Tự do ngôn luận là tự do phát biểu ý kiến của mình bàn bạc một công việc chung; là quyền của công dân được tham gia bàn bạc, thảo luận, đóng góp ý kiến vào những vấn đề chung của xã hội. Ở nước ta, Điều 25 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Cụ thể hóa nội dung trên, Luật Tiếp cận thông tin (năm 2013); Luật Báo chí (năm 2016); Luật An ninh mạng (năm 2018)... đã quy định cụ thể về việc thực hiện quyền tự do ngôn luận.
Thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội xuyên tạc Đảng, Nhà nước. Ảnh: INTERNET |
Trên cơ sở đó, người dân Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận, truy cập vào tất cả các nguồn thông tin, báo chí trên thế giới; có thể bày tỏ mọi suy nghĩ, ý kiến, mong muốn chính đáng, hợp pháp, bảo đảm thuần phong mỹ tục, giá trị nhân văn, đạo đức... của mình thông qua nhiều hình thức khác nhau mà không gặp phải bất cứ sự hạn chế, ngăn chặn, cấm đoán nào như: Sử dụng quyền tự do ngôn luận trong các cuộc họp ở cơ sở, trên các phương tiện thông tin đại chúng, kiến nghị với ĐBQH, đại biểu HĐND qua các cuộc tiếp xúc cử tri, góp ý kiến vào các văn bản dự thảo luật hoặc phản ánh thông tin trên mạng xã hội.
Thực hiện không đúng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng
Thực hiện hiệu quả quyền tự do ngôn luận sẽ phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý xã hội. Còn nếu thực hiện không đúng hoặc cố tình lợi dụng quyền tự do ngôn luận sẽ xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác, nhiều trường hợp đã bị các cơ quan chức năng xử lý về mặt hành chính, thậm chí là xử lý hình sự. Điển hình như trường hợp ông Đào Bá Cường sinh năm 1961, trú phường 4, TP Tuy Hòa. Ngày 27/4/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Tuy Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, khám xét chỗ ở và bắt tạm giam đối với Đào Bá Cường về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân.
Từ tháng 12/2022-4/2023, ông Đào Bá Cường nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết một số nội dung liên quan đến cái chết của con trai mình là Đào Bá Phi và cầu cứu giải oan, làm sáng tỏ sự việc... Đào Bá Phi là một trong hai đối tượng gây ra vụ trộm cắp mô tô tại thôn Phước Lộc 2, xã Hòa Thành và một số vụ trộm cắp tài sản khác trên địa bàn TX Đông Hòa, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TX Đông Hòa ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và tạm giữ 3 ngày tại Nhà tạm giữ Công an TX Đông Hòa vào ngày 16/10/2022 để phục vụ công tác điều tra. Khoảng 5 giờ ngày 18/10/2022, đối tượng bị giữ cùng phòng phát hiện Phi treo cổ trên khung sắt cửa ra vào buồng giam bằng áo dài tay nên hô hoán cán bộ trực ban khẩn trương sơ cứu, chuyển đến Trung tâm Y tế TX Đông Hòa để cấp cứu nhưng đối tượng đã tử vong.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, Công an TX Đông Hòa, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên đã phối hợp các lực lượng chức năng tổ chức điều tra làm rõ và kết luận nguyên nhân chết của Đào Bá Phi theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Đào Bá Cường và gia đình không đồng ý, đưa ra những yêu cầu vô lý, trái quy định pháp luật. Mặc dù đã được chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải thích và có văn bản trả lời nhưng Đào Bá Cường vẫn cố tình không hợp tác, suy diễn nội dung diễn biến vụ việc, nhiều lần gây mất an ninh, trật tự và cố tình xuyên tạc sự thật, tự ý viết, vẽ, tuyên truyền nhiều nội dung sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và sự tin tưởng của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chính quyền. Khám xét chỗ ở của Đào Bá Cường, cơ quan công an đã thu giữ nhiều tài liệu tuyên truyền sai sự thật, xuyên tạc về sự việc trên.
Việc khởi tố và bắt để tạm giam ông Đào Bá Cường cho thấy hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân của ông Cường đã có dấu hiệu gây hậu quả nghiêm trọng. Hành vi đó không dừng lại ở việc sử dụng quyền tự do ngôn luận, mà đã vượt qua ranh giới của pháp luật hình sự, gây hậu quả tới mức trở thành hành vi nguy hiểm cho xã hội, phải chịu chế tài hình sự. Đây là kết quả tất yếu của việc xem thường pháp luật, quên mất giới hạn về quyền và nghĩa vụ của một công dân.
Ngoài ra, hiện nay xuất hiện một số cá nhân lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo của công dân để có nhiều lời lẽ xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan chức năng không đúng với ý muốn của bản thân mặc dù kết quả xác minh, giải quyết là đúng theo quy định của pháp luật. Qua trường hợp của Đào Bá Cường, các cá nhân này nên có sự nhìn nhận đúng đắn về quyền tự do ngôn luận để không phải chịu hậu quả theo quy định của pháp luật.
Tự do ngôn luận nhưng trên cơ sở của pháp luật
Từ các vụ việc trên, mỗi cá nhân cần nhận thức được rằng công dân có quyền tự do ngôn luận nhưng trên cơ sở của pháp luật, mục đích của tự do ngôn luận là thể hiện sự tự do nhưng trên khuôn khổ của pháp luật, phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Tự do ngôn luận không có nghĩa là muốn nói gì cũng được, phải có những hiểu biết nhất định để tránh rơi vào hành vi vu khống, bôi nhọ, xâm hại đến cá nhân, tổ chức, bị các thế lực phản động, thù địch lợi dụng xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực, phủ nhận các thành tựu đã đạt được, kể cả những thành tựu được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Pháp luật nước ta đã quy định rõ về những hạn chế của việc thực hiện quyền tự do ngôn luận để tránh việc sử dụng quyền tự do ngôn luận bừa bãi dẫn đến gây hại cho lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích của cộng đồng, đất nước, cụ thể: khoản 4 Điều 15 Hiến pháp 2013 quy định “Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. Điều 10 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định “Cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự của mình gây thiệt hại cho người khác, để vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện mục đích khác trái pháp luật”. Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật An ninh mạng năm 2018 đều quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm như đăng tải, phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền; bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ TT&TT ban hành nêu rất rõ các quy tắc về tuân thủ pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác…
Tìm hiểu và thực hiện nghiêm túc pháp luật về tự do ngôn luận là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi công dân. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả thực thi quyền tự do ngôn luận, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền các thông tin chính thống, tích cực, nhận diện và đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc, kích động gây mất an ninh trật tự, phá hoại đất nước. Đồng thời cần kịp thời phát hiện, điều tra để xử lý nghiêm minh các đối tượng lợi dụng tự do ngôn luận để xâm phạm quyền, lợi ích của Nhà nước và của tổ chức, cá nhân; không để các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng, xuyên tạc, mưu đồ chuyển tải thứ “ngôn luận tự do” bất kiểm soát nhằm tạo mầm mống gây mất an ninh trật tự, phá hoại sự phát triển của đất nước.
MẠNH NGUYỄN