Thứ Năm, 28/11/2024 01:55 SA
Những cống hiến của đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng ta cho cách mạng Việt Nam và cách mạng Đông Dương (Tiếp theo kỳ trước)
Chủ Nhật, 11/05/2014 08:00 SA

Nhìn tổng quát, Luận cương chính trị cho rằng: “Kinh tế Đông Dương cũng vẫn là kinh tế nông nghiệp, mà trong kinh tế ấy thì những lối phong kiến lại chiếm địa vị trọng yếu. Tất cả những điều kiện ấy làm cho kinh tế Đông Dương không có thể phát triển độc lập được” (1).

 

Quan hệ chặt chẽ với mâu thuẫn kinh tế là mâu thuẫn giai cấp. Luận cương chính trị chỉ rõ: giai cấp nông dân bị đế quốc, địa chủ chiếm đoạt phần lớn ruộng đất, biến họ thành tá điền, con nợ, phải nạp tô và lãi ở mức rất cao. Họ bị đẩy vào cảnh thất nghiệp, nhưng khó có thể trở thành công nhân do công nghiệp phát triển rất chậm.

 

Còn giai cấp công nhân thì bị bóc lột tàn bạo và bị ngược đãi, không được hưởng một chút bảo hiểm xã hội nào, không được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, khiến cho số đông công nhân Đông Dương bị bệnh nguy hiểm và chết non ngày càng nhiều.

 

Đời sống cơ cực của công, nông làm gia tăng mâu thuẫn giai cấp ở Đông Dương và bùng nổ ngày càng mạnh mẽ, dồn dập phong trào thợ thuyền và dân cày, được biểu hiện ở “những cuộc bãi công trong năm 1928-1929, những cuộc tranh đấu rất dữ dội của thợ thuyền vàdân cày trong năm nay (1930) đã chứng tỏ ra rằng sự tranh đấu giai cấp ở Đông Dương ngày càng bành trướng” (2).

 

Những mâu thuẫn dân tộc và giai cấp phát triển đến mức gay gắt và chỉ có thể giải quyết được bằng cách mạng tư sản dân quyền, thực hiện cách mạng ruộng đất, xóa bỏ quan hệ sản xuất phong kiến, đưa lại ruộng đất cho nông dân; chống đế quốc, lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân và chế độ phong kiến, giành quyền độc lập dân tộc. “Tư sản dân quyền cách mạng là thời kỳ dự bị để làm xã hội cách mạng. Tư sản dân quyền cách mạng được thắng lợi, chánh phủ công nông đã dựng lên rồi, thì công nghiệp trong nước được phát triển, các tổ chức vô sản được thêm mạnh, quyền lãnh đạo của vô sản sẽ thêm kiên cố, sức mạnh giai cấp tương đương sẽ nặng về phía vô sản. Lúc đó sự tranh đấu sẽ thêm sâu, thêm rộng, làm cho cách mạng tư sản dân quyền tiến lên con đường cách mạng vô sản… Xứ Đông Dương sẽ nhờ vô sản giai cấp chuyên chánh các nước giúp sức cho mà phát triển, bỏ qua thời kỳ tư bổn mà tranh đấu thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa” (3). Đây là luận điểm cơ bản và quan trọng nhất, xuất phát từ lập trường cách mạng của giai cấp vô sản, quan điểm cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin, phù hợp với điều kiện cụ thể của Đông Dương. Nét sáng tạo nổi bật của luận điểm đó là kết hợp sự nghiệp giải phóng dân tộc với sự nghiệp giải phóng công nông và nhân dân lao động; giải phóng dân tộc và phát triển đất nước phù hợp với quy luật vận động của thời đại mới.

 

Dòng tư duy ấy khởi nguồn từ Nguyễn Ái Quốc với quan điểm công cuộc giải phóng giai cấp vô sản và giải phóng dân tộc chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và của cách mạng thế giới mà Người nêu ra vào những năm 20 thế kỷ XX trong bài Cuộc kháng chiến. Tiếp đó, đầu năm 1930, văn kiện Chánh cương vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc viết đã hoạch định rõ 2 chặng đường của cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền c.m (cách mạng – TG.) và thổ địa c.m (tức cách mạng dân tộc, dân chủ- TG.) để đi tới xã hội cộng sản” (4).

 

Luận cương chính trị còn vạch rõ: “Sự cốt yếu của tư sản dân quyền cách mạng thì một mặt là phải tranh đấu để đánh đổ các di tích phong kiến, đánh đổ các cách bóc lột theo lối tiền tư bổn và để thực hành thổ địa cách mạng cho triệt để, một mặt nữa là tranh đấu để đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập” (5).

 

Hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến được đặt trong mối liên hệ chặt chẽ, tác động qua lại và thúc đẩy lẫn nhau cùng tiến triển: “Hai mặt tranh đấu có liên lạc mật thiết với nhau, vì có đánh đổ đế quốc chủ nghĩa mới phá được cái giai cấp địa chủ và làm cách mạng thổ địa được thắng lợi; mà có phá tan chế độ phong kiến thì mới đánh đổ được đế quốc chủ nghĩa” (6).

 

Từ những nhiệm vụ cách mạng chung đó, Luận cương chính trị mở ra các nhiệm vụ cụ thể cho từng lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là lập chính quyền công nông và coi đó là công cụ mạnh mẽ nhất “đánh đổ đế quốc chủ nghĩa, phong kiến, địa chủ” (7). Thực hiện quyền dân chủcơ bản cho nhân dân lao động bằng cách tịch thu hết ruộng đất của địa chủ ngoại quốc và trong nước, giao cho trung nông và bần nông “làm cho dân cày có đất mà cày” (8), còn quyền sở hữu ruộng đất thì thuộc chính phủ công nông; sung công những sản nghiệp lớn của tư bản ngoại quốc, công nhân lao động 8 giờ một ngày, cải thiện đời sống cho thợ thuyền và quần chúng lao khổ và “làm cho vô sản có pháp luật bảo hộ quyền lợi cho mình” (9), cách mạng thành công mang lại quyền độc lập hoàn toàn cho Đông Dương, thừa nhận quyền dân tộc tự quyết và quyền bình đẳng nam nữ.

 

Đối với các lực lượng và phong trào cách mạng thế giới, Luận cương chính trị nêu rõ nghĩa vụ và trách nhiệm của cách mạng Đông Dương là “Ủng hộ Liên bang Xô viết; liên kết với vô sản giai cấp toàn thế giới và phong trào cách mạng thuộc địa và bán thuộc địa” (10). Trong các mối quan hệ ấy, Luận cương chính trị nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng mặt trận đoàn kết chiến đấu giữa giai cấp vô sản Pháp và nhân dân thuộc địa nhằm nhân lên sức mạnh đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc; đồng thời, cũng rất chú trọng tăng cường mối quan hệ với phong trào cách mạng của nhân dân Trung Quốc, Ấn Độ và Đảng Cộng sản của 2 nước này.

 

Trước nguy cơ chiến tranh ngày càng đến gần, đe dọa sự tồn tại của toàn nhân loại, Đảng biểu thị thái độ phản đối chiến tranh đế quốc, giáo dục quần chúng thấm nhuần sâu rộng khẩu hiệu: “Đổi chiến tranh đế quốc ra chiến tranh cách mạng, đánh đổ đế quốc chủ nghĩa và giai cấp bóc lột” (11).

 

Phương pháp cách mạng là một trong những vấn đề quan trọng được Luận cương chính trị đề cập. Trước hết, Đảng phải xem xét kỹ: “Tình hình trong nước và ngoài thế giới, sức mạnh của địch nhân, sức tranh đấu của quần chúng, thái độ các hạng người đối với cách mạng” (12) để xác định chiến lược cách mạng. Không những vậy, Đảng còn phải căn cứ vào tình hình cụ thể trước mắt mà đưa ra các khẩu hiệu đấu tranh vì những lợi ích thiết thực của quần chúng như tăng lương, bớt giờ làm, giảm thuế, chống thuế, chống giá cả đắt đỏ, nhằm thu hút quần chúng tham gia phong trào đấu tranh. Những khẩu hiệu đó gọi là khẩu hiệu “phần ít” (tối thiểu) và được coi là một bộ phận khăng khít của các khẩu hiệu chiến lược như: “Lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến”, “Đông Dương hoàn toàn độc lập”, “Thành lập chính phủ công nông”…

 

Hoạt động chỉ đạo thực tiễn còn đòi hỏi ở Đảng năng lực nhạy bén, tinh tường trong đánh giá, phân tích chính xác, kịp thời diễn biến tình hình cách mạng để tổ chức, huy động lực lượng quần chúng lên trận tuyến đấu tranh với những hình thức và biện pháp thích hợp, hướng vào các mục tiêu cách mạng từ đấu tranh giành lấy những quyền lợi thiết thực hằng ngày của thợ thuyền và dân cày đến khởi nghĩa giành chính quyền. Khi phong trào cách mạng phát triển rất mạnh, thời cơ khởi nghĩa xuất hiện với các yếu tố: “Giai cấp thống trị đã rung động, các giai cấp đứng giữa đã muốn bỏ về phe cách mạng, quần chúng công nông thì sôi nổi cách mạng, quyết hy sinh phấn đấu” (13), thì Đảng phải kịp thời đưa ra các khẩu hiệu thích hợp với tình thế như “lập Xô viết, lập hội đồng tịch ký ruộng đất, sản nghiệp do công nhân kiểm soát, võ trang cho công nông… Đồng thời Đảng phải tổ chức và khuếch trương hết cả các cách tranh đấu của quần chúng như bãi công, bãi công vừa thị oai, bãi công vừa võ trang thị oai, tổng bãi công bạo động” (14) và lập tức phát động quần chúng đánh đổ chính quyền của địch, thiết lập chính quyền công nông.

 

Song võ trang bạo động là một hoạt động cực kỳ hệ trọng trong quá trình cách mạng; Đảng không thể coi thường, khinh suất. Luận cương chính trị lưu ý: dẫu rằng phong trào đấu tranh của quần chúng đã phát triển mạnh mẽ, quyết liệt nhưng khi tình thế cách mạng trực tiếp chưa xuất hiện, Đảng cũng không thể manh động hoặc võ trang bạo động quá sớm.

 

Giá trị lịch sử to lớn của Luận cương chính trị được kiểm nghiệm trong thực tiễn đấu tranh của Đảng ta và nhân dân ta, đúng như nhận xét của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm lần thứ 30 Ngày thành lập Đảng ta: “Thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn. Trong bản Cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền năm 1930 (tức bản Luận cương chính trị - TG.), Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là ông dân. Vì vậy, Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình. Còn các đảng phái của các giai cấp khác thì hoặc bị phá sản, hoặc bị cô lập. Do đó, quyền lãnh đạo của Đảng ta – Đảng của giai cấp công nhân – không ngừng củng cố và tăng cường” (15).

 

 

Nhiều văn kiện Đảng ban hành nửa cuối năm 1930 đầu năm 1931 đã thể hiện rõ quan điểm của Trung ương Đảng và của Tổng bí thư Trần Phú về công tác xây dựng Đảng. Luận cương chính trị khẳng định: “Điều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cuộc cách mạng ở Đông Dương là cần phải có một đảng Cộng sản có một đường chánh trị đúng, có kỷ luật, tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng, và từng trải tranh đấu mà trưởng thành. Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp lấy chủ nghĩa Các Mác và Lênin làm gốc mà đại biểu quyền lợi chính và lâu dài, chung cho cả giai cấp vô sản ở Đông Dương, và lãnh đạo vô sản giai cấp Đông Dương ra tranh đấu để đạt được mục đích cuối cùng của vô sản là chủ nghĩa cộng sản” (16).

 

Những vấn đề cơ bản về công tác tổ chức, xây dựng Đảng được phản ánh rõ trong Điều lệ Đảng do Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương thông qua. Điều lệ xác định điều kiện và phương pháp kết nạp đảng viên: “Hễ ai thừa nhận Chương trình và Điều lệ của Q.T.C.S (Quốc tế Cộng sản - TG.) và của Đảng và tham gia vào một chi bộ của Đảng mà làm việc và phục tùng hết thảy Án nghị quyết của Q.T.C.S và của Đảng, và nộp đảng phí thì được vào Đảng” (17). Đảng viên vào Đảng “do chi bộ nhận và phải có thượng cấp kế đó y cho” (18). Đảng lấy nguyên tắc dân chủ tập trung làm nguyên tắc tổ chức của Đảng. Điều lệ quy định cụ thể hệ thống tổ chức của Đảng, cơ cấu tổ chức, quyền hạn, trách nhiệm của các cấp bộ đảng và mối quan hệ giữa các cấp bộ. Điều lệ Đảng cũng nêu rõ sự lãnh đạo của Đảng đối với Công hội, Nông hội, Đoàn thanh niên và các đoàn thể khác.

 

Về kỷ luật Đảng, Điều lệ Đảng vừa xác định trách nhiệm của đảng viên và cấp bộ đảng là phải chấp hành một cách rất nghiêm khắc các nghị quyết của Quốc tế Cộng sản, của Đại hội Đảng, của Trung ương Đảng và các cơ quan cấp trên, vừa tôn trọng quyền tự do thảo luận các vấn đề trong Đảng khi chưa có nghị quyết.

 

(Còn nữa)

--------------------------------

1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.2, tr.91, 93.

3, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.2, tr.93-94, 2.

5, 6, 7, 8, 9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.2, tr.94.

  1. ảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.2, tr.95.

11, 12, 13. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.2, tr.102-103, 101, 102.

  1. ảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.2, tr.102.
  2. àn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.9.
  3. ảng Cộng sản Việt Nam toàn tập, t.2, tr.100

17, 18. Đảng Cộng sản Việt Nam toàn tập, t.2, tr.118

 

GS, NGND NGUYỄN ĐỨC BÌNH

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek