Thứ Sáu, 11/10/2024 15:31 CH
Tiến sĩ Nguyễn Thành Quang, tri và hành
Thứ Sáu, 17/02/2017 13:00 CH

TS Nguyễn Thành Quang, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trí thức Phú Yên - Ảnh: PHAN THANH

Là Chủ tịch Hội Sinh viên - Cựu học sinh trung học Phú Yên (1998 - 2015), anh Nguyễn Thành Quang có nhiều đóng góp trong việc duy trì hoạt động của Hội, kết nối nhiều tấm lòng và là một trong những vị lãnh đạo chủ chốt của tỉnh dành sự quan tâm đặc biệt đến việc hình thành và phát triển Trường Duy Tân - cơ sở giáo dục độc đáo của Hội Cựu Học sinh - Sinh viên Phú Yên.

 

TS Nguyễn Thành Quang là một trong những Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên để lại dấu ấn sâu sắc thời đổi mới và hội nhập của quê hương Phú Yên. Do hoàn cảnh nên con đường vươn lên đỉnh cao tri thức của anh không suôn sẻ, nhưng bằng nỗ lực của bản thân, từ một cán bộ lãnh đạo chính trị anh đã trở thành nhà khoa học quản lý, có những đóng góp cho quê hương.

 

Lần đầu tiên tôi gặp anh Nguyễn Thành Quang tại hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Khánh vào năm 1982 ở TP Nha Trang. Lúc đó, anh là Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBND huyện Tuy Hòa. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi khi anh được giới thiệu bước lên bục phát biểu là hình dáng một đàn anh thư sinh, lại quá trẻ (sau này tôi mới biết anh là chủ tịch UBND huyện trẻ nhất nước thời điểm ấy). Thú thật, trong thâm tâm tôi nghĩ anh là “nông dân cày đường nhựa” vì cảm nhận bên ngoài tôi thấy anh có vóc dáng như công tử Bạc Liêu bên cạnh đa số các bậc “lão nông tri điền”. Nhưng khi bắt đầu nghe anh diễn thuyết, tôi cảm nhận trong anh có một hấp lực cuốn hút mọi người. Với chất giọng ấm áp, truyền cảm, mạch lạc, khúc chiết, cả hội trường im lặng, chú ý nghe bài phát biểu của anh. Tôi ngạc nhiên và có cách nhìn nhận sâu hơn về bậc đàn anh kính mến này. Anh không những có tài diễn thuyết mà còn có vốn kiến thức hiểu biết khá sâu về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

 

Ấn tượng nữa là sau khi kết thúc hội nghị, anh dẫn đầu đoàn đại biểu huyện Tuy Hòa cưỡi một đàn 10 con “trâu sắt” (máy cày, phần thưởng của tỉnh trao tặng cho các HTXNN huyện Tuy Hòa) ra về trong sự hoan hỉ chào đón của mọi người.

 

Năm 1985, anh được cấp trên điều động, phân công giữ chức Ủy viên thư ký (Ủy viên thường trực) UBND tỉnh Phú Khánh, khi đó tôi với chức danh thư ký vụ, chuyên trách khối văn xã, cũng như suốt thời gian sau đó làm việc ở Báo Phú Khánh, Báo Phú Yên, tôi có dịp gần gũi, tiếp cận nhiều thông tin và hiểu biết nhiều về anh.

 

Tôi thật sự cảm mến và khâm phục tinh thần hiếu học của anh. Đặc biệt là thầy tôi - GS Hoàng Đức Đạt - hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Tổng hợp Huế, có người vợ học cùng lớp với anh trên đất Bắc và nhà báo đàn anh - thương binh Võ Hoài Thu (cây bút kỳ cựu, tài hoa của làng báo Phú Khánh) bạn học của anh những năm cấp 3 ở miền Bắc, đều khâm phục tinh thần hiếu học của anh - một thương binh đã từng lăn lộn ở chiến trường Phú Yên trong chống Mỹ. Trò chuyện với anh mới biết đằng sau một con người có vẻ thầm lặng là cả một cuộc đời đầy gian nguy, bão tố mà anh đã vượt qua.

 

Chủ tịch UBND huyện Tuy Hòa Nguyễn Thành Quang, năm 1982 - Ảnh: VŨ HOÀI

Anh kể: Tôi sinh ra ở một làng quê hẻo lánh thuộc xứ Đồng Cọ, nơi “nắng lửa, mưa dầu” (mùa khô thì nắng nóng như đổ lửa trên những cánh đồng đất cày khô. Mùa mưa thì lầy lội, trơn trượt như đổ dầu nhờn). Thời kháng chiến mọi người hay nói đùa “quần đùi 120, quần dài 80”. Đời sống dân cư không đói nhưng còn nghèo lắm. Quanh năm đầu tắt mặt tối, quần quật với ruộng đồng, trên 90% người dân mù chữ. Năm tôi lên 6 tuổi, gia đình gặp biến cố lớn. Vào một đêm gió mưa tầm tã, gia đình tôi đang quây quần bên mâm cơm thì bỗng nhiên có 3 lính dân vệ xông vào nhà đưa lệnh của cảnh sát xã gọi ba tôi đi ra xã “trình diện”. Thế là không kịp ăn tối, ba tôi đành bước ra sân dưới trời mưa tầm tã. Cả nhà đợi mãi, suốt đêm, không thấy ba tôi về. Sáng ra, má tôi dỡ cơm mang ra xã cho ba tôi với hy vọng ba tôi vẫn còn bị giam ở đó. Nhưng khi thấy má tôi thì 1 trong 3 người lính tối qua đến nhà tôi dẫn giải ba tôi đi nói rằng tối hôm qua sau khi trình diện xong tụi tôi đã cho ông về liền chớ giữ làm gì mà chị hỏi. Người lính dân vệ này còn bâng quơ “coi chừng ổng trốn theo cộng sản rồi!”. Liên tiếp những ngày sau đó, cả họ nhà tôi chia nhau đi tìm, nhưng vẫn bặt vô âm tín. Ngày từng ngày trôi qua, 3 ngày, rồi 7 ngày trôi qua, trời vẫn mưa, nước ngập trắng đồng. Gia đình tôi vẫn khắc khoải chờ đợi trong vô vọng. Bọn hội đồng xã nằm ở trụ sở thôn ăn nhậu, hí hửng chờ trời dứt mưa là đến tịch biên tài sản gia đình tôi với lý do là ba tôi trốn theo cộng sản. Thật phước đức cho gia đình, một tốp tiều phu vớt củi trên sông phát hiện một xác chết trôi trên sông, họ nghe tin gia đình tôi mất người thân đang đi tìm, họ đến báo tin. Nhờ sự chỉ dẫn của các tiều phu, gia đình tôi tìm được thi thể của ba tôi và thi thể của một thanh niên cốt cán trong làng cùng bị mất tích trong đêm chúng bắt ba tôi. Sự việc bại lộ, bọn hội đồng tiu nghỉu lặng lẽ rút lui.

 

Trong những năm tháng sau Hiệp định Genever, bọn Mỹ - Diệm thực hiện chính sách tố cộng, diệt cộng vô cùng gắt gao và tàn độc. Vụ chúng giết hại ba tôi bằng biện pháp bắt cầm tù, tha về, sau đó cho mật vụ theo dõi nếu thấy còn hoạt động cộng sản thì bí mật thủ tiêu rồi vu khống họ trốn theo cộng sản. Xét về bản chất giết người tàn bạo thì vụ chúng giết ba tôi bằng biện pháp đâm chém, mổ bụng, gắn đá dìm thi thể xuống vực sâu để phi tang là một vụ điển hình chứng cứ tội ác của Mỹ - Diệm. Từ đó, má tôi từ một thiếu phụ chỉ biết công việc nội trợ, trở thành lao động chính, tần tảo nuôi 5 đứa con (3 đứa ngoài đời và 2 đứa song sinh còn trong bụng mẹ).

 

Năm tôi lên 7, tuổi vào lớp năm (lớp 1), má tôi quyết tâm cho tôi đi học nhưng nghiệt nỗi trong làng chưa có trường. Trường học ở tận cây Da Heo (thôn Phú Nhiêu) cách nhà 6-7 cây số. Đường đến trường phải qua sông, lội suối, men theo bờ ruộng, băng đồng. Lần đầu má tôi dẫn tôi đến trường, sau đó má đưa tôi qua bến sông rồi tôi tự đi. Lúc về má ra chờ tôi tại bến sông vì sông sâu nguy hiểm. Cực nhất là mùa mưa, qua sông, qua suối phải nhờ đò, có bữa đường lầy trơn trượt té xuống ruộng, tới lớp quần áo, sách vở đều ướt sũng. Cô giáo thấy vậy, cảm thông hoàn cảnh của tôi, cô không rầy la mà còn giúp tôi hong khô sách vở. Những năm sau đó má tôi phải đi nhờ hết nhà người bà con này đến nhà bà con khác cho tôi ở trọ. Cứ thế, lay lất qua 5 năm, tới lớp nhất (lớp 5), kỳ thi lấy bằng tiểu học, tôi đậu hạng nhất. Ngày tổng kết niên khóa tiểu học tôi được ông hiệu trưởng trao “Văn bằng tiểu học” và nhiều phần thưởng. Tôi mang về nhà khoe với mọi người, má tôi vui lắm. Hôm sau, má đi chợ mua một cái đầu heo về cúng mừng.

 

Thấy tôi học giỏi lại có chí tiến thủ nên nhiều người động viên má nên cho tôi đi học để lấy bằng tú tài.

 

Sau nhiều đêm suy nghĩ, má tôi quyết định cho tôi đi học tiếp. Từ nhà quê lên tỉnh thi tuyển vào Trường Nguyễn Huệ (trường công lập duy nhất của tỉnh Phú Yên lúc bấy giờ) là thử thách mới với tôi, nhưng mọi khó khăn tôi đều vượt qua. Kỳ thi tuyển sinh vào đệ thất (lớp 6) năm ấy, cả xã chỉ có một mình tôi ứng thí.

Tôi thi đậu vào đệ thất là món quà tinh thần đền đáp công ơn dâng lên má tôi. Tiếp tục chặng đường dồi mài kinh sử tưởng chừng như suôn sẻ, nào ngờ biến cố lại ập đến, chuyển hướng cuộc đời tôi sang một ngã rẽ.

 

Kỳ nghỉ hè năm 1965, tôi ở nhà phụ giúp việc đồng áng cho má tôi. Đang giữa mùa cấy, hôm ấy là ngày Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch), trên thửa ruộng mạ có khoảng 9-10 người vừa nhổ mạ, vừa chuyện trò vui vẻ. Đến khoảng nửa buổi chiều, mọi người đang nghỉ giải lao, uống nước trà, tán gẫu thì bỗng có tiếng súng nổ liên thanh như rang cốm. Tiếng đạn bay chéo chéo qua đầu, mọi người nấp xuống bờ ruộng để tránh đạn. Bỗng có tiếng hô lớn: Chạy mau chớ lính càn tới! Thế là một số người trẻ, khỏe đều bỏ chạy, chỉ còn lại người già, phụ nữ, trẻ em. Súng vẫn nổ lác đác, bọn lính ập đến bắt chúng tôi gồm 4 người lớn là đàn ông và tôi, còn má tôi và những người phụ nữ chúng thả về.

 

Bọn lính áp giải chúng tôi đến chỗ tên chỉ huy. Tại đây, một tên lính nói: Thưa thiếu úy, bọn em chỉ bắt được những người này. Tên chỉ huy bước tới gần sát chỗ chúng tôi. Hắn ra lệnh cho mấy tên lính đứng bên cạnh chúng tôi, xét hỏi. Mấy tên lính hất hàm về phía chúng tôi nói: Cởi áo ra. Một tiếng dạ, mọi người mở nút áo. Tên lính chỉ tay vào tôi bảo: Mày khỏi cởi. Một tên lính bước đến chỉ vào 4 người lớn và hô: Quỳ xuống. Hắn bước đến sờ tay vào vai, vào lưng của từng người một. Hắn lại hô đứng lên, 4 người đứng lên. Sau đó hắn cúi xuống xem từng bàn chân của từng người, rồi đứng lên, quay mặt về phía tên chỉ huy giơ tay chào và nói: Báo cáo thiếu úy, không tìm thấy dấu mang ba lô và dấu dép cao su trên người bọn chúng.

 

Tên chỉ huy chỉ tay vào người đàn ông đứng ở ngoài cùng, hỏi: Mày có thấy cộng sản không? Dạ thưa bác không thấy ạ! Hắn phất tay ra hiệu cho lính áp giải người ấy ra khỏi hàng và ra hiệu bằng cách giơ bàn tay cứa ngang cổ. Cũng câu hỏi như vậy, cách hành xử như vậy cho 3 người còn lại. Mặc cho nạn nhân khóc lóc, van xin, bọn chúng cứ đè xuống và dùng lưỡi lê cắt đầu từng người một. Tôi hãi hùng, hồn phách bay lên mây khi phải chứng kiến cảnh giết người man rợ như vậy!

 

Tên thiếu úy quay sang tôi. Hắn hất hàm và hỏi: Còn mày, nhóc, có thấy cộng sản không? Ý nghĩ thoáng qua trong đầu 4 người kia nói không thấy cộng sản, họ đều bị giết. Tôi trả lời:

 

- Dạ thấy.

 

Hắn hỏi tiếp:

 

- Chúng ở đâu.

 

- Dạ, con thấy mấy ổng mới chạy qua chỗ đằng kia, mấy bác tới muộn quá mấy ổng chạy vào núi rồi. Tôi giơ tay chỉ vào hướng núi. Hắn chửi thề:

 

- Đ.m... giỏi, mày thông minh lắm, may hồn mày đó. Hắn tát tôi một cái tát tai thật mạnh làm tôi hoa mắt, choáng váng. Hắn hất hàm về phía tôi hỏi:

 

- Nhà mày ở đâu?

 

- Dạ, ở kia ạ. Hắn nói gằn giọng: Về nhà mau.

 

- Dạ.

 

Tôi ba chân bốn cẳng, chạy như người không hồn. Về tới nhà tôi ngất xỉu, cả nhà tưởng rằng tôi trúng gió tập trung bôi dầu, xoa bóp, hồi sau tôi tỉnh dậy. Trong người tôi vẫn còn run lẩy bẩy vì khiếp sợ. Tôi nói như trong cơn mê: Tàn ác quá, họ cắt đầu tất cả 4 người, xỏ xâu mang đi rồi. Cả tháng trời tôi sống với nỗi ám ảnh, ác mộng.

 

(Còn nữa)

 

PHAN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek