UBND tỉnh vừa công bố xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2021. Qua đó, các sở, ngành và địa phương thấy được những mặt mạnh, mặt yếu để có những điều chỉnh phù hợp, nâng cao vị trí CCHC của mình, góp phần cải thiện chỉ số CCHC của tỉnh.
Thông qua việc đánh giá chỉ số CCHC các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố sẽ rút ra nhiều bài học kinh nghiệm về quá trình triển khai thực hiện và kết quả đạt được đối với từng lĩnh vực, từng tiêu chí, tiêu chí thành phần.
Biết được mặt mạnh, mặt yếu
Theo kết quả công bố chỉ số CCHC năm 2021 đối với khối sở, ban ngành, có 7 đơn vị đạt từ 80% trở lên. Trong đó, đứng đầu là Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên (đạt 86,1%), tiếp đó là các sở: Tài chính, Tư pháp, Nội vụ, GD-ĐT, GT-VT, Công Thương. 11 đơn vị đạt chỉ số từ 70-79% gồm các sở: VH-TT-DL, KH-CN, NN-PTNT, Y tế, Xây dựng, KH-ĐT, LĐ-TB-XH, TT-TT, Ngoại vụ; Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao và Thanh tra tỉnh. Riêng Sở TN-MT chỉ số đạt 64,06%. Đối với cấp huyện, có 4 địa phương đạt chỉ số từ 70-73,9%, đứng đầu là UBND huyện Đồng Xuân (73,9%), tiếp đến là UBND các huyện: Phú Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa. Các địa phương còn lại đạt chỉ số từ 63,8-65,2% gồm: TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu, TX Đông Hòa, huyện Tuy An và huyện Tây Hòa.
Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa Tô Phương Bắc cho biết, thời gian qua, công tác CCHC luôn được huyện quan tâm, nhất là các nội dung, tiêu chí thành phần đánh giá chỉ số CCHC. Theo đó, năm 2021, chỉ số CCHC của huyện có sự chuyển biến rõ rệt. Nếu như năm 2020, chỉ số CCHC của Sơn Hòa ở vị trí thứ 6 khối huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, xếp loại trung bình, thì năm 2021 đã vươn lên vị trí thứ 4 và xếp loại khá. Để ngày càng cải thiện vị trí, Sơn Hòa tiếp tục tăng cường công tác CCHC; phát huy tính chủ động tích cực của người đứng đầu; mạnh dạn đề xuất những giải pháp mang tính đột phá; tăng cường kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm kỷ cương, kỷ luật hành chính.
Còn theo bà Nguyễn Vũ Tố Quyên, Phó Trưởng ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, những năm gần đây, chỉ số CCHC của ban luôn nằm trong top đầu khối sở, ban ngành. Điều này thể hiện sự nỗ lực cải thiện các thủ tục của ban đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Để vươn lên vị trí đứng đầu và duy trì nó qua xếp hạng hàng năm là một vấn đề không đơn giản, phải luôn có sự chung tay, sự cải thiện đồng bộ của tất cả các bộ phận. Đây như một cuộc đua giúp cho các sở, ban ngành luôn vận động, nghiên cứu và có nhiều giải pháp để cải thiện chỉ số CCHC của đơn vị mình.
Theo Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Lê Văn Quy, việc xếp hạng chỉ số CCHC giúp các sở, ngành nhìn nhận những mặt mạnh, mặt yếu trong từng tiêu chí, để có sự chỉ đạo điều hành, xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử… ngày càng tốt hơn. Qua đó góp phần nâng cao các chỉ số CCHC, PCI, PAPI của tỉnh hàng năm.
Cần những giải pháp đồng bộ
Bên cạnh những nỗ lực, nghiêm túc trong chỉ đạo, điều hành CCHC và sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các sở, ban ngành, địa phương vẫn còn một số đơn vị chưa thực sự quan tâm đến việc triển khai các nội dung CCHC; chưa chỉ đạo kịp thời để chấn chỉnh, cải thiện những điểm còn hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra nên dẫn đến tình trạng tụt vị trí xếp hạng hoặc nhiều năm liền luôn ở các vị trí gần cuối bảng và cuối bảng. Chỉ số CCHC của các sở, ngành và các địa phương có sự chênh lệch nhiều giữa đơn vị có điểm số đứng đầu và đơn vị có điểm số xếp cuối. Đặc biệt, đối với chỉ số CCHC của cấp huyện, chưa có địa phương nào xếp loại tốt. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là cần rất nhiều giải pháp để ngày càng hoàn thiện.
Bà Nguyễn Vũ Tố Quyên chia sẻ: “Qua xếp hạng hàng năm, ban luôn tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm về quá trình thực hiện, kết quả đạt được và đưa ra những giải pháp đồng bộ, chiến lược hơn để giữ vững vị trí và cải thiện hơn các chỉ tiêu thành phần có số điểm thấp. Nếu không có những biện pháp rất dễ bị tụt hạng qua xếp hạng từng năm”.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế cho biết: “Hiệu quả mang lại từ việc xếp hạng chỉ số CCHC đó là, các sở, ban ngành và địa phương càng nỗ lực CCHC thì chỉ số CCHC của tỉnh cũng theo đó mà cải thiện. Việc xếp hạng giúp các cơ quan, đơn vị thi đua phát triển, tập trung đẩy mạnh cải thiện chỉ số của cơ quan, đơn vị mình. Qua đó góp phần nâng cao mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với các cơ quan Nhà nước. Chính vì vậy, sau khi có kết quả đánh giá, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chỉ số CCHC mà tổ chức quán triệt, rút kinh nghiệm, có giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC, tập trung vào những lĩnh vực còn yếu nhằm đẩy mạnh CCHC, cải thiện chỉ số CCHC năm 2022 và những năm tiếp theo.
Xếp hạng chỉ số CCHC là việc làm quan trọng, phản ánh khách quan, trung thực kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC. Đồng thời chỉ ra những ưu, khuyết điểm để các sở, ban ngành và địa phương điều chỉnh cho phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả CCHC, xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế |
PHONG NHÃ