Thứ Ba, 08/10/2024 07:23 SA
Những cống hiến của đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng ta cho cách mạng Việt Nam và cách mạng Đông Dương
Thứ Bảy, 10/05/2014 08:57 SA

Trần Phú sinh năm 1904 tại Tuy An, tỉnh Phú Yên trong một gia đình trí thức nho học giàu lòng yêu nước, quê gốc ở huyện Đức Thọ - Hà Tĩnh, nơi diễn ra phong trào Cần Vương dưới ngọn cờ yêu nước của Phan Đình Phùng, một đỉnh cao của phong trào khởi nghĩa bùng lan hầu khắp đất nước, chống chế độ thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX.

 

 
Đồng chí Trần Phú

Từ thuở ấu thơ, tinh thần yêu nước, chống ách thống trị của thực dân Pháp đã hình thành trong lòng Trần Phú do tác động của thảm cảnh đất nước lầm than, đồng bào bị bóc lột cùng kiệt, các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc liên tục diễn ra, nhưng đều bị đàn áp khốc liệt. Chính thân phụ của Trần Phú, ông Trần Văn Phổ - Tri huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi, biểu thị tinh thần phản kháng mệnh lệnh của chính quyền thực dân đàn áp quần chúng nông dân nổi dậy chống sưu, thuế năm 1908, đã tự sát. Thù nhà, nợ nước kết hợp với những tri thức lý luận cách mạng qua các tác phẩm của chủ nghĩa Mác-Lênin và của Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài bí mật đưa về nước mà Trần Phú tiếp thụ đã nảy sinh lý tưởng và ý chí cách mạng.

 

Năm 1925, bước vào tuổi 21, Trần Phú tham gia thành lập Hội Phục Việt, một tổ chức yêu nước, tiến bộ, song chưa xác định được cương lĩnh hoạt động của mình. Các thành viên Hội Phục Việt (tổ chức này đổi tên nhiều lần, từ Hội Hưng Nam cuối năm 1925, Việt Nam Cách mạng đồng chí hội tháng 7/1927 đến Tân Việt Cách mạng Đảng tháng 7/1928) đã từng đọc một số tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc và được biết Người mới đến Quảng Châu (Trung Quốc) tìm gặp thanh niên yêu nước, xây dựng tổ chức cách mạng.

 

Giữa năm 1925, tại Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và mở lớp huấn luyện chính trị cho các thanh niên yêu nước gia nhập tổ chức này. Biết tin ấy, tháng 7/1926, Hội Hưng Nam cử Trần Phú sang Quảng Châu bàn việc hợp nhất tổ chức này với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đây là chuyến đi đánh dấu sự chuyển biến quan trọng của Trần Phú từ một thanh niên yêu nước đang tìm đường lối cách mạng đúng đắn trở thành một chiến sĩ cộng sản đi theo con đường cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân lao động mà Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác-Lênin.

 

Từ tháng 8/1926, Trần Phú và các thanh niên trong đoàn ra nước ngoài tham dự lớp huấn luyện chính trị. Nguyễn Ái Quốc là giảng viên chính của lớp này. Chương trình huấn luyện và nội dung bài giảng được in trong cuốn Đường Cách mệnh của Nguyễn Ái Quốc.

 

Sau lớp huấn luyện, Trần Phú trở về Nghệ An, gặp những người lãnh đạo Hội Hưng Nam trình bày đường lối cách mạng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, rồi trở lại Quảng Châu và được Nguyễn Ái Quốc cử đi học Trường đại học Phương Đông, thời gian kéo dài từ 1927 đến 1929. Kết thúc khóa học, Trần Phú liền trở về nước, mang những kiến thức lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc để tham gia lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng đang bắt đầu bùng nổ quyết liệt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Trong thời gian đảm đương các cương vị lãnh đạo cao nhất của Trung ương Đảng, Trần Phú đã có nhiều cống hiến cho cách mạng Việt Nam, cách mạng Đông Dương, cho Đảng ta. 

 

Tháng 4/1930, Trần Phú về nước theo giới thiệu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, gặp Ban Chấp hành Trung ương lâm thời nhận công tác. Đồng chí được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, và ít lâu sau, được cử vào Ban Thường vụ Trung ương, chủ trì dự thảo Luận cương chính trị của Đảng, một nhiệm vụ do Nguyễn Ái Quốc đề ra từ sau Hội nghị thành lập Đảng, và nhiều văn kiện khác.

 

Vận dụng lý luận cách mạng và những kết quả khảo sát của mình tại nhiều vùng công nghiệp, nông nghiệp ở miền Bắc, Trần Phú hoàn thành bản dự thảo Luận cương chính trị của Đảng. Văn kiện này được Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và một số cán bộ Đảng thảo luận, đóng góp ý kiến trước khi Trần Phú trình bày tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương, tháng 10/1930, ở Hồng Kông.

 

Nghiên cứu tư tưởng chính trị của Trần Phú, chúng tôi cho rằng, cần căn cứ vào Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương, ngoài ra còn phải nghiên cứu nhiều văn kiện khác của Ban Chấp hành Trung ương trong thời gian Trần Phú giữ vai trò chủ chốt điều hành hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và làm Tổng bí thư của Đảng. Một tài liệu của Đảng viết tại Sài Gòn ngày 26/2/1932, ký bút danh Cộng Sản, mang tiêu đề Tưởng nhớ đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, hiện lưu tại Phòng Lưu trữ Viện Lịch sử Đảng, cung cấp những thông tin đáng tin cậy về vai trò của Trần Phú trong việc hình thành các văn kiện Đảng lúc bấy giờ: “Đồng chí Trần Phú cũng đã tiến hành công việc Bônsêvích hóa Đảng về phương diện lý luận. Trong rất nhiều bản nghị quyết án chính trị của Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ I (10/1930) và Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ II (tháng 4/1931) những nguyên tắc, những chiến lược và chiến thuật Bônsêvích được trình bày rất rõ ràng và đúng đắn. Những bản nghị quyết ấy đều do chính tay Trần Phú viết hoặc có sự cộng tác dưới sự hướng dẫn của đồng chí (chúng tôi nhấn mạnh - TG).

 

Không những trong các bản nghị quyết án và các chị thỉ của Ban Chấp hành Trung ương mà còn ở trong các sách cổ động và trong báo chí, đồng chí Trần Phú luôn là người bảo vệ bền bỉ những nguyên tắc về lý luận và thực tiễn mácxít-Lêninnít và là người kiên quyết chống lại bất cứ một sai lầm nhỏ nào đi chệch đường lối chính trị chung của Quốc tế Cộng sản”.

 

Nghiên cứu các văn kiện Đảng xuất hiện vào thời gian này, có thể thấy rõ những luận điểm nổi bật sau đây của Trần Phú về cách mạng Việt Nam và cách mạng Đông Dương và công tác xây dựng Đảng. 

 

Đánh giá những biến đổi quan trọng nhất của tình hình thế giới trong khoảng hơn 10 năm từ khi Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) kết thúc, Luận cương chính trị khắc họa 2 mặt đối lập của mâu thuẫn cơ bản:

 

Một bên là chủ nghĩa đế quốc đang lâm vào tình trạng khủng hoảng ngày càng nặng nề, dù có lúc tạm thời ổn định (1923-1928) do tăng cường bóc lột thuộc địa, dẫn tới xung đột gay gắt về thị trường giữa các nước đế quốc và chiến tranh: “Sự tạm thời ổn định của tư bổn đã không thể giữ lại được nữa, mà lại đã trở vào khủng hoảng, thành thử đế quốc chủ nghĩa lại càng phải giành nhau thị trường rất kịch liệt, làm cho trận đế quốc chiến tranh sắp tới không sao tránh khỏi được”(1). Năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, xác nhận tính chính xác của lời tiên đoán ấy.

 

Một bên là Liên Xô, nơi đang xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội với mức tăng trưởng kinh tế vượt cao hơn thời kỳ trước chiến tranh, càng làm cho chủ nghĩa đế quốc căm tức, muốn đánh đổ Liên bang Xô Viết. Không những vậy, lực lượng đối lập với chủ nghĩa đế quốc còn bao gồm phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản đang dâng cao dưới hình thức bãi công ở các nước Pháp, Đức, Ba Lan. Và tại các nước thuộc địa, phong trào cách mạng cũng phát triển rất rầm rộ, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ. Từ thực tế đó, Luận cương chính trị đánh giá: trong thời kỳ này, “cách mạng vô sản và cách mạng thuộc địa đã lên đến trình độ rất cao, có nơi đã sắp sửa cướp chính quyền”.(2)

 

Khái quát cục diện cách mạng thế giới như trên thể hiện một cách nhìn sắc sảo về thời đại mới được đánh dấu bằng thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Liên Xô; đồng thời, phong trào cách mạng vô sản và phong trào cách mạng giải phóng thuộc địa đang cùng tiến triển trong mối quan hệ chặt chẽ. Chủ nghĩa đế quốc lâm vào mâu thuẫn gay gắt nảy sinh từ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, từ sự cạnh tranh lợi ích giữa các nước đế quốc và sự xung đột giữa nhà tư bản với giai cấp vô sản, giữa các nước đế quốc với thuộc địa và Liên Xô. Và đến thời điểm này, chiều hướng phát triển của thời đại mới, dù Trần Phú chưa sử dụng khái niệm này, là sự lớn mạnh của Liên Xô, của cách mạng vô sản và cách mạng thuộc địa. Cách mạng Đông Dương đã gia nhập các trào lưu cách mạng thế giới, góp phần mở rộng trận địa công nông và nhân dân thuộc địa chống chủ nghĩa đế quốc. Về phần mình, cách mạng Đông Dương lại nhận được những ảnh hưởng tích cực của cách mạng thế giới, nhất là cách mạng Trung Quốc và Ấn Độ “làm cho cách mạng Đông Dương càng mau bành trướng. Vậy nên cách mạng thế giới và cách mạng Đông Dương rất có quan hệ với nhau”.(3) 

 

Xuất phát từ sự đánh giá tình hình Đông Dương, bao gồm 3 xứ Việt Nam, Cao Miên và Lào, Luận cương chính trị xác định rõ 2 đặc điểm: chế độ thuộc địa của đế quốc Pháp là trở lực cho sự phát triển độc lập của dân tộc; ách áp bức, bóc lột của đế quốc và phong kiến địa chủ khiến mâu thuẫn giai cấp giữa thợ thuyền, dân cày và quần chúng lao khổ với địa chủ, phong kiến và tư bản, đế quốc càng thêm gay gắt.

 

Trên lĩnh vực kinh tế, Đông Dương chịu sự thống trị của chế độ thuộc địa với hình thức khai thác, kinh doanh tư bản chủ nghĩa kết hợp chặt chẽ với cách bóc lột phong kiến, nhằm vơ vét tối đa lương thực xuất khẩu, biến công nghiệp Đông Dương phụ thuộc vào kinh tế Pháp. Hoạt động xuất khẩu cũng nằm trong tay các nhà tư bản Pháp; ngành buôn bán, sản xuất và ngân hàng cũng hướng vào mục tiêu đó.

(Còn nữa)

-----------------

(1),(2),(3): Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.2, tr.89.

 

GS, NGND NGUYỄN ĐỨC BÌNH

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek