Công tác cải cách hành chính (CCHC) có vai trò rất quan trọng, đóng góp trực tiếp cho sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương. Tuy nhiên, hiệu quả công tác này của tỉnh chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa đáp ứng sự mong đợi của người dân, doanh nghiệp.
Làm thế nào để CCHC một cách hiệu quả và thực chất trong thời gian đến? Báo Phú Yên phỏng vấn ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ CCHC Bộ Nội vụ, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ xung quanh nội dung này.
Ông Phạm Minh Hùng. Ảnh: THÙY THẢO |
* Ông đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được trong công tác CCHC của Phú Yên thời gian qua?
- Có thể nhận thấy rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác CCHC của Phú Yên đã đạt được những kết quả rất tích cực. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn, góp phần nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị, địa phương từng bước được đổi mới, kiện toàn theo hướng tinh gọn, giảm cấp trung gian. Các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đều ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành.
Với phương châm hoạt động của chính quyền là “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành và địa phương chủ động rà soát tất cả quy định về thủ tục hành chính (TTHC); rà soát các lĩnh vực thiết yếu để báo cáo, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương sửa đổi, đơn giản hóa TTHC cho phù hợp với pháp luật hiện hành, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức. Phú Yên cũng đã ban hành và thực hiện đúng quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC đối với tất cả TTHC đã công bố để hạn chế tối đa các bước trung gian, không cần thiết trong quá trình giải quyết TTHC. Qua đó góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
* Hiện nay, Phú Yên đang yếu nhất ở chỉ số thành phần nào trong Bộ tiêu chí xác định chỉ số CCHC, thưa ông?
- Bộ tiêu chí xác định chỉ số CCHC cấp tỉnh được đánh giá trên tám lĩnh vực gồm công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính; tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và các chỉ tiêu phát triển KT-XH của tỉnh. Qua đánh giá, phân tích, lĩnh vực về tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và các chỉ tiêu phát triển KT-XH của Phú Yên là yếu nhất. Theo đó, hiện vẫn còn nhiều tiêu chí không đạt điểm nào.
* Vậy giải pháp nào giúp Phú Yên nâng cao chỉ số CCHC hiệu quả trong thời gian đến, thưa ông?
- CCHC là hướng đến sự chuyên nghiệp của bộ máy hành chính, tính trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính. Do vậy, tỉnh cần quan tâm hơn nữa trong các mối quan hệ; sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy cũng như nâng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức thì sẽ giải quyết được mối quan hệ giữa người dân và chính quyền. Tỉnh cũng cần bố trí nhiều kênh để người dân, doanh nghiệp phản ánh kiến nghị và xử lý những phản ánh, kiến nghị một cách kịp thời, trách nhiệm. Có như vậy mới thu hút được đầu tư để phát triển KT-XH.
Đồng thời, tỉnh xây dựng ngay các biện pháp cụ thể để khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra. Theo đó, mục tiêu nhiệm vụ CCHC hàng năm phải cụ thể, rõ ràng, bám sát chủ trương định hướng của Chính phủ tại Nghị quyết 76 và các văn bản có liên quan.
Bên cạnh đó, Phú Yên cần phát huy vai trò của cơ quan thường trực CCHC tỉnh, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ngành, huyện trong triển khai nhiệm vụ CCHC và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo CCHC của tỉnh. Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp bằng cách tập trung các giải pháp cải tiến chất lượng dịch vụ trên cơ sở thông tin thu thập qua khảo sát như: tỉ lệ người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần mới giải quyết xong TTHC. Tỉnh tập trung xử lý phản ánh, kiến nghị có mức độ hài lòng thấp nhất; những yếu tố người dân mong đợi nhiều như: đẩy mạnh dịch vụ công mức độ 3, 4, rút ngắn thời gian, đơn giản TTHC, mở rộng hình thức thông tin, nâng cao năng lực của công chức; nâng cao hiệu quả sử dụng các dịch vụ tiện ích như: thanh toán trực tuyến, bưu chính công ích. Đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức tại bộ phận một cửa cấp xã; tăng cường đào tạo bồi dưỡng nâng cao kiến thức năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho công chức và về thái độ, tác phong lề lối làm việc, kỹ năng giao tiếp khi hướng dẫn giải quyết công việc cho người dân, tổ chức; thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời chấn chỉnh những trường hợp sách nhiễu, vô cảm, tiêu cực của công chức khi giải quyết công việc cho người dân, tổ chức; đẩy mạnh giáo dục tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ, công chức, viên chức về công tác CCHC.
Phú Yên phải không ngừng sáng tạo, nghiên cứu và tiên phong áp dụng các mô hình cải cách mới có tính đột phá; tăng cường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương để lan tỏa các thực tiễn tốt về CCHC đã áp dụng thành công tại địa phương. Việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC phải gắn kết chặt chẽ với ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử và thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.
* Xin cảm ơn ông!
THÙY THẢO (thực hiện)