Thứ Ba, 08/10/2024 05:24 SA
Những cống hiến của đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng ta cho cách mạng Việt Nam và cách mạng Đông Dương (Tiếp theo và hết)
Thứ Ba, 13/05/2014 07:37 SA

Cuối năm 1930 đầu năm 1931, phong trào đấu tranh của quần chúng bị đế quốc Pháp tiến hành khủng bố trắng, cũng chính lúc này, xuất hiện thái độ do dự, hốt hoảng ở một bộ phận đảng viên và sự giảm sút lòng tin của họ vào sức mạnh đấu tranh của quần chúng, hoặc cho rằng, phải xây dựng tổ chức cho mạnh đã, rồi sau sẽ tranh đấu. Với trách nhiệm Tổng bí thư, Trần Phú chỉ đạo giải quyết những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách đó về tổ chức và tư tưởng. Ngày 3/1/1931, Thường vụ Trung ương ra Thông cáo cho các Xứ ủy uốn nắn những nhận thức không đúng và hướng dẫn cách bố trí, tổ chức lực lượng, lãnh đạo đấu tranh cho phù hợp với tình hình cán bộ, đảng viên và cách đối phó với sự đàn áp của địch ở từng địa phương để nâng cao hiệu quả đấu tranh và bảo vệ lực lượng cách mạng. Thường vụ Trung ương kêu gọi: “Đảng viên phải hết sức làm việc, dầu không có kết quả tức khắc cũng không vội chán nản; phải bền lòng, phải cương quyết mà tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo tranh đấu: vì khi nào cũng phải đinh ninh rằng cái khí giới độc nhất của mình là sự giác ngộ của quần chúng mà thôi. Phải thiệt tín nhiệm vào năng lực của Đảng và quần chúng thì công tác sẽ có kết quả tốt” (1). Phải hướng cuộc đấu tranh vào trọng tâm chính trị, tuy vẫn đòi và bênh vực quyền lợi thiết thực hằng ngày của quần chúng với những biện pháp đấu tranh như đình công và bãi công khi cần thiết, song phải chuẩn bị chu đáo. Cần tổ chức những cuộc biểu tình lớn ở thôn quê bằng cách tập hợp nhiều cuộc biểu tình nhỏ, xuất phát từ nhiều địa phương để phân tán lực lượng đối phó của địch. Các đảng bộ phải tổ chức đội tự vệ của công nông làm nhiệm vụ hỗ trợ, bảo vệ các cuộc đấu tranh. Thường vụ Trung ương nhắc nhở các cấp bộ chú trọng thực hiện công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ, đảng viên bằng biện pháp tổ chức chặt chẽ, giữ kỷ luật bí mật nghiêm ngặt, cảnh giác chống địch đưa tay sai chui vào hàng ngũ Đảng.

 

Sau Hội nghị lần thứ nhất 4 tháng, trong hoàn cảnh bị địch khủng bố rất ác liệt, Trần Phú và Ban Chấp hành Trung ương vẫn kịp thời chuẩn bị các văn kiện cho Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tháng 3/1931. Trọng tâm của hội nghị này là công tác tổ chức của Đảng, của các đoàn thể và công tác tư tưởng trong cuộc đấu tranh chống địch đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng và các thủ đoạn lừa bịp của chúng. Các văn kiện trên do Trần Phú trình bày tại Hội nghị Trung ương. Đánh giá tình hình lãnh đạo của Đảng, Án nghị quyết của Trung ương toàn thể Hội nghị lần thứ hai cho rằng, Đảng đã “chỉ huy hết thảy sự tranh đấu của quần chúng, đã khuếch trương nền tảng tổ chức cách mạng ra và đã ảnh hưởng càng ngày càng rộng trong quần chúng công nông” (2). Song, những thắng lợi đó chưa được bao nhiêu và chủ yếu là do “nền tư tưởng trong Đảng còn rất nhiều di tích tiểu tư sản, đầu cơ, biệt phái” (3). Nghị quyết chỉ rõ hạn chế cơ bản đang tồn tại phổ biến trong Đảng là chưa nhận thức đúng vai trò lịch sử của giai cấp vô sản và chức năng lãnh đạo của Đảng: “Có nhiều đảng viên (như ở Bắc kỳ và Trung kỳ) còn hiểu rằng Đảng Cộng sản là đảng của quần chúng lao khổ mà không biết rằng Đảng Cộng sản chỉ là đảng của vô sản giai cấp mà thôi, mà chức trách của Đảng Cộng sản là làm hướng đạo cho vô sản giai cấp làm cách mạng vô sản” (4). Nghị quyết còn giải thích sáng tỏ lập trường cách mạng của Đảng và nêu ra phương pháp hoạt động khắc phục hạn chế trên: “Tuy Đảng chỉ huy cho nông dân, cho hết thảy quần chúng lao khổ làm cách mạng tư sản dân quyền nhưng Đảng vẫn là đảng của vô sản giai cấp, nghĩa là đứng về lợi ích cách mạng vô sản mà chỉ huy, lấy chính sách vô sản mà chỉ huy chứ không phải là vì Đảng đại biểu lợi ích cho tiểu tư sản quần chúng, đại biểu cho xu hướng tư hữu chế độ” (5).

 

Án nghị quyết của Trung ương toàn thể Hội nghị lần thứ hai nhấn mạnh phải thực hiện nghiêm chỉnh các nguyên tắc tổ chức Đảng. Đảng phải bao gồm những công nhân tiên tiến nhất; mỗi đảng viên phải là người hăng hái hoạt động, tham gia sinh hoạt Đảng và công việc của Đảng, trở thành một phần tử hoạt động của Đảng. Kỷ luật của Đảng là kỷ luật sắt dựa trên nguyên tắc dân chủ tập trung. Trong chỉ đạo xây dựng tổ chức Đảng, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương rất chú trọng lãnh đạo xây dựng kiện toàn các Xứ ủy và nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng chi bộ. Hội nghị cho rằng: “Chi bộ là cơ sở của Đảng. Nếu chi bộ mà không biết làm việc thì Đảng không phát triển được; cho nên chi bộ cần phải tổ chức sinh hoạt cho náo nhiệt và cho có kế hoạch. Ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng mạnh hay yếu, trình độ chính trị và hoạt động của đảng viên cao hay thấp cũng theo trình độ sinh hoạt của chi bộ cao hay thấp (6).

 

Dưới sự chỉ đạo của Tổng bí thư Trần Phú, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương còn quyết nghị nhiều chủ trương quan trọng về công tác tuyên truyền của Đảng nhằm khắc phục “trình độ lý luận của Đảng còn thấp kém, nền tư tưởng còn chưa vững bền, nhân tài để làm việc Đảng còn rất hiếm” (7). Nhiệm vụ quan trọng nhất của công tác đó là tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin trong Đảng và trong quần chúng vô sản để nâng cao trình độ lý luận của đảng viên, để xây dựng nền tảng tư tưởng vô sản trong Đảng và trong quần chúng vô sản và đào tạo một lớp nhân tài vô sản cho Đảng.

 

Công tác xây dựng Đảng, theo quan điểm và sự chỉ đạo thực tiễn của Tổng bí thư Trần Phú và Ban Chấp hành Trung ương, phải gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng các đoàn thể quần chúng và công tác dân vận. Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định: “việc tổ chức các đoàn thể quần chúng cũng là nằm trong phạm vi công việc tổ chức của Đảng, cũng là một việc phải chú ý, lưu tâm như là việc tổ chức của Đảng vậy” (8).

 

Những quan điểm xây dựng Đảng của Trung ương và Tổng bí thư Trần Phú có quan hệ chặt chẽ với chủ trương xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất được thể hiện rõ nét trong Chỉ thị của Trung ương Thường vụ về vấn đề thành lập Hội “Phản đế đồng minh” ngày 18/11/1930. Chỉ thị phê phán những quan điểm hẹp hòi trong công tác tổ chức các đoàn thể quần chúng, thiếu những biện pháp mềm dẻo cần thiết để thu hút rộng rãi tất cả các giai cấp, tầng lớp xã hội kể cả trung, tiểu địa chủ, phú nông, quan lại nhỏ, trí thức, tư sản có tinh thần chống đế quốc vào mặt trận đại đoàn kết dân tộc rộng rãi, dựa trên cơ sở liên minh công - nông vững chắc. Thường vụ Trung ương còn hướng dẫn cách tổ chức mặt trận phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương. Những quan điểm và chủ trương đó phản ánh khả năng tổng kết, nắm bắt kịp thời những vấn đề rất quan trọng về chính trị - xã hội mới xuất hiện trong thực tiễn cách mạng của Trung ương Đảng và Tổng bí thư Trần Phú.

 

Cống hiến của Trần Phú về công tác xây dựng Đảng và công tác dân vận được nêu trong bài Tưởng nhớ đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương: “Dưới sự lãnh đạo cương quyết của đồng chí Trần Phú, Đảng ta đã trở thành một đảng quần chúng thực sự và đã tiến hành những công việc lớn lao về tổ chức và lãnh đạo các tầng lớp quần chúng đông đảo trong cuộc đấu tranh cách mạng”. Những số liệu phát triển tổ chức mà hiện nay chúng ta biết được đã xác nhận sự đúng đắn của nhận xét trên. Đến cuối năm 1930, hệ thống tổ chức Đảng từ Ban Chấp hành Trung ương đến cấp xứ và phần lớn tỉnh, thành cả nước được thành lập. Theo số liệu thống kê bước đầu, ở Bắc kỳ đã hình thành 17 tỉnh ủy, thành ủy và đặc khu ủy; ở Trung kỳ có 9 tỉnh ủy; và ở Nam kỳ cũng đã thành lập 21 tỉnh ủy, thành ủy, liên tỉnh ủy. Tại nhiều vùng nông thôn, nhà máy, hầm mỏ, đồn điền đã có cơ sở đảng. Số lượng đảng viên của Đảng tính đến Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 10/1930) là khoảng 1.600; 5 tháng sau, khi diễn ra Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tháng 3/1931, số đảng viên đã tăng thêm khoảng 800, nâng tổng số đảng viên lên khoảng 2.400. Đảng cũng phát huy mạnh mẽ ảnh hưởng của mình trong sự phát triển của nông hội, công hội. Tính đến 1/5/1930 có tổng số khoảng 53.000 hội viên nông hội, tháng 3/1931 lên đến khoảng 64.000 hội viên. Số hội viên Công hội đỏ đến tháng 4/1931 có khoảng 6.000 (9).

 

Sự phát triển về tổ chức và công tác tuyên truyền giáo dục lý luận, đường lối, chủ trương của Đảng là nhân tố quyết định đưa phong trào đấu tranh của quần chúng chống khủng bố trắng của nhà cầm quyền thực dân tiếp tục tiến triển. Cho dù đến đầu tháng 5/1931, các Ủy viên Trung ương Đảng đều bị bắt, phong trào đấu tranh của quần chúng bị lắng xuống, song kẻ thù không thể tiêu diệt được Đảng, bẻ gãy ý chí đấu tranh và niềm tin vào Đảng của quần chúng, và sau đó một thời gian, tổ chức đảng, đoàn thể quần chúng lại hồi phục và tiếp tục phát triển sự nghiệp đấu tranh cách mạng trong cao trào 1936-1939.

------------------------------

1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.3, tr.6.

2 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.3, tr.89.

3, 4 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.3, tr.90.

5,6,7 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.3, tr.90, 110, 117.

8 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.3, tr.104.

9 Các số liệu này tổng hợp từ hai nguồn: Văn kiện Đảng toàn tập, t.4, tr.409 và bài viết “Tưởng nhớ đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương” của tác giả “Cộng sản” lưu trữ tại hồ sơ Quốc tế Cộng sản.

 

GS, NGND NGUYỄN ĐỨC BÌNH

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek