Thứ Sáu, 11/10/2024 15:26 CH
Tiến sĩ Nguyễn Thành Quang, tri và hành (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Bảy, 18/02/2017 11:00 SA

Sau vụ chết hụt đó, tôi bỏ học “xếp bút nghiên” lên đường theo giải phóng. Năm đó tôi bước sang tuổi 16. Tiếp theo là khoảng thời gian dài 10 năm lăn lộn trong môi trường chiến tranh vô cùng gian khổ, ác liệt vào sinh ra tử đôi ba phen.

 

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Quang viết lưu niệm tại lễ khánh thành công trình thủy điện Sông Hinh năm 2001 - Ảnh: MINH KÝ

 

May mắn thay, trong khoảng thời gian 10 năm ấy, có khoảng thời gian ngắn 3 năm là thương binh ra miền Bắc điều trị, an dưỡng và học tập. Tranh thủ khoảng thời gian nghỉ ngơi, tôi học xong chương trình cấp ba (BTVH). Kỳ thi tốt nghiệp năm ấy tôi đạt điểm cao tuyệt đối. Trong khi chờ đợi để thi tuyển và học đại học, thì một lần nữa chiến trường vẫy gọi, tôi được cấp trên điều động về lại miền Nam công tác. Vậy là một lần nữa sự học hành của tôi bị gián đoạn.

 

Dấu ấn đậm nhất trong đời tôi là năm 1983, tôi đang đương nhiệm Chủ tịch huyện trọng điểm lúa Tuy Hòa có vấn đề gặp phải là cửa sông Đà Nông thường xuyên bị bồi lấp gây úng, lụt làm thiệt hại cho hàng vạn hécta lúa. Mỗi lần cửa sông bị bồi lấp, huyện phải huy động hàng ngàn dân công nạo vét, khơi luồng cửa sông. Vấn đề thật nan giải, ngoài tầm hiểu biết của tôi. Tôi viết một bức thư cho ông hiệu trưởng và ban lãnh đạo Trường đại học Thủy lợi trình bày những khó khăn và đề nghị nhà trường giúp đỡ. Một tháng sau, Trường đại học Thủy lợi cử một đoàn thầy và trò của trường đến giúp tôi khảo sát, nghiên cứu, lập phương án chỉnh trị. Từ chỗ cảm tình, tôi đã trở thành “môn đệ” đăng ký dự thi vào học ở khoa tại chức Trường đại học Thủy lợi. 5 năm sau tôi được nhận bằng kỹ sư thủy lợi. Chính nhờ có được những kiến thức chuyên môn về ngành Thủy lợi đã giúp tôi chỉ đạo, trực tiếp tham gia quy hoạch, xây dựng một số công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn Phú Yên hoàn chỉnh như hiện nay”.

 

Với nền tảng kiến thức văn hóa vững chắc và kiến thức thực tế phong phú, từ một cán bộ lãnh đạo, anh Nguyễn Thành Quang đã trở thành một nhà khoa học. Có lần tôi hỏi vui, vậy cơ duyên nào, động cơ nào đã giúp anh học ở bậc trên đại học và anh đã hoàn thành xuất sắc luận án tiến sĩ giàu tính lý luận và thực tiễn. Luận án tiến sĩ của anh vì sao được Hội đồng khoa học của Trường đại học University of Berkley Hoa Kỳ đánh giá cao như vậy?

 

Anh Ba Quang trầm ngâm: “Từ khi nhận trọng trách làm Bí thư Tỉnh ủy (năm 2000), tôi luôn trăn trở một điều là: Với một tỉnh nghèo, kinh tế còn thuần nông, nguồn thu nhập, đời sống của nhân dân còn nghèo như Phú Yên có thể đi lên CNH-HĐH cùng cả nước như Nghị quyết Đại hội IX của Đảng đề ra được không? Đi theo hướng đi nào? Con đường nào? Biện pháp nào? Những câu hỏi ấy luôn làm tôi trăn trở, suy nghĩ mãi. Đảng đề ra đường lối đổi mới, chống quan liêu, bao cấp, duy ý chí, chống thụ động, giáo điều. Muốn tránh duy ý chí, phải tìm ra căn cứ khoa học và thực tiễn.

 

Về mặt tổ chức, vì tôi là một cán bộ lãnh đạo đương chức do Bộ Chính trị quản lý nên tôi báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí trình Bộ Chính trị cho phép. “Cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng chiến lược đưa các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ đi lên CNH-HĐH. Mô hình từ tỉnh Phú Yên” là tên đề tài luận án mà tôi nghiên cứu.

 

Cuối năm 1999, tổng kết 10 năm tái lập tỉnh, báo cáo của Tỉnh ủy có một nhận định rất quan trọng: Sau 10 năm phấn đấu, tỉnh ta đã vượt qua được nạn đói, nhưng số hộ nghèo vẫn còn ở mức cao. Đặc biệt ở 3 huyện miền núi như Sơn Hòa, số hộ đói, nghèo còn trên 60%. Thời điểm ấy, nội tại nền kinh tế chưa có tích lũy nhiều, năng lực quy mô tái đầu tư còn nhỏ lẻ. Mặc dù nền kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn chồng chất, nhưng tình hình chung có thể chuyển sang giai đoạn đưa nền kinh tế phát triển tăng tốc.

 

Quá trình nghiên cứu, phân tích tình hình các mặt trong tỉnh, tôi nhận ra rằng Phú Yên ở thời điểm đó còn khó khăn trăm bề. Những cái mà lâu nay chúng ta coi lợi thế, thế mạnh như: Quốc lộ 1 và đường sắt thống nhất chạy xuyên suốt chiều dài tỉnh từ Bắc tới Nam; quốc lộ 25 và ĐT645 chạy dọc đông tây nối với Tây Nguyên; đường hàng không có sân bay Đông Tác; đường hàng hải có hải cảng Vũng Rô. Thực tế, tất cả chỉ là tiềm năng, thực chất Phú Yên thời đó cô lập như một “ốc đảo”.

 

Đại diện Nhà máy đường KCP mời Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Quang cùng các vị lãnh đạo Phú Yên và phu nhân thăm cơ sở chính ở Ấn Độ - Ảnh: Tư liệu

Vậy giải pháp đầu tiên muốn tạo điều kiện cho Phú Yên phát triển là phải phá cho được thế bị chia cắt, cô lập “ốc đảo”. Kết quả nghiên cứu cho thấy những khả năng khả thi để giải bài toán khó này là: Ở phía bắc cùng với việc mở tuyến quốc lộ 1D (nối Quy Nhơn - Sông Cầu), cần đầu tư mở thêm hầm đường bộ đèo Cù Mông để tăng lưu lượng lưu thông thuận lợi hơn cho phía bắc tỉnh. Ở phía nam, đầu tư mở hầm đường bộ đèo Cả để kết nối phía nam tỉnh với bắc Khánh Hòa nhằm khai thác lợi thế cảng nước sâu Văn Phong, tạo ra tương tác phát triển vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa. Ở phía tây, nâng cấp mở rộng quốc lộ 25 thông thương thuận lợi cho vùng Nam Gia Lai (địa bàn tỉnh Phú Bổn cũ). Đầu tư nâng cấp kết nối với mạng lưới giao thông tỉnh Đắk Lắk hướng mở ra thành trục quốc lộ mới (nay là quốc lộ 29), khẩn trương đầu tư, nâng cấp mở cảng Vũng Rô và sân bay Đông Tác (sân bay Tuy Hòa) để phục vụ đắc lực cho hoạt động kinh tế và giao lưu đối ngoại.

 

Đối với mạng lưới giao thông nội tỉnh phải được chỉ đạo đầu tư đồng bộ, kết nối với hệ thống giao thông vùng và giao thông đối ngoại. Lấy quy hoạch, xây dựng 2 trục chiến lược là trục dọc ven biển (trục động lực) và trục dọc miền Tây làm cơ bản. Kết nối 2 trục cơ bản bằng việc nâng cấp, đầu tư xây dựng các tỉnh lộ từ ĐT641-ĐT649. Đầu tư hệ thống đường huyện, đường xã đồng bộ với chương trình bê tông hóa đường làng, hẻm phố sẽ tạo ra mạng hạ tầng giao thông phát triển phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

 

Nhìn xa hơn một chút, tôi mạnh dạn đề xuất 2 phương án chiến lược mới đó là:

 

- Phương án xây dựng đường sắt cho Tây Nguyên đi dọc theo thung lũng sông Ba. Bởi vì chỉ có hướng đi theo thung lũng sông Ba là nơi có địa hình lý tưởng nhất (không có đèo dốc ngược) thỏa mãn nhu cầu xây dựng tuyến đường sắt hiện đại cho Tây Nguyên.

 

- Phương án chiến lược thứ 2 là xây dựng hệ thống đường ống chuyên tải nhiên liệu cho Tây Nguyên qua thung lũng sông Ba là tuyến công trình ngắn nhất, ít đèo dốc cao, dễ xây dựng nhất.

 

 Hạ tầng điện lực, từ khi có các dự án Thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ, Ea Krông Năng, cùng với hệ thống lưới điện đồng bộ từ 220kV, 110kV, 35kV, 22kV, 0,4kV đã tạo thuận lợi đẩy nhanh mục tiêu điện khí hóa toàn tỉnh. Nhờ quy hoạch và xây dựng hệ thống thủy lợi trong tỉnh tốt, việc cấp nước thỏa mãn nhu cầu phát triển trung và dài hạn của nền kinh tế.

 

Bài toán khó thứ hai là làm gì? Và làm bằng cách nào để đẩy nhanh CNH-HĐH nền kinh tế? Điểm xuất phát của nền kinh tế Phú Yên (ở thời điểm nghiên cứu), nông nghiệp, nông thôn là chủ yếu, (nông dân chiếm 90%). Nền kinh tế độc canh cây lúa nước. Nhưng dù cây lúa có tầm quan trọng đến đâu, cũng không thể đi lên làm giàu bằng cây lúa độc canh. Phú Yên muốn làm giàu thì phải đẩy nhanh tiến trình CNH-HĐH, đó là con đường tất yếu. Nhưng con đường công nghiệp hóa của Việt Nam nói chung trong đó có Phú Yên nói riêng là không thể đi theo con đường của châu Âu mà phải tìm con đường riêng.

 

Con đường riêng của Phú Yên được chọn lựa, đề xuất là: Vừa xây dựng khu công nghiệp tập trung nhằm thu hút đầu tư của những nhà đầu tư có nguồn vốn lớn, kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại. Các khu công nghiệp tập trung được bố trí ở địa bàn ven biển nằm dọc theo trục giao thông động lực, tiện lợi cho việc vận chuyển xuất, nhập hàng hóa cho nhà đầu tư, lại có lợi thế là sử dụng quỹ đất cát không san lấp đất ruộng. Các cụm công nghiệp phân tán ở nông thôn lấy mục tiêu gắn kết nông - công nghiệp, giải quyết công ăn việc làm tại chỗ “ly nông, không ly hương”, nhằm tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm chế biến sâu từ nông nghiệp. Chính những cụm công nghiệp này là đầu tàu thúc đẩy CNH-HĐH nông thôn. Bên cạnh đó, có chính sách khuyến khích mở rộng xây dựng làng nghề thủ công, mỹ nghệ, các xưởng gia công, chế biến đưa việc làm về nông thôn.

 

Sự thành công của việc vận động, tổ chức di dời Nhà máy đường KCP Ấn Độ từ tỉnh Thừa Thiên - Huế về Sơn Hòa đã tạo ra một hình mẫu liên kết phát triển nông - công nghiệp bền vững. Đời sống, thu nhập của dân cư trong vùng được nâng cao không ngừng. Bài toán khó thứ ba là nguồn lực ở đâu? Làm thế nào để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển? Đương nhiên đây là bài toán khó, câu trả lời không thể chỉ tìm từ trong giỏ ngân sách của tỉnh hoặc trong túi của người dân Phú Yên mà phải có cách làm năng động, sáng tạo. Thực tiễn có rất nhiều cách huy động vốn, nguồn lực, rất sáng tạo và thành công. Lấy ví dụ từ tỉnh Phú Yên, khi triển khai thực hiện quy hoạch đầu tư trục dọc ven biển (đoạn từ TP Tuy Hòa với Vũng Rô), thực tế lúc ấy tỉnh không có kinh phí. Nếu đầu tư cả gói một dự án phải có hàng ngàn tỉ đồng, khả năng tỉnh không thể có đủ tiền đầu tư. “Cái khó ló cái khôn”, chia dự án lớn thành nhiều dự án để thực hiện. Dự án đường Hùng Vương qua TP Tuy Hòa xin Chính phủ đầu tư bằng nguồn đổi đất lấy hạ tầng. Dự án thứ 2 từ cầu Đà Nông đến cảng Vũng Rô xin chủ trương Chính phủ đầu tư, từ nguồn quốc phòng, biển đảo. Phần còn lại từ cầu Hùng Vương đến cầu Đà Nông được đầu tư bằng nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ. Kết quả cuối cùng là dự án đã được đầu tư thành công.

 

Đối với kênh vốn ODA, FDI cũng cần có cách làm năng động. Trước hết cần chuẩn bị dự án cho thật tốt, đồng thời làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về môi trường, chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp và du lịch. Mặc dù trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, nhưng Phú Yên là tỉnh mở trang thông tin điện tử quảng bá đầu tư, đồng thời ban hành cuốn sách 100 câu hỏi và đáp về chính sách đầu tư (song ngữ Việt - Anh) sớm nhất. Kết quả là nhiều nhà đầu tư thông qua trang thông tin điện tử đã tìm đến Phú Yên.

 

Đầu tư đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển (bao gồm nguồn nhân lực cao cấp đáp ứng cho yêu cầu quản lý, các chuyên viên, chuyên gia kỹ thuật và lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho từng dự án) phải được chú trọng, quan tâm chỉ đạo, cập nhật thường xuyên. Một vấn đề không kém phần quan trọng, nhiều khi nó liên quan đến sự thành bại của một chủ trương, đó là việc chăm lo xây dựng bộ máy công quyền hiệu quả, đội ngũ công chức mẫn cán, liêm chính, trách nhiệm.

 

Sau 5 năm miệt mài lao động học tập, bằng con đường vừa làm vừa học, tự nghiên cứu, đi thực tế, đọc sách kinh điển, sách kỹ thuật chuyên ngành, học tiếng Anh với người bản xứ tại Úc, được các giáo sư nổi tiếng trong và ngoài nước dày công hướng dẫn, kết quả cuối cùng tôi đã bảo vệ thành công luận án. Vinh dự và hạnh phúc lớn nhất mà tôi nhận được không phải chỉ ở tấm bằng tiến sĩ, mà lớn lao hơn, hạnh phúc hơn là được nhìn thấy những kết quả nghiên cứu của mình được thực thi trên quê hương Phú Yên yêu dấu.

 

Bằng tư duy khoa học và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, luận án tiến sĩ của anh Nguyễn Thành Quang đã đúc kết những mặt mạnh, mặt yếu, những thành công cũng như thất bại của quá khứ để phát huy tiềm năng và lợi thế, đưa ra định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Yên. Luận án tiến sĩ của anh đã xác định những lĩnh vực ưu tiên phát triển của tỉnh Phú Yên, đề xuất những chính sách thu hút và huy động nguồn lực cho sự phát triển.

 

Dấu ấn đóng góp của nhà chính trị, nhà khoa học (chuyên ngành quản lý xã hội) Nguyễn Thành Quang trong dòng chảy thời đổi mới và hội nhập của tỉnh Phú Yên là dễ biết, dễ thấy.

 

Thực tiễn Phú Yên trong thập niên đầu thế kỷ XXI đã in đậm dấu ấn đóng góp của anh, với sự hình thành 3 khu công nghiệp, xây dựng đường Hùng Vương theo phương thức sáng tạo bán đất xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành trục đường xương sống tạo động lực phát triển bền vững cho thành phố trẻ Tuy Hòa; nâng cấp TX Tuy Hòa lên thành phố. Anh nhiệt thành động viên cổ vũ các nhà đầu tư, là “bà đỡ” mát tay hình thành các cơ sở du lịch đầy ấn tượng đẳng cấp 5 sao như Khu du lịch Sao Việt, Khu du lịch sinh thái Thuận Thảo, Khu du lịch Bãi Tràm… Đặc biệt, nhà chính trị, nhà khoa học Nguyễn Thành Quang rất chú tâm xây dựng hạ tầng nông thôn (điện, đường, trường, trạm), nhất là hạ tầng giao thông ở nông thôn, miền núi và bê tông hóa giao thông nông thôn, tạo một bức tranh nông thôn mới đầy khởi sắc.

 

Chúng tôi, thế hệ đàn em rất tự hào về anh cùng các bậc tiền bối và đàn anh lớp trước. Trong một lần cùng anh tham dự một hội thảo khoa học ở Thái Lan do Viện Nghiên cứu Phương Đông tổ chức (anh là Ủy viên Hội đồng khoa học của viện), anh đã tâm tình: “Biển học là vô bờ. Tri thức không có giới hạn. Mỗi người phải xác định mình học để làm gì, để có định hướng đúng. Bể học mênh mông nhưng luận văn tiến sĩ luôn đi vào những cụ thể rất hẹp và phải kiến giải những vấn đề ấy một cách sâu rộng. Phải kiên trì, nỗ lực, vượt qua mọi rào cản để tiếp cận chân lý, tiếp cận thấu đáo hướng nghiên cứu để đi đến thành công. Con đường học vấn và tiếp cận tri thức của tôi không suôn sẻ do nhiều yếu tố khách quan. Nhưng nhờ nỗ lực vượt qua mọi trở lực, tôi đã hoàn thành ước mơ được học hành đến nơi đến chốn, bất chấp tuổi tác. Tôi luôn tự hào là đã dốc trọn tâm huyết phụng sự quê hương, đất nước”.

 

Trong dòng chảy lịch sử Phú Yên thời xây dựng đất nước vẫn còn mãi dấu ấn TS Nguyễn Thành Quang.

 

PHAN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek