Thứ Hai, 14/10/2024 19:23 CH
Về làng bắn nỏ ở Sơn Hội
Thứ Năm, 05/05/2016 14:00 CH

Thôn Tân Thuận (xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa) được nhiều người biết đến là nơi quy tụ những tay bắn nỏ thiện xạ bậc nhất tỉnh Phú Yên. Ở vùng đất này, cây nỏ không chỉ là vật dụng truyền đời của người Chăm mà còn góp phần vào công cuộc chống giặc ngoại xâm. Qua bao thời gian, cây nỏ vẫn hiện hữu trong từng gia đình Chăm ở Tân Thuận như một vật dụng không thể thiếu...

 

Già làng Ma Thanh hướng dẫn lớp trẻ ở thôn Tân Thuận cách làm nỏ - Ảnh: N.HUY

Thôn Tân Thuận có 46 hộ gia đình người Chăm đang sinh sống. Điều đặc biệt là phần lớn cư dân ở đây biết sử dụng nỏ và hầu như nhà nào cũng có loại vật dụng này. Thanh niên từ 18-20 tuổi đều được già làng và những người đi trước truyền lại kinh nghiệm về cách làm và bắn nỏ.

 

CÂY NỎ CHỐNG GIẶC NGOẠI XÂM

 

Ma Thanh, già làng thôn Tân Thuận, là một trong những người đã chứng kiến bao thăng trầm của vùng đất Sơn Hội. Ngày trẻ, như bao chàng trai, cô gái nơi này, Ma Thanh luôn đau đáu với câu hỏi: Làm thế nào để đất nước sớm thống nhất, hòa bình đến với người dân? Năm 1959, Ma Thanh tham gia cách mạng. Những ngày đầu tiên, người đàn ông sinh năm 1935 này tham gia đơn vị lực lượng vũ trang C2, thuộc Huyện đội miền Tây với nhiệm vụ làm tiêu hao sinh lực địch. Trong trận đánh Suối Tràu năm 1960, Ma Thanh cùng với lực lượng bí mật của Huyện đội miền Tây chặn đánh thành công một đơn vị lính Mỹ. Điều đáng nói là vũ khí mà Ma Thanh và đồng đội của ông sử dụng chỉ là nỏ và chông. “Hồi đó chưa được trang bị vũ khí hiện đại, lực lượng vũ trang tại địa phương được huy động sử dụng vũ khí truyền thống của người Chăm. Tôi là một trong hai người được giao nhiệm vụ dùng nỏ giết giặc. Từ nhỏ đã quen với cây nỏ nên tôi biết cách sử dụng nó như thế nào cho chính xác. Tuy không giết được giặc Mỹ ngay, nhưng mũi tên tẩm độc đã đi xuyên qua lớp áo bảo vệ của tên lính Mỹ và làm hắn bị thương nặng. Quan trọng hơn, trận đánh Suối Tràu đã thành công và làm giặc hoảng sợ”, Ma Thanh nhớ lại.

 

Những năm sau đó, dù được trang bị súng khi làm nhiệm vụ, nhưng kỷ niệm về việc dùng nỏ để giết giặc Mỹ vẫn in đậm trong ký ức của Ma Thanh. “Đó là lần đầu tiên tôi đối mặt với giặc Mỹ. Trong tay chỉ có vũ khí thô sơ, nhưng lòng căm thù giặc đã giúp tôi có thêm sức mạnh để đối đầu với những người được trang bị vũ khí hiện đại. Tôi càng tự hào hơn khi đó là thứ vũ khí gắn liền với truyền thống người dân tộc Chăm, là vật không thể thiếu trong nhà của chúng tôi cả thời chiến lẫn thời bình”, già làng Ma Thanh nói. Năm 2015, ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhì.

 

Trong lịch sử, cây nỏ gắn liền với những phong trào đấu tranh chống giặc ngoại xâm hào hùng của vùng đất miền Tây Phú Yên. Theo tài liệu của Đảng bộ xã Sơn Hội, vào những năm 30 thế kỷ trước, khắp vùng Trường Sơn - Tây Nguyên đã dấy lên phong trào chống thực dân Pháp. Ông Săm Brăm, một người có uy tín ở Sơn Hội, đứng ra khởi xướng phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp thu hút đồng bào Chăm, Ba Na ở Sơn Hội tham gia. Vào thời điểm đó, trai làng thường đến nhà sàn 9 gian, dài đến 25m, rộng 8m của Săm Brăm để tập luyện bắn nỏ, ném lao, tiêu diệt kẻ thù. Người có kinh nghiệm thì hướng dẫn cho người ít kinh nghiệm. Những tay thiện xạ bắn nỏ đã xuất hiện, gây nhiều thiệt hại cho thực dân Pháp. Phong trào lớn mạnh, thực dân Pháp tìm mọi cách để đàn áp và khủng bố.

 

Năm 1936, Săm Brăm bị Pháp bắt giam ở đồn Trà Kê rồi đưa vào nhà lao Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Thời gian sau đó, phong trào không còn nữa, nhưng nhiều người dân tộc Chăm ở xã Sơn Hội vẫn xem đây là một trong những phong trào thể hiện tinh thần yêu nước ngoan cường, góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sau này.

 

THƯƠNG HIỆU CÂY NỎ TÂN THUẬN

 

Già làng Ma Thanh không nhớ rõ vì sao cây nỏ xuất hiện trong gia đình mình, chỉ biết rằng đây là vật dụng không thể thiếu của cha ông để lại. Đó không chỉ là vũ khí chống giặc ngoại xâm trong thời chiến, tự vệ trước những loài thú dữ ở núi rừng, mà còn có ý nghĩa về truyền thống của người Chăm ở Sơn Hội.

 

Nỏ của người Chăm về cơ bản giống với nỏ của nhiều dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Tuy nhiên, dụng cụ này vẫn có những nét riêng tạo nên thương hiệu nỏ Tân Thuận. Theo già làng Ma Thanh, để làm ra cây nỏ, người Chăm ở thôn Tân Thuận phải vào tận rừng sâu để tìm ra những loại gỗ phù hợp. Bộ phận quan trọng nhất là cánh nỏ. Đây là bộ phận quyết định đến lực bắn và độ chính xác của cây nỏ. Theo kinh nghiệm của người Chăm ở Tân Thuận, cánh nỏ phải được làm từ lõi cây bứa rừng. Khác với các loại gỗ khác, gỗ bứa khi làm cánh nỏ không bị cong và có độ vênh khi sử dụng một thời gian. Tiếp đến là thân nỏ, người Chăm ở Sơn Hội thường dùng cây lồng mứt để làm bộ phận này, sau đó tạo rãnh để đặt mũi tên và tạo cò nỏ (chốt bắn). Dây nỏ và mũi tên được làm từ cây mò o trên các cánh rừng ở xã Sơn Hội. Để hoàn thành cây nỏ, người làm phải buộc thêm sợi dây gắm vào dây nỏ (nơi tiếp xúc với mũi tên) và thêm 2 miếng lá dày ở phần đuôi để mũi tên bay chính xác khi bắn.

 

Đó là công thức cơ bản để tạo ra cây nỏ hoàn chỉnh của người dân tộc Chăm ở Sơn Hội. Tuy nhiên, để làm chủ loại vũ khí này và bắn chính xác, ngoài thời gian tập luyện, người sử dụng phải hiểu rõ cây nỏ do mình làm ra, từ đó điều chỉnh động tác và cách bắn phù hợp để phát huy được sức mạnh của cây nỏ. Đó cũng là yếu tố quan trọng của một tay thiện xạ về bắn nỏ.

 

Ở tuổi bát tuần, Ma Thanh không còn đủ sức khỏe để kéo dây nỏ, gài mũi tên, nhưng ông có thể hài lòng khi thế hệ con cháu của mình như Y Những, KSiêu Nhân, Ma Trường và Sô Vân đã tiếp nối truyền thống cha ông, trở thành những thiện xạ bắn nỏ bậc nhất tỉnh Phú Yên trong nhiều năm qua.

 

“Không chỉ tôi, thanh niên ở Tân Thuận ai cũng có ý thức giữ gìn cây nỏ. Đây là vật dụng phòng vệ trong những chuyến lên rẫy dài ngày và là nét truyền thống của người dân tộc chúng tôi”, Y Những cho biết.

 

Tại những Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Sơn Hòa, khi các xạ thủ đến từ xã Sơn Hội (mà đại diện là những người đến từ thôn Tân Thuận) ngắm bắn, người ta đã biết trước ai sẽ là người giành chiến thắng. Xã Sơn Hội gần như “thâu tóm” những giải thưởng của môn bắn nỏ. Tương tự ở cấp tỉnh, tên tuổi của Y Những, KSiêu Nhân, Ma Trường, Sô Vân nổi như cồn khi thi thố các nội dung bắn nỏ với xạ thủ ở các huyện miền núi khác. Ở giải toàn quốc, những người con của núi rừng Sơn Hòa đã không ít lần vinh danh cho Phú Yên. Đỉnh cao là vào năm 2003, tại Hội thi Thể thao dân tộc Chăm toàn quốc tại Ninh Thuận, Y Những đã gây tiếng vang khi giành 2 HCV các nội dung đứng bắn, quỳ bắn. Cùng với Sô Vân, KSiêu Nhân, Y Những một lần nữa đoạt HCV ở nội dung đồng đội tại giải đấu năm ấy, mang về giải nhất toàn đoàn cho đoàn thể thao dân tộc Chăm Phú Yên trong sự khâm phục của nhiều đoàn khác.

 

Từ đó đến nay, mỗi khi được Phòng Nghiệp vụ TDTT, Sở VH-TT-DL triệu tập tham gia các giải thể thao dân tộc toàn quốc, những người con của vùng đất Sơn Hội đều đặn mang huy chương về cho Phú Yên. Đó là những thành tích mà không phải ai cũng có thể đạt được và cũng là thương hiệu của những thiện xạ đến từ vùng đất Tân Thuận.

 

Ông Nguyễn Tư Sĩ, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sơn Hòa, cho biết: “Hàng năm, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đều tổ chức các giải thể thao truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện và xã Sơn Hội luôn phát huy thế mạnh của mình ở môn bắn nỏ. Hy vọng rằng, cộng đồng người Chăm ở Sơn Hội luôn lưu giữ loại hình văn hóa này, góp phần tạo thêm sắc màu cho các dân tộc trên địa bàn huyện Sơn Hòa và tỉnh Phú Yên”.

 

Rời làng bắn nỏ thôn Tân Thuận khi mặt trời xuống núi, chúng tôi có thêm niềm tin rằng, cộng đồng dân tộc Chăm tại Sơn Hội sẽ tiếp tục lưu giữ cây nỏ như một nét văn hóa đặc sắc có từ xa xưa. Theo lời bà Trương Thị Bích Liên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Hội, chắc chắn trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ đưa môn bắn nỏ vào giải thể thao dân tộc ở xã Sơn Hội. Đó là cách để giúp những thế hệ sau hiểu được giá trị của cây nỏ trong đời sống và văn hóa của người Chăm ở huyện Sơn Hòa.

 

Ông Lê Thế Vịnh, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Văn hóa, Sở VH-TT-DL Phú Yên, cho biết: “Trước đây, người dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi không lạ gì cây nỏ. Nhưng cùng với thời gian, hiện nay không phải buôn làng nào cũng lưu giữ vật dụng này. Việc thôn Tân Thuận vẫn còn nhiều nghệ nhân, người sử dụng và bảo tồn khá tốt loại hình này là điều rất đáng quý. Hy vọng rằng trong thời gian tới, chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chuyên môn tạo ra nhiều sân chơi và có những cách để truyền dạy cho các thế hệ sau hiểu được nét văn hóa độc đáo này”.

 

NHẬT HUY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Trả lại tên cho đồng đội
Thứ Ba, 03/05/2016 08:00 SA
Cựu binh kiên cường bám biển
Thứ Hai, 02/05/2016 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek