Thứ Tư, 09/10/2024 23:20 CH
Trận Sài Gòn bắt đầu chiến dịch được mang tên Bác (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Tư, 16/10/2013 09:06 SA

b) Phía tây, với lực lượng hiện có, nên giao bộ đội địa phương bao vây Mộc Hóa, còn chủ lực Miền và khu chỉ tập trung đánh xuống đường số 4 nhanh hơn, thực hiện nhanh chia cắt và bao vây chiến lược. Nghiên cứu kế hoạch tăng lực lượng tiếp.

 

Giap131016.jpg

Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở rừng Trường Sơn - Ảnh: TƯ LIỆU

c) Hiện nay, tình hình có thể chuyển biến mau lẹ. F9 cần nằm trong tay Trung ương Cục, sẵn sàng hành động khi có thời cơ, chưa nên điều đi hướng khác trong khi lực lượng mới chưa vào.

 

5. Trong lúc đó, tiếp tục nghiên cứu kế hoạch hành động tiếp với lực lượng và binh khí kỹ thuật được tăng thêm”.

 

Biết các anh ở Miền đang rất cần lực lượng cho chiến trường trọng điểm, tôi thông báo cho anh Trà biết Quân ủy Trung ương đã điện cho anh Văn Tiến Dũng tranh thủ thời gian đưa lực lượng từ Tây Nguyên xuống càng nhanh càng tốt; Quân đoàn I và các đơn vị kỹ thuật cũng đang khẩn trương tiến vào tăng cường cho B2.

 

Các nguồn tin cho biết:

 

Trong khi quân ta thần tốc từ các hướng tiến về Sài Gòn, thì Bộ Tổng tham mưu ngụy tính toán: đối phương chỉ có khả năng tăng cường cho miền Đông Nam Bộ nhiều nhất là một quân đoàn, và muốn đưa lực lượng ấy vào tới chiến trường, phải mất ít nhất là 2 tháng! Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Sơlétxinhgiơ thì coi việc mất Đà Nẵng là “một trận chiến chính, nhưng tương đối nhỏ”. Còn Tổng thống Mỹ Giêrôn Pho sau này đã viết hồi ký về thời đó: “Mọi người đều biết rằng những vấn đề ở Nam Việt Nam rất nghiêm trọng, nhưng dường như không ai biết được nguy kịch đến mức nào!”.

 

Kiểm lại lực lượng, Thiệu chủ trương giữ toàn bộ Quân khu III và Quân khu IV, lập tuyến phòng thủ từ Phan Rang trở vào, giữ chặt Tây Ninh, lấy Tây Ninh làm hướng phòng thủ chính ngăn chặn quân ta thọc vào Sài Gòn, giữ trục đường 13, giữ thị trấn Xuân Lộc, ngăn không để “Việt cộng” áp sát đường 15, Nhơn Trạch để pháo kích vào Sài Gòn.

 

Ngày 2/4, Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng quân ngụy hò hét: “Cố thủ từ Phan Rang trở lại”. Viên tướng phụ trách hậu cần Đồng Văn Khuyên hùng hổ tuyên bố: “Bằng bất cứ giá nào, phải cố thủ từ Ninh Thuận trở vào, nếu cần sẽ đem hết sức lực đánh xả láng tại đó!”.

 

Thiệu cử Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn III ra trấn giữ Phan Rang, đồng thời ra lệnh gấp rút khôi phục một số tàn quân từ phía bắc chạy vào, củng cố tuyến phòng ngự chung quanh Sài Gòn. Trong khi đó, Thiệu bí mật chở vàng bạc, đá quý sang Đài Loan và Canada. Toàn lại chỉ thị cho Nguyễn Vĩnh Nghi thành lập sở chỉ huy tiền phương ở Phan Rang, còn mình lui về phía sau, nói là “để tăng cường cho Xuân Lộc!”.

 

Tổng thống Mỹ cử Tham mưu trưởng lục quân Hoa Kỳ đến Sài Gòn để nắm tình hình, không quên mang theo một liều thuốc an thần cuối cùng gồm một số súng cỡ lớn được bốc dỡ ở sân bay Tân Sơn Nhất trước ống kính camera giữa thanh thiên bạch nhật và chiếu ngay lên màn ảnh truyền hình.

 

Thế nhưng lần này, trò lừa mị vụng về xem ra không còn tác dụng, vì con bệnh đang hấp hối đã quen thuốc mất rồi! Thật ra, quân ngụy lúc này cần đạn hơn cần súng. Và các khẩu pháo đâu có thể chạy được việc ném bom bằng B52 như Thiệu đã van xin! Phrêđêrích Uâyen, viên tướng 4 sao đã phải cuốn cờ rút khỏi miền Nam Việt Nam tháng 3/1973, không thể làm gì hơn trước sự thất vọng của Thiệu. Ông ta chỉ có nhiệm vụ “xem xét những khả năng mà Mỹ có thể làm để ủng hộ Nam Việt Nam”, và sẽ trở về Mỹ tường trình với Tổng thống Pho lúc này đang còn đi nghỉ mát!

 

Trở lại với chiến trường Nam Bộ và Cực Nam Trung Bộ.

 

Từ khi mở màn chiến dịch Tây Nguyên, nhất là sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, tình hình phát triển rất nhanh.

 

Báo cáo của Quân ủy Miền và Bộ Tư lệnh B2 cho biết:

 

Thực hiện kế hoạch đợt hai mùa khô 1974-1975 của Bộ Tư lệnh Miền đã được Trung ương Cục thông qua, từ đêm 9 rạng ngày 10/3/1975, phối hợp với các chiến trường toàn miền Nam, quân và dân ta từ núi rừng Khu VI đến đồng bằng sông Cửu Long tiến công và nổi dậy, đồng loạt xông lên diệt địch, giành thắng lợi giòn giã.

 

Ở đồng bằng sông Cửu Long, quân và dân Quân khu IX tiêu diệt phân chi khu Hựu Thành, vây lấn yếu khu Thầy Phó, diệt gọn 2 tiểu đoàn địch đến tăng viện, giải phóng chi khu Thuận Thới, đồn Cầu Sắt. Trước sự tiến công của ta, quân địch ở yếu khu Thầy Phó tháo chạy. Ta tiếp tục tiến công lên hướng Tam Bình, diệt phân chi khu Ba Kè, làm chủ đoạn sông Mang Thít, tiếp đó phát triển tiến công diệt 50 đồn địch, làm chủ đường 16, uy hiếp đường 4, áp sát Vĩnh Long. Được quân chủ lực hỗ trợ, bộ đội và du kích Vĩnh Trà tiến công giải phóng Càng Long, Châu Thành, Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải, Cầu Kè. Tỉnh ủy và Tỉnh đội Trà Vinh lập thêm được 3 tiểu đoàn tập trung, tổ chức lực lượng chính trị, binh vận, đưa vũ khí và cán bộ vào thị xã phát động quần chúng chuẩn bị nổi dậy giành chính quyền. Ngày 13/3, quân ta đánh chiếm chi khu Bình Minh, diệt phân chi khu Mỹ Thuận, giải phóng vùng Bắc sông Hậu, đặt pháo 105mm ở bắc Cái Vồn bắn vào sở chỉ huy Quân đoàn 4 ngụy và sân bay Trà Nóc. Sư đoàn 4 diệt đồn Ông Tháp, đánh chiếm căn cứ Bà Đầm, vây ép Ô Nai, Ô Môn, chuẩn bị tiến công Cần Thơ. Ở Quân khu VIII, quân ta diệt 2 tiểu đoàn địch ở căn cứ Ngã Sáu, phá vỡ hệ thống đồn bốt địch ở khu vực kênh Mới và kênh Nguyễn Văn Tiếp B, mở vùng giải phóng rộng lớn từ huyện Cái Bè (Mỹ Tho) đến Mỹ An, Kiên Vân (Sa Đéc), diệt địch ở bắc Cai Lậy, cắt đường 12, vây ép Mỹ Tho. Trên hướng Kiến Tường - Long An, quân ta tiến công đánh thông hành lang Tây Ninh xuống Đồng Tháp Mười, làm chủ một vùng rộng lớn ở bờ tây sông Vàm Cỏ Đông, cắt đứt đường 4, tạo bàn đạp tiến công Sài Gòn từ hướng tây. Đoàn 232 được anh Lê Đức Anh, Phó tư lệnh Miền trực tiếp chỉ huy, chuẩn bị tiến công Sài Gòn từ hướng tây và hướng nam.

 

Ở miền Đông Nam Bộ, các đội biệt động, đội công tác bí mật và bộ đội đặc công áp sát các vị trí xung yếu quanh thành phố Sài Gòn, diệt địch ở Phú Hòa Đông, bốt đường 8, Tân Thạch Tây, Tổng Thôn, Thới Mỹ, sở chỉ huy tiểu đoàn địch ở Tân Túc, bức hàng, bức rút hàng loạt đồn bốt dọc hành lang vào nội đô, tiêu hủy kho chứa chất độc hóa học ở Thủ Đức, kho xăng Vũng Bèo. Sư đoàn 9 tăng cường tiến công chi khu quân sự Tri Tâm, giải phóng quận Dầu Tiếng, Bến Củi, diệt cứ điểm Suối Ông Hùng, đánh chiếm Cầu Khởi, diệt và làm bị thương trên 3.000 tên địch, phá hủy và thu 61 xe quân sự, 6 khẩu pháo, 1.000 khẩu súng các loại…, giải phóng Dầu Tiếng, thị xã An Lộc và toàn tỉnh Bình Long, tạo địa bàn đứng chân cho quân ta tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch từ hướng tây bắc. Miền Đông Nam Bộ đã mở được một vùng giải phóng kéo dài từ bắc Tây Ninh qua Lộc Ninh, Dầu Tiếng, Chơn Thành, từ Mỏ Vẹt đến La Ngà qua Hoài Đức, Tánh Linh, từ đường số 11 đến nam đường số 2, Bà Rịa.

 

Như vậy là trong vòng 1 tháng, quân và dân Nam Bộ và Cực Nam Trung Bộ tích cực phối hợp với chiến trường Tây Nguyên và chiến trường Trị - Thiên - Huế, Quảng Đà, đã tiêu diệt và làm tan rã nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng rộng lớn ở đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Quân khu VI, hình thành bao vây, tạo thế cho các cánh quân trên các hướng tiến công Sài Gòn - Gia Định.

 

Các hoạt động chống phá “bình định” của đồng bào và chiến sĩ phát triển nhanh chóng. Phong trào đấu tranh chính trị, binh vận lên mạnh. Khắp miền sông Tiền, sông Hậu, liên tiếp nổ ra hàng nghìn cuộc đấu tranh trực diện với địch. Đồng bào nổi dậy tố cáo tội ác của địch, trừng trị bọn ác ôn có nhiều nợ máu… Nhân dân đắp cản, ngăn sông, chặn tàu chiến địch, cắt đứt những con đường thủy huyết mạch như kênh Mang Thít ở Vĩnh Long, kênh Xáng Xẻo Rô ở Rạch Giá. Thanh niên hăng hái tòng quân, lực lượng vũ trang ở đồng bằng phát triển rất nhanh. Đông đảo quần chúng phục vụ bộ đội, tham gia các tổ chức cách mạng ở địa phương.

 

Trên cơ sở tình hình chung do Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông báo, căn cứ vào các bức điện chỉ đạo của đồng chí Bí thư thứ nhất, của Quân ủy Trung ương và tình hình thực tế của chiến trường trọng điểm, ngày 29/3/1975, Trung ương Cục miền Nam ra Nghị quyết 15-TWC nêu rõ: “… Cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam không những đã bước vào thời kỳ phát triển nhảy vọt mà thời cơ chuẩn bị để tiến hành cuộc Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch cũng đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu, nhằm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà”. Nghị quyết nêu rõ cần tăng cường lãnh đạo đòn nổi dậy của quần chúng làm hậu thuẫn cho đòn tiến công quân sự và nhấn mạnh: “Phải tập trung từng giờ, từng ngày, từng tháng, từ đầu tháng 4/1975 này”. Đây là một nghị quyết phù hợp với tinh thần các nghị quyết của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, chứng tỏ sự sáng suốt, nhạy bén của các đồng chí lãnh đạo B2, được các địa phương chấp hành tích cực và có hiệu quả.

 

Thực hiện Nghị quyết của Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền vạch kế hoạch tiến công Sài Gòn với lực lượng bản thân hiện có. Kế hoạch dự kiến tiến công vào nội đô trên 5 hướng: hướng đông do Quân đoàn IV đảm nhiệm: hướng tây bắc do Sư đoàn 9 và các trung đoàn 16, 271B; hướng tây do Đoàn 232 gồm Sư đoàn 5, Sư đoàn 3/B2 và các lữ đoàn binh chủng; hướng nam do Trung đoàn 88 và 24 của Quân khu VIII phụ trách; hướng bắc được giao cho Trung đoàn Gia Định, sẽ được tăng cường thêm lực lượng đặc công, biệt động và lực lượng của Trung ương điều vào, nếu có. Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền chủ trương tiến công diệt địch ở Xuân Lộc, áp sát Biên Hòa, Đoàn 232 chuẩn bị chiếm Mộc Hóa, đưa lực lượng xuống cắt đường số 4 kết hợp với chủ lực Quân khu VIII diệt Sư đoàn 7 và Sư đoàn 9 ngụy. Thực hiện thắng lợi bước này, sẽ gây biến động lớn về quân sự, chính trị trong ngụy quân, ngụy quyền. Nắm lấy thời cơ ấy, sẽ phát động nhân dân nổi dậy, kết hợp công kích quân sự với khởi nghĩa của quần chúng, trong đánh ra ngoài đánh vào, nhằm 5 mục tiêu chủ yếu là sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Biệt khu Thủ đô, Tổng Nha cảnh sát và Dinh Độc Lập. Kế hoạch được Trung ương Cục nhất trí và báo cáo ra Trung ương.

 

(Còn nữa)

 

Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek