Trên 2 trục chính là đường số 1 và đường Trường Sơn, với sự tổ chức, hỗ trợ khẩn trương, tích cực của Đoàn 559, sự hỗ trợ tích cực của Quân khu V, bằng đôi chân vạn dặm và mọi phương tiện có thể có được, các đơn vị khắc phục khó khăn đánh địch mà đi, mở đường mà tiến. Đường sụt lở thì nhân dân quanh vùng ra góp công sửa chữa. Cầu bị địch phá thì ngoài cầu, phà tự hành của công binh, còn có thuyền bè lớn nhỏ của dân. Xe hỏng thì tìm mọi cách sửa chữa, cứu kéo.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm việc tại Bộ Tư lệnh Phòng không không quân.
Ngày 7/4, tôi ra lệnh cho các đơn vị đang đổ vào chiến trường: “mệnh lệnh: 1. Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng.
2. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”.
Tốc độ hành quân nâng lên không ngừng. Tuy vậy, vẫn còn thấy chậm! Công tác bảo đảm hậu cần hầu như không gặp khó khăn. Đoàn 559 có kế hoạch chu đáo, lại có thêm gạo, đạn, xăng dầu chiếm được của địch. Quân no, xe pháo đủ nhiên liệu, đạn dược, bộ đội được nhân dân ven đường động viên, giúp đỡ, tốc độ hành quân lại càng tăng.
Ngày 10/4, điện của cánh quân phía đông báo cáo: Các anh Lê Trọng Tấn và Lê Quang Hòa đã đến Nha Trang, đang chuẩn bị đánh Phan Rang.
Phan Rang, nơi cắt rốn chôn rau của Nguyễn Văn Thiệu, là thị xã của tỉnh Ninh Thuận, cách Sài Gòn 351km về phía bắc. Ở đây có 2 hải cảng là Tân Thành và Ninh Chữ, có sân bay Thành Sơn với lực lượng một sư đoàn không quân. Đường số 1 và đường sắt chạy qua thị xã, nối liền Sài Gòn với các tỉnh miền Trung vừa được giải phóng. Theo sự đạo diễn của Uâyen, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, địch điều lực lượng dự bị chiến lược ra lập ở đây tuyến phòng thủ từ xa: Phan Rang - Xuân Lộc - Tây Ninh. Với hơn một vạn quân tổ chức phòng ngự trên địa hình có lợi, được sự chi viện của cả hải quân và không quân, chúng hy vọng ngăn chặn, cầm chân các binh đoàn chủ lực của ta ở đây cho đến mùa mưa; lúc đó, thời tiết sẽ khó khăn, ta không thể tổ chức đánh lớn ở Sài Gòn và Nam Bộ ít nhất là trong 6 tháng nữa.
Ngày 11/4, có tin địch tăng cường lực lượng cho Phan Rang. Bộ Tổng tham mưu điện cho anh Tấn hết sức chú ý đến tốc độ tiến quân, nếu thấy đánh Phan Rang không thuận lợi, lại mất thời gian, thì chỉ để một lực lượng bao vây thị xã, còn đại bộ phận tìm cách vòng qua, khắc phục khó khăn về hậu cần và đường sá, tiến nhanh vào miền Đông Nam Bộ.
Ngày 13/4, anh Tấn điện ra báo cáo về hướng phát triển và kế hoạch tác chiến của cánh quân phía đông, về tình hình hậu cần của bộ đội đang tiến quân. Dự kiến giải quyết xong Phan Rang thì phát triển đánh chiếm Bà Rịa, Vũng Tàu, cắt đường Biên Hòa - Vũng Tàu, khống chế sông Lòng Tàu, nhanh chóng đưa pháo 130mm vào Nhơn Trạch bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Nếu địch co cụm về phòng thủ Biên Hòa thì tùy tình hình cụ thể, có thể tiến vòng về đông và đông nam Sài Gòn, vượt sông đột phá vào trọng điểm.
Sáng 14/4, quân ta nổ súng đánh Phan Rang. Trận tiến công diễn ra quyết liệt. Với ý thức sâu sắc về giá trị của thời gian, bộ đội ta nêu cao tinh thần quyết thắng, dũng mãnh xung phong đánh chiếm các mục tiêu trong thị xã. Quân địch được phi pháo yểm hộ, dựa vào hệ thống công sự và địa hình có lợi, ngoan cố chống cự.
Hai ngày đầu, ta chỉ mới chiếm được một số mục tiêu ở ngoại vi Phan Rang. Sáng 16/4, Tư lệnh Quân đoàn II Nguyễn Hữu An đưa Sư đoàn 325 bước vào chiến đấu. Phương án tác chiến là tổ chức một đội hình thọc sâu mạnh, dùng xe bánh hơi kết hợp với xe tăng vận chuyển lực lượng, đánh thẳng theo đường số 1 vào chiếm thị xã Phan Rang rồi tỏa ra tiến sang phía đông chiếm cảng Tân Thành và cảng Ninh Chữ, vít chặt đường biển; đồng thời theo đường số 11 đánh ngược lên phía tây bắc vu hồi vào sườn phía tây của địch, chiếm sân bay Thành Sơn, khóa nốt đường bộ, phối hợp cùng quân và dân địa phương nhanh chóng bao vây, tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn quân địch.
Kết quả, ta đã đập tan tuyến phòng ngự từ xa của địch ở Phan Rang, tiêu diệt Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu III ngụy, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 6 không quân, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 2 bộ binh, Lữ đoàn 2 dù, Liên đoàn biệt động 31, một trung đoàn của sư đoàn mới khôi phục, toàn bộ lực lượng của tiểu khu Ninh Thuận, làm chủ cảng Tân Thành và cảng Ninh Chữ, chiếm sân bay Thành Sơn, thu gần 40 máy bay còn nguyên vẹn. Bọn chỉ huy đầu sỏ và hàng nghìn sĩ quan, binh lính bị bắt sống, trong đó có viên Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và viên Chuẩn tướng không quân Phạm Ngọc Sang. Quân ta giải phóng hoàn toàn thị xã Phan Rang và tỉnh Ninh Thuận.
Được tin chiến thắng, Quân ủy Trung ương điện gửi lời chào đến toàn thể cán bộ và chiến sĩ, đảng viên và đoàn viên Quân đoàn II, Quân khu V, thăm hỏi đồng bào vùng mới giải phóng, kêu gọi tiếp tục anh dũng tiến lên giành toàn thắng cho chiến dịch lịch sử. Bộ chỉ thị dùng máy bay đưa ngay Nguyễn Vĩnh Nghi và Phạm Ngọc Sang ra Hà Nội.
Tin chiến thắng từ mặt trận dồn dập báo về: Các đơn vị thuộc Quân đoàn II đánh chiếm quận lỵ Tuy Phong, vừa đánh chiếm tàu địch, bắn rơi máy bay địch, vừa tác chiến tiêu diệt bộ binh địch, giải phóng các vùng đất trên đường tiến quân, trong đó có các quận lỵ Phan Rí, Hòa Đa và Sông Mao. Thừa thắng, bộ binh và xe tăng của quân đoàn chia thành nhiều mũi xông thẳng vào trung tâm thị xã Phan Thiết, đánh chiếm Sở Chỉ huy tiểu khu Bình Thuận, giải phóng quận lỵ Hàm Tân.
Sáng 20/4, bộ phận đầu tiên của cánh quân phía đông gồm Sư đoàn 325 và binh khí, kỹ thuật vào đến Rừng Lá, gần Xuân Lộc. Anh Tấn và anh Hòa cũng đến liền sau đó, và nhanh chóng bắt liên lạc với Bộ Chỉ huy mặt trận Sài Gòn. Với tư cách Phó tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, anh Tấn quyết định tăng cường cho Quân đoàn IV Trung đoàn 95 B (Sư đoàn 325) và pháo, đạn thu được của địch để tiến công dứt điểm Xuân Lộc.
Cuộc tiến quân thần tốc của cánh quân phía đông với hơn 32.000 quân và 2.276 xe, pháo, tăng, thiết giáp qua gần một nghìn kilômét, vượt lên mọi khó khăn, trở ngại, đánh địch trong hành tiến, là một đòn chiến lược sáng tạo, kịp thời, tạo bất ngờ lớn cho quân địch, đập tan ý định co cụm lớn của chúng trên dọc miền duyên hải, đánh thông tuyến đường số 1 từ miền Bắc vào tận cửa ngõ phía đông và đông bắc Sài Gòn, mở thêm một đường tiếp tế hậu cần chiến lược, góp phần làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường, tạo điều kiện hết sức quan trọng và một thế chiến lược rất thuận lợi cho cuộc tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Trước tình hình quân địch ở Xuân Lộc còn ngoan cố chống cự, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Miền chỉ thị cho Quân đoàn IV rút kinh nghiệm. Anh Trần Văn Trà đến chỉ đạo tác chiến. Xuất phát từ nhận định Xuân Lộc chỉ có thể cố thủ khi được nối liền với Biên Hòa, Bộ Chỉ huy Miền quyết định thay đổi cách đánh: từ tiến công thẳng vào thị xã chuyển sang đánh các lực lượng tiếp viện của địch mới được điều đến còn đứng chân chưa vững ở vòng ngoài, thực hành chia cắt Xuân Lộc với Biên Hòa, cắt đường số 2 từ Xuân Lộc đi Bà Rịa, chặn quân địch từ Biên Hòa, Trảng Bom lên phản kích.
Thực hiện quyết tâm mới, Quân đoàn IV vừa được tăng cường lực lượng bộ binh và pháo cỡ lớn, tiến công tiêu diệt Chiến đoàn 52 ngụy và một chi đoàn thiết giáp, đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, cắt đường số 1 từ Xuân Lộc đến Bàn Cá, làm chủ đoạn cuối cùng của đường 20 từ Túc Trưng đến Dầu Giây, chiếm Núi Thị, Túc Trưng, Kiệm Tân, tiêu diệt quân địch phản kích từ Trảng Bom ra. Hai chiến đoàn 43 và 48 của Sư đoàn 18 ngụy cùng với Lữ đoàn 3 thiết giáp bị đánh thiệt hại nặng. Bộ đội địa phương và du kích diệt và bức rút một số đồn địch trên các trục đường giao thông và ven thị xã.
Không chiếm lại được ngã ba Dầu Giây, lực lượng bị tổn thất nặng, trước nguy cơ bị bao vây, bị tiêu diệt và sức uy hiếp của cánh quân lớn từ phía đông mới tới, ngày 20/4, địch phải rút chạy khỏi Xuân Lộc.
Chiến thắng Xuân Lộc làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch xung quanh Sài Gòn, làm cho tinh thần của quân ngụy càng thêm suy sụp.
Tin chiến thắng làm nức lòng nhân dân cả nước.
Ngày 6/4, trong khí thế chiến thắng, 98,26% trong số mấy chục triệu cử tri trên hậu phương lớn phấn khởi đi bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa V, củng cố thêm vững chắc chế độ dân chủ cộng hòa. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta trúng cử với tỉ lệ phiếu cao nhất.
(Còn nữa)
Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP