Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh vừa khảo sát kết quả thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo; chính sách phát triển của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS và chính sách phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh tại các huyện Phú Hòa, Sơn Hòa, TX Sông Cầu, Đông Hòa và Sở GD-ĐT.
Bà Đặng Thị Hồng Nga phát biểu tại buổi khảo sát ở huyện Phú Hòa. Ảnh: THÙY THẢO |
Báo Phú Yên phỏng vấn bà Đặng Thị Hồng Nga, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, Trưởng đoàn khảo sát xung quanh vấn đề nói trên.
* Đoàn khảo sát đánh giá như thế nào về việc thực hiện quy định nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS theo Nghị định 71/CP, chính sách phát triển giáo dục mầm non theo Nghị định 105/CP và Nghị quyết 04 của HĐND tỉnh tại các địa phương, đơn vị trên, thưa bà?
- Việc thực hiện chính sách phát triển giáo dục mầm non theo Nghị định 105 và Nghị quyết 04 được cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện. UBND các cấp, các cơ quan, đơn vị chuyên môn đã ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án, hướng dẫn..., triển khai nhiều giải pháp để huy động trẻ ra lớp và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Các địa phương cơ bản đầu tư cơ sở vật chất, tu sửa, mua sắm trang thiết bị đảm bảo đáp ứng yêu cầu dạy và học cho các cơ sở giáo dục mầm non công lập.
Cụ thể, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 80 về thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh để triển khai Nghị định 71. Sở GD-ĐT cũng đã ban hành Kế hoạch 59 về triển khai thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh. Các địa phương đã rà soát, chủ động xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí để triển khai thực hiện. Đối với 1.034 giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo nhưng không thuộc đối tượng cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn, các địa phương chủ yếu vận dụng đưa vào tinh giản biên chế và nghỉ hưu trước tuổi, chưa quan tâm bố trí giảng dạy hoặc việc làm khác phù hợp tại cơ sở giáo dục cho đến khi nghỉ hưu.
Bên cạnh những kết quả nói trên thì vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn, bất cập cần có giải pháp để cùng nhau tháo gỡ.
* Những khó khăn, bất cập đó là gì và nguyên nhân do đâu, thưa bà?
- Một trong những khó khăn được nêu ra là các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh chậm tham mưu tổ chức các khóa đào tạo nâng chuẩn hàng năm theo lộ trình. Việc sắp xếp, bố trí, quản lý, sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý chưa đủ chuẩn chưa được đào tạo, bồi dưỡng để đảm bảo theo hướng dẫn. Công tác phối hợp giữa các địa phương, cơ quan liên quan và ngành GD-ĐT trong tuyển dụng, bố trí, sắp xếp giáo viên, thực hiện các chính sách cho giáo viên chưa chặt chẽ, thống nhất. Các cấp chính quyền một số địa phương nhận thức chưa đúng, đủ và chưa thực hiện hết trách nhiệm trong công tác GD-ĐT, xem đây là nhiệm vụ riêng của ngành GD-ĐT.
Ngoài ra, đợt khảo sát cũng cho thấy việc thực hiện quy định về danh mục vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn cũng còn một số khó khăn, vướng mắc. Trang bị thiết bị dạy học hỗ trợ giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 chưa đảm bảo. Chủ trương tinh giản đầu mối và giảm biên chế trong lĩnh vực giáo dục tại các khu vực miền núi gặp nhiều khó khăn…
* Vậy Ban Văn hóa - Xã hội đã có những kiến nghị, đề xuất gì để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, bất cập đó, thưa bà?
- Để khắc phục tình trạng trên và đảm bảo các điều kiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý của lĩnh vực GD-ĐT, Ban Văn hóa - Xã hội đã kiến nghị Thường trực HĐND tỉnh và trung ương chưa xem xét thực hiện giảm 10% số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2021 đối với ngành GD-ĐT; rà soát, sửa đổi định mức học sinh/lớp, định mức giáo viên/lớp và quy định về nhóm vị trí việc làm gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ. Đồng thời kiến nghị Chính phủ cho phép số lượng cấp phó các đơn vị sự nghiệp công lập trường học được thực hiện theo quy định tại Thông tư 16 của Bộ GD-ĐT.
UBND tỉnh cần tăng cường kiểm tra, giám sát, tuyên truyền giáo dục, phổ biến các chủ trương, nghị quyết, chính sách pháp luật để thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển GD-ĐT, giáo viên mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh; tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách phát triển giáo dục mầm non. Đồng thời quan tâm chỉ đạo, bố trí đảm bảo kinh phí để thực hiện chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông mới; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; đảm bảo các chế độ chính sách cho giáo viên, trẻ mầm non, học sinh tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt công tác phối hợp giữa ngành Y tế và GD-ĐT để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho học sinh.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền, vận động thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển GD-ĐT, giáo viên mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh; tiếp tục quản lý chặt chẽ, điều chuyển, sắp xếp, bố trí phù hợp về số lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên ở từng trường, từng cấp học, môn học đảm bảo theo quy định; hàng năm, bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện nhiệm vụ đào tạo nâng chuẩn giáo viên. Đồng thời chỉ đạo các trường bố trí hợp lý giáo viên chưa đủ chuẩn không thuộc diện được đào tạo, bồi dưỡng.
* Xin cảm ơn bà!
Do ảnh hưởng dịch COVID-19, tình hình ngân sách tỉnh và ngân sách các địa phương còn khó khăn nên việc thực hiện các chính sách phát triển mầm non, chính sách cho giáo viên còn một số mặt hạn chế. |
PHẠM THÙY (thực hiện)