại gắn với hình ảnh của những đoàn tàu Không số vận chuyển lương thực, vũ khí, thuốc men… chi viện cho chiến trường miền Nam mà Vũng Rô của Phú Yên là một trong những điểm đến. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng tàu mang số hiệu 41 (Đoàn tàu Không số) là một trong những nhân chứng sống.
Thế nhưng hiện nay, con đường huyền thoại - Đường Hồ Chí Minh trên biển đang “bất an” bởi những hành động ngang ngược của chính quyền Trung Quốc, khi họ bất chấp luật pháp quốc tế và những điều khoản mà họ cam kết, ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu vào hạ đặt trái phép trong thềm lục địa thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước ta và gần trăm tàu các loại hộ tống, bảo vệ. Hành động này của Trung Quốc cùng với hàng loạt hành động tiếp theo, như bắn vòi nước có cường độ mạnh và húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương… gây nên sự phẫn nộ trong các tầng lớp nhân dân trong nước và cả cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
So với những lần trước, như cắt cáp hay đâm tàu cá Việt Nam, lần này không chỉ là những vụ va chạm mà yếu tố đặc biệt nghiêm trọng là xâm phạm chủ quyền của một đất nước, nói một cách khác đó là hành vi xâm lược, đã được Trung Quốc tính toán lâu dài.
Lãnh thổ là thiêng liêng. Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam - đây là vấn đề không tranh cãi vì Việt Nam có đủ bằng chứng, cơ sở pháp lý để chứng minh chủ quyền lâu đời và liên tục của mình đối với hai quần đảo này.
Cũng như mọi người dân yêu chuộng lẽ phải, chính nghĩa, chân lý và hòa bình, trong cuộc gặp mặt kỷ niệm Ngày mở đường Trường Sơn - “anh em” sinh đôi với “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, cùng nhau ôn lại truyền thống, nhắc nhở nhau phát huy ý chí “gan vàng, dạ ngọc” trong những năm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, những cựu binh Trường Sơn cùng bày tỏ sự phẫn nộ và cực lực phản đối các hành động xâm lược của Trung Quốc; kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế. Những chiến sĩ Trường Sơn năm xưa cho rằng, dù ta còn yếu cả về quân sự lẫn kinh tế so với Trung Quốc, nhưng ta có một sức mạnh vô địch đó là sức mạnh của chính nghĩa; toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, trên dưới như một; được nhân dân các nước yêu chuộng hòa bình và tiến bộ trên thế giới ủng hộ… Nhất định Trung Quốc phải rút giàn khoan và lực lượng hộ tống bảo vệ khỏi vùng biển trong thềm lục địa thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
XUÂN HIẾU