Thứ Sáu, 11/10/2024 13:25 CH
Dì Năm Tây Ninh trên đất Phú
Thứ Bảy, 25/03/2017 09:46 SA

Dì Năm tự hào vì những cố gắng của mình được chính quyền xã công nhận - Ảnh: MINH DUYÊN

68 tuổi, cái tuổi với nhiều người đã là già, là an phận vui vầy bên con cháu, nhưng với bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh ở thôn Tân Yên, xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) thì chưa bao giờ là muộn cho khát khao vươn lên làm giàu để đồng hành cùng những người có hoàn cảnh khó khăn. Quê gốc Tây Ninh tới Ea Ly lập nghiệp, mọi người yêu quý gọi bà bằng cái tên thân mật, dì Năm Tây Ninh.

 

Cái duyên thiện tâm

 

Trên hành trình đi tìm nhân vật nữ cho bài phóng sự tháng 3, tháng có Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, tôi đã may mắn gặp được người phụ nữ này. Tôi cũng như nhiều người ở đây bị dì Năm thuyết phục không phải bởi khả năng làm kinh tế với thu nhập hơn 1 tỉ đồng mỗi năm mà chính bởi nhiệt huyết sống, đối đãi với đời bằng cái tâm thiện nguyện, sẵn sàng làm chỗ dựa cho những hoàn cảnh khó khăn hơn.

 

Dì Năm chia sẻ: Dì tới Phú Yên lập nghiệp từ năm 2013. Cái duyên với đất Phú cũng đơn giản lắm, chỉ từ một cuộc điện thoại của người em. Em dì trước đây ở Tây Ninh, hoàn cảnh cũng khó khăn, có hai con bị câm. Rồi cậu ấy tới Phú Yên lập nghiệp, mua được 20ha đất trồng mía. Khi cuộc sống bớt khó khăn, cậu ấy gọi điện về hỏi thăm sức khỏe, trong câu chuyện của hai chị em, có kể về Phú Yên. Qua câu chuyện, dì thấy mảnh đất này có nhiều sức cuốn hút nên quyết định tới đây đầu tư. Nhiều người sẽ nghĩ đó là hành động bốc đồng của một bà già không còn minh mẫn. Vì không ai tới một vùng đất mới sinh sống, làm kinh tế mà không tìm hiểu cặn kẽ. Người bản địa còn chưa chắc đã làm được, nói gì tới người tha hương! Nhưng thế hệ của dì đội bom đội đạn mà sống, những khó khăn, khốc liệt nhất đã nếm trải. Khi đất nước hòa bình, Đảng và Nhà nước tạo điều kiện, dì nhìn mọi thứ đều là cơ hội, không còn khó khăn nào không thể vượt qua.

 

Từ quốc lộ 29 (đoạn thuộc xã Ea Ly) tới trang trại của dì Năm khoảng 3km. Con đường lởm chởm đá nằm chắn ngang với nhiều ổ voi, ổ gà, phải rất cứng tay lái mới vượt qua được. Đón tôi là chị Nông Thị Mới ở thôn Hòn Ông, xã Ea Ly, một người làm công, gắn bó với trang trại của dì Năm từ ngày đầu dì tới đây. Chặng đường của tôi và chị Mới như ngắn lại, bớt gập ghềnh hơn nhờ câu chuyện về cái duyên đến với dì Năm. Chị Mới kể: Tôi bị bệnh viêm phế quản, không có điều kiện chữa trị, đành sống chung với nó nhiều năm nay. Người vì thế mà còm nhom, không làm được việc nặng. Hai vợ chồng có 4ha đất rẫy, do một tay chồng làm nuôi vợ và 2 con còn đi học. Cuộc sống vì thế cơ cực lắm, đứng mấp mé danh sách hộ nghèo. Năm 2013, dì Năm thương hoàn cảnh nhận tôi vào làm việc lặt vặt trong nhà.

 

Dì trả công cho tôi như những lao động bình thường 150.000 đồng/ngày. Năm 2015, dì Năm động viên và trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho tôi, sau đó nhận cả chồng tôi vào làm và cho đi học lái máy cày, trả công 200.000 đồng/ngày. Nhờ vậy, sức khỏe tôi đã khá hẳn, cuộc sống gia đình bớt khó khăn khi có thu nhập ổn định.

 

Không gian sống của trang trại dì Năm được gắn kết bằng tình yêu thương của những người có hoàn cảnh khó khăn nương tựa vào nhau để vươn lên. Không riêng gì vợ chồng chị Mới, 5-6 công nhân làm chính ở đây người là thương binh, người bị bệnh… Chúng tôi gặp ông Võ Tâm ở phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa), làm công cho dì Năm được gần 2 năm. Năm nay, ông Tâm đã 52 tuổi, là thương binh hạng 3/4. Ông chỉ vào chân trái, nơi đã không còn bàn chân, nói: Sức khỏe thế này chẳng ai nhận tôi làm việc cả. Nhưng hoàn cảnh gia đình tôi còn khó khăn, các con đang tuổi ăn học (một đứa học đại học, một học lớp 8), vợ tôi cũng làm nông, thu nhập không ổn định. Ngày trước, người trong xóm thương gọi đi phụ hồ túc tắc, thu nhập bấp bênh. Nhiều lúc, nhìn các con tuổi ăn tuổi lớn mà sức khỏe mình hạn chế không làm được việc nặng nhọc, tôi rầu lắm! May có dì Năm nhận vô làm, công việc phù hợp với sức khỏe, thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng (cao hơn từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng so với việc phụ hồ). Thêm nữa, dì Năm sống tình cảm, vợ tôi bệnh, con tôi ngã gãy tay, dì hỏi thăm, hỗ trợ tận tình như người thân. Với anh em làm công cũng vậy, rẫy cách trang trại chưa đầy 1km, nhưng để đảm bảo sinh hoạt hàng ngày cho mọi người, dì Năm dành hơn 100m2 đất dựng nhà gỗ khang trang cho công nhân ở. Đáp lại sự chăm lo ấy, tôi cũng như hầu hết anh em ở đây ai cũng cố gắng chu toàn công việc của mình.

 

 

Dì Năm rành rọt từng khóm mía, rẫy sắn - Ảnh: MINH DUYÊN

 

 

Người phụ nữ nghị lực

 

Dì Năm kể: Dì lấy chồng sinh con, đến năm 1974, vùng đất Tây Ninh vẫn chịu cảnh chiến tranh tàn phá, đó là năm dì sinh cô con gái út. Rồi chạy giặc, vợ chồng dì thất lạc nhau từ đó tới nay chưa có tin tức, không biết sống chết thế nào. Hơn 30 tuổi, dì một nách nuôi ba con thơ. Tần tảo làm lụng, dì có được 13ha đất trồng cao su ở Tây Ninh. Nuôi con khôn lớn bằng những giọt mủ cao su, giờ con dì đã có công việc ổn định, yên bề gia thất. Dì cũng không mong ước gì hơn, nghĩ cuộc đời mình thôi thế là có hậu. Nhưng khi tới xã Ea Ly, thấy đất ở đây màu mỡ mà vẫn còn nhiều người nghèo không có việc làm. Thế là tự nhiên dì muốn làm một cái gì đó có ý nghĩa. Dì quyết định bán toàn bộ đất trồng cao su ở Tây Ninh, hùn thêm vốn được 2 tỉ đồng, tới đây mua đất lập nghiệp. Đến năm 2014, dì Năm có gần 60ha. Trong đó, dì trồng keo 20ha, mía 14ha, sắn 10ha, còn lại trồng cao su, đậu đỏ, chuối…

 

Nổi lên giữa bạt ngàn màu xanh là một trang trại khang trang với cổng tường vôi trắng, bên trong ai làm việc nấy, người sửa máy cày chuẩn bị làm mía, người kéo nước tưới những vạt hoa kheo sắc. Tôi dường như không tin vào mắt mình, rằng một người phụ nữ lại có thể lập được trang trại bề thế như vậy chỉ sau 2 năm sinh sống nơi “đất khách quê người”, mà người phụ nữ ấy đã ở tuổi 68. Nhưng khi cùng dì Năm trèo bộ lên những vạt rừng, rẫy sắn, chạy theo bước chân thoăn thoắt, chứng kiến cách điều phối công việc và tính toán minh mẫn của dì rồi tiếp xúc với những người làm, tôi đã hiểu ra vì sao người phụ nữ này lại thành công. Ông Nguyễn Quý Thạch, 63 tuổi, ở thị trấn Phú Thứ (huyện Tây Hòa), làm quản lý cho dì Năm, cho biết: Ở tuổi tôi có ai mướn gì thì làm nấy, chứ không còn đủ nhiệt huyết, minh mẫn để dựng nghiệp nữa. Nhưng dì Năm, người phụ nữ hơn tôi 5 tuổi mà tính toán, sắp xếp công việc đâu ra đấy. Những ngày mới mua đất, dì không trồng cây ngay như mọi người vẫn làm mà dặn công nhân lăn từng hòn đá tảng, nhặt từng viên sỏi, tới khi đất sạch mới cày đất làm cỏ để trồng cây. Ngoài 6 công nhân chính, vào mùa vụ, trang trại phải thuê thêm 10-15 lao động ngoài. Dì Năm lựa người làm chỉ cần mỗi tiêu chí là họ có thiện tâm, còn tuổi tác, sức khỏe, miệng ăn miệng nói thế nào không cần thiết.

 

Để xây dựng trang trại bài bản, dì cho người đào giếng lấy nước tưới cho cây. Dì Năm mua máy múc, máy cày, máy làm cỏ, máy thu hoạch mía… và quy hoạch từng khu theo từng loại cây để cơ giới hóa được thuận lợi. Dì cũng chung tay cùng xã hỗ trợ 70 triệu đồng và nhiều công lao động để làm đường lên rẫy. Với công nhân, dì Năm khuyến khích họ đi học nghề để làm chủ máy móc, vừa có thêm nghề tay trái vừa được nhận lương cao, trang trải cuộc sống gia đình. Lần nào gặp tôi, dì Năm cũng hỏi chú chấm công đầy đủ cho lao động chưa, còn thiếu ai không, làm sổ sớm để trả tiền cho họ có cái gửi về cho gia đình…

 

Dì Năm trân trọng cho tôi xem giấy khen vừa mới được UBND xã Ea Ly tặng vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã, nhân dịp xã Ea Ly đón nhận bằng công nhận xã nông thôn mới năm 2016. Dì Năm nói: Lần đầu tiên, dì được nhận giấy khen của chính quyền đó con. Dì mừng lắm! Thời gian sống ở đây tuy chưa làm được gì nhiều nhưng dì cũng được mọi người yêu mến, được chính quyền ghi nhận và động viên kịp thời. Quyết định gắn bó tới cuối đời với mảnh đất này của dì là chính xác.

 

Theo ông Nguyễn Minh Gia Nho, Chủ tịch UBND xã Ea Ly, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh là điển hình về người phụ nữ giàu nhiệt huyết và nghị lực. Tuy tuổi đã cao nhưng bà vẫn hăng say sản xuất, phát triển kinh tế, đặc biệt sống chan hòa với mọi người và luôn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Xây dựng nông thôn mới rất cần những con người mới như bà để thế hệ sau học theo, làm theo.

 

Lúc đầu gặp dì Năm, tôi cứ băn khoăn, ở tuổi 68, không hiểu người phụ nữ này nghĩ gì mà cầm toàn bộ tài sản của mình từ Tây Ninh tới vùng đất Ea Ly đầu tư làm trang trại, dựng cơ nghiệp. Tới khi cuộc gặp gỡ của tôi và dì kết thúc, trả lời cho những băn khoăn của tôi, dì Năm bảo: Do dì “tham” đất, “tham” người. Mỗi lần nhìn lại quá khứ khó khăn với những hoài bão không có điều kiện thực hiện thì dì lại càng tham hơn ở hiện tại. Dì “tham” những miếng đất bỏ không, không người cày cuốc trong khi nhiều người vẫn đói. Dì “tham” cho những người khó, sức khỏe hạn chế nhưng vẫn muốn lao động tự nuôi sống bản thân mà không có cơ hội. Hai tỉ, năm tỉ hay mười tỉ đồng mình nằm xuống rồi cũng chỉ là tờ giấy nhưng mình đem nó ra phủ xanh những đồi trọc, bắt đất cằn sỏi đá thành gạo, thành vàng đó mới là điều dì muốn.

 

BẠCH VÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hai thanh niên 9x “vác tù và hàng tổng”
Thứ Bảy, 11/03/2017 13:00 CH
Xóm chợ bò
Thứ Bảy, 25/02/2017 10:49 SA
Tiến sĩ Nguyễn Thành Quang, tri và hành
Thứ Sáu, 17/02/2017 13:00 CH
Vượt lên quá khứ lỗi lầm
Thứ Bảy, 14/01/2017 14:00 CH
Chúng tôi muốn gắn bó với Phú Yên
Thứ Ba, 03/01/2017 18:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek