Công tác cải cách hành chính (CCHC) của huyện miền núi Sông Hinh có sự chuyển biến tích cực, nhất là việc cải thiện mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính. Đây là một trong ba huyện đứng đầu danh sách xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2021 khối các địa phương do UBND tỉnh vừa công bố.
Trao đổi với Báo Phú Yên xoay quanh nội dung này, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đinh Ngọc Dạn cho biết:
- Việc đẩy mạnh CCHC, đơn giản các thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn huyện đã thu được những kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tính năng động, tác phong đạo đức và hiệu quả công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nội dung và hình thức tuyên truyền CCHC được thực hiện đa dạng hơn. Việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số tiếp tục được triển khai, góp phần tích cực giảm bớt phiền hà trong giải quyết công việc cho công dân, tổ chức, doanh nghiệp…
Ông Đinh Ngọc Dạn |
* Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật của công tác CCHC mà huyện Sông Hinh đạt được trong thời gian qua?
- Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, trên cơ sở bám sát quy định pháp luật hiện hành, việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Triển khai Nghị định 61 của Chính phủ về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp nhằm cải thiện mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công, xây dựng được nhiều mô hình mới, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách TTHC để giảm tối đa thời gian, chi phí của người dân. Tỉ lệ hồ sơ TTHC giải quyết quá hạn ngày càng giảm. Tính công khai, minh bạch không ngừng được cải thiện. Trách nhiệm của các cơ quan giải quyết TTHC trong giải trình, giải thích việc thực thi pháp luật cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết và thực hiện được chú trọng. Sự phối hợp triển khai hoạt động kiểm soát TTHC giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương ngày càng được tăng cường.
Ngoài ra, việc thực hiện cơ chế một cửa đã có ảnh hưởng tích cực, góp phần tạo thuận lợi cho người dân và tổ chức trong giao dịch với cơ quan hành chính Nhà nước, làm thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa chính quyền và người dân, tổ chức theo hướng hành chính phục vụ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch; giảm được tình trạng cá nhân, tổ chức phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc; tăng cường cơ chế giám sát trong hoạt động hành chính, hạn chế tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức.
* Một trong những nội dung được tổ chức, cá nhân đánh giá cao, đó là việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện đã đi vào hoạt động, được trang bị máy tính, hệ thống internet và phần mềm dịch vụ công, đảm bảo quy trình tiếp nhận, xử lý công việc. Chất lượng giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông của UBND huyện được đảm bảo, đa số thủ tục đều được giải quyết đúng hạn và trước hạn. Quy trình giải quyết công việc theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được vận hành tương đối tốt, đảm bảo 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa. Riêng lĩnh vực một cửa liên thông thực hiện chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai và bảo trợ xã hội, đến nay, 100% số lượng hồ sơ tiếp nhận tại bộ phận một cửa được cập nhật đầy đủ và kịp thời trên Cổng dịch vụ công (DVC) của tỉnh. UBND huyện tiếp tục phối hợp với các ngành dọc trên địa bàn huyện để đưa TTHC thuộc ngành này vào thực hiện tại bộ phận một cửa.
Việc mở sổ theo dõi, quản lý công tác tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đúng quy định. Hồ sơ được tiếp nhận tại bộ phận một cửa đều được viết phiếu biên nhận và hẹn ngày trả kết quả, phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ và được vào sổ theo dõi tiếp nhận. Sông Hinh tiếp tục thực hiện Quyết định 21 của UBND tỉnh về việc xin lỗi tổ chức, cá nhân khi giải quyết TTHC sai sót, trễ hẹn; thực hiện phiếu đánh giá việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, xã.
* Trong quá trình CCHC, Sông Hinh gặp phải những khó khăn, tồn tại nào, thưa ông?
- DVC trực tuyến đã được quan tâm, triển khai trên địa bàn huyện, nhưng chủ yếu thực hiện ở mức độ 1, 2. Tỉ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 còn hạn chế, thấp so với chỉ tiêu được giao và chưa phát sinh việc thanh toán trực tuyến. Việc sử dụng DVC trực tuyến trong giải quyết TTHC hiệu quả chưa cao, vì khả năng tiếp cận thông tin, trình độ, phương tiện máy móc, ứng dụng công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế. Mặt khác, người dân vẫn quen với hình thức giao dịch tại bộ phận một cửa của cơ quan hành chính.
Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại tình trạng giải quyết một số TTHC trễ hẹn. Sự phối kết hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan đến giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân chưa nhịp nhàng, dẫn đến hồ sơ của tổ chức, cá nhân còn bị trả, hồ sơ trễ hẹn, tồn đọng. Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích đã được người dân đón nhận nhưng kết quả chưa cao, do tâm lý còn e ngại, muốn gửi hồ sơ, nhận kết quả trực tiếp hoặc sợ mất hồ sơ gốc khi sử dụng DVC và chưa quen khi đến bưu điện để gửi hồ sơ và nhận kết quả TTHC…
* Xin cảm ơn ông!
Việc đẩy mạnh CCHC, đơn giản các TTHC trên địa bàn huyện đã thu được những kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tính năng động, tác phong đạo đức và hiệu quả công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. |
THÙY THẢO (thực hiện)