Với trang giấy dó và chiếc bút chì, chỉ qua vài nét bút, chân dung của người lính đảo đã hiện lên sống động trong bức vẽ của họa sĩ Đỗ Văn Khải (Đỗ Khải). Anh là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, đang công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương - tỉnh kết nghĩa với Phú Yên.
Trong đoàn công tác ra thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa trên tàu HQ 571 (Hải đội 411, Vùng 4 Hải quân) vào đầu năm nay, chỉ duy nhất Đỗ Khải là họa sĩ. Nếu như các phóng viên, nhà báo ghi lại hình ảnh của Trường Sa chủ yếu bằng những con chữ, khuôn hình… thì Đỗ Khải ghi lại bằng những bức ký họa. Với vẻ ngoài phong trần trong đồ rằn ri bó sát người hoặc áo thun quần jean, luôn kè kè chiếc máy ảnh bên hông cùng cuộn giấy dó và cây bút chì, họa sĩ Đỗ Khải đã gây sự chú ý với nhiều người khi còn chưa đặt chân lên tàu.
Trường Sa - nguồn cảm hứng bất tận
Họa sĩ người Hải Dương sinh năm 1969 này cho biết, đây là lần thứ hai anh đến với Trường Sa; lần đầu là vào tháng 4/2014. Theo Đỗ Khải, Trường Sa rất thiêng liêng, ẩn chứa nhiều điều là nguồn cảm hứng bất tận với những người sáng tác, mà một họa sĩ như anh nếu chỉ một vài lần đến không bao giờ khám phá hết. “Nếu như lần trước là những trải nghiệm đầu tiên về Trường Sa và những người lính đảo thì lần này, tuy vất vả nhưng cũng thú vị hơn, thật sự để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Tôi đã được trải nghiệm sóng gió của mùa biển động, thấu hiểu nỗi vất vả của anh em lính đảo. Nhiều ngày lênh đênh, cùng “say” với con tàu; rồi lại được ở lại đêm trên đảo, tham gia nhiều hoạt động giúp tôi hiểu thêm đời sống, tâm tư của những người lính nơi tiền tiêu của Tổ quốc”, Đỗ Khải tâm sự.
Ngay khi vừa đặt chân đến Song Tử Tây, điểm đảo đầu tiên của hải trình dài gần 3 tuần thăm quân và dân các đảo Bắc Trường Sa, họa sĩ Đỗ Khải đã khiến nhiều người bất ngờ bởi tài ký họa của anh. Chỉ qua vài nét vẽ, hòn đảo với những cây bàng vuông, ngọn hải đăng, mái chùa cổ kính, hệ thống điện gió… đã hiện lên chân thực và sinh động. Đến khi anh ký họa chân dung của các công dân và cán bộ, chiến sĩ trên đảo thì từ người được vẽ đến người chứng kiến ai cũng trầm trồ, thán phục.
Bức chân dung anh ký họa đầu tiên trong chuyến hải trình về lại Trường Sa lần này là công dân tí hon được sinh ra tại Song Tử Tây Đoàn Phúc Vi Sa (3 tuổi). Khi nhận được bức tranh vẽ con gái yêu của mình, cả ba và mẹ cháu đều xuýt xoa vì “đẹp quá!”. Họa sĩ Đỗ Khai bảo đây là thế hệ măng non, là sức sống mới của Trường Sa. Chính điều này đã tạo cho anh cảm hứng để hình thành nên bức vẽ chỉ trong vài phút. Rồi anh dành phần lớn thời gian để ký họa chân dung những người lính đảo.
Quan sát thật tỉ mỉ phong cách và nét mặt của từng người, anh tìm ra điểm chung của lính đảo rồi… họa. Chỉ vài nét vẽ với hai màu đen trắng, khuôn mặt rắn rỏi của người lính đảo, rồi vành mũ, ve áo, cầu vai… hiện ra sống động, toát lên thần thái rất riêng của nhân vật mà cũng rất đặc trưng của những người lính biển, không thể trộn lẫn. Chỉ khoảng 10-15 phút là bức tranh đã hoàn thành.
Ấp ủ một triển lãm cá nhân về Trường Sa
Trong suốt hải trình gần 20 ngày đến với Trường Sa, khi ở trên tàu, mặc dù trong điều kiện sóng biển có lúc cấp 7, cấp 8, giật cấp 9 nhưng mỗi khi ngồi dậy được là Đỗ Khải lại vác đồ nghề đi đến từng phòng, tranh thủ ký họa chân dung các thủy thủ tàu HQ 571 như một lời tri ân chân tình đối với những người đã vất vả phục vụ đoàn công tác. Một số anh chị em nhà báo mến tài cũng nhờ anh ký họa chân dung để làm kỷ niệm; có khi chính Đỗ Khải tự chọn nhân vật để ký họa.
Hôm đến thăm đảo dừa Nam Yết, điểm cuối cùng của cuộc hải trình trước khi về lại đất liền, ngay dưới gốc cây di sản bàng vuông 8 nhánh, họa sĩ Đỗ Khải xuất thần liên tiếp ký họa chân dung của 5, 6 cán bộ chiến sĩ. Bức họa nào cũng sống động đến lạ thường.
Hạ sĩ Võ Hữu Tín (quê ở xã Ninh Thọ, TX Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) bày tỏ cảm xúc khi được họa sĩ Đỗ Khải ký họa và tặng bức tranh chân dung với hai màu đen trắng: “Đây là lần đầu tiên tôi được một họa sĩ ký họa chân dung. Món quà có một không hai từ họa sĩ Đỗ Khải được thực hiện ở ngay nơi hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc này càng thêm ý nghĩa, khiến tôi rất hạnh phúc”.
Còn đại úy Lê Mạnh Cường thổ lộ khi ngồi ngắm lại chân dung của mình qua nét vẽ của Đỗ Khải: “Đây là món quà quý và kỷ niệm không thể nào quên của tôi về Nam Yết cũng như đối với họa sĩ Đỗ Khải. Bức chân dung này sẽ là hành trang cùng tôi trong suốt chặng đường còn lại của những năm tháng trong quân ngũ và về sau”.
Ngoài ký họa, Đỗ Khải còn chụp rất nhiều ảnh về phong cảnh, cuộc sống đời thường của quân dân huyện đảo Trường Sa. Theo anh, cũng là bộ đội nhưng bộ đội Trường Sa có nét đặc trưng riêng. Cũng là người dân nhưng người dân ở Trường Sa không thể lẫn với người dân trên đất liền. Dù ở nơi đầu sóng ngọn gió, vất vả, gian nan, nhưng những người lính Trường Sa vẫn luôn can trường, kiên trung giữ đảo, rất hồn nhiên, trong sáng và yêu đời. Cái nắng, cái gió ở đây cũng rất đặc trưng.
“Tôi rất vui về việc làm nhỏ bé của mình đã đem lại niềm vui cho quân dân trên đảo. Những bức chân dung ký họa trong lần về lại Trường Sa này tôi đều tặng lại cho nhân vật, chỉ chụp lại ảnh để lưu kỷ niệm. Tôi đang ấp ủ ý tưởng sẽ tổ chức một triển lãm cá nhân về Trường Sa và những người lính đảo thân thương”, Đỗ Khải trải lòng.
XUÂN HIẾU