Thứ Ba, 26/11/2024 11:21 SA
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Nêu cao vai trò của người đứng đầu
Thứ Năm, 29/06/2023 07:09 SA

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 1 năm hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Hội nghị đánh giá cao những kết quả hoạt động của ban chỉ đạo cấp tỉnh và đặc biệt nhấn mạnh vai trò hết sức quan trọng của người đứng đầu các cấp trong công tác này.

 

Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh phát biểu tại phiên họp của ban chỉ đạo. Ảnh: ĐỨC HƯNG

 

Những năm qua, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) của chúng ta đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, khiến người dân phấn khởi, đồng lòng ủng hộ và nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận. Thành công đó có sự đóng góp vô cùng quan trọng của đội ngũ cán bộ chủ chốt, nhất là những người đứng đầu các cấp. Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động và cả một số cán bộ bất mãn, biến chất đã và đang cố tình xuyên tạc, phủ nhận vai trò, vị trí và đóng góp của những cán bộ chủ chốt, người đứng đầu trong cuộc đấu tranh này để gây hoang mang trong nội bộ.

 

Cuộc đấu tranh được người dân tin tưởng, ủng hộ

 

Đảng, Nhà nước luôn xác định PCTN, TC là một trụ cột trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Đây là yêu cầu tất yếu, khách quan, là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Vì vậy, phải kiên quyết, kiên định, kiên trì, đấu tranh trực diện, không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” để cho đội ngũ cán bộ không dám, không thể tham nhũng, tiêu cực. Trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTN, TC góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” vừa xuất bản, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một việc làm cần thiết, tất yếu, là một xu thế không thể đảo ngược”...

 

 

Tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực mà thời nào, chế độ nào cũng có; đó là khuyết tật bẩm sinh đi liền với quyền lực nhà nước, vấn đề là các nhà nước có giải pháp hạn chế, ngăn chặn như thế nào mà thôi. Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC, năm 2022 đã thi hành kỷ luật 539 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm trước); cho thôi giữ chức ủy viên Trung ương Đảng (khóa XIII) đối với 5 đồng chí; cho thôi giữ chức vụ đối với 2 phó thủ tướng Chính phủ, 3 thứ trưởng và tương đương; các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm 3 chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND tỉnh theo chủ trương sắp xếp, bố trí công tác đối với cán bộ bị xử lý kỷ luật, uy tín giảm sút… Đó là những nỗ lực không mệt mỏi nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước.

 

Nêu cao vai trò của người đứng đầu

 

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, việc đề cao trách nhiệm người đứng đầu là một yếu tố quan trọng trong quản lý nhà nước nói chung và phòng, chống tham nhũng nói riêng.

 

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (sửa đổi, bổ sung các năm 2007, 2012) quy định chi tiết việc phân định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và cấp phó được giao phụ trách các lĩnh vực. Đồng thời phân cấp trách nhiệm rõ ràng cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình quản lý, phụ trách.

 

Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 30/6/2019 càng quy định rõ hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu trong công tác đấu tranh phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Bên cạnh đó, Ban Bí thư Trung ương cũng xây dựng những quy định về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, quy định những điều đảng viên không được làm. Trong cuộc đấu tranh lâu dài này, người đứng đầu phải biết dựa vào cấp ủy đảng các cấp để gắn trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của cá nhân với những tổ chức, cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng. Không chỉ Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC hoạt động ngày càng hiệu quả, mà ban chỉ đạo của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng đã được thành lập, bao gồm các cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cũng đạt những kết quả đáng ghi nhận. Như vậy, những người đứng đầu được giao trách nhiệm nặng nề và có nghĩa vụ phải trở thành tấm gương để cán bộ, đảng viên, Nhân dân noi theo.

 

Cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc

 

Trước kết quả cuộc đấu tranh PCTN, TC do Đảng ta tiến hành, các thế lực thù địch và có cả một số ít cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất lại xuyên tạc, suy diễn cho rằng đó là cuộc “thanh toán phe phái”, “trả thù cá nhân” vì “lợi ích nhóm”. Thâm độc hơn, chúng lấy hiện tượng một số cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, nguyên tắc sinh hoạt của Đảng, pháp luật của Nhà nước bởi những hành vi tham nhũng, tiêu cực để đưa ra luận điệu của cái gọi là: Tham nhũng là do độc đảng lãnh đạo... quy chụp mọi khuyết điểm, yếu kém trong các lĩnh vực đời sống xã hội là do công tác cán bộ của Đảng, hạ thấp vai trò của người đứng đầu các cấp.

 

Sự thật, những sai lầm, khuyết điểm của những người đứng đầu bị xử lý kỷ luật vừa qua được Đảng ta nhận diện, đó là: thiếu gương mẫu trong quản lý, điều hành; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, các quy định của Đảng, Nhà nước và công tác cán bộ; thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát; có hành vi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”... gây hậu quả nghiêm trọng đến cơ quan đơn vị, thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong Nhân dân, làm suy giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng. Và kết luận, quyết định xử lý kỷ luật đối với từng trường hợp đều được thông tin công khai trên các phương tiện truyền thông.

 

Điều ai cũng nhận thấy là các thế lực thù địch, phản động, bất mãn đều tập trung vu khống, quy chụp, xuyên tạc, nói xấu đội ngũ cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu, bởi âm mưu, thủ đoạn chống phá của chúng vô cùng nham hiểm, tinh vi: Làm mất niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào đội ngũ cán bộ chủ chốt. Chúng coi đó là biện pháp hiệu quả nhất, con đường ngắn nhất để làm sụp đổ chế độ XHCN ở Việt Nam.

 

* * *

 

Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ những hành vi tham nhũng, lãng phí và bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, lãng phí. Cuộc đấu tranh này vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của Đảng ta, đòi hỏi đội ngũ cán bộ chủ chốt vừa nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, vừa phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để trở thành tấm gương cho quần chúng noi theo. Trách nhiệm càng lớn, càng phải có nghĩa vụ nêu gương.

 

PHẠM HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek