Thứ Tư, 09/10/2024 21:18 CH
Trận Sài Gòn bắt đầu chiến dịch được mang (Tiếp theo và hết)
Thứ Hai, 21/10/2013 09:36 SA

Tất cả cho tiền tuyến.

 

Cả nước vào trận cuối cùng với niềm tin tất thắng.

 

dt-131021.jpg

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn kiểm tra kế hoạch chuẩn bị tác chiến tại một cánh rừng Trường Sơn - Ảnh: Tư liệu

Hậu phương lớn tổng động viên nhân, tài, vật lực chi viện cho tiền tuyến lớn. Hầu như toàn bộ lực lượng vận tải trên miền Bắc đều được huy động trong một chiến dịch chi viện lớn nhất từ trước đến nay. Anh Phan Trọng Tuệ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó chủ tịch Hội đồng chi viện miền Nam ngày đêm lo lắng cùng các ngành, các địa phương điều động hàng chục ngàn xe vận tải, hàng trăm toa xe lửa, hơn 30 tàu biển, hàng trăm lần chiếc máy bay vận tải đưa cán bộ, chiến sĩ, nhân viên kỹ thuật cùng hàng vạn tấn vũ khí, phương tiện vào chiến trường.

 

Từ Hà Nội, Nam Định, từng đoàn xe lửa chở đầy bộ đội và vũ khí, đạn dược, hối hả chạy thẳng vào Vinh. Từ đây, bằng các phương tiện ô tô, tàu thủy, người và súng đạn được chuyển tiếp vào miền Đông Nam Bộ.

 

Các cảng sông, cảng biển ở miền Bắc khẩn trương, nhộn nhịp. Tàu thuyền của hải quân, của ngành giao thông vận tải liên tục chở xe tăng, pháo lớn và bộ đội vào Đà Nẵng, từ đó cơ động bằng đường bộ theo đường số 1 vào địa điểm tập kết của hậu cần Miền ở khu vực Dầu Giây.

 

Các loại máy bay vận tải, máy bay lên thẳng cũng được huy động để chở quân, chở đạn vào chiến trường trọng điểm.

 

Tại Tổng hành dinh, anh Hoàng Văn Thái, Phó tổng Tham mưu trưởng thứ nhất, theo dõi lực lượng ở chiến trường, nắm chắc đến từng kho đạn, kho xăng dầu, kho lương thực, chỉ đạo chặt chẽ và ráo riết việc tổ chức hành quân và bảo đảm hậu cần.

 

Trên các trục đường vào Nam, các anh Đồng Sĩ Nguyên, Hoàng Minh Thảo đêm ngày lo đủ đạn dược, nhiên liệu, lương thực, thuốc men cho bộ đội hành quân, Anh Phùng Thế Tài, Phó tổng Tham mưu trưởng, luôn có mặt trên các đỉnh đèo Tây Nguyên, đôn đốc bộ đội đi nhanh, đến đủ.

 

Từ tháng 1 đến tháng 4/1975, đoàn vận tải Trường Sơn vận chuyển vào Nam Bộ 11 vạn 5 nghìn quân và 9 vạn tấn hàng (trong đó có 37.000 tấn vũ khí, 9.000 tấn xăng dầu).

 

dt-1-131021.jpg

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghỉ trưa trong một lần về thăm lại di tích Địa đạo Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) - Ảnh: Tư liệu

Riêng trong những ngày “chuẩn bị nước rút” từ ngày 5 đến ngày 26/4, vừa khai thác vừa vận chuyển, ta đã đưa vào chiến trường 10.100 tấn đạn, 2.300 tấn lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, 2.600 tấn xăng dầu... Nhiều trạm sửa chữa ô tô, sửa chữa pháo và tăng được bố trí dọc đường, phục vụ cơ động của chiến dịch.

 

Ở Khu V, Khu ủy và Bộ Tư lệnh quân khu dưới sự lãnh đạo của anh Võ Chí Công và anh Chu Huy Mân, mặc dù đang phải tiếp quản các tỉnh, thành phố, ổn định đời sống cho hàng triệu nhân dân vùng mới giải phóng, vẫn đặt lên hàng đầu nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho phía trước. Một đoàn xe vận tải hơn một trăm chiếc do anh Võ Thứ, Phó tư lệnh quân khu trực tiếp chỉ huy, mang đạn pháo 130mm hành quân không nghỉ vào tới B2.

 

Bảo đảm hậu cần để thực hiện phương châm “thần tốc” trong điều kiện của ta lúc này không phải là chuyện dễ. Đường sá sụt lở, cầu cống bị phá hỏng, địch ở dọc đường, địch ngoài biển ra sức ngăn chặn, thời tiết khắc nghiệt, mưa gió đầu mùa... Phải vượt qua tất cả, bằng sức mạnh của chiến tranh toàn dân, của lòng dũng cảm và trí thông minh, sáng tạo. Nhân dân vùng mới giải phóng ủng hộ hết mình. Chỉ cần một mảnh giấy có chữ ký và con dấu đỏ của Ủy ban quân quản là có thể huy động được hàng chục, hàng trăm xe tải và cả lái xe chuyển bộ đội, vũ khí, đạn dược ra phía trước.

 

Trên đường hành quân, có đơn vị do không nắm được tình hình, đã báo cáo về Bộ Tổng tư lệnh là bộ đội thiếu gạo. Lo lắng tốc độ hành quân có thể bị ảnh hưởng, Thường trực Quân ủy Trung ương dành gần 1 ngày bàn cách giải quyết. Sau khi kiểm tra lại, anh Hoàng Văn Thái báo cáo gạo không thiếu, các kho đã bố trí ở dọc đường và điện ngay cho các đơn vị hành quân, nói rõ ở Cam Ranh đã có từ 2 đến 3 nghìn tấn tạo, xăng dầu cũng đã có ở Quy Nhơn. Nha Trang và Cam Ranh.

 

Trong giai đoạn cuối cùng của chiến tranh, nổi lên tác dụng to lớn của hậu cần tại chỗ. Ở miền Nam, được sự hỗ trợ tích cực của anh Đinh Đức Thiện, hậu cần Miền do anh Bùi Phùng chỉ huy đã huy động mọi lực lượng vận chuyển vũ khí vào các kho, trạm của chiến dịch, tập trung sửa chữa xe máy, mở đường, bắc cầu. Trục đường 14 từ Đồng Xoài đi Cây Gáo, Bến Bầu được gấp rút thi công. Các đoàn quân hậu cần ở các hướng củng cố và mở rộng tuyến đường chiến dịch với tổng chiều dài hơn 3.000km. Đặc biệt, trong những ngày hạ tuần tháng 4, hậu cần Miền đã đưa 10.000 cán bộ, chiến sĩ từ tuyến sau lên thành lập 8 tiểu đoàn cơ động, huy động gần 4.000 xe vận tải, hơn 600 thuyền máy, canô, hàng nghìn xe đạp thồ và hơn 60 nghìn dân công hỏa tuyến, lập 15 bệnh viện dã chiến, 17 đội điều trị với tổng số 10 nghìn giường, phục vụ bộ đội tiến công Sài Gòn - Gia Định.

 

Lúc này, việc vận chuyển đạn dược và xăng dầu đến ngay các cửa ngõ Sài Gòn còn là một vấn đề lớn. Ngày 20/4, Quân ủy Trung ương điện khẩn cho Bộ Tư lệnh 559:

 

“...Ưu tiên vận chuyển đạn dược: đạn 130mm, 100mm, Đ74, ĐKZ75 và ĐKZ82, đạn cối 120mm; pháo 85mm, lựu 122mm. Ưu tiên về xăng dầu thì trước hết là madút và dầu mỡ phụ. Chậm nhất 29/4 có ở Đồng Xoài”.

 

Trận quyết chiến chiến lược cuối cùng được bảo đảm hậu cần, kỹ thuật mạnh mẽ và hết sức khẩn trương.

 

Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek