Thứ Bảy, 30/11/2024 00:30 SA
Trận Sài Gòn bắt đầu chiến dịch được mang tên Bác (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Sáu, 18/10/2013 08:23 SA

Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch khẩn trương bắt tay vào việc. Đầu tiên, các anh nhất trí điện ra Trung ương đề nghị đặt tên của Bác Hồ kính yêu cho chiến dịch quyết định sắp diễn ra.

 

Ngày 14/4/1975, thể theo đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch và nguyện vọng của đồng bào, chiến sĩ cả nước, trong bức điện số 37TK, đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị đã đáp ứng kịp thời ý nguyện thiết tha và thiêng liêng ấy: “Đồng ý Chiến dịch Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

 

Trận quyết chiến chiến lược cuối cùng kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm được vinh dự mang tên vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

 

Theo kế hoạch đã định, ngày 9/4, những trận đánh cắt đường số 4 ở phía tây Sài Gòn và trận tiến công Xuân Lộc bắt đầu.

 

Sư đoàn 5 tiến công địch ở thị trấn Thủ Thừa và thị xã Tân An không thành công. Tuy vậy, Sư đoàn đã đánh thiệt hại nặng một trung đoàn bộ binh của Sư đoàn 7 ngụy và một trung đoàn thiết giáp, diệt 80 đồn bốt lớn nhỏ, giải phóng một vùng rộng, uy hiếp đường số 4. Lực lượng vũ trang Quân khu VIII tiến công làm chủ từng thời gian đường Tân Hiệp - Cái Bè (Mỹ Tho). Các lực lượng vũ trang Quân khu IX tiến công địch ở Cái Vồn, Ba Càng (Vĩnh Long).

 

Trên hướng đông, Quân Đoàn IV dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của các anh Hoàng Cầm, Tư lệnh và Hoàng Thế Thiện, Chính ủy, mở cuộc tiến công vào Xuân Lộc, “cánh cửa thép” trên tuyến phòng ngự Sài Gòn và vùng 3 chiến thuật. Nơi đây, địch bố trí một lực lượng khá mạnh gồm Sư đoàn 18 và một số tiểu đoàn bảo an, cảnh sát phòng ngự trong công sự kiên cố. Tham mưu trưởng lục quân Mỹ, tướng Phrêđêrích Uâyen cho rằng: “Mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”. Lê Minh Đảo, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 18 hò hét “tử thủ” bằng mọi giá.

 

Trận đánh diễn ra quyết liệt và phức tạp.

 

Theo báo cáo, trong đêm 9 rạng ngày 10/4, bằng nhiều mũi tiến công, quân ta chọc thủng tuyến phòng ngự thị xã, chiếm được nhiều mục tiêu, cắm cờ cách mạng lên dinh tỉnh trưởng ngụy. Tuy bị thiệt hại nặng, địch vẫn cố thủ. Ngày 10/4, chúng dùng trực thăng đổ bộ một lữ đoàn dù xuống ven thị xã, tiếp đó, tăng viện thêm 2 lữ đoàn thủy quân lục chiến, 1 liên đoàn biệt động quân, 1 trung đoàn bộ binh của Sư đoàn 5, 8 tiểu đoàn pháo binh và 2 chiến đoàn xe tăng, thiết giáp. Dựa vào quân tăng viện và sự chi viện của không quân, địch điên cuồng phản kích, gây cho ta nhiều tổn thất. Nhiều vị trí ta đã chiếm được phải lần lượt rút bỏ, hoặc thay đổi chủ nhiều lần. Chúng đã dùng đến các loại bom có sức sát thương và hủy diệt lớn.

 

Trận đánh chưa dứt điểm.

 

Tình hình hết sức khẩn trương.

 

Sau ngày Đà Nẵng giải phóng, theo lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, anh Lê Trọng Tấn, Tư lệnh mặt trận Quảng Đà, bay ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới.

 

Trong buổi giao ban sáng 2/4, Bộ Tổng tham mưu báo cáo: Địch hoang mang cực độ. Chiến sự ở ven biển Nam Trung Bộ diễn biến rất nhanh, rất có lợi cho ta.

 

Anh Tấn nêu ý kiến cần hình thành cánh quân ven biển, gồm các lực lượng vừa giải phóng Đà Nẵng, nhanh chóng tiến quân đánh địch trong hành tiến, tiêu diệt địch và làm chủ các địa bàn chiến lược từ Nha Trang trở vào, không cho địch co cụm về Sài Gòn. Đây cũng là ý kiến đề nghị của Thường vụ và Bộ Tư lệnh Quân khu V và của Quân đoàn II vừa lập chiến công ở Đà Nẵng.

 

Tôi tán thành đề nghị này và cử ngay anh Tấn sang trình bày với anh Ba. Sau khi trao đổi thêm với tôi, anh Ba hoàn toàn đồng ý.

 

Ngay lập tức, Thường trực Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh lập cánh quân phía đông, gồm Quân đoàn II (thiếu Sư đoàn 324 ở lại Huế), Sư đoàn 3 (Quân khu V) và các đơn vị pháo binh, cao xạ, xe tăng, công binh. Nhiệm vụ là vừa đánh địch, vừa mở đường với tốc độ thật nhanh, khẩn trương đến kịp thời gian cùng các đơn vị bạn tham gia giải phóng Sài Gòn. Anh Lê Trọng Tấn được cử làm Tư lệnh. Ban cán sự Đảng lâm thời do anh Lê Quang Hào làm Bí thư. Khi vào đến miền Đông Nam Bộ, cánh quân này sẽ thuộc quyền lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh mặt trận Sài Gòn, đồng thời thường xuyên báo cáo với Bộ Tổng tư lệnh.

 

Trước khi anh Tấn lên đường, thay mặt Thường trực Quân ủy Trung ương, tôi giao nhiệm vụ cho cánh quân phía đông nhanh chóng tiến theo đường số 1 chọc thủng phòng tuyến địch ở Phan Rang, tiếp đó cùng với các lực lượng B2 đánh chiếm Bà Rịa, Ô Cấp, khống chế sông Lòng Tàu, đặt pháo tầm xa ở Nhơn Trạch hoặc Thành Tuy Hạ chế áp các mục tiêu quan trọng ở Sài Gòn, có phương án vượt sông thọc sâu vào trung tâm thành phố. Vì đường dài, cần tổ chức hành quân tốt, cho đơn vị nhẹ đi trước, bảo đảm đi thật nhanh, dọc đường chú ý phòng tránh pháo trên tàu chiến của địch. Bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, lãnh đạo bộ đội giữ gìn kỷ luật dân vận, đối xử nhân đạo với tù, hàng binh. Vào đến nơi bắt liên lạc ngay với anh Dũng.

 

Cuộc tiến quân lịch sử của Quang Trung - Nguyễn Huệ lại hiện về trong ký ức. Ngày 4/4, tôi gọi điện cho cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn II đang hành quân: “...Các đồng chí lên đường làm nhiệm vụ rất vẻ vang. Cần hành động thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.

 

Ngày 6/4, điện của Quân ủy Trung ương gửi Bộ Tư lệnh Đoàn 559 nêu rõ: “...Cần chú trọng coi công tác bảo đảm chi viện và bảo đảm cơ động lực lượng ta vào B2 là công tác trung tâm số 1. Vì vậy, cần có kế hoạch tổ chức thật tốt công tác này, nhất là bảo đảm việc hành quân của các đơn vị, binh khí kỹ thuật và các nhu cầu đạn dược theo đúng thời gian đã định”. Tôi chỉ thị cho anh Đồng Sĩ Nguyên bố trí sở chỉ huy ở Quy Nhơn và anh Hoàng Minh Thảo ở Nha Trang, tổ chức bảo đảm, đôn đốc các đơn vị hành quân theo đường số 1, tuyệt đối không để ảnh hưởng đến việc bảo đảm hậu cần cho các đơn vị đang tiến quân.

 

Bức điện của Quân ủy Trung ương gửi anh Đồng Sĩ Nguyên và Thường vụ Đảng ủy 559, đánh đi hồi 22 giờ ngày hôm ấy lại nhấn mạnh: “...Yêu cầu của mặt trận hết sức gấp, từng ngày, từng giờ. Thời gian lúc này là lực lượng, là sức mạnh. Các đồng chí dùng mọi biện pháp tổ chức và đôn đốc các đơn vị hành quân hết sức nhanh, chi viện hết sức gấp, hoàn thành xuất sắc chiến dịch chi viện thần tốc này”.

 

(Còn nữa)

 

Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek