Chủ Nhật, 19/05/2024 11:16 SA
Âm mưu núp bóng “tổ chức đại diện người lao động” (kỳ 1)
Thứ Năm, 06/07/2023 07:00 SA

Phú Yên vừa kết thúc đại hội công đoàn cấp huyện, thị xã, thành phố, chuẩn bị cho Đại hội XI Công đoàn tỉnh nhiệm kỳ 2023-2028 trong tháng 9 và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam vào cuối năm. Trong thời gian diễn ra đại hội công đoàn các cấp, thế lực thù địch ra sức xuyên tạc, lôi kéo kích động người lao động đòi quyền lập trong doanh nghiệp của mình cái gọi là “tổ chức đại diện người lao động” để đòi xóa bỏ công đoàn cơ sở, phá hoại đại hội Công đoàn Việt Nam, chống phá Đảng và Nhà nước.

 

KỲ 1: Nghiệp đoàn độc lập hay mưu đồ đối lập

 

Để đáp ứng yêu cầu của các hiệp định mậu dịch tự do, trong đó có Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam đã sửa đổi Bộ luật Lao động, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

 

Biểu tình tại Cairo, Ai Cập đòi Tổng thống Mubarak từ chức năm 2011. Nguồn: The Conversation

 

Bộ luật Lao động (sửa đổi) có quy định cho phép thành lập “tổ chức đại diện người lao động” tại doanh nghiệp ngoài công đoàn, trên cơ sở phù hợp với các quy định quốc tế về lao động và tuân thủ các hiệp định thương mại tự do mới mà Việt Nam đã tham gia.

 

Khoản 2, Điều 170, Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định: “Người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định tại các điều 172, 173 và 174 của bộ luật này”. Đây là một vấn đề mới, chưa từng có tiền lệ trong pháp luật lao động Việt Nam.

 

Lợi dụng chính sách của Nhà nước

 

Lợi dụng Điều 170, Bộ luật Lao động (sửa đổi), các thế lực thù địch, phản động ra sức tuyên truyền, lôi kéo, kích động công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp đứng ra thành lập “tổ chức đại diện người lao động” nhằm biến tướng thành các tổ chức “nghiệp đoàn độc lập” tại Việt Nam; từng bước tập hợp lực lượng, xây dựng ngọn cờ, kích động biểu tình, đình công, đòi tự do, dân chủ…

 

Đài Phát thanh quốc tế Pháp (RFI) từng cho rằng, việc Việt Nam sửa đổi Bộ luật Lao động chỉ là hình thức. RFI cùng BBC Tiếng Việt xuyên tạc, phủ nhận vai trò của Tổng LĐLĐ Việt Nam và ca ngợi sự ra đời của Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam (VIU).

 

Thậm chí, nhiều cá nhân, tổ chức phản động, chống phá ở nước ngoài đã và đang tìm cách tác động, can thiệp, gây sức ép với Việt Nam trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các nghị định hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động, nhất là nghị định quy định về quy trình, thủ tục thành lập các tổ chức đại diện người lao động, hòng tạo tiền đề cho việc hình thành những đảng phái chính trị đối lập trong nước.

 

Mục tiêu trước mắt là xây dựng các mô hình tổ chức đại diện người lao động để cạnh tranh trực tiếp với Tổng LĐLĐ Việt Nam, xóa bỏ vai trò của tổ chức công đoàn. RFI còn nêu đề xuất cần phải có sự giám sát, đôn đốc của quốc tế để Việt Nam thực hiện tốt việc thành lập “nghiệp đoàn độc lập” nhằm bảo vệ quyền của người lao động được tốt hơn.

 

Fanpage của tổ chức Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam

 

Giấc mơ “cách mạng màu”

 

Ngay khi dự thảo Bộ luật Lao động được công bố lấy ý kiến, Việt Tân đã công khai mưu đồ thành lập các “nghiệp đoàn độc lập” ở trong nước với 3 giai đoạn.

 

Giai đoạn đầu, đó là củng cố hoạt động của “nhóm bạn công nhân”. Tổ chức này thuộc Việt Tân, được thành lập từ tháng 12/2019 trên không gian mạng, với mục tiêu phát hiện, lôi kéo, kết nối số công nhân, người lao động có quan điểm chống đối Nhà nước Việt Nam đấu tranh đòi quyền lợi, làm lực lượng nòng cốt cho các “nghiệp đoàn độc lập”.

 

Giai đoạn 2, âm mưu thành lập tổ chức phi chính phủ để thúc đẩy ra đời “nghiệp đoàn độc lập”. Giai đoạn 3, công khai hóa tổ chức tự xưng với tên gọi Công đoàn Độc lập Việt Nam, do Trần Ngọc Thành, Việt kiều Ba Lan làm chủ tịch, thành lập từ tháng 7/2020. Hướng đến mục tiêu là tổ chức tương tự Công đoàn Đoàn kết Ba Lan để thực hiện “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” tại Việt Nam.

 

Cũng cần nhắc lại về tổ chức Công đoàn Đoàn kết Ba Lan và các cuộc “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” đã diễn ra trên thế giới kèm hệ quả. Năm 1980, một tổ chức với tên gọi “Liên hiệp Công đoàn Độc lập đoàn kết” (Công đoàn Đoàn kết) được thành lập tại Ba Lan.

 

 

Sự lớn mạnh và hoạt động của Công đoàn Đoàn kết đã nhanh chóng đẩy Ba Lan rơi vào khủng hoảng chính trị, xã hội chỉ trong vòng 1 năm sau đó. Tổ chức này dẫn dắt phong trào công nhân liên tiếp tổ chức các hoạt động đình công, biểu tình và gây sức ép chính trị dẫn đến sự mất vai trò lãnh đạo của Đảng Công nhân thống nhất cầm quyền và sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Ba Lan vào năm 1989.

 

Những cuộc “cách mạng đường phố” liên tục bùng nổ những năm 2010, 2011 dẫn đến chính biến ở các nước Bắc Phi và Trung Đông, đẩy các quốc gia này rơi vào chiến tranh, khủng bố, đói khổ. Năm 2010, ở khắp đất nước Tunisia xảy ra biểu tình, bạo loạn khiến Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali phải di cư ra nước ngoài.

 

Ở Ai Cập, năm 2011, làn sóng biểu tình, bạo loạn của hàng trăm nghìn thanh niên, sinh viên… buộc Tổng thống Hosni Mubarak phải từ chức chỉ trong vòng 1 tháng. Và từ đó, các cuộc xuống đường, nổi dậy, chống đối, đình công… lan sang các quốc gia lân cận trong khu vực gây hậu quả nặng nề cho đến ngày nay.

 

KỲ CUỐI: Đâu là động cơ thật sự?

 

PHẠM HOÀNG - TRỌNG HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek