Thứ Sáu, 20/09/2024 08:07 SA
“Mắt biển” Sơn Ca
Thứ Bảy, 21/04/2018 08:23 SA

Đèn biển Sơn Ca là một trong chín trạm hải đăng ở quần đảo Trường Sa. Trong chuyến ra thăm quân và dân ở huyện đảo này, tôi đã có dịp cùng “gác đèn” với những người lính “không quân hàm” ở đảo tiền tiêu này.

 

 

Đèn biển đảo Sơn Ca  - Ảnh: XUÂN HIẾU

Những người lính “không quân hàm”

 

Nằm cách đất liền (cảng Cam Ranh, Khánh Hòa) hơn 330 hải lý, từ ngoài khơi nhìn vào, Hải đăng Sơn Ca sừng sững uy nghi, kiêu hãnh như một pháo đài bất khả xâm phạm. Đêm về, từ trên đỉnh tháp, những luồng ánh sáng mãnh liệtquét xa hàng chục hải lý như xuyên thấu bầu trời, rọi xuống đáy biển sâu.

 

Bởi vậy, nó được ví như “con mắt” của biển. Canh gác cho ngọn đèn biển này là 4 cán bộ, nhân viên và họ được xem như những người lính “không quân hàm” của đảo Sơn Ca. Đèn biển Sơn Ca không chỉ giúp tàu thuyền xác định đúng vị trí mà còn làmột trong những cột mốc chủ quyềncủa Việt Nam giữa trùng khơi, giúp ngư dân khi đánh bắt, khai thác hải sản trên vùng biển này của Tổ quốc thấy an toàn hơn giữa biển trời mênh mông.

 

Ngoài nhiệm vụ đảm bảo cho đèn không bao giờ tắt, các anh còn tham gia các đợt huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và phải tăng gia sản xuất hàng ngày.

 

Trạm trưởng Đèn biển Sơn Ca hiện nay là anh Nguyễn Đức Thanh. Người đàn ông quê Hải Phòng, có nước da đen chắc, với 46 tuổi đời trong đó có 23 năm làm nhiệm vụ “gác đèn biển” này cho biết trên quần đảo Trường Sa có 9 ngọn hải đăng do Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam quản lý, được đặt ở 3 đảo chìm (Đá Lát, Đá Tây, Tiên Nữ) và 6 đảo nổi (Trường Sa Lớn, An Bang, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca và Song Tử Tây). Đèn biển Sơn Ca nằm ở tọa độ 10022’42” vĩ Bắc - 114028’33’’ kinh Đông, tháp đèn cao 28m, tâm sáng 25,5m chớp trắng nhóm 2, chu kỳ 10 giây, đèn chính: VMS.RB 220, đèn phụ: MSCI.MB 300, tầm hiệu lực 15 hải lý.

 

Đặc biệt, Sơn Ca là ngọn hải đăng thu hút sự chú ý của tàu thuyền qua lại do kết cấu cầu kỳ ở phần ngọn và màu vàng - đỏ bắt mắt của thân tháp trên nền xanh của đảo. Ban ngày, vào những lúc thời tiết tốt, từ cách xahàng chục hải lý tàu thuyền qua lại có thể nhìn thấy ngọn hải đăng này.

 

Cũng theo Trạm trưởng Nguyễn Đức Thanh, việc xây dựng một ngọn hải đăng giữa biển khơi không hề đơn giản. Bên cạnh việc chuyên chở vật liệu, trang thiết bị, còn phải bảo đảm hàng hóa, thực phẩm tiếp tế cho công nhân xây dựng. Còn để đèn biển luôn luôn sáng trong bất kể điều kiện thời tiết, những người “thợ đèn” phải thay phiên nhau túc trực. Một ca trực thường kéo dài 2 tiếng.

 

“Thợ đèn” Bùi Đình Hùng, quê Bà Rịa - Vũng Tàu, chia sẻ: “Đèn thường được mở từ 17 giờ 30 hôm trước đến 5 giờ 30 sáng hôm sau. Ngày nào có giông gió, sương mù thì phải mở đèn sớm hơn và tắt muộn hơn. Khi gặp sự cố, đèn chính bị hỏng, thì đèn phụ được “thắp” lên để thay thế và việc khắc phục lập tức được tiến hành ngay”. Những người thợ “gác đèn” ngày nào cũng phải vệ sinh đèn chính, đèn phụ, bên trong và bên ngoài lồng kính, nhà pha vào buổi sáng; đồng thời kiểm tra hệ thống máy móc, ắc-quy, máy phát để đảm bảo đèn không bao giờ “chết”.

 

Giữa đêm phải kiểm tra hiệu lực đèn trong khoảng từ 0-2 giờ. Đây là công việc bắt buộc và phải làm cẩn thận để ban đêm đèn được sáng nhất cho tàu thuyền trên biển có thể nhìn thấy từ xa. “Công việc tưởng đơn giản, nhưng để được ra đảo gác đèn không phải dễ. Những ai không đảm bảo sức khỏe, có bệnh tật nan y hay nguy cơ bệnh nặng thì không được ra trạm”, anh Hùng cho biết thêm.

 

Ở trạm nhớ nhà, về nhà nhớ trạm

 

Thật thiếu sót khi đặt chân đến trạm đèn này mà không lên đỉnh tháp để ngắm nhìn biển cả từ trên cao và hòn đảo nhỏ thân yêu luôn được sóng biển vỗ về. Để lên được lồng kính của ngọn hải đăng ở độ cao gần 30m này phải leo lên từng bậc thang gỗ đã nhuốm màu thời gian bạc phếch theo hình xoắn ốc, dựng đứng. Càng lên cao, diện tích ngọn tháp càng thu hẹp lại.Với những người yếu tim thì không nên thử dù chỉ một lần, vì không chỉ bị chóng mặt bởi độ cao mà còn có cảm giác bị đung đưa, lắc lư theo gió.

 

Ban ngày, từ đỉnh tháp có thể quan sát gần như toàn bộ đảo Sơn Ca và biển xanh sóng vỗ nhấp nhô tàu thuyền qua lại. Còn vào ban đêm, nhìn ra xung quanh, biển cả tối đen như mực, thỉnh thoảng mới bắt gặp một vài vệt sáng le lói từ các tàu cá của bà con ngư dân và tàu vận chuyển hàng hóa của các nước qua lại.

 

Với 23 năm làm công việc “gác đèn” biển ở 9/9 trạm hải đăng, Trạm trưởng Nguyễn Đức Thanh đã có đến 14 lần đón Tết ở Trường Sa. Trừ hai đảo Nam Yết và Sinh Tồn, các đảo có trạm hải đăng còn lại anh đều đón giao thừa ở đó, nơi ít nhất là hai lần.

 

Theo lịch, thời gian thay ca với nhân viên là 6 tháng, với trạm trưởng là 9 tháng. Mỗi đợt nghỉ phép khoảng 3 tháng là lại ra gác đèn. Trường hợp đặc biệt, có thể xin nghỉ phép lâu hơn hoặc trở lại làm việc sớm hơn.

 

“Đây là lần thứ ba tôi làm nhiệm vụ “gác đèn” ở đảo Sơn Ca”, anh Thanh chia sẻ. Người trạm trưởng có vợ và hai con này cho biết, anh học ngành Hàng hải rồi đi “gác đèn” từ trên bờ đến ngoài biển, hết đảo này đến đảo khác. Còn vợ anh làm trong ngành Công an. Hai người yêu nhau được 2 năm là tổ chức đám cưới, khi ấy anh đã 30 tuổi.

 

Trước đây giữa “tiền tuyến” và “hậu phương” chỉ liên lạc với nhau bằng thư tay, có khi 5-6 tháng mới nhận được. Một lần về quê ăn Tết, mãi 29 tháng Chạp anh mới lên tới bờ và đi bằng tàu hỏa, rồi xe đò 3-4 chặng, đến mùng 2 mới về tới nhà. Khi vợ sinh con thứ hai, anh đang ở đảo Tiên Nữ, nhưng phải 8 tháng sau mới được nghỉ phép về thăm nhà.

 

“Khi ấy con tôi đã biết ngồi và cứ len lén nhìn trộm bố chứ không cho bồng. Đến khi bố con quen thân, quấn quýt với nhau rồi thì tôi lại khăn gói ra đảo.Hiện nay, việc tiếp tế từ đất liền đã thuận lợi hơn, sóng điện thoại đã phủ khắp các đảo nên có thể gọi điện về thăm hỏi gia đình thường xuyên. Các con tôi nay cũng đã lớn, một đứa học lớp 10, một đứa học lớp 7 và rất ngoan hiền; “hậu phương” thì cực kỳ vững chắc nên tôi yên tâm công tác”, anh Thanh cho biết.

 

So với đảo chìm, cuộc sống của những người gác đèn ở đảo nổi như Sơn Ca có điều kiện tốt hơn. Ngoài phòng ăn, phòng ngủ, nhà bếp riêng biệt, trạm còn có phòng tập thể thao, phòng khách được trang bị tivi LCD, điện thoại, có đất để trồng rau xanh, cải thiện bữa ăn và nước ngọt cũng đầy đủ. Tuy nhiên, cuối năm 2017, Sơn Ca và nhiều đảo khác đón liên tiếp 3 cơn bão lớn. Đầu năm 2018 lại hứng chịu cơn bão số 1. Cơ sở vật chất, máy móc thiết bị… xuống cấp, hư hỏng sau mỗi cơn bão; vườn rau và nhiều thành quả lao động khác bị mất trắng.

 

Điều kiện trên đảo khắc nghiệt là vậy nhưng không vì thế mà những người lính “gác đèn” nản lòng. “Lúc ở trạm thì nhớ nhà, ai cũng muốn về. Nhưng khi về rồi lại nhớ đèn, nhớ biển nên lại ngóng đến ngày lên tàu… ra đảo”, anh Bùi Đình Hùng thổ lộ.

 

XUÂN HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hành trang lính đảo Trường Sa
Thứ Bảy, 14/04/2018 08:22 SA
Vì biển đảo quê hương
Thứ Bảy, 07/04/2018 08:16 SA
Tàu HQ 571 - Nối đất liền với Trường Sa
Thứ Bảy, 24/03/2018 09:30 SA
Xanh ngát Trường Sa
Thứ Bảy, 17/03/2018 08:57 SA
Làng chài ở đảo tiền tiêu
Thứ Bảy, 10/03/2018 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek