Thứ Năm, 02/05/2024 03:34 SA
Bộ đội 202
Thứ Sáu, 13/11/2015 13:00 CH

Trong kháng chiến chống Mỹ, nhắc đến bộ đội Đặc công 202 Tỉnh đội Phú Yên là kẻ thù kinh hoàng khiếp vía bởi những trận đánh “xuất quỷ nhập thần” với cách đánh sở trường trở thành thương hiệu, truyền thống của đơn vị là “bí mật bất ngờ, luồn sâu áp sát, đánh hiểm, đã đánh là thắng”. Còn hôm nay, nói đến bộ đội Trinh sát 202 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, người dân địa phương luôn dành cho họ sự mến phục và tình thương yêu ngập tràn. Những người lính Cụ Hồ của Đại đội TS 202 hôm nay đang viết tiếp truyền thống của Đại đội ĐC 202 anh hùng.

 

Sau khi Nghị quyết 15 của Trung ương (tháng 1/1959) ra đời, tháng 10/1959, một tổ đặc công gồm năm đồng chí thuộc Tiểu đoàn 323 ĐC Quân khu 5 được điều về làm nòng cốt phát triển lực lượng đặc công của Phú Yên. Đây là tổ đặc công đầu tiên của tỉnh và cũng là tiền thân của Đại đội ĐC 202 sau này, Đại đội TS 202 hiện nay.

 

Biểu diễn võ Trinh sát - một (tay không) đánh hai có trang bị vũ khí - Ảnh: L.VIỆT

 

NHÂN CHỨNG

 

Về thăm lại chiến trường xưa Phú Yên, nơi đã từng vào sinh ra tử và gửi lại một phần thân thể vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, ông Nguyễn Cao Chí, nguyên Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm (Hà Nội), Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, nguyên chiến sĩ Đại đội ĐC 202, bùi ngùi nhớ lại: “Hồi ấy, cái chết và sự sống rất đỗi mong manh. Thường trước mỗi trận đánh giáp mặt với quân thù, chúng tôi đều tổ chức “lễ truy điệu sống” và đào sẵn những chiếc huyệt “không biết dành cho cậu hay cho tớ”. Khát vọng giành độc lập, tự do thống nhất Tổ quốc là sức mạnh to lớn để chúng tôi chiến đấu và sẵn sàng hy sinh”.

 

Ông Chí sinh ra và lớn lên bên bờ sông Hồng, giữa lòng Thủ đô. Năm 1968, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ Hà thành này xếp bút nghiên xung phong nhập ngũ, lên đường vào Nam chiến đấu, trở thành chiến sĩ Đại đội ĐC 202 Phú Yên. Người thương binh 2/4 với năm lần bị thương, cơ thể vẫn còn chứa nhiều mảnh đạn này, nhớ lại: “Sau khi Mỹ chính thức đổ quân vào, chiến trường miền Nam nói chung, Phú Yên nói riêng trở nên rất ác liệt. Tôi cùng đồng đội đã nhiều lần vào sinh ra tử ở chiến trường này. Tại huyện Đồng Xuân, tôi đã hai lần tham gia tập kích cứ điểm Trung tâm Huấn luyện biệt kích Đồng Tre. Sau trận tập kích lần thứ nhất vào tối 28 rạng sáng 29/8/1970, tôi được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng cùng với hai đồng chí khác. Đại đội trưởng Lương Tấn Thịnh là người công bố quyết định chuẩn y. Lần thứ hai là vào đêm 12/4/1972, chúng tôi xóa sổ căn cứ đã gây ra nhiều tội ác này”. Chính trên mảnh đất thân yêu này, bao đồng chí, đồng đội của tôi đã ngã xuống để cho quê hương, xóm làng được bình yên như hôm nay. Tôi còn nhớ câu nói của người đồng đội Vũ Duy Duẩn khi tiễn tôi ra Bắc điều trị thương: “Ngày thống nhất, tớ sẽ gặp cậu tại Thủ đô, chúng mình sẽ cùng chung tay gánh vác nhiệm vụ...”. Nhưng đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp anh. Duẩn hy sinh tại núi Chóp Chài năm 1973”.

 

KHỔ LUYỆN

 

Phát huy truyền thống của đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Mỹ, những người lính của Đại đội TS 202 hôm nay không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị, tinh thông nghiệp vụ sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

 

Thực hành leo lên, leo xuống nhà cao tầng bằng dây thừng - Ảnh: L.VIỆT

 

Có tận mắt chứng kiến những buổi tập luyện võ thuật, chiến thuật của những người lính làm nhiệm vụ đặc biệt này, chúng tôi mới hiểu được hàm ý của câu: “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Các chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ, thân hình rắn chắc trong quân phục đặc trưng, đội hình chỉnh tề đồng loạt biểu diễn các bài quyền, sau đó chia thành từng tốp thực hiện các bài tập đánh địch bằng tay không, đánh địch có vũ khí (dao, súng…). Lúc thì một đánh một, rồi một đánh hai…, có lúc một đánh hạ bốn. Những động tác võ của các trinh sát vừa nhu vừa cương, biến đổi khôn lường, thoạt nhìn tưởng đơn giản nhưng dũng mãnh vô cùng. Tranh thủ tiếp xúc với các chiến sĩ trong giờ giải lao, thượng úy, trinh sát viên Nguyễn Đức Hạnh chia sẻ: "Để có thể hạ được đối phương nhanh, gọn, chúng tôi phải rèn luyện từ cơ bản đến chuyên sâu một cách kỹ càng; kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa giữa các môn võ truyền thống của dân tộc và võ Trinh sát. Mỗi một động tác, mỗi thế võ phải tập đi tập lại nhiều lần cho đến khi thuần thục, thành kỹ năng, phản xạ tự nhiên”. Qua tiếp xúc, được biết anh trinh sát viên có nụ cười hiền, thân hình rắn chắc này quê ở xã Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa). Sau khi cùng đồng đội thị phạm, biểu diễn “cận cảnh” cho chúng tôi xem một số thế võ khống chế, quật ngã và tiêu diệt đối phương của bộ đội trinh sát rất dứt khoát, nhanh gọn và bất ngờ, trinh sát viên 38 tuổi đời, 20 năm tuổi “nghề” này giải thích: “Võ Trinh sát được đúc kết từ tinh hoa võ cổ truyền của dân tộc qua hai cuộc kháng chiến. Đây là võ tự vệ, cận chiến, mạnh mẽ, dứt khoát, không cho đối phương cơ hội chống đỡ”. Còn theo trung úy, Đại đội phó Phan Văn Thu, để gặt hái được thành quả, người chiến sĩ trinh sát phải có tinh thần thép và ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn ban đầu. “Để hoàn thành nhiệm vụ thì phải giỏi chuyên môn (giỏi võ - PV). Muốn giỏi võ thì phải khổ luyện: không sợ đau, không sợ khổ, phải cực kỳ nhẫn nại, chiến thắng các yếu tố khách quan như địa hình, thời tiết, côn trùng… Trong đó, quan trọng là chiến thắng chính mình”, trung úy Phan Văn Thu chia sẻ.

 

Trong đội hình trinh sát viên là lính nghĩa vụ, nhiều chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ nhưng võ nghệ khá tinh thông, như Lê Thọ An, chiến sĩ Trung đội TS Bộ binh 2. Tìm hiểu thì được biết, An sinh năm 1992, quê xã Xuân Thọ 1 (TX Sông Cầu). Trước khi nhập ngũ, tháng 9/2014, An đã tốt nghiệp cao đẳng ngành Kế toán Trường đại học Xây dựng Miền Trung, làm việc được một năm và đã là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. An tâm sự: "Được vào bộ đội, đặc biệt là trở thành chiến sĩ của một đơn vị anh hùng có bề dày truyền thống hơn 50 năm như Đại đội TS 202 là niềm tự hào và vinh dự lớn đối với những thanh niên trẻ như tôi. Thời gian mới về đơn vị, tôi cũng có chút lo lắng. Nhưng nhờ được sự dìu dắt, hướng dẫn tận tình của các cấp chỉ huy và sự đùm bọc, giúp đỡ thương yêu lẫn nhau của đồng chí, đồng đội, cảm giác đó đã qua mau. Trong thời gian qua, chúng tôi luôn nỗ lực trong học tập và chịu khó khổ luyện. Giờ thì tôi rất tự tin về nghiệp vụ, chuyên môn của mình và càng ra sức ôn luyện thật tốt với mong ước được phục vụ lâu dài trong quân đội”.

 

Ở những khu vực khác, các trinh sát viên đang ôn luyện kỹ thuật leo tường, khắc phục các loại địa hình thực hiện nhiệm vụ A2, tiêu diệt địch, giải thoát con tin. Ngắm những người lính trẻ với áo cộc, quần cộc, toàn thân được hóa trang hòa lẫn với màu đất, màu than, màu cỏ đang trườn, bò trên nền cỏ dại, gạch, đá, chui qua hàng rào kẽm gai sắc nhọn như không, chúng tôi có cảm giác thời gian đang trôi rất chậm, nghe rõ mồn một tiếng tích tắc của kim giây đồng hồ. Đặc biệt, chứng kiến các trinh sát bám tường leo lên leo xuống nhà cao tầng bằng dây thừng, có lúc quay đầu ngược xuống đất hoặc leo theo dây thu lôi, đẩy bằng sào, chồng người lên nhau, quăng dây nhảy từ nhà này sang nhà khác..., ai cũng phải nín thở. Thế nhưng tất cả đều diễn ra nhanh, gọn; các chiến sĩ thể hiện thuần thục, chính xác đến từng động tác, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

 

"Với các binh chủng khác, vũ khí ngày càng hiện đại, nhưng với những người lính trinh sát chúng tôi, phương tiện chiến đấu thường nhỏ gọn và đơn giản như tiểu liên, lựu đạn, thủ pháo, dao găm...; và cái không thể thiếu đó là ý chí sắt đá, bản lĩnh thép và sự khổ luyện để làm nên chiến thắng”, thượng úy, Đại đội trưởng Cao Trần Thanh Trung đúc kết ngắn gọn.

 

Vun đắp bề dày truyền thống đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cùng với huấn luyện giỏi, sẵn sàng cơ động chiến đấu cao, trong thời gian qua, Đại đội TS 202 còn thường xuyên tổ chức huấn luyện dã ngoại kết hợp với làm công tác giúp dân, nhất là ở các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bộ đội 202 cũng là lực lượng đi đầu trong công tác phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai nên luôn được quần chúng nhân dân tin yêu, quý mến, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ.

 

Từ ngày thành lập (20/2/1964) cho đến ngày 1/4/1975, giải phóng Phú Yên, Đại đội ĐC 202 đã đánh trên 200 trận lớn, nhỏ tiêu diệt 3 liên đoàn bảo an, 25 đại đội địch (có 2 đại đội Mỹ, 1 đại đội Triều Tiên), 42 trung đội, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 5.000 tên địch (trong đó có 927 lính Mỹ, 284 Nam Triều Tiên); thu và phá hủy hàng ngàn vũ khí và quân trang quân dụng của địch, góp phần quan trọng vào chiến công chung của quân và dân Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước . Nhiều trận đánh của đơn vị đã được chọn làm Chiến lệ (làm mẫu) tại Trường Đặc công Quân Khu 5, như trận đánh vào Chi khu Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) đêm 28/8/1970, hay trận đánh vào Chi khu Phú Tân (huyện Tuy An) đêm 2/12/1970... Đơn vị được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều huân chương, huy chương cao quý. Đồng chí Lương Tấn Thịnh và đồng chí Lê Trung Kiên, hai đại đội trưởng của đơn vị cũng được phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

 

LẠC VIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Lính hải đội
Thứ Sáu, 06/11/2015 07:51 SA
Ngựa thồ ở Mỹ Phú 2
Thứ Bảy, 26/09/2015 14:46 CH
BÀI CUỐI: Một con người nhân hậu
Thứ Tư, 09/09/2015 13:00 CH
Hương SS4U
Thứ Tư, 09/09/2015 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek