Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), nhất là DVCTT mức độ 3, 4 đã góp phần giảm bớt phiền hà, nhũng nhiễu, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Tuy nhiên, nhiều người dân chưa biết, còn ngại tham gia DVCTT, nhất là cấp xã; tỉ lệ phát sinh hồ sơ còn hạn chế. Do đó cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để phát huy loại dịch vụ này.
Giảm phiền hà, bớt nhũng nhiễu
DVCTT mức độ 3 bao gồm DVCTT mức độ 2, cho phép người dân điền và gửi các mẫu văn bản trực tuyến đến các cơ quan, tổ chức Nhà nước cung cấp dịch vụ. Trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ, các giao dịch sẽ được thực hiện trên môi trường mạng internet. Người dân sẽ nhận kết quả và thanh toán lệ phí nếu có trực tiếp tại cơ quan và tổ chức Nhà nước cung cấp dịch vụ.
DVCTT mức độ 4 bao gồm DVCTT mức độ 3, cho phép người dân thanh toán trực tuyến lệ phí nếu có. Việc trả kết quả cho người dân sẽ được trả trực tuyến hoặc gửi trực tiếp qua đường bưu điện cho người dân.
Bà Võ Thị Kim Loan, Giám đốc chi nhánh Công ty CP Long Sơn tại Phú Yên cho biết: “Những năm gần đây, Phú Yên đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC), nhất là ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp. Một trong những điểm được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao là việc giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4, giảm rất nhiều thời gian, công khai minh bạch, tránh sự nhũng nhiễu của cán bộ, công chức”.
Theo Văn phòng UBND tỉnh, trên cơ sở TTHC được công bố, các sở, ngành đã cập nhật và thực hiện công khai kịp thời, đầy đủ trên Cổng DVC quốc gia, Cổng DVCTT tỉnh; các địa phương thực hiện niêm yết tại trụ sở đơn vị theo đúng quy định. Để nâng cao chất lượng giải quyết TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp, tỉnh đã triển khai DVCTT, nhất là mức độ 3, 4 vào giải quyết TTHC. Qua đó từng bước thay đổi mối quan hệ giữa chính quyền và người dân, giảm bớt phiền hà, nhũng nhiễu, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch với cơ quan hành chính Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của mỗi cơ quan, đơn vị.
“Với việc triển khai DVCTT ở mức độ 3, 4 trên địa bàn tỉnh, người dân và doanh nghiệp có thể làm việc với các cơ quan hành chính Nhà nước ở mọi nơi, mọi lúc chỉ cần có kết nối internet. DVC được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình CCHC và triển khai Chính phủ điện tử. Sử dụng DVCTT giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân; đặc biệt là tránh được tệ nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà; tăng tính công khai, minh mạch của TTHC; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ công chức được phân công xử lý hồ sơ TTHC… góp phần nâng cao chỉ số CCHC”, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Lê Văn Quy cho biết.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Bà Võ Thị Kiều Trinh ở xã An Thạch, huyện Tuy An, nhìn nhận: “Nếu trước đây, muốn đăng ký TTHC phải đến trực tiếp cơ quan hành chính nhận phiếu theo thứ tự, chờ cán bộ tiếp nhận hồ sơ, thì nay sử dụng DVCTT mức độ 3, 4, mọi việc liên quan đến TTHC có thể làm ngay tại nhà và có thể theo dõi được tình trạng giải quyết hồ sơ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết và có thể làm được, bởi lẽ họ chưa hiểu rõ các bước thực hiện, còn e ngại chưa dám tiếp cận, việc sử dụng công nghệ thông tin còn hạn chế. Do đó, chúng tôi mong muốn được hướng dẫn các thao tác cụ thể”.
Theo Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đinh Ngọc Dạn, địa phương đã chỉ đạo triển khai việc tiếp nhận hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4, tuy nhiên, tỉ lệ hồ sơ phát sinh ở cấp huyện còn hạn chế, chưa phát sinh hồ sơ tại cấp xã do người dân sợ mất giấy tờ gốc và muốn được gặp trực tiếp cán bộ để được tư vấn… Còn theo Phó Chủ tịch UBND xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) Phạm Ngọc Tuấn, công tác tuyên truyền việc thực hiện hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 và hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích đôi lúc chưa sâu rộng và chưa thường xuyên. Người dân vẫn còn tâm lý muốn nộp hồ sơ trực tiếp cho yên tâm. Đến nay, trên địa bàn xã chưa phát sinh hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 nên xã sẽ tiếp tục quan tâm tuyên truyền tới người dân để biết, sử dụng.
Việc thực hiện DVC mức độ 3, 4 đã được tỉnh chú trọng triển khai với mục đích góp phần đẩy mạnh CCHC, xây dựng chính quyền điện tử, phục vụ tốt hơn yêu cầu của công dân, tổ chức. Tuy nhiên, trên thực tế, tỉ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến mức độ 3, 4 và DVC bưu chính công ích còn thấp (dưới 10%). Một số địa phương cập nhật chưa đầy đủ 100% hồ sơ TTHC được tiếp nhận vào phần mềm Cổng DVCTT tỉnh, dẫn đến tỉ lệ hồ sơ phát sinh qua phần mềm còn thấp. Tình trạng trễ hẹn do các bộ phận chuyên môn không xử lý trên cổng DVC khá phổ biến. Công tác hướng dẫn công dân, tổ chức bổ sung, hoàn thiện hồ sơ hầu như chỉ thực hiện qua giao tiếp trực tiếp, chưa thể hiện qua phiếu hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ cho tổ chức, công dân. Công chức công tác tại bộ phận một cửa cấp huyện, xã hoạt động kiêm nhiệm nên ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả trong công tác.
“Vai trò của công tác tuyên truyền để tổ chức, cá nhân sử dụng hiệu quả DVC mức độ 3, 4 rất quan trọng. Chính vì vậy, yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tích cực tuyên truyền, phổ biến về hoạt động nộp hồ sơ qua cổng DVC; tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện và giải quyết TTHC qua DVCTT”, đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết.
Để đạt hiệu quả sử dụng DVCTT, tỉnh tiếp tục đôn đốc các sở, ban ngành, địa phương công bố, công khai, niêm yết các TTHC đúng quy định, giải quyết hồ sơ TTHC trên cổng DVC của tỉnh đúng hẹn. Kịp thời xử lý và công khai kết quả xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về TTHC trên hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về TTHC và trên cổng thông tin, trang thông tin điện tử.
Đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh |
PHẠM THÙY