Thứ Năm, 18/04/2024 18:53 CH
Những bước tiến dài của giáo dục miền núi Phú Yên:
BÀI 1: Những gam màu sáng
Thứ Ba, 17/11/2015 07:47 SA

Ngược lên các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân khi Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) đang đến gần, chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ của giáo dục nơi đây, chúng tôi càng tin tưởng vào sức bật của những vùng đất này trong tương lai khi nguồn nhân lực địa phương được đầu tư đào tạo ngày càng bài bản và có chiến lược.

 

 

Đồng chí Trần Quang Nhất đến thăm Trường mầm non Phong Lan (huyện Đồng Xuân) - Ảnh: H.MY

 

 

BÀI 1: Những gam màu sáng

 

Mạng lưới trường lớp được mở rộng, cơ sở vật chất dạy học ngày càng khang trang, những thầy cô giáo không quản ngại vất vả, vượt khó mang con chữ đến cho học trò... Bức tranh giáo dục miền núi Phú Yên đang dần sáng với những gam màu tươi hồng.

 

NIỀM VUI TRONG NHỮNG NGÔI TRƯỜNG MỚI

 

Năm học 2015-2016, ba huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân có 121 trường học (39 trường mầm non, 41 trường tiểu học, 33 trường THCS, 8 trường THPT). Các địa phương này có gần 800 phòng học kiên cố và hơn 350 phòng học bán kiên cố; hơn 38.000 học sinh các cấp, trong đó gần 10.000 học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số.  

(Sở GD-ĐT Phú Yên)

Trở lại Trường mầm non Sơn Hà (huyện Sơn Hòa) vào đầu năm học 2015-2016, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước thay đổi của ngôi trường này. Nhìn cảnh cô trò sôi nổi dạy học trong những phòng học kiên cố, khang trang, tươi màu sơn mới, lòng chúng tôi khấp khởi mừng vui. Mới khoảng sáu năm trước, trường còn là một vùng đất trũng, mỗi lần mùa mưa bão đến, sân trường ngập nước lênh láng, các phòng học ẩm thấp, chật chội.

 

Theo cô Vũ Thị Ái Liêm, giáo viên có hơn 22 năm gắn bó với ngôi trường này, trường được thành lập trên cơ sở tách từ Trường mầm non, tiểu học Sơn Hà 1 nên cơ sở vật chất rất thiếu thốn. Có giai đoạn vì thiếu phòng học, trường phải mượn tạm nhà kho hợp tác xã, nhà văn hóa thôn để tổ chức dạy học. Năm 2006, trường được xây dựng 6 phòng học cấp 4 từ nguồn kinh phí của dự án Hỗ trợ kỹ thuật do Ngân hàng Phát triển châu Á, chương trình kiên cố hóa trường học và kinh phí đầu tư của Ủy ban Dân số - Gia đình và trẻ em tỉnh. Song, niềm vui chỉ thực sự trọn vẹn vào đầu năm học này khi trường được xây mới thêm 2 phòng học, nhà vệ sinh, bếp ăn một chiều, tường rào, khu hiệu bộ, nâng cấp nền sân với tổng kinh phí 3,6 tỉ đồng nhờ vào sự tài trợ của UBND TP Hồ Chí Minh và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Không giấu được niềm vui, Phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường Đặng Thị Hồng Trang bộc bạch: “Được tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tập thể cán bộ, giáo viên trường cố gắng tổ chức các lớp bán trú, nâng cao chất lượng nuôi, dạy trẻ, phấn đấu cuối năm học này được công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ 1”.

 

So với các huyện miền núi khác, năm học này, huyện Đồng Xuân đưa vào sử dụng nhiều điểm trường được xây mới từ nguồn xã hội hóa. Khó có thể diễn tả được niềm vui của cô trò Trường mầm non Đa Lộc điểm trường tại thôn 1 và Trường mầm non Xuân Phước điểm trường tại thôn 4 khi từ năm học 2015-2016, không còn phải mượn tạm nhà văn hóa thôn để làm nơi giảng dạy. Thay vào đó, mỗi điểm trường đã có một phòng học mới rộng rãi và đầy đủ tiện nghi do Hội tình nguyện Chung tay vì cộng đồng, Hội Sinh viên tỉnh phối hợp với địa phương xây dựng. Sự nỗ lực của các tình nguyện viên và các cấp ngành đã góp phần tăng thêm hứng thú đến trường của các em nhỏ nơi đây. Theo ông Nguyễn Hữu Từ, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, ngoài hai điểm trường nói trên, huyện còn có Trường mầm non bán trú xã Xuân Lãnh được xây mới với tổng kinh phí hơn 4 tỉ đồng, trong đó Tổ chức Loreto Việt Nam Úc hỗ trợ 1 tỉ đồng, cũng vừa được đưa vào sử dụng trong năm học này. Những công trình này đã góp phần tạo động lực để thầy trò huyện miền núi Đồng Xuân bám lớp, bám trường, nâng cao chất lượng giáo dục.

 

NỬA ĐỜI GÁNH CHỮ LÊN NGÀN

 

Rời thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa), vượt hơn 27km đường đồi dốc, chúng tôi tìm đến Trường tiểu học Krông Pa - nơi thầy giáo Trần Nam Lũy, một điển hình ngành GD-ĐT Phú Yên giai đoạn 2010-2015, đang miệt mài “gieo chữ”. 22 năm gắn bó với vùng đất Sơn Hòa, từ khi làm giáo viên các trường tiểu học: Pi Năng Tắc, Suối Bạc, Ea Chà Rang đến khi làm Hiệu trưởng Trường tiểu học Krông Pa, thầy Lũy đã mang con chữ đến với học trò ở gần hết các thôn buôn xa xôi của huyện. Thầy giáo quê ở phường 2, TP Tuy Hòa, kể rằng khi thầy mới đặt chân lên miền núi giảng dạy, huyện Sơn Hòa còn nghèo lắm, điện, đường, trường, trạm đều thiếu thốn. Để vận động học sinh đến lớp, thầy Lũy phải “lội bộ” vượt hàng chục cây số đường rừng, băng qua những con suối gồ ghề sỏi đá, bàn chân tóe máu. Thế nhưng, chưa một lần thầy giáo trẻ nản chí. Thầy đầu tư học tiếng dân tộc, gần gũi, thuyết phục bà con đồng bào dân tộc thiểu số cho con em đến lớp. Vì đa phần học sinh ở miền núi có cuộc sống khó khăn, nên để duy trì sĩ số, ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học, cứ vào đầu năm học mới, thầy Lũy cùng các giáo viên trong trường trích tiền lương và vận động các mạnh thường quân tiếp sức cho học trò nghèo. Nhờ vậy, 5 năm gần đây, Trường tiểu học Krông Pa do thầy Lũy quản lý, không có học sinh nào bỏ học. Hàng năm, trường luôn giữ vững công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, chất lượng học sinh lên lớp cuối năm đạt hơn 97%.

 

Còn với thầy Lương Công Tùng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (huyện Sông Hinh), gần 33 năm trong nghề là ngần ấy thời gian, thầy gắn đời mình với sự nghiệp trồng người ở miền ngược. Thầy giáo quê ở phường 4 (TP Tuy Hòa) này không thể nào quên thời điểm năm 1982 khi tình nguyện lên miền núi Tây Sơn (nay là huyện Sông Hinh) giảng dạy tại Trường THCS Cà Lúi. Thời bao cấp khó khăn, thầy Tùng sống trong căn nhà tập thể vách đất của trường, một buổi đi dạy, buổi còn lại đến nhà “năn nỉ” học sinh ra lớp. Theo thầy Tùng, phải dùng từ “năn nỉ” vì lúc đó, đời sống thiếu thốn, bà con ở miền núi quan tâm nhiều đến miếng ăn hơn là cái chữ, nên giáo viên phải đến nhà vận động mãi học sinh mới “chịu” ra lớp. Thầy Tùng bộc bạch: “Tôi nhớ mãi những em học trò người Ê Đê, mặt mũi đen nhẻm, áo quần lem luốc, đi chân đất đến trường, khi thấy tôi và các giáo viên khác liền chạy ào tới, hồn nhiên gọi “nai mtô” (có nghĩa là thầy giáo). Chính hình ảnh ấy đã thúc đẩy tôi phải ra sức dạy dỗ các em để góp phần thay đổi cuộc sống nghèo khó”.

 

Chính vì tâm nguyện đó nên trong những năm tháng làm Trưởng phòng GD-ĐT huyện Sông Hinh, sau đó làm Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, thầy Tùng đã chỉ đạo, tổ chức nhiều chương trình, hoạt động giáo dục học sinh mang lại hiệu quả cao. Bỏ phố lên núi dạy chữ, thành công lớn nhất với thầy giáo quê ở Tuy Hòa ngoài sự trưởng thành của học trò, còn là cái duyên gặp gỡ và nên nghĩa vợ chồng với cô giáo Nguyễn Thị Nhẫn, quê ở xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa), cũng tình nguyện lên miền núi dạy học. Dốc sức cho sự nghiệp trồng người ở miền núi, vợ chồng thầy Tùng cô Nhẫn mong muốn sẽ góp phần đưa chất lượng giáo dục nơi đây đi lên…

 

Cô trò Trường mầm non Sơn Hà (huyện Sơn Hòa) trong một giờ học

 

KHỞI SẮC GIÁO DỤC MIỀN NÚI

 

Trong những năm giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Trần Quang Nhất luôn dành nhiều sự quan tâm, ưu ái cho giáo dục miền núi. Hầu như lễ khai giảng năm học mới hay Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) năm nào, đồng chí cũng chọn các trường ở ba huyện miền núi để về thăm, chúc mừng đội ngũ nhà giáo và học sinh. Nhiều lần đến các trường, thấy cơ sở vật chất khang trang, nhìn cảnh thầy trò sôi nổi dạy học trong những phòng học kiên cố, đầy đủ trang thiết bị, đồng chí Trần Quang Nhất không giấu nổi niềm xúc động. Đồng chí cho rằng: “Nhờ thực hiện tốt các chính sách, đề án của Trung ương và địa phương về xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, hỗ trợ học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số nên bức tranh giáo dục miền núi Phú Yên đã có thêm nhiều gam màu tươi sáng. Dân có con chữ, thế nào miền núi cũng sẽ mạnh lên!”.

 

Là người gắn bó với giáo dục Phú Yên trong một chặng đường dài đầy gian nan và thử thách, từ 1985 đến 1998, hơn ai hết, Nhà giáo ưu tú, tiến sĩ Nguyễn Xuân Đàm, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, là người vui mừng nhất khi chứng kiến sự đổi thay của giáo dục miền núi. Mặc cho tuổi cao và bệnh tật hoành hành, ông giáo già kể cho chúng tôi nghe về giáo dục miền núi với những tình cảm đặc biệt nhất. Theo thầy Đàm, ngày tái lập tỉnh, Phú Yên thiếu trước hụt sau nhiều bề, giáo dục dường như phải bắt đầu từ con số không. Phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số khi đó không biết chữ, nhiều thôn, buôn ở miền núi “trắng” giáo dục. Các lớp học được dựng tạm bằng mái tranh vách đất. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đã quyết tâm vực dậy nền giáo dục non trẻ của tỉnh, nhất là địa bàn miền núi lúc bấy giờ bằng nhiều biện pháp như: xây dựng lại hệ thống trường học, tăng cường giáo viên từ đồng bằng lên miền núi dạy học, mở các trường dân tộc nội trú tỉnh và các huyện, vận động học sinh ra lớp… Thầy Đàm chia sẻ: “Ra Bắc vào Nam, tôi đều đi cả. Theo tôi thấy mặt bằng giáo dục miền núi của Phú Yên những năm gần đây phát triển không thua một tỉnh miền núi nào trong nước. Thậm chí, ở một số tỉnh, học sinh vùng cao còn học trong những lớp học tạm bợ, lụp xụp bằng tranh tre, thì tại Phú Yên, dù là điểm trường khó khăn nhất, các em cũng đã được học trong những phòng học kiên cố và bán kiên cố. Tôi tin tưởng giáo dục miền núi của tỉnh sẽ còn phát triển vượt bậc để góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương”.

 

BÀI 2: Nhân lên những mô hình hay, cách làm tốt

 

 

HÀ MY – THÙY THẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Người Phú Yên tâm huyết với võ dân tộc
Thứ Bảy, 14/11/2015 10:21 SA
Bộ đội 202
Thứ Sáu, 13/11/2015 13:00 CH
Lính hải đội
Thứ Sáu, 06/11/2015 07:51 SA
Ngựa thồ ở Mỹ Phú 2
Thứ Bảy, 26/09/2015 14:46 CH
BÀI CUỐI: Một con người nhân hậu
Thứ Tư, 09/09/2015 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek