Trong những ngày qua, dư luận và giới truyền thông trong nước và quốc tế tiếp tục bày tỏ quan ngại và thông tin đậm nét về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng biển của Việt Nam.
Chiều 9/5, Hội Luật gia Việt Nam tuyên bố kịch liệt phản đối việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng biển Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 220km cũng như dùng tàu Hải cảnh 44044 chủ động đâm thẳng vào tàu Việt Nam. Ngoài các tàu Cảnh sát biển, các tàu Trung Quốc còn chủ động đâm và phun nước vào hàng chục tàu Kiểm ngư và các tàu thực thi pháp luật khác của Việt Nam làm hư hỏng các trang thiết bị trên tàu và làm bị thương cho một số thủy thủ Việt Nam...
Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, hành động của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền, quyền tài phán của thềm lục địa Việt Nam, vi phạm công ước quốc tế, trái tinh thần tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông. "Việc Trung Quốc cho rằng đây là hoạt động khai thác bình thường và so sánh với các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam tại biển Đông là hết sức vô lý", luật gia Lê Minh Tâm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam nói. Đại diện Hội Luật gia Việt Nam cũng yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam, thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết được nêu trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông. Hội Luật gia cũng kêu gọi giới luật gia các nước trên ghế giới có tiếng nói bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, đặc biệt bảo vệ Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Trước đó, chiều 8/5, mạng tin của Nhóm phân tích Nam Á (SAAG) vừa đăng bài viết của học giả Ấn Độ, tiến sĩ Subhash Kapila, trong đó nhận định rằng Trung Quốc lại gây sức ép quân sự và áp dụng chính sách “bên miệng hố chiến tranh” chống Việt Nam, một lần nữa đe dọa đến an ninh và ổn định hàng hải tại biển Đông.
Theo tiến sĩ Kapila, trong những động thái được coi như một chiến lược có tính toán, hành động khiêu khích mới của Trung Quốc tại các vùng tranh chấp ở biển Đông nhằm chống Việt Nam trong những ngày qua, ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới châu Á - Thái Bình Dương, theo đó tái khẳng định các cam kết an ninh của Mỹ đối với Nhật Bản và Philippines, cho thấy Trung Quốc có thể tiến hành thêm hành động khiêu khích và đe dọa quân sự.
Còn theo đài TNHK, Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino sẽ yêu cầu lãnh đạo của 10 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhanh chóng xúc tiến một Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên trên biển Đông (COC) nhân hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra tuần này (10-11/5) tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Charles Jose cho biết nhiều nước thành viên trong ASEAN muốn sớm soạn thảo COC, đồng thời nêu rõ thời hạn chót về việc nhất trí thành lập COC không được đặt ra và Philippines hy vọng Trung Quốc sẽ bắt nhịp với các nước trong việc tiến tới bộ quy tắc này.
Cũng trong ngày 8/5, người phát ngôn của Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu EU đã đưa ra quan điểm về những diễn biến căng thẳng ở biển Đông, sau khi Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào hoạt động trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, cũng như việc các tàu thuyền nước này, trong đó có tàu quân sự, uy hiếp, gây hại cho các tàu thuyền Việt Nam.
Theo đó, cơ quan phụ trách đối ngoại của châu Âu kêu gọi các bên cần tuân thủ Luật Biển UNCLOS, tránh những hành động đơn phương có thể ảnh hưởng đến tình hình an ninh khu vực.
Tuyên bố viết: "Chúng tôi quan ngại về những rắc rối giữa Trung Quốc và Việt Nam liên quan đến hoạt động của giàn khoan Trung Quốc Hải Dương - 981. Cụ thể, EU lo ngại các hành động đơn phương có thể ảnh hưởng đến tình hình an ninh trong khu vực, bằng chứng là các vụ va chạm gần đây giữa các tàu của Việt Nam và Trung Quốc. Chúng tôi thúc giục các bên liên quan tìm kiếm giải pháp hòa bình và hợp tác, phù hợp với luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, và tiếp tục đảm bảo tự do và an toàn hàng hải. Chúng tôi cũng kêu gọi các bên thực hiện các biện pháp nhằm làm giảm căng thẳng và tránh đưa ra các hành động đơn phương có thể gây bất lợi cho hòa bình và ổn định tại khu vực. EU sẽ tiếp tục theo dõi sát các diễn biến này".
L.HỘI (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)