Thứ Tư, 02/10/2024 17:25 CH
Bộ trưởng Tài chính và những giải pháp cho thị trường chứng khoán
Chủ Nhật, 01/04/2007 08:36 SA

0704010-bo-tai-chinh.jpgTrong phiên làm việc chiều 31/3 phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh làm “nóng” hội trường với những vấn đề như việc sắp xếp, quản lý nhà thuộc sở hữu nhà nước, phân bổ ngân sách và quản lý tài chính công, tài sản công, hoạt động của thị trường chứng khoán...

 

>> Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường: "Một mình bộ không thể giải quyết được tình hình ô nhiễm môi trường hiện nay"

 

Đại biểu Nguyễn Mạnh Đức (đoàn Yên Bái) chất vấn Bộ trưởng Vũ Văn Ninh về việc khiếu kiện của người bị thu hồi đất để xây dựng công trình ngày càng có chiều hướng gay gắt hơn. Họ cho rằng việc đền bù chưa thoả đáng vì sau khi đầu tư vào một số công trình thì giá trị chênh lệch của một mét vuông đất nâng lên hàng chục thậm chí hàng trăm lần. Điều này dẫn đến việc chủ đầu tư và các cá nhân liền kề công trình “tự nhiên” được hưởng lợi, trong khi Nhà nước đã bỏ lãng phí một nguồn thu rất lớn ở chênh lệch địa tô này.


Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng thì chỉ Nhà nước mới có quyền quyết định, các mua bán sang tay trong dân đều bất hợp pháp. Về việc chênh lệch địa tô, trong thời gian qua, Quốc hội đã ban hành Luật đất đai, trong đó cho phép việc công khai đấu thầu. Điều này dẫn đến không còn chuyện tiền chênh lệch giá đất rơi vào túi tư nhân, đảm bảo công bằng hơn cho người dân... Việc nhượng, bán quyền sử dụng đất chỉ có cơ quan có thẩm quyền giải quyết.


Chất vấn tại hội trường, đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thanh Hoá) cho rằng cơ chế xin cho vẫn tồn tại khá phổ biến ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Đại biểu Lê Thị Nga đặt câu hỏi: “Theo Bộ trưởng, cơ chế xin cho hiện nay có còn tồn tại trong lĩnh vực quản lý tài chính Ngân sách hay không? Đánh giá của Bộ trưởng về mức độ tham nhũng trong lĩnh vực này như thế nào?”.

 

Trả lời câu hỏi trên của đại biểu Lê Thị Nga, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng cơ chế “xin-cho” là vấn đề nhức nhối và về chủ trương cũng như định hướng là phải hạn chế tình trạng này bằng nhiều giải pháp, trong đó có cả vấn đề về cơ chế chính sách, thúc đẩy cải cách hành chính. Theo đó Bộ Tài chính cũng đang cố gắng giải quyết vấn đề này bằng nhiều biện pháp như việc phân bổ tài chính ngân hàng đã rất triệt để; chính sách tiêu chuẩn cũng ngày càng ban hành cụ thể, rõ ràng hơn; tiêu chí phân bổ ngân sách ngày càng được bổ sung cụ thể và hợp lý cho các cấp; việc điều hành và quản lý.


Đề cập đến vấn đề “nóng lạnh” của thị trường chứng khoán. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, thị trường chứng khoán thời gian vừa qua đã tăng rất nhanh, tổng số vốn lưu chuyển đến nay chiếm tới 38% GDP, tạo một tín hiệu tốt cho sự đầu tư phát triển kinh tế.


Tuy nhiên, thị trường chứng khoán cũng tiềm ẩn đầy nguy cơ rủi ro. Tình hình thị trường hiện nay có thể mất cân đối về cung cầu, đẩy xa giá trị thực của doanh nghiệp; nhà đầu tư cá nhân trong nước đầu tư ngắn hạn có biểu hiện theo phong trào…


Do vậy, nếu quản lý không tốt, giá cổ phiếu giảm nhanh thì các nhà đầu tư - trong đó các nhà đầu tư nhỏ, lẻ - dễ bị tổn thương; ảnh hưởng không tốt đến xã hội. Bên cạnh đó các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ gần 30% số cổ phiếu trên thị trường chưa được kiểm soát chặt chẽ. Nếu họ rút vốn nhanh, chúng ta cũng sẽ bị động. Bên cạnh đó, chừng nào chưa kiểm soát được thị trường chứng khoán tự do bên ngoài sẽ gây ra những giá trị ảo...


Để thị trường chứng khoán phát triển bền vững, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đưa ra những giải pháp như bên cạnh việc tạo điều kiện để thu hút đầu tư cần có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước; Xây dựng khung pháp lý vững chắc, đồng bộ của Luật chứng khoán; Cân bằng cung cầu cho thị trường bằng việc đẩy nhanh cổ phần hoá doanh nghiệp…


Cụ thể trong năm 2007 sẽ đẩy nhanh việc cổ phần hóa các công ty. Hiện đang tiến hành cổ phần hóa 71 các tổng công ty và công ty lớn, kể cả các ngân hàng thương mại. Về việc giám sát nguồn vốn nước ngoài, Bộ Tài chính đã bàn với ngân hàng về vấn đề này. Ví dụ, những tổ chức nước ngoài đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam phải mở tài khoản ở ngân hàng, có nêu rõ việc đầu tư và chứng khoán là bao nhiêu, đồng vốn bỏ ra, nguồn lợi thu vào... Việc thu hẹp thị trường tự do sẽ được chú trọng; về việc quản lý phát hành riêng lẻ, hiện nay cũng chưa có cơ quan nào quản lý. Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của Bộ là các công ty có bán lẻ phải báo cáo lại cụ thể để chúng ta có thể kiểm soát.

 

Theo VOV

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek