Trong chuyến hải trình ra thăm quân dân huyện đảo Trường Sa vừa qua, điểm đến đầu tiên của đoàn công tác trên tàu HQ 571 do đại tá Bùi Đình Dương, Phó Lữ đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa làm trưởng đoàn là đảo Song Tử Tây. Đây cũng chính là đảo đầu tiên trên quần đảo Trường Sa được giải phóng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh xuân 1975, cách đây 43 năm, tạo đà giải phóng các đảo còn lại, góp phần vào đại thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Nằm ở tọa độ 11026’ vĩ Bắc, 114020’ kinh Đông, cách bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa) 308 hải lý, đảo Song Tử Tây với diện tích khoảng 0,17km2. Đây là đảo lớn hàng thứ sáu trong số các đảo tại quần đảo Trường Sa. Nhìn từ xa, đảo có hình bầu dục này như một khu rừng thu nhỏ, mọc lên giữa đại dương mênh mông. Theo các tài liệu cũ, vào thời điểm năm 1975, Song Tử Tây và các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn… do ngụy quân Sài Gòn đóng giữ với lực lượng khoảng 150 quân thuộc Tiểu đoàn 371 Phước Tuy. Riêng đảo Song Tử Tây có 39 quân do một viên thiếu úy chỉ huy.
Ngày truyền thống 14/4
Đại tá Bùi Đình Dương cho biết, sau Chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng cuối tháng 3/1975, với tầm nhìn xa trông rộng mang tính chiến lược, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề xuất với Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đánh chiếm quần đảo Trường Sa sớm, để tránh các thế lực bên ngoài nhòm ngó. Trước khí thế tấn công như vũ bão cùng những thắng lợi dồn dập của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam, ngày 4/4/1975, Bộ Chính trị, Thường vụ Quân ủy Trung ương chính thức giao nhiệm vụ cho Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân “khẩn trương nghiên cứu kế hoạch tác chiến và tiến hành mọi công tác chuẩn bị để khi có thời cơ thì kịp thời giải phóng quần đảo Trường Sa”. Chấp hành mệnh lệnh của trên, Bộ Tư lệnh Hải quân quyết định dùng phân đội tàu của Đoàn 125 gồm 3 tàu: 673, 674, 675 phối hợp cùng Đội 1 của Đoàn 126 và lực lượng Đặc công Quân khu 5 giải phóng các đảo. Chiến dịch mang mật danh “C75”.
Ngày 9/4/1975, trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, trong khi quân giải phóng đang dồn dập tiến quân vào Xuân Lộc và chọc thủng tuyến phòng thủ Tân An, Bộ Tư lệnh Hải quân nhận được chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu: Tiến đánh Song Tử Tây! 4 giờ sáng ngày 11/4/1975, trên 3 tàu cá ngụy trang Đội 1 Đoàn 126 Đặc công Hải quân và một bộ phận hỏa lực thuộc Tiểu đoàn 471 (Quân khu 5), từ Đà Nẵng bí mật hành quân nhằm hướng Song Tử Tây thẳng tiến. Với phương châm “thần tốc - táo bạo - bất ngờ”, rạng sáng 14/4/1975, dưới sự chỉ huy của Đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế, Đội 1 Đặc công Hải quân Đoàn 126, chia làm 3 mũi, bí mật áp sát đảo. 3 giờ 55, các mũi tiếp cận xong và áp sát mục tiêu.
Đúng 4 giờ sáng ngày 14/4/1975 ta bắt đầu nổ súng. Sau gần 20 phút chiến đấu, trước sự tấn công bất ngờ của ta, địch phản ứng yếu ớt, buộc phải đầu hàng, cờ giải phóng tung bay trên đảo, ta làm chủ hoàn toàn trận đánh. Viên thiếu úy chỉ huy đảo cùng 38 tên lính bị ta bắt giữ, thu toàn bộ vũ khí và quân trang. Từ đó, 14/4 trở thành Ngày truyền thống của đảo Song Tử Tây.
Điểm tựa vững chắc của ngư dân
Từ ngày giải phóng đến nay, quân và dân huyện đảo Trường Sa nói chung, đảo Song Tử Tây nói riêng đã kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đảo. Không như trước đây, trên đảo chỉ có nắng và gió đến rát mặt, khô người. Đến với Song Tử Tây hôm nay, ai ai cũng ngỡ ngàng trước sự vươn mình, thay đổi mạnh mẽ ở nơi đầu sóng ngọn gió này. Cùng với cây xanh tạo “lá chắn” bảo vệ, điều hòa nhiệt độ ở đảo, đường sá cũng được quy hoạch khoa học, bê tông hóa, thuận tiện cho việc đi lại. Đảo đã có điện thắp sáng bằng năng lượng sạch, điện thoại phủ sóng 2G. Nhiều công trình dân sinh như: nhà ở, trường học, bệnh xá, chùa... được tôn tạo, xây mới kiên cố, khang trang, đáp ứng nhu cầu, phục vụ đời sống của quân và dân trên đảo. Nơi đây còn có cả công viên, sân vận động, khu vui chơi giải trí cho người dân và bộ đội. Âu tàu đủ chỗ cho hàng trăm tàu thuyền của ngư dân vào neo đậu tránh bão, tiếp nhiên liệu, nước ngọt… Đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ chiến sĩ và người dân trên đảo hiện nay không còn khác với đất liền là bao.
Ngư dân Đặng Cu Em (khu phố 4, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa), thuyền trưởng tàu cá PY 90018TS cho biết: Song Tử Tây và các đảo trên quần đảo Trường Sa do bộ đội ta canh giữ là những ngôi nhà giữa biển để bà con ngư dân Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Khánh Hòa... ghé vào khi giông bão hay gặp sự cố. Nơi đây - Trường Sa luôn là điểm tựa vững chắc cho những ngư dân vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế, khẳng định chủ quyền của đất nước. Tôi tin rằng, với sức trẻ của mình và sự chung tay góp sức của cả nước, Song Tử Tây nói riêng, Trường Sa nói chung sẽ ngày càng phát triển, đổi mới hơn nữa”.
Đảo Song Tử Tây được giải phóng làm quân địch trên quần đảo Trường Sa hoang mang, dao động, tạo điều kiện cho ta giải phóng các đảo còn lại thuận lợi: Ngày 25/4 ta giải phóng đảo Sơn Ca, tiêu diệt và bắt sống 25 tên địch, tịch thu vũ khí cùng toàn bộ quân trang; 10 giờ 30 ngày 27/5/1975, ta hoàn toàn làm chủ Nam Yết; 10 giờ 20 ngày 28/4/1975, ta làm chủ đảo Sinh Tồn và đến 9 giờ ngày 29/4/1975, phân đội chiến đấu cuối cùng của Lữ đoàn 126 đổ bộ làm chủ đảo Trường Sa. Chiến thắng giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa có ý nghĩa chiến lược góp phần quan trọng vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. |
XUÂN HIẾU